Bạn có bao giờ cảm thấy thất vọng khi xem 1 bộ phim chuyển thể từ sách vì nó không được như mong đợi? Nếu có, bạn không lẻ loi đâu. Mình và rất nhiều người khác cùng chung cảm giác đó.
Ví dụ:
Hồi đọc tập 1 cuốn Harry Potter, cảnh bộ 3 bị cấm túc trong rừng, mình đã hình dung ra 1 màn đêm đặc quánh, mọi thứ mịt mờ, xung quanh là những bụi cây um tùm đen kịt. Bạn không thể biết cách bạn nửa mét có mối nguy hiểm nào rình rập hay không. Vậy mà trong phim là rừng thưa xứ ôn đới. Những cái cây khẳng khiu trơ trọi chọc thẳng lên bầu trời đầy ánh trăng, mọi thứ sáng tỏ như ban ngày. Thất vọng.
Rừng trong hình dung của mình không phải thế này, nhất là khi nó gắn với 1 cảnh phim rùng rợn.
Sở dĩ có sự khác biệt này là vì hình dung của mình và của đạo diễn Chris Columbus là khác nhau. Ông là người châu Âu, rừng trong tiềm thức của ông là những thân cây khẳng khiu thưa thớt. Còn mình thì ở xứ nhiệt đời, và từ bé đã xem nhiều phim khoa học về rừng rậm nhiệt đới. Nên trong hình dung của mình, rừng cây là phải rậm rạp um tùm, cây cối chen chúc đến mức không có lối đi.
Vậy đấy, cùng cuốn sách nhưng mỗi độc giả sẽ hình dung ra 1 câu chuyện của riêng mình; dựa trên trải nghiệm, vốn hiểu biết, và năng lực tư duy của riêng mình. Nhìn rộng ra, không chỉ sách, mà mọi điều trên thế giới này đều vậy. 7 tỷ người là 7 tỷ thế giới song song khác biệt.
Có bao nhiêu người trong bức hình này là có bấy nhiêu thế giới khác nhau.
Thế nhưng, ai cũng cho rằng cái thế giới của mình là thực còn của người khác là ảo. Rằng cách hiểu, cách cảm nhận của mình là chuẩn mực. Và chỉ những ai hiểu giống mình, nghĩ giống mình mới là đúng, còn những kẻ nghĩ khác làm khác mình đều là sai trái ngu dốt cả.
Khi gặp ai đó có quan điểm khác biệt, chúng ta thường quy chụp rằng kẻ đó sai, và nhảy bổ vào để chứng minh điều ấy. Ngành giáo dục thì ép học sinh phải cảm thụ văn học giống với những người viết sách giáo khoa. Đứa nào cảm nhận khác thì đứa đấy sai và học dốt. Kẻ nào mới thực sự dốt đây?
Thế giới này là vậy, ai cũng có suy nghĩ riêng, cảm nhận riêng. Bạn nghĩ đời tăm tối, kệ xác bạn. Miễn sao đừng chê bai những người yê đời. Bạn nghĩ đời tươi đẹp, kệ xác bạn. Miễn sao đừng miệt thị những người thiếu lạc quan. Chúng ta cần học cách tôn trọng thế giới quan của người khác.
Mình đã nói câu này nhiều lần, và hôