DẪN NHẬP

Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thường xuyên nảy sinh những tranh cãi xung quanh vấn đề sách giáo khoa lịch sử của mỗi nước thì ở châu Âu, cách tiếp cận chủ đề có vẻ nhạy cảm này lại không tạo ra tranh luận nào đáng kể. Mỗi quốc gia tự do kể câu chuyện quá khứ theo cách của riêng họ, thậm chí đồng thuận để có những nội dung chung trong sách giáo khoa lịch sử của nhiều quốc gia ngay cả khi đó từng là căn nguyên của xung đột kéo dài. Bài viết này cố gắng trả lời câu hỏi bằng cách nào sách giáo khoa lịch sử lại đóng vai trò quan trọng trong các dự án chính trị hay các thảo luận xã hội rộng rãi? Làm sao để cân bằng được lợi ích của khoa học, của nhóm xã hội, của cộng đồng, của quốc gia – dân tộc, của chính quyền khi biên soạn sách giáo khoa lịch sử? Tri thức khoa học và quyền lực tác động tới sách giáo khoa ra sao? Và cuối cùng thì, toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc mới, sự bùng nổ của công nghệ có đang làm thay đổi phương thức chúng ta tiếp cận sách giáo khoa lịch sử hay không?

Sách giáo khoa lịch sử: Một phần của những nghiên cứu cấp độ toàn cầu

Chúng ta đang sống giữa một thế giới nhiều hỗn loạn. Kỉ nguyên của Internet kết nối vạn vật đang gây nên cuộc đảo lộn khủng khiếp với cách thức mà mọi thứ vận hành, buộc loài người xem xét lại cả những điều tưởng như bất biến. Sự tiến triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong làn sóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực sự đặt tất cả các ngành khoa học trước những cơ hội cùng thách thức mới. Người ta bắt đầu hoài nghi về khả năng thích ứng và tồn tại của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khi phải đối mặt với một thế giới tràn ngập thông tin được số hóa, đại chúng hóa đi cùng những đòi hỏi khắt khe về khả năng ứng dụng thực tiễn hoặc thương mại hóa từ nghiên cứu. Việc các trường Đại học, cơ quan nghiên cứu cắt giảm ngân sách, nhân lực ngành khoa học xã hội nhân văn, cuộc chuyển dịch trọng tâm nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu tới các ngành công nghệ làm gia tăng mối lo lắng về một nền giáo dục “độc canh” chỉ ưu tiên STEM cùng sự “đi xuống” của khoa học xã hội. Giữa khung cảnh mới mẻ của học thuật quốc tế, sách giáo khoa trở thành đối tượng cho một lĩnh vực nghiên cứu nhận được sự quan tâm, đầu tư ngày càng lớn từ nhiều nhóm học giả, cộng đồng dân tộc, nhà nước, tổ chức giáo dục văn hóa khu vực và quốc tế. Rõ ràng sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lịch sử, là tập hợp khám phá từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và phải tiếp nhận vô số cơ chế phản biện xuất phát cả từ giới chuyên môn hàn lâm lẫn đại chúng. Thực tế này dường như đang hứa hẹn tương lai đầy triển vọng của một dạng thức nghiên cứu liên ngành, một tìm tòi thể nghiệm nhằm đưa tri thức khoa học đến gần hơn với yêu cầu từ chính sách và đời sống xã hội.
Nghiên cứu sách giáo khoa nói chung, sách giáo khoa lịch sử nói riêng không phải một ngành khoa học và do đó không cần thiết cố chứng minh nó như là một khoa học. Tuy nhiên, theo Giáo sư Eckhardt Fuchs từ Viện Quốc tế Georg Eckert về Nghiên cứu Sách giáo khoa, mỗi một mảng nghiên cứu như thế này tồn tại độc lập, tự tạo lập nên các chủ đề và phương pháp nghiên cứu của chính nó. Thay vì phải chú tâm vào các thông tin, dữ liệu được thể hiện la liệt trong sách giáo khoa lịch sử, người ta hướng tới việc tìm hiểu, nêu lên và giải thích những tri thức “hiện diện” và tri thức “tiềm ẩn” từ cuốn sách đó. Dĩ nhiên, cái “tiềm ẩn” không thể quan sát hay nhận thức được một cách dễ dàng thông qua ngôn ngữ trực tiếp ở bề mặt văn bản mà cần nhà nghiên cứu đặt tri thức đó trong những mối liên hệ, tương tác cấp độ rộng lớn hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ địa lí đóng khung: cộng đồng, quốc gia, châu lục, khu vực…
Một phiên bản sách giáo khoa lịch sử của Mỹ (Nguồn: Internet)
Khái niệm “vòng đời của sách giáo khoa” (Circle of Textbooks) hay được hiểu đơn giản là toàn bộ quá trình tạo ra (sản xuất) và quá trình tồn tại của một bộ/cuốn sách giáo khoa bắt đầu được nhấn mạnh như là hướng nghiên cứu tiềm năng hỗ trợ hiệu quả cho khoa học giáo dục hay ngành xuất bản học liệu. Bởi để tạo nên một cuốn sách giáo khoa lịch sử, ngoài phần kiến thức được cập nhật dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, còn có công việc minh họa, thiết kế, tạo hình, in ấn, kiểm định, vận chuyển, phân phối, dịch vụ cung ứng, ứng dụng/sử dụng trong không gian lớp học. Giả sử một học giả bắt tay vào việc nghiên cứu sách giáo khoa lịch sử của CHLB Đức, anh ta sẽ cần hiểu toàn bộ quá trình tạo ra một cuốn sách, luận giải những ý tưởng, hàm ý của người biên soạn đồng thời tìm hiểu sự “thương thảo/thỏa hiệp giữa các nhóm khác nhau với mục đích, lợi ích đa dạng trong mọi xã hội để cấu thành nên cuốn sách đó. Đó là khởi đầu của những ý tưởng nghiên cứu cấp độ toàn cầu xuất phát từ sự phong phú, phức tạp của đối tượng.
Ở một góc nhìn khác, sách giáo khoa lịch sử đang cố gắng kể câu chuyện lớn của mọi lĩnh vực tri thức như là sản phẩm từ các nền văn minh, các xã hội loài người. Do đó, về bản chất, nghiên cứu sách giáo khoa lịch sử sẽ cần tới hướng tiếp cận đa ngành – hướng đi được coi như lối thoát cho toàn bộ ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Bức tranh ngày càng phổ biến về cách tiếp cận toàn cầu cũng như quan niệm tri thức khoa học không bị ngăn trở bởi các đường biên của khoa học đương đại cho thấy nhu cầu cấp thiết của nghiên cứu đa ngành/liên ngành khi tìm hiểu sách giáo khoa lịch sử. Khoa học xã hội, khoa học văn hóa, các khoa học xuất bản, thông tin, lĩnh vực kĩ thuật – công nghệ đã và đang tạo nên nền tảng cho một trong những hướng nghiên cứu tiếp cận toàn cầu mới mẻ và độc đáo nhất.

Sách giáo khoa lịch sử: Bản sắc dân tộc và sự đa dạng bản sắc 

Là phương tiện chứa đựng và truyền tải thông tin, tồn tại với tư cách kênh tham khảo chủ yếu của hệ thống giáo dục quốc gia, sách giáo khoa lịch sử luôn quy thuộc ảnh hưởng của những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa hoặc là trở thành một dạng biểu hiện chủ nghĩa dân tộc trong giáo dục và đời sống văn hóa – xã hội. Ở Nhật Bản, không ít tác giả biên soạn sách giáo khoa thuộc giới nghiên cứu hàn lâm công khai biện hộ chủ nghĩa quân phiệt và hành động chiến tranh của Đại đế quốc Nhật Bản trong giai đoạn Chiến tranh Thái Bình Dương (1941 – 1945) vốn xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Dù vấp phải làn sóng lên án từ các nhóm xã hội dân sự theo đường lối hòa bình, tư tưởng cực đoan vẫn len lỏi vào giáo dục, cụ thể là sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản. Phủ nhận tội ác của quân đội Nhật Bản ở Trung Quốc, Đông Nam Á như thảm sát thường dân, nô lệ tình dục, thí nghiệm khoa học phi pháp hay tranh cãi chủ quyền trên các hải đảo liên tục gây nên làn sóng công phẫn, phản ứng dữ dội từ Trung Quốc và đặc biệt ở Hàn Quốc. 
Ở bình diện khu vực, một dự án biên soạn sách giáo khoa lịch sử chung cho khu vực Đông Á với sự hợp tác của các nhà sử học, giáo dục học từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từng thất bại bởi không nhà nước nào chấp nhận đưa cuốn sách vào chương trình giáo dục của mình. Các sáng kiến chứa đựng trong sách giáo khoa lịch sử có thể góp phần thúc đẩy nỗ lực hòa dịu căng thẳng trên khắp Đông Á khởi nguyên từ diễn trình xung đột khu vực kéo dài xuyên suốt lịch sử đã không thể vượt qua diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa bao phủ và chi phối cách người Đông Á nhìn nhận chính các láng giềng truyền thống của mình. Nỗ lực này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. 
Tuy vậy, bất chấp các rào cản, một dự án khác đã được khởi động lại và các chuyên gia của ba quốc gia đã biên soạn được một cuốn sách lịch sử chung cho khu vực Đông Á. Cuốn sách được trông đợi là sẽ “kể câu chuyện chân thực về Chiến tranh thế giới thứ hai” diễn ra tại Đông Á. Dự án của ủy ban biên soạn gồm chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khởi động vào năm 2015 có mục tiêu hoàn thành vào năm 2020. Ủy ban hỗn hợp này từng xuất bản hai cuốn sách lịch sử “chung” khác, lần lượt là "Lịch sử Hiện đại và Đương đại của ba nước Đông Á” vào năm 2005 và “Lịch sử Hiện đại Đông Á vượt lên những đường biên” vào năm 2012. Tham khảo thêm tại link đính kèm:
Vào năm 2013, cuốn sách có tên “Designing History in the East Asia Textbooks” được chủ biên bởi GS. Gotelind Muller từ Đại học Heidelberg, CHLB Đức thu hút giới nghiên cứu lịch sử và giáo dục châu Á trên khắp thế giới bởi đã đề cập tới một chủ đề khá nhạy cảm mà giới chính trị cũng như giới khoa học Đông Á thường né tránh. Gotelind Muller nhấn mạnh sách giáo khoa lịch sử thường được nhìn nhận như một công cụ phổ biến của chính trị nhằm phát biểu những diễn ngôn rất đặc trưng cho bản sắc dân tộc ở Đông Á. “Mặc dù không phải môn học duy nhất liên quan tới các dự án quan phương định hình bản sắc dân tộc, nó [sách giáo khoa lịch sử] lại thường là phương tiện chính yếu dành cho các chương trình chính thống nhằm xã hội hóa vấn đề chính trị” bà Muller chia sẻ trong đề dẫn cuốn sách của mình.
Biếm họa về việc tranh cãi xung quanh sách giáo khoa lịch sử tại Đông Á (Nguồn: The Economist)
Theo Giáo sư Eckhardt Fuchs, sách giáo khoa lịch sử là ví dụ điển hình cho cố gắng kiến tạo bản sắc dân tộc của các quốc gia – dân tộc hiện đại kể từ khi sách giáo khoa ra đời vào thế kỉ XIX. Cần nói thêm rằng, sách giáo khoa ra đời vào thế kỉ XIX, trùng với thời điểm chủ nghĩa dân tộc hiện đại phương Tây trỗi dậy mạnh mẽ nhất và cách hiểu về chủ nghĩa dân tộc định hình rõ ràng nhất. Vấn đề National Indentity – bản sắc/bản dạng/căn cước dân tộc trong thế kỉ XX được lặp đi lặp lại tại thế giới “hậu thuộc địa” – nơi mà phong trào chống chủ nghĩa thực dân phát triển sôi động, các nhà nước – dân tộc mới hình thành và liên tục kiến tạo “cái nhìn bên trong”, kiểu nhận định “Ta” với “Họ” chiếm ưu thế khi xem xét lại các diễn trình từ quá khứ. Những câu chuyện quốc gia được chuyển hóa vào bài học lịch sử trong sách giáo khoa dành cho học sinh, “đóng đinh” nhận thức có thể là căn nguyên kéo dài định kiến, hiềm khích và đối kháng. Khác với Đông Á hay Trung Đông, dự án sách giáo khoa của châu Âu, điển hình là giữa Đức – Pháp hay Đức – Ba Lan tạo cơ sở thuận lợi để sách giáo khoa lịch sử hoặc địa lí phản chiếu thông điệp hòa giải, hòa bình thường thông qua cơ chế cùng trao đổi, hợp tác, đề cao tính đồng thuận.
Ở khía cạnh khác, việc đề cao một cách thái quá vấn đề bản sắc dân tộc vô hình trung tạo ra những khó khăn, trở lực cho nỗ lực xem xét các bản sắc đan cài khác vốn dĩ rất đa dạng trong thực tiễn. Khi mà quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa diễn ra song song với xu hướng nổi lên của chủ nghĩa dân tộc mới (Neo – Nationalism, hay chủ nghĩa dân túy), nhất thể hóa đi liền với giải thể, EU vẫn mở rộng khi các “Brexit” đang gia tăng, nước Mỹ vĩ đại của “người da trắng” song hành với các dòng nhập cư, hình dung về một thứ “bản sắc dân tộc” sẽ hoàn toàn biến dạng hoặc bị cọ sát đến mức vỡ vụn. 
Bộ sách giáo khoa lịch sử dùng chung cho các quốc gia có sử dụng ngôn ngữ Turk gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Kazakhstan (Nguồn: International Turkic Academy)
Cuộc đảo lộn toàn cầu hiện nay mà công nghệ thế hệ 4.0 mang tới sẽ càng khiến thế giới chúng ta sống vừa “phẳng” hơn vừa nhiều nguy cơ hơn. Trong cuộc đụng độ về bản sắc, nhân loại cần học cách chấp nhận và thích nghi với nhận thức mới rằng truyền thống hay bản sắc “găm” vào họ cũng từng được kiến tạo nên và hội nhập đồng nghĩa với ít rào ngăn hơn, cái “Ta” giảm đi. Không thể chỉ có duy nhất một thứ bản sắc dân tộc bất biến mà các bản sắc cộng đồng, nhóm xã hội, dân tộc – quốc gia, khu vực, liên khu vực sẽ hòa trộn vào nhau trong một tổng thể và nếu như những người biên soạn sách giáo khoa, học giả cố tình phớt lờ thực tế đó, sẽ không bao giờ có các bộ sách giáo khoa lịch sử thực sự chất lượng và mang tính nhân văn.

Sách giáo khoa lịch sử: Lối đi giữa những lằn ranh 

Một cách nghiêm túc, sách giáo khoa lịch sử luôn luôn phải tìm kiếm con đường đi giữa những lằn ranh được tạo ra từ các tương tác chủ yếu trong xã hội hiện đại.
Ở phương diện kĩ thuật – công nghệ, kỉ nguyên số thúc đẩy cuộc chạy đua giữa sách giáo khoa điện tử và sách giáo khoa in truyền thống. Cuộc chạy đua chưa biết kết quả này, với ưu thế thuộc về công nghệ có thể thay đổi căn bản diện mạo của nền giáo dục toàn cầu trong một vài thập niên tới, kể cả tại các quốc gia đang phát triển.
Các nền tảng công nghệ mở ra cơ hội lớn hơn cho sách giáo khoa lịch sử điện tử (Nguồn: Digital History)
Ở phương diện rộng hơn, lịch sử không phải là câu chuyện duy nhất được kể bởi một nhóm người duy nhất, nó là tập hợp của vô số những câu chuyện đến từ tất cả các nhóm trong một quần thể xã hội. Tại các xã hội không đóng kín, người nhập cư cũng mong muốn câu chuyện lịch sử của mình trở thành một phần của câu chuyện lớn hơn của quốc gia – dân tộc. Sách giáo khoa lịch sử lúc này cần thể hiện khả năng bao gộp, chứa đựng câu chuyện của cả các cộng đồng yếu thế, với nhiều “giọng”, nhiều thanh điệu. Khi không còn vách ngăn của sự phân biệt giới tính, tôn giáo, văn hóa, nguồn gốc, địa vị, đẳng cấp, sách giáo khoa mới chứng minh đầy đủ chức năng giáo dục của mình. Sách giáo khoa lịch sử phải xác lập đường đi ở ranh giới của một bên là định kiến, thành kiến và các hệ thống phân loại con người thậm chí sức ép từ quyền lực với bên kia là tiếng nói đa thanh, thái độ khoan dung từ đời sống xã hội. 
