Xin chào các bạn, lâu lắm rồi mình mới có hứng viết lại về chủ đề yêu thích của mình đó là học tiếng anh. Học tiếng anh nghe rất nhẹ nhàng với một số người nhưng lại là gánh nặng cho một số người khác. Mình cũng từng trải qua giai đoạn khá chật vật với việc cải thiện tiếng anh của mình và rút ra được một số kinh nghiệm xin được chia sẽ lại với các bạn. Đây là những thói quen hằng ngày rất có ích cho việc học tiếng anh mà mình tự rèn luyện được.   Hi vọng những chia sẽ này sẽ có ích cho các bạn.
ship or sheep?
 Mình đã học tiếng anh trên 10 năm nay nhưng khoảng thời gian được xem như khoảng thời gian mình tiến bộ nhanh nhất (nhất là khoảng giao tiếp là vào khoảng 3 năm trở lại đây). Trước thời gian đó, tiếng anh mình khá ổn ở khoản ngữ pháp và đọc nhưng những khoản còn lại như nghe, viết và phát âm khá tệ. Đỉnh điểm là đầu năm nhất mình đi nộp đơn làm trợ giảng cho một trung tâm anh ngữ và bị từ chối một cách thẳng thừng vì mình mắc quá nhiều lỗi phát âm, giao tiếp không rành mạch, vấp quá nhiều hay tóm gọn lại là không đủ khả năng làm trợ giảng. Điều này thực sự làm mình shock và buồn nhưng sau khi ngồi nghiền ngẫm, suy nghĩ kĩ lại thì mình (dù lúc đó khá cay cú) nhưng cũng phải thừa nhận rằng phần giao tiếp của mình rất có vấn đề. Phân tích kỹ hơn:
- Mình không hề có ý niệm về phát âm tiếng anh, đối với mình lúc đó: ship và sheep, shit và sheet,tree và three, pitch và peach, vân vân, mây mây nghe chả khác gì nhau. Bài tập phát âm khi còn đi học đối với mình là một cực hình và mình luôn đánh lụi phần này. Một hệ lụy kéo theo là mình cực dở phần nghe, cực kì vất vả trong khi giao tiếp và đôi khi phải hỏi đi hỏi lại người phỏng vấn nhiều lần.
- Từ vựng của mình còn hạn chế, từ vựng bị động (những từ mà nhìn mặt chữ bạn sẽ biết ngay nghĩa nhưng không thể sử dụng một cách thoải mái và chủ động được), không diễn đạt tự nhiên, phản ứng khá chậm do phải suy nghĩ từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi dịch ngược lại từ tiếng Việt thành tiếng Anh.
- Mình không hiểu gì về văn hóa Mỹ - Anh nói chung, hay mắc lỗi hỏi những câu khá tế nhị (đối với người Việt thì khá bình thường nhưng đối với những người nói tiếng Anh nói chung là khá thô lỗ) như hỏi về tuổi, hôn nhân, gia đình, ... Mình vẫn đôi lúc mắc lỗi này nhưng nhìn chung đã đỡ hơn trước nhiều và may mắn chưa gặp những sự cố đáng tiếc.
Sau khi đã phân tích điểm yếu của mình, mình đã tìm cách khắc phục, tập sửa theo thời gian những lỗi trên và được tổng hợp thành những thói quen sau:
- Mình bắt đầu bằng việc sửa lỗi phát âm vì theo mình lúc đó lỗi này nghiêm trọng nhất. Mình tìm hiểu một thời gian thì phát hiện ra bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế IPA (International Phonetic Alphabet). Mình nói một chút về hệ thông IPA này, Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế được phát minh vào năm 1886 và cập nhật lần cuối vào năm 2005 bởi Hiệp Hội Ngữ Âm Quốc Tế (International Phonetic Association). Hệ thống dùng một bộ ký hiệu để đại diện cho một âm trong ngôn ngữ nói của loài người. Ở đây mình chỉ quan tâm đến 44 âm được dùng trong tiếng Anh. 
