NHỮNG “THIỆT HẠI” KHI BẠN KHÔNG HỌC LUẬT
Bài viết nêu bật lên những lý do bạn cần phải học luật, những lợi ích của việc học luật, những "thiệt hại" nếu ta không chịu học luật và là bước định hướng cho quá trình chọn ngành nghề luật.
Học luật là học cái gì nhỉ?
Liệu bạn có đang tưởng tượng trong đầu hình ảnh một sinh viên luật với những chồng sách luật dày cộm toàn những chữ là chữ muốn đè lấy cả người; chữ đen dày đặc trên nền giấy và thật tệ là chúng còn khô khan, còn xoắn não, còn khó tiêu hóa chứ không phải là tiểu thuyết giải trí; chúng đầy rẫy những thuật ngữ pháp lý mà không học luật thì bạn không tài nào hiểu được?
Hay bạn tưởng tượng ra một anh chàng của thời đại 4.0 lướt lướt trên chiếc Macbook với những đoạn lướt vi diệu toàn Điều với Khoản loang loáng đến muốn chóng mặt?
Vậy có nghĩa là thật khó nhằn khi dân luật phải học thuộc lòng, phải ngốn đủ lượng chữ khổng lồ ấy?
Đúng là dân luật sẽ phải xoay sở với hàng núi tài liệu, hồ sơ, sổ sách. Nhưng thật may là không hoàn toàn như vậy, thực chất việc học luật đối với chúng mình quan trọng nhất là học cái nhìn hệ thống, học cách tư duy của dân luật, học cách nhìn, cách tiếp cận một vấn đề dưới nhiều chiều chứ không phải học thuộc lòng như những bạn học chuyên ngành khác nghĩ về dân luật đâu! Thực tế hiện nay bạn gặp thấy đâu đó sự chú ý tới các sinh viên luật chính quy hơn những người học luật dưới các hình thức khác cũng chính là bởi lý do như vậy đấy. Điều đó làm nên sự khác biệt giữa người học bài bản và người tự học một cách xôi đỗ, mò mẫm hoặc dưới những hình thức mà sự tập trung của người học buộc phải phân tán khác.
Những “thiệt hại” khi bạn không học luật
Học luật ở đây đừng ai nghĩ chỉ có học đại học luật thì mới là học luật nhé! Ngoài ra, từ “thiệt hại” mà mình sử dụng ở đây là thiệt hại nói theo một cách dân dã, một nghĩa chung nhất, ý là nếu bạn không học luật thì bạn phải chịu thiệt những gì, gây nên tác hại thế nào so với đáng lẽ bạn học và hiểu về luật, chứ không phải là “thiệt hại” theo nghĩa hẹp mà mình biết nếu mình sử dụng tùy tiện thì ngay lập tức lên “tập xác định” bị phản biện bởi các luật sư luôn, hihi. (Em sợ lắm, em xin né luôn các anh chị ạ! ^^). Dưới đây, mình xin phép sẽ không dùng “thiệt hại” trong dấu ngoặc kép ở phạm vi bài viết này. Quan trọng là sự gần gũi, đơn giản và thông điệp được truyền tải của bài viết phải không các bạn?
Nào, ai muốn biết những thiệt hại khi mình không chịu học luật, thì nhào vô!
Thiệt hại thứ nhất kể được ngay đó là bạn sẽ không biết cái nào là quan trọng, cái nào không trong các mối quan hệ chằng chịt của xã hội. Như vậy, bạn dễ gặp rủi ro pháp lý, thậm chí còn rất dễ vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết và không được pháp luật bảo vệ trong nhiều tình huống.
Ví dụ dễ thấy đầu tiên mà các bạn luôn biết đó là nếu không hiểu luật, mình sẽ rất dễ mất tiền. Trong một nền pháp chế, xã hội được vận hành trên cơ sở đặt ra các quy tắc xử sự chung, một người bình thường phải có nghĩa vụ phải học và tuân thủ, người nào không nắm rõ pháp luật, người đó phải chịu trách nhiệm cho chính sự thiếu hiểu biết của mình. Biết bao vụ lừa đảo, mất tiền do tham gia các giao dịch mà thiếu sự hiểu biết để được pháp luật bảo vệ là minh chứng dễ thấy nhất cho điều đó.