Trong tương lai gần, chính các phong trào xã hội dân sự, việc tri thức được đại chúng hóa, Internet, mô hình giáo dục truyền thông số… có thể tạo ra áp lực tới những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử, giới sử học cũng như các nhà hoạch định chính sách cân nhắc về tính đa dạng và bao gộp của công trình giáo dục họ xây dựng, ứng dụng.
Sách giáo khoa lịch sử cần chú ý đến những nhóm vốn bị xem là yếu thế như là một phần thiết yếu trong tiến trình phát triển của nhân loại (Nguồn: Internet)
Nhưng vấn đề bao trùm là, khi sách giáo khoa lịch sử dù muốn hay không cũng không hoàn toàn vượt thoát khỏi ảnh hưởng của các dự án chính trị từ nhà nước – dân tộc, nó vẫn tiếp tục phải đóng vai trò đảm bảo tính cân bằng mong manh giữa tri thức/kiến thức học thuật và quyền lực chính trị/chính sách. Bất kể mô hình xã hội nào, thể chế nào, dù thuộc hệ thống dân chủ cao hay ít dân chủ đều sở hữu một cơ chế cho phép nhà nước can thiệp vào việc biên soạn sách giáo khoa, cụ thể là sách giáo khoa lịch sử. Mức độ can dự khác nhau phụ thuộc vào luật định và Hiến pháp. Sự can dự này thường đi theo hướng cố gắng giảm thiểu diễn ngôn có thể gây phương hại tới trật tự chung, tính ổn định và tính thống nhất của cộng đồng quốc gia – dân tộc cũng như các rủi ro đối ngoại. Làm thế nào để hài hòa lợi ích của nhà khoa học với chính quyền, giữa nhu cầu truy cầu tri thức với mong muốn quản trị xã hội của nhà nước luôn thách thức toàn thể giới nghiên cứu thế giới. Làm sao để tạo ra sự thỏa hiệp giữa các nhóm và ai có thể đưa ra điều kiện hay nhượng bộ?
Cơ chế kiểm định cùng khả năng tự do lựa chọn sách giáo khoa dựa trên lí tính giúp khắc phục tình trạng lưỡng nan này. Sức ép từ dư luận xã hội, tiếng nói phản biện từ giới chuyên môn hàn lâm có thể tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực hơn cho việc tạo lập các cuốn sách giáo khoa. Trong khi ở cấp độ thấp hơn, cách tiếp cận đa thuyết (Multiperspective Narrative Approach) cho phép cung cấp nhiều câu chuyện được kể bởi nhiều chủ thể khác nhau cùng hiện diện trong một cuốn sách lịch sử sẽ giúp người học có cơ hội tự xây dựng nên một lịch sử từ chính nhận thức của mình. Lịch sử lúc đó mới chính là cuộc cạnh tranh của các cách nhìn, các diễn ngôn.
Cuối cùng thì chính toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ lại đang cung cấp câu trả lời cho câu hỏi về việc chúng ta nên giải quyết thách thức mà sách giáo khoa lịch sử phải đối mặt như thế nào. Đó không gì khác ngoài ba chiến lược: (i) tái hiện các bản sắc đa dạng; (ii) xây dựng và sử dụng hệ thống thuật ngữ khái niệm thống nhất toàn cầu; (iii) loại bỏ khuôn mẫu của định kiến và nhấn mạnh các quyền con người. Và thay vì tiếp tục than thở về các cuốn sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường, chúng ta hãy tìm cách để thay đổi cách sử dụng chúng: biến chúng thành một tài liệu tham khảo và thầy trò cùng bắt đầu kể những câu chuyện lịch sử đa dạng dựa trên những cuốn “sách giáo khoa” khác.