Hệ thống IPA tiếng Anh
Như các bạn đã biết, tiếng anh không giống như tiếng Việt hay tiếng Pháp tức là cách viết và cách phát âm hoàn toàn khác nhau, không có quy luật rõ ràng cụ thể. Ví dụ khi nhìn vào chữ ship /ʃɪp/  đối với người lần đầu tiếp xúc với từ này nếu không nhìn vào phần phát âm IPA hoặc không có đoạn phát âm mẫu sẽ không thể nào phát âm được, thậm chí ngay cả khi đã nghe qua phát âm nhiều lần vẫn có thể nhầm lẫn với một số từ phát âm gần giống như vậy ví dụ như từ sheep /ʃiːp/Một điều nữa là thậm chí cùng một từ nhưng có cách phát âm khác nhau. Ví dụ như từ: present (danh từ - tính từ) phát âm là /'preznt/ trong khi từ present (động từ) lại được phát âm là /prɪˈzent/
Có hai nguồn học phát âm IPA mà mình hay tham khảo, một là từ BBC Learning English - The Sounds Of English cho những bạn thích giọng Anh Anh và Rachel's English cho những bạn thích giọng Anh - Mỹ, tất cả đều có trên Youtube mình có dẫn nguồn cho các bạn tham khảo. 

Đến đây chắc một số bạn sẽ thắc mắc làm sao để biết rằng mình phát âm đúng? Theo kinh nghiệm cá nhân của mình có ba cách:
Cách 1 là ghi âm lại phát âm của mình và so sánh với phát âm mẫu, cách này yêu cầu bản thân phải cực kì trung thực và kỹ năng nghe tốt một chút, nhưng cách này có một nhược điểm là đôi khi bản thân không phân biệt được lỗi sai hoặc biết lỗi sai từ đâu. Ngoài ra còn có thể đến các trung tâm tiếng anh uy tín, giáo viên có chứng chỉ để nhờ giáo viên kiểm tra phát âm và sửa lỗi cho mình, cách này là cách hiệu quả nhất nhưng lại khá tốn kém, thời gian bó buộc và một điều hạn chế là giáo viên không có nhiều thời gian để sửa cho một mình bạn vì còn nhiều học viên khác (trừ khi bạn học lớp 1 kèm 1 nhưng học phí những lớp này cực cao, có thể vượt quá mức chi tiêu cho việc rèn luyện tiếng anh của bạn). Ngày trước mình áp dụng cách 1 và may mắn được làm trợ giảng cho một lớp 1 kèm 1 và một kèm 4 nên mình cũng học được rất nhiều từ lỗi sai của học viên, đồng thời trong giờ nghỉ mình cũng tranh thủ nhờ giáo viên chỉnh phát âm cho mình, tất nhiên là không được như các học viên những cũng phần nào giúp ích cho việc phát âm của mình. Ngày trước mình tập phát âm không có nhiều các chương trình, ứng dụng kiểm tra phát âm hoặc có nhưng giá khá cao, mãi sau này mình mới phát hiện ra ELSA (5 phút quảng cáo trắng trợn), một chương trình giúp học phát âm, chương trình có ưu điểm phân tích được những âm chưa phát âm đúng trong một từ, được phát triển bởi người Việt nên việc nhận ra lỗi phát âm của người Việt theo mình là khá chính xác, chi phí tính ra rẻ hơn việc đi học trung tâm nhưng đổi lại ELSA cũng chỉ là một chương trình và không thể nào hoàn toàn phát hiện lỗi sai và đưa ra phản hồi chính xác như một giáo viên bản ngữ được. 