Trong quá trình làm việc tại Tòa án, mình chứng kiến nhiều vụ án, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà bị cáo vướng vào vòng lao lý, phổ biến như các tội phạm: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”… Có phiên tòa nào mà dở khóc dở cười, chỉ vì trót quan hệ tình dục mà sau đó chàng người yêu trở thành bị cáo còn cô nhóc bị hại thì khóc sướt mướt xin cho người yêu mình khỏi đi tù hay không? Chắc hẳn chúng ta cũng đã nghe nhiều.
Cũng trong quá trình làm việc và ngay chính trong cuộc sống của mình, mình nhìn thấy những người không học luật, cái quan trọng thì họ chẳng coi nó quan trọng, họ hành động bất cẩn, sơ suất nghiêm trọng trong một tình huống pháp lý còn cái chẳng quan trọng thì họ lại thấp thỏm, lại kiểm tra, dò xét từng ly, từng tý. Trong lúc họ làm như vậy, họ không biết rằng có nụ cười của những “con cáo” nham hiểm đang bẫy họ và còn có cả sự ngao ngán của những người nắm luật khi phải lãng phí thời gian phối hợp, làm việc với họ!
Thiệt hại thứ hai là bạn mất đi một trong những cơ hội tốt để rèn luyện cách tư duy, nhìn nhận một vấn đề đa chiều và hiểu biết rộng trong cuộc sống.
Trong luật học, một vấn đề được mổ xẻ, được lật đi lật lại dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh nhìn nhận dưới nhiều tư thế và con mắt xem xét khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là nhìn thấy, cảm nhận, suy nghĩ rồi kết luận dựa trên tri giác và nhận thức vốn có của mình. Như câu chuyện một ly nước có dung tích 1000ml, đang chứa 500ml, vậy, ly nước này đang đầy một nửa hay đang vơi một nửa vậy.
Khi học luật, để nắm vững rồi vận dụng một nội dung nào trong đó, đòi hỏi bạn phải có vốn kiến thức và hiểu biết sâu rộng trong cuộc sống. Luật gợi ý và thúc đẩy quá trình học tập, tìm tòi, quan sát cuộc sống của chúng ta.
Thiệt hại thứ ba: Giả sử có một trận chiến một sống một còn về mặt lập luận thì khả năng nhiều bạn sẽ thất bại thảm hại trước ngôn từ, lý lẽ đầy sức thuyết phục từ người có học luật đã được rèn luyện về khả năng tranh biện.
Trong một phiên tòa hoặc phiên họp, ở đó cho phép những người tham gia tố tụng phô diễn hết khả năng tư duy, lập luận và hùng biện của mình; bạn sẽ rất dễ nhận ra ngay sự khác biệt giữa những người học và không học luật, bạn sẽ nhìn thấy sự thất bại thảm thương của những người không học luật về mặt ngôn từ. Bạn có nhớ từ “thầy cãi” mà dân gian gọi những người kiện thuê không? Thực chất đó chủ yếu dùng để chỉ những luật sư tranh tụng ngày nay. Muốn nhìn thấy hùng biện, thay vì xem vị tổng thống Mỹ phát biểu gián tiếp qua màn hình điện thoại, bạn có thể tham dự bất cứ phiên tòa công khai nào tại Việt Nam, nơi đó, bạn sẽ trực tiếp nhìn thấy màn sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của những luật sư tài năng; cũng tương tự như câu ví von dành cho năng lực của nhà hùng biện nổi tiếng nhất ở Trung Quốc là “có thể thổi bay bất cứ người nào ra khỏi Trái Đất bằng lời nói của mình” :)))), họ cũng vậy, bền bỉ, khéo léo, sôi nổi, có thể kích động một đám đông phấn khích bằng chính khả năng kết nối những ngôn từ rời rạc thành một bài tranh biện tuyệt vời.
Đối với riêng mình, về cảm nhận khi ngồi tiến hành các phiên tòa có những nhân sự cao cấp đến từ nhiều cơ quan, lĩnh vực khác nhau mà không có chuyên môn luật, khi đối đầu trong cuộc chiến lý lẽ và ngôn ngữ quyết liệt với các luật sư, thực sự một trong số đó có sự chênh lệch về năng lực tranh biện tới mức chẳng khác nào xem cuộc đấu khẩu giữa con trẻ và người lớn vậy!
Cho nên là, các bạn ơi, những thiệt hại khi bạn không học luật là nhãn tiền. Vậy thì, chúng ta cùng phải học luật thôi!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất