Triều đại nhà Trần (1225-1400) là một trong những triều đại lịch sử vàng son của nước Việt ta. Qua 175 tồn tại, Trần triều đã đi qua nhiều biến cố lịch sử quan trọng, và trong đó có 3 lần quân và dân ta phải đứng lên chống lại đội quân Mông - Nguyên hùng mạnh khắp cả Á - Âu thời bấy giờ. Và nhắc đến các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một nhân vật, một anh hùng chúng ta không thể nào không nhắc đến, đồng thời Ngài còn là một niềm tự hào của lịch sử chống quân xâm lược của người con đất Việt.
Đối với dân tộc ta, Hưng Đạo Đại Vương luôn là vị tướng quân xuất chúng nhất của thời đại Đông A, dẫn đường cho chiến thắng lần thứ 2, lần thứ 3 đối với thực dân phương Bắc và giữ vững nền độc lập của nước nhà. Một bậc quân tử tận trung với Vua, với đất nước, gạt bỏ tình riêng để cùng chiến đấu vì lợi ích chung của cả quốc gia dân tộc. Và sống với tôn chỉ “lấy dân làm gốc” cho đến lúc ra đi.
<i>Tranh từ "Đại Việt Kỳ Nhân"</i>
Tranh từ "Đại Việt Kỳ Nhân"
Với lòng yêu mến, ngưỡng mộ và kính trọng Ngài, rất nhiều nơi trên đất nước ta dựng tượng đài để ghi nhớ công ơn Đức Thánh Trần. Nói đến việc xây dựng tượng đài, thì không chỉ có tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Công trường Mê Linh (Quận 1, TP.HCM), mà tượng đài còn được xây dựng ở nhiều nơi như TP. Vũng Tàu, Nha Trang, Hải Phòng, Kiếp Bạc (Hải Dương)… và còn được xây dựng trong nhiều hình tượng khác nhau.
Trong số rất nhiều tượng đài được dựng nên, có hai hình tượng Đức Thánh Trần tiêu biểu được phác họa đó là:
1. Hình tượng Vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông, ánh mắt uy dũng chất chứa đầy hào khí Đông A
Hầu hết các tượng đài này tọa lạc ở bên các bờ sông hoặc hướng biển như tượng Hưng Đạo Vương ở công viên Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu), công viên Bạch Đằng (TP. Nha Trang), đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), đồi Hải Minh (TP. Quy Nhơn, Bình Định),...
Hình tượng này được xây dựng dựa trên một chi tiết có thật, đó là trong lần thứ 3 đánh đuổi quân Nguyên, khi nghe tin báo Ô Mã Nhi đã kéo quân về đến Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương hô quân sĩ, trỏ sông Hóa Giang mà thề rằng “Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa!” . Quân sĩ ai nấy đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch Đằng.
Chỉ với một câu nói mà đã Ngài đã thể hiện được hừng hực khí thế quyết tâm, nêu cao ý chí để đánh đuổi kẻ thù. Cũng vì lẽ này mà tượng đài được xây dựng ở hải đảo, biên giới, có hướng nhìn về sông, biển cũng ngầm mang ý nghĩa trấn giữ biên cương, bờ cõi nước nhà. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thì hình tượng này còn có một số ý nghĩa về phong thủy khác.
2. Hình tượng Hưng Đạo Vương vấn khăn, áo vải mà không mang mũ mão, giáp trụ; tay phải ông gắn với tác phẩm tâm huyết “Hịch tướng sĩ” thể hiện sự trí dũng của bậc danh tướng, nhưng tay trái ông tỳ trên đốc kiếm.
Hình ảnh tỳ tay thể hiện được tầm nhìn, tư tưởng của vị tướng và cũng thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, không bao giờ chủ động chiến tranh, chúng ta cũng luôn vững tin vào việc là không bao giờ phải rút kiếm ra nhưng chúng ta luôn cảnh giác, luôn sẵn sàng.
Bên cạnh việc dựng tượng, việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Điển hình như ngày 20/08 ÂL hàng năm (ngày mất của Hưng Đạo Vương) đã trở thành ngày Lễ chính thức của nước ta từ năm 1946, ngoài ra cả nước có gần 1000 cơ sở di tích thờ tự Ngài.
Dù trong hình tượng nào đi chăng nữa, thì Hưng Đạo Vương luôn là một anh hùng trí - dũng song toàn, một bậc quân tử hết lòng vì dân vì nước trong lòng dân tộc Việt Nam ta.
Ngưỡng mộ và yêu mến Ngài.