Khi tập phát âm mình thường kết hợp cùng tập giao tiếp, lúc đầu là tập phát âm từng âm một rồi tập phát âm từng từ kết hợp các âm lại với nhau, sau khi đã khá nhuần nhuyễn các âm mình tập phát âm các câu đơn giản, rồi nâng dần độ dài và phức tạp của câu rồi tự suy nghĩ hoàn cảnh và cách phản hồi lại. Theo kinh nghiệm cá nhân, mình thấy việc luyện phát âm và luyện nói có ảnh hưởng đến việc nghe tiếng anh và ngược lại việc luyện nghe cũng có ảnh hưởng đến việc luyện nói và phát âm (theo hướng tích cực). Cụ thể là trong lúc mình tập phát âm, mình cũng luyện nghe song song đi kèm, thường là những trích đoạn trong những bộ phim mình thích và mình cũng tập nhại lại cách nói chuyện của những nhân vật trong bộ phim luôn. Sau một thời gian luyện phát âm IPA mình nhận ra được sự khác biệt của một từ dễ nhầm như mình đã nêu ở trên và đồng thời khi bắt gặp một từ mới hoàn toàn, mình bắt trước phát âm theo dễ dàng hơn trước khi luyện phát âm rất nhiều, mình tạo được một phản xạ phân tích cấu tạo từng âm của từ đó dù đôi lúc vẫn cần phải kiểm tra lại phiên âm IPA của từ đó.  Đồng thời việc luyện nghe còn giúp mình có thêm thư viện để tập nhại lại cách nói của người bản ngữ, bổ sung thêm nguồn dữ liệu để tập giao tiếp hiệu quả và tự nhiên hơn. Quay lại việc tập phát âm và luyện giao tiếp, có một hạn chế là đây là phương pháp tập phát âm một mình nên phản xạ khi giao tiếp hầu như không được phát triển. Điều này có thể khắc phục bằng cách đi đến trung tâm anh ngữ để tập giao tiếp ( Đến đây thì trung tâm anh ngữ mới phát huy tối đa tác dụng của nó theo ý kiến cá nhân của mình là một nơi để bạn - sau khi đã luyện tập ở nhà - đến và ứng dụng tiếng anh của mình và nhận lại phản hồi của mình và tiếp tục quy trình sửa chữa, luyện tập và bắt đầu chu kì sửa - luyện - sử dụng - tiếp nhận phản hồi) và/hoặc có thể đi đến các câu lạc bộ trao đổi tiếng anh, hội chơi board game với người nước ngoài như Mundo Lingo (khá ồn ào nhưng được gặp rất nhiều bạn nước ngoài thú vị), Coach Surfing (theo mình đỡ ồn ào hơn và tập trung trao đổi nhiều vấn đề thú vị hơn), nhóm Talking With The Tourists (nhóm này tổ chức nói chuyện với du khách nước ngoài đến Việt Nam và có cung cấp tài liệu để thành viên nhóm bắt chuyện với du khách khá hay), hội board game với người nước ngoài mỗi thứ tư của Board Game Station, hội board game mỗi thứ sáu và chủ nhật của Language Exchange Coffee House và hoạt động board game hầu như suốt tuần của Board Game House Saigon, vân vân và mây mây. Tuy nhiên, các câu lạc bộ nói tiếng anh cũng như hội board game không phải là lớp học tiếng anh, mọi người tham gia để sử dụng tiếng anh, tám với người nước ngoài và chơi board game nên tất nhiên sẽ không có ai giúp đỡ bạn nhiều trong vấn đề học giao tiếp của bạn. Đây là điều mình thấy một số bạn khi tham gia các hội, nhóm, câu lạc bộ hay hiểu nhầm, cũng có nghĩa là bạn cần tập luyện tiếng anh của mình ở nhà thật nhiều, đến các nơi trên như một nơi để mình thực nghiệm tiếng anh của mình, nhận ra thiếu sót và sửa chữa.

