Trên con đường lập nghiệp, có lẽ đó là câu hỏi mà bất kì ai cũng đã từng tự hỏi mình không ít lần: Mình đang cố hết sức vì cái gì? Đa phần có câu trả lời dễ dàng: vì tiền!
Thế nhưng, đến lúc các ngã rẽ xuất hiện, các lựa chọn bắt đầu nhiều lên, thì vấn đề không còn đơn giản là tiền nữa. Nên đầu tư hết thời gian để để chơi lớn, hay hạnh phúc với quy mô nhỏ? Nên đồng ý bán bớt cổ phần, hay giữ quyền tự quyết? Và câu hỏi xuất hiện nhiều nhất chính là, có tiền rồi thì nên làm tiếp, hay nghỉ ngơi?
Đến lúc này, để lựa chọn, câu hỏi ban đầu lại quay trở lại: Vậy mình làm tất cả mọi thứ, vì cái gì? Không trả lời được câu hỏi đó, mỗi lần lựa chọn sẽ là một cực hình.
Đó là một câu chuyện dài.
Trở lại tháng 1 năm 2014, thanh niên tên T bắt đầu bước chân vào ngành tài chính ngân hàng. Lý do hồi đó cũng đơn giản thôi: Kiếm đại một việc để học sau 06 tháng dài xin việc trong Nam ngoài Bắc sau khi ra trường. Lúc đó anh vinh dự được gia nhập một tầng lớp đặc biệt VIP trong xã hội mà rất nhiều người quan tâm: Tầng lớp Thất nghiệp!
Sau 03 tháng thử việc không lương và overtime 5 ngày/tuần, tình cờ anh T được một đồng nghiệp chỉ dạy về ý nghĩa của công việc: Khi một dự án tiềm năng được ngân hàng tài trợ đúng thời điểm và đúng vốn, nó mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Khi một ngân hàng giải ngân tiền lương chậm một vài ngày, hàng ngàn gia đình đột nhiên khó khăn đột xuất về tài chính: con cái đóng tiền học chậm, ba mẹ xoay xở thêm tiền...
Thế là bằng tất cả nhiệt huyết, thanh niên tên T quyết tâm theo đuổi sự nghiệp ngân hàng, và chấp nhận đi lên từ vị trí không lương với niềm tin về sứ mệnh: Mang lại sự thay đổi cho nhiều người, cho nhiều tổ chức.
Bốn năm sau thì số lượng kinh nghiệm của anh ta đã tăng khá rõ. Đến lúc này, số lượng các vấn đề bắt đầu tăng cao. Nên chọn giải pháp tài chính gì làm mũi nhọn? Có người thiết kế thay đổi sản phẩm, nên làm hay không? Mình làm ngành tài chính, có nên kích thích tăng trưởng thêm tín dụng? ... Và những câu hỏi mang tính chiến lược: Nếu có đối thủ cạnh tranh mang chất lượng y chang? Nên mở rộng trình độ, hợp tác với các ngành khác hay không, nếu không, thì khi nào?
Tất cả những câu hỏi phức tạp đó, cuối cùng, lại được giải quyết dễ dàng bằng sứ mệnh năm xưa:
- Nên chọn giải pháp tài chính gì làm mũi nhọn? => Giải pháp nào tiết kiệm thời gian, mang lại lợi ích để khách hàng chấp nhận nhưng đồng thời mang lại cả lợi nhuận cho ngân hàng.
- Có thiết kế thay đổi sản phẩm mới, nên triển khai hay không? => Đơn giản: Liệu triển khai sản phẩm có làm khách hàng thuận tiện hơn và ngân hàng có lợi nhuận tốt hơn? Nếu có, thì làm. Không, thì thôi.
- Mình làm ngành tài chính, có nên kích thích tăng trưởng thêm tín dụng? => Sứ mệnh của mình không phải là Cho vay. Đó chỉ là công cụ thôi. Nếu khách hàng có thể phát triển tốt hơn thông qua Tiền gửi, Bảo lãnh, Dịch vụ thanh toán quốc tế ưu việt thì sẽ triển khai Tiền gửi, Bảo lãnh, Dịch vụ thanh toán quốc tế.
- Nếu có đối thủ cạnh tranh mang chất lượng y chang hoặc tốt hơn? => Nếu họ đang làm tốt hơn, tức là họ cũng đang làm kinh doanh hay ho hơn. Vậy họ là bạn đồng chí hướng, và có thể học hỏi, hợp tác. Đối thủ của mình thực sự là những người làm tiêu cực, sai lệch ngành tài chính ngân hàng ngoài kia kìa.
Thực ra ban đầu, hầu hết không ai biết ngay sứ mệnh của mình là gì. Nếu có chỉ là những lời tuyên bố cho oai. Nhưng giờ, khi cần, thì đã rõ. Sứ mệnh là kim chỉ nam, giúp định hướng lựa chọn, giúp ta biết ta làm vì cái gì.
Và khi đã rõ sứ mệnh thì mọi chuyện rất giản đơn.