Mình sinh ra trong một gia đình mà mọi người không quan tâm đến tôn giáo cho lắm, cho đến khi mình ra trường và va phải cuộc đời. Ôi những ngày tháng chênh vênh ấy, biết nói sao nhỉ ? Bạn có bao giờ cảm thấy như mình đang bơi trong vô định trước biển lớn cuộc đời chưa? Rồi mình tìm đến Đạo Phật, như một cái duyên với cuốn sách cực hay của thầy Thích Nhất Hạnh: "Đường xưa mây trắng". Khi đọc cuốn sách này hình ảnh Đức Phật mà mình sẽ gọi thân thương là Bụt, hiện lên như một con người thật sự với những ước vọng cứu giúp nhân loại. Bụt trong sách là một con người, vâng, người cũng đau khổ cũng phải vượt qua biết bao khó khăn để chứng được Đạo.
Đôi chân trần, áo cà sa, bình bát cùng tăng đoàn rong rủi khắp miền Bắc Ấn Độ để truyền đạo.
Người sinh ra ở đẳng cấp vũ sĩ - đẳng cấp có quyền lực thứ hai ở Ấn Độ cổ đại theo hệ thống đắng cấp Varna. Từ nhỏ Bụt đã được dạy phải tuân phục hệ thống bất di bất dịch đó (kể cả việc tàn ác, kì thị những người thuộc đẳng cấp dưới), nhưng bằng tư duy độc lập cùng một trái tim đầy trắc ẩn cùng trí tuệ siêu việt, Bụt đã chọn cho mình một con đường riêng, từ bỏ mọi quyền lực để tìm đường thoát khổ cho nhân loại. Nói về Đạo Phật thì giáo lí vô biên và thâm thúy, nhưng đối với mình, Phật giáo nguyên thủy hay Đạo Phật do chính Đức Phật sáng lập nên là nhánh Phật giáo mà mình quan tâm hơn cả. Gần đây mình còn tìm hiểu thêm về các bài thuyết pháp của sư Minh Niệm và một số bài của thầy Thích Nhất Hạnh nên cũng rút ra cho riêng mình vài điều về định nghĩa Niết Bàn, cùng cách ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống.
Thầy Minh Nhiệm nói khi định tâm, lúc nóng giận không nên cố lờ cảm xúc, bắt đầu từ việc gọi tên cảm xúc, sau đó tìm ra nguyên nhân phát sinh nó. Trong triết học, nhìn sự vật với nhiều góc độ khác nhau để hiểu cách vận hành, cách tạo nên sự vật và sự việc nhằm tìm ra cách tác động làm cho chúng vận hành theo hướng tăng hoặc giảm tác động tùy theo ý muốn của ta. Mình có thể xem tâm mình và những gì đang diễn ra trong tâm là sự vật và sự việc đó, hiểu dòng chảy của tâm để tác động đúng trọng tâm và chuyển hóa nó chứ không phải đè nén nó. Tất cả mọi cảm xúc nảy sinh đều do bản năng muốn bảo vệ con người, những cảm xúc xấu là lời nhắc nhở ta không nên làm một cái gì đó, nói cách khác cảm xúc xấu là một cơ chế bảo vệ ta trước những hiểm họa đang trình rập, việc này rất có lợi trong điều kiện sinh tồn của con người trong tự nhiên. Nhưng trong tương tác xã hội ta buộc phải trung hòa để tâm không xáo trộn mà dẫn dắt hành động đi theo hướng sai lầm, hại mình hại người. Mình tin luôn có thể hiểu tâm, hiểu để mọi thứ xuôi dòng chứ không phải là đè nén nó. Hiểu tâm mình như hiểu một đứa trẻ, cần sự kiên nhẫn. Khi mình làm một cái gì đó mà mình không hiểu động cơ tức là đang bị tham, sân, si dẫn lối. Các nhà tâm lí gọi tâm là đứa trẻ bên trong để thể hiện việc ta cần chăm sóc nó, trên phương diện vật chất chúng ta cần được giàu có, nhưng sức khỏe tâm hồn cũng cần được nâng niu. Vì sao đạo Phật sống lại trong khi con người đang có xu hướng vô thần ? Có phải chăng vì chúng ta đã dành thời gian quá nhiều cho thế giới vật chất. Ta để cho xu hướng dẫn dắt hành động, điều này trong một xã hội biệt lập, ví dụ thời phong kiến - nơi con người được phân chia giai cấp rành rọt, mỗi giai cấp có con đường riêng, ví dụ: con nông dân sau này làm nông, con quan sẽ làm quan, thì chắc chắn việc làm theo người khác là rất tự nhiên. Nhưng khi “Chúa đã chết” tức tôn giáo, giáo điều không còn thống trị tư tưởng của con người, con người tự do nhưng ta lại mắc vào cái bẫy “nghịch lí của lựa chọn”, đó là lí do vì sao giới trẻ hiện nay khi rời khỏi trường học và gia đình thì lại dễ mất phương hướng. “Trường học có thể hô biến người bại thành người thắng”, nhưng trong trường đời thì không, vô vàng con đường, vô vàng ngã rẻ, định nghĩa thành công cũng có vài chục cái, nói về thất bại thì Lê Thẩm Dương nói một kiểu, Đặng Lê Nguyên Vũ nói một kiểu, … nghe ai bây giờ. Trước bão táp của hằng trăm nghịch lí chỉ có trở về với tâm thì ta mới hiểu ta cần gì để tiếp thu cái đó thôi. Đạo Phật đã chuyển biến, trở thành công cụ để trị liệu tâm lí và là chiếc gương cho sự tự nhận thức, nếu là Niết Bàn thì ở đây, bên trong ta.
Khi ta hiểu ta, chọn con đường phù hợp với ta, sống xuôi dòng và chịu trách nhiệm cho mọi hành động, nói cách khác là biết làm chủ cuộc đời thì cõi trần này cũng là nơi đáng sống chứ không phải miền cực lạc xa xôi.