Mình quay lại phần luyện nghe tiếng anh. Một số người sẽ khuyên coi series Sit Com như Friends, How I Met Your Mother, Big Bang Theory... mình không phản đối việc này nhưng để thực sự luyện nghe, bạn cần có engsub chính xác, tập trung nghe tối đa, coi đi coi lại những chỗ không hiểu nhiều lần, điều này ảnh hưởng không ít đến việc thưởng thức bộ phim và về lâu dài biến việc luyện nghe trở nên nhàm chán. Mình có một cách khác đó là bên cạnh việc thưởng thức bộ phim yêu thích, bạn có thể coi những trích đoạn của bộ series bạn yêu thích trên Youtube, thường từ khóa là tên bộ series + moments (hoặc funny), video trên Facebook cũng là một nguồn hay để tập trung vào một số đoạn cần luyện nghe thay vì toàn bộ bộ phim, thời gian mỗi video khá ngắn và rất thích hợp cho những ai không có nhiều thời gian nhưng vẫn có thể giải trí và luyện tập khá hay. Ngoài ra Youtube còn có rất nhiều kênh rất hay tùy từng sở thích, riêng nhưng vẫn có những kênh khoa học thường thức khá phù hợp với mọi đối tượng như TED Talk, TEDed (bản thân mình thích TEDed hơn vì thời lượng ngắn, lại có animation rất sinh động), Monster Box (kênh này do người Việt làm, nội dung chất lừ và đã từng có dịp cộng tác cùng Spiderum), Kurzgesagt – In a Nutshell,... Điều tuyệt vời nhất là càng nghe nhiều những kênh như vậy, Youtube càng gợi ý nhiều kênh tương tự, điều tương tự với Facebook. Một số kênh có kèm cả engsub nên nếu bạn còn chưa tự tin vào khả năng nghe của mình có thể bật lên, dần dà khi thấy khả năng nghe của mình ổn hơn có thể bỏ hẳn engsub để thử khả năng luyện công của mình. Mình không khuyến nghị các bạn sử dụng vietsub vì vietsub không giúp nâng cao khả năng nghe nhiều mà còn là vì một lí dó mình sẽ nói bên dưới.
Một điều nhận thấy trong quá trình luyện tiếng anh cả nghe nói đọc viết đó là mình có một thói quen khá xấu là mình dịch những gì nghe đọc ra tiếng Việt sau đó suy nghĩ câu trả lời bằng tiếng Việt rồi dịch ra tiếng Anh, điều này làm chậm hẳn đi phản xạ của bản thân mà nhất là khi giao tiếp bằng lời nói, khiến bạn hay ngập ngừng và ấp úng. Mình tin rằng rất nhiều bạn cũng gặp phải vấn đề này. Có một cách thầy giáo mình chỉ mình đó là tập suy nghĩ bằng tiếng anh, cố gắng dập tắt tiếng nói tiếng Việt trong đầu mỗi khi dùng tiếng anh và thay vào đó là tiếng nói bằng tiếng Anh, thay đổi thói quen dùng từ điển song ngữ Việt Anh, Anh Việt bằng từ điển đơn ngữ Anh - Anh. Một số từ điển online định nghĩa chính xác, đầy đủ, cung cấp ví dụ cụ thể cũng như Longman Dictionary of Contemporary English Online, Oxford learner's Dictionaries, Dictionary by Merriam-Webster,... ngoài ra khi mới bắt đầu các bạn có thể sử dụng trang Vocabulary.com, các từ được định nghĩa theo nhận xét của mình là dễ hiểu hơn. Ngoài ra trang Vocabulary.com còn là một trang rất hay để luyện từ vựng. Các bạn có thể tham khảo thêm về các từ điển online trên ở một bài viết khác của mình

Ngoài ra bạn có thể tăng phản xạ của mình bằng cách ép bản thân mình nghe đọc tiếng anh càng nhiều càng tốt, hạn chế sử dụng tiếng Việt trong quá trình nghe đọc. Ép bản thân đọc một bài báo, một trang sách trong một khoảng thời gian ngắn, cố gắng nghe một video tiếng anh trong một khoảng thời gian ngắn, không dừng và không dùng vietsub hoặc chỉ dùng engsub. Hoặc có thể nghe radio, podcast hoặc audio book. Audio book thường đọc chậm, dễ nghe còn radio, podcast thì theo mình thấy là nhanh hơn và khó nghe hơn. 
Hi vọng những chia sẽ trên của mình giúp ích được các bạn phần nào trong quá trình hoàn thiện kỹ năng nghe nói của mình. Tùy vài năng lực, sở trường tài năng, cường độ mà những thói quen trên có thể có hoặc không phù hợp với các bạn nhưng mình hi vọng bài viết này giúp ích gì đó cho các bạn trong việc làm chủ thứ ngôn ngữ quốc tế này. Những chia sẽ trên đều xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của bản thân chắc chắn sẽ có thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý và chia sẽ về những cách học tiếng Anh của các bạn. Hi vọng bài viết này nhận được nhiều phản hồi tích cực để mình có động lực viết những bài sau.