KHOANN! Hãy nhìn chiếc tiêu đề ở phía trên, bạn có thấy có gì đó khá là vô lý không? Trong khi thế giới ai ai cũng cố gắng làm việc với quỹ thời gian có hạn có hạn của mình để sớm nhất đạt được mục tiêu của họ, sự trì hoãn vốn dĩ luôn là thứ bị cho “lên thớt” như là 1 vấn đề cần được loại bỏ. Có cả ngàn bài viết, clip tuyên truyền như là: “Ngưng trì hoãn, hãy hành động”, “Cách để vượt qua sự trì hoãn”,… Vậy SỰ TRÌ HOÃN, có niềm vui gì chăng?


Có lẽ chúng ta ai cũng biết,  trì hoãn là thuật ngữ trong tâm lý học chỉ về những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại, chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Trì hoãn còn là việc lảng tránh những việc lẽ ra cần phải được tập trung giải quyết ngay dẫn đến việc đó luôn bị hoãn lại, ngưng trệ, chậm trễ tiến độ đề ra thậm chí là lãng quên. Trì hoãn cũng chỉ về việc sự thay thế các công việc, việc làm có mức độ ưu tiên cao hơn với các bằng những việc làm, công việc có mức độ ưu tiên thấp hơn và dành nhiều thời gian cho việc giải quyết các công việc có mức độ quan trọng, mức độ ưu tiên thấp, hay là sự ưu tiên làm những việc mà bản thân yêu thích hoặc cảm thấy thoải mái hơn là những việc quan trọng, cần phải làm.
Nếu đọc định nghĩa trên, tôi cá là 100% chúng ta ai cũng sẽ thấy, trì hoãn chẳng có gì tốt đẹp cả. Nó vừa làm mất thời gian, mất đi những cơ hội của chúng ta, vừa làm chúng ta cảm thấy nuối tiếc về suốt khoảng thời gian mà mình trì hoãn ấy. Lợi ích của việc trì hoãn có thể chỉ là cho chúng ta thêm chút thời gian để chơi, đôi khi là trốn tránh, hoặc là cố tình lãng quên đi một cái gì đó là thôi.
Nhưng bạn có bao giờ nghĩ, sẽ ra sao nếu chúng ta KHÔNG BAO GIỜ TRÌ HOÃN không?

Cuộc sống lúc đó sẽ như thế nào nhỉ? Bất cứ công việc nào ập đến, chúng ta sẽ tự động làm nó ngay với sự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nào là quét dọn, giặt giũ, rồi tới một tập hợp deadline của bài vở, công việc, xong đến việc lao đi kiếm tiền bất cứ lúc nào có thể,… Thậm chí nếu đối với bản thân tôi ngay lúc này, tôi có thể kể ra hơn 20 việc cần làm, và tôi tin bạn cũng thế. Nhưng chúng ta liệu có thể làm hết tất cả mọi việc như vậy không? Khi mà, không nói về sức khỏe, bởi vì nghỉ ngơi vốn dĩ cũng là một công việc, nhưng trí não của chúng ta có giới hạn về sự sáng tạo liên tục, và cảm xúc của chúng ta cũng sẽ bị bào mòn dần vì những stress khi không được chăm sóc theo đúng cách. Có 1 thứ không bao giờ trì hoãn khi còn hoạt động được, chỉ cần có mệnh lệnh, đó là máy móc. Chúng ta liệu có muốn giống như chúng không? 
Đối với những người có tuổi, hoặc những người thành công, chúng ta có thể thấy, họ bận rộn trong 1 góc độ nào đó, nhưng lại luôn thong dong với cuộc sống. Họ luôn có thời gian để nhìn lại mọi thứ, thay vì cố gắng hoàn thành công việc nhiều hơn. Mình có một thời gian sống cùng ông Ngoại, mỗi khi đối mặt với bất kì một vấn đề nào, ông đều bình tĩnh ngồi uống nước, vân vê bi thuốc lào, rồi mới bắt đầu suy nghĩ. Đó chẳng phải là trì hoãn sao? Nhưng mình hỏi, ông chỉ cười bảo: “Việc gì thì việc, nhanh hơn một chút cũng chẳng để làm gì, nhưng chậm một chút để bình tĩnh giải quyết, thì sẽ nghĩ ra được nhiều thứ hơn cháu ạ!”.
À thì dĩ nhiên, tuổi trẻ của chúng ta không thể so sánh với điều đó được. Vì chúng ta còn trẻ, chưa đủ hiểu biết, và phải học, phải lao vào trải nghiệm càng nhiều càng tốt để tôi luyện cho bản thân. Trì hoãn vốn dĩ đối với chúng ta là kẻ thù, vì nó làm mất đi của chúng ta những thời gian để tôi luyện ấy, và đến một độ tuổi nhất định nào đó, chắc chắn chúng ta sẽ không thể học thêm được nhiều điều nữa.\
Ấy vậy nhưng, tôi nghĩ rằng, sự trì hoãn không tiêu cực đến thế. Và nếu bạn kiểm soát được nó, nó sẽ là một niềm vui thực sự đó!

Ví dụ như chính bản thân tôi, mỗi khi nhận được một công việc nào đó, mà ngay tại thời điểm đó,tôi hoàn toàn không có tâm trạng để làm. Nếu tôi không trì hoãn và cố gắng hoàn thành nó, nó sẽ vẫn hoàn thành, nhưng mà, tôi sẽ chẳng cảm thấy vui vẻ gì với quá trình ấy, và chắc chắn công việc ấy sẽ không hiệu quả. Nên thay vì thế, tôi chọn đi dạo, nghe 1 đoạn nhạc nào đó, hoặc là vác đàn lên tầng 7 của trường để hát, để kiểm soát lại cảm xúc của bản thân, lấy lại niềm vui và sự hào hứng. Công việc vốn dĩ nhàm chán sẽ trở nên thú vị hơn và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Sự trì hoãn sẽ cho bạn một khoảng thời gian dành cho chính mình, bạn có thể vui vẻ cười đùa, đó chẳng phải là niềm vui, là trải nghiệm - cũng chính là giá trị của tuổi trẻ của chính bạn sao; bạn cũng có thể dành để suy nghĩ về điều gì đó, có thể là về những việc mình đã làm, hoặc là về những việc mình sẽ làm, để biến chúng thú vị hơn chẳng hạn, đôi khi cũng có thể dành để mơ mộng nữa, mơ mộng sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta đó.


Tôi có khá nhiều người bạn. Trong đó có một anh, năm nay đã ngoài 30 tuổi, anh ý chưa cưới vợ, vẫn vác theo một cây đàn đến công ty, buổi trưa ngồi đàn hát, vẫn nghệ sĩ, mơ mộng, làm việc với mức lương chỉ quanh quẩn 10 triệu tại Hà Nội. Đó có lẽ là một ví dụ điển hình nhất cho việc trì hoãn, anh ấy trì hoãn với danh vọng, với tiền bạc, 2 thứ quan trọng bậc nhất trong cuộc sống. Người ta hay nói đàn ông ngoài 30 mà chưa ổn định là thất bại. Bạn nghĩ rằng, anh ý thật ấu trĩ, và không nên học theo? Đối với cuộc sống của chúng ta mà nói, thì điều đó đúng là ấu trĩ ở lứa tuổi anh ấy, nhưng mà tôi thấy anh ấy ổn, thật sự ổn. Anh ấy luôn vui vẻ, tràn ngập sức sống. Anh ấy không có nhiều tham vọng, và có lẽ nhờ 1 phần anh ấy may mắn vì không phải gánh nhiều trách nhiệm, anh ấy sống một cuộc sống giống như trải nghiệm đúng nghĩa, dành thời gian đi phượt, đi trải nghiệm. Bản thân tôi thực sự ngưỡng mộ anh ấy, và không học theo là bởi vì KHÔNG THỂ học theo được, vì tôi bị ràng buộc với gia đình, gắn với nhiều trách nhiệm khác. Mỗi con người chúng ta có một đích đến khác nhau, vậy nên tôi nghĩ chúng ta không cần phải luôn chăm chăm lao theo người khác, đôi khi chúng ta hãy sống chậm lại, hãy cứ “trì hoãn” một chút để tận hưởng và cảm nhận cuộc sống này, tôi nghĩ đó mới là giá trị lớn nhất của cuộc sống, vì chẳng phải, ai rồi cũng sẽ chết đi, và chết đi là hết hay sao? 
Nếu bạn nói việc trì hoãn sẽ làm mình nuối tiếc vì lãng phí thời gian, thì tôi nghĩ điều đó không phải là luôn luôn đúng. Vì bạn có chắc chắn là, tại một số thời điểm, nếu thay vì trì hoãn, bạn sẽ làm ngay không chần chừ, và bạn sẽ không nuối tiếc vì đã không làm không? Có đấy! Chúng ta ai cũng sẽ có những lúc có những suy nghĩ là: “Ôi, thay vì đi tham dự bữa tiệc nhạt nhẽo này, thà tiếp tục ở nhà xem tiếp bộ phim mình đang xem còn hơn”. 


Dĩ nhiên, TRÌ HOÃN vẫn là xấu, và việc nó xấu như thế nào, tôi đã đề cập ngay từ những dòng đầu tiên rồi.  Tuy nhiên, nếu nhìn lại, trì hoãn cho chúng ta những niềm vui riêng, và nó nuôi dưỡng tâm hồn mình nhiều hơn, và tất nhiên là đó sẽ không phải là lý do để bạn biện hộ cho sự “lười” của mình đâu nhé. Hãy trì hoãn đúng cách, đúng lúc, trì hoãn chứ đừng trốn tránh, vì nếu trốn tránh, thì đó là do sự lười biếng và kém cỏi của bạn rồi đó.
Nếu có ai đó mà cứ giục bạn như là: “Sao mày không làm luôn đi, chần chừ nghĩ mãi cái gì hả?”, tôi nghĩ bạn có thể mỉm cười và nói lại một câu đơn giản là: “Việc gì thì việc, nhanh hơn một chút cũng chẳng để làm gì, nhưng chậm một chút để bình tĩnh giải quyết, thì sẽ nghĩ ra được nhiều thứ hơn, chẳng phải vậy sao?”.
                                                                                                    -Beloyten-