Nhắc đến hai chữ hạnh phúc, câu hỏi đầu tiên ta đặt ra: ta có đang hạnh phúc? Nhìn lại bản thân, câu trả lời thật mông lung. Có lẽ vì ta chẳng biết hạnh phúc là gì. Một định nghĩa phổ biến mà tôi tìm được:
Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng.
Bản năng của loài người là xu lợi tránh hại. Chúng ta luôn muốn được hạnh phúc nhưng chúng ta không tìm kiếm hạnh phúc. Chúng ta chỉ tìm kiếm những thứ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Chúng ta không cười vì chúng ta hạnh phúc, chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười - William James
Mỗi người ít nhiều đều có những tưởng tượng về một cuộc sống hoàn hảo. Một tình yêu nồng nhiệt. Cuộc sống gia đình đầm ấm với vợ chồng thuận hòa, con cái đáng yêu. Một sự nghiệp sáng chói, thành công với đam mê. Ta muốn thể xác và tinh thần đều được thỏa mãn. Chúng đều là những thứ ta trông đợi mang lại hạnh phúc. Nhưng chúng cũng là nguồn cơn của sự bất hạnh. Đời người có vui có buồn. Lúc vui thì ít, phần nhiều khổ đau.
Trong Phật giáo có câu:
Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ. (trích Khổ đế trong Tứ diệu đế)
Phải chăng cuộc đời thực sự là bể khổ? Phải chăng ta nên buông bỏ mọi dục vọng? Cái chúng ta nên buông bỏ là chấp niệm với hạnh phúc. Cái hạnh phúc đáng mong chờ chỉ là những ảo tưởng được tạo dựng, được truyền dạy bởi truyền thông, cộng đồng và xã hội.
Trong Thanh dạ văn chung, Nguyễn Duy Cần có viết:
Cá nhân hiện đại đã mất cả bản tánh cá nhân... Xã hội đã nuốt mất cá nhân. Người ta bây giờ phần đông chỉ là ống truyền thanh của một lý thuyết , của một tôn giáo nào, của một nghiệp đoàn nào... Ấy là thế kỷ của quần đoàn... Cá nhân chỉ còn là bộ máy vô hồn, quay cuồng theo hoàn cảnh
Đồng thời ông cũng viết:
Hạnh phúc là cái tâm trạng của kẻ tự thấy không bị sự ràng buộc của ngoại vật, như phú quý, danh dự và đặng sống theo mình, không bị phải sự xung đột giữa bản tánh và chế độ... bất luận là luân lý hay tôn giáo nào không hạp với ta
Điều chúng ta cần làm trước nhất không phải theo đuổi những thứ làm ta cảm thấy hạnh phúc mà là xây dựng một nền tảng, một khung giá trị cho hạnh phúc của cá nhân. Công cụ ưa thích để tạo dựng khung giá trị cá nhân của tôi là cửu tri. Thứ nhất là tri kỷ, ta phải biết mình có gì và muốn gì. Tri kỷ không phải năng lực bẩm sinh, không phải đặc quyền của riêng ai. Tri kỷ là quá trình trải nghiệm, tự nhận thức. Hiểu về bản thân, nhìn nhận hoàn cảnh, nắm vững giới hạn.
Trở lại câu hỏi "Tôi có đang hạnh phúc?" Câu trả lời là "Tôi chắc chắn không bất hạnh". Tôi tự nhìn nhận bản thân là một người bình thường, trầm lặng trên thế giới với mục đích sống đơn giản là Sống Sống với tư cách một cá thể độc lập, làm những điều cần làm theo cách mà tôi muốn. Tôi làm việc. Tôi rèn luyện. Tôi du lịch, viết lách, chơi game... Không bị đè nặng bởi những yêu cầu phải thành công, phải kết hôn, sinh con,...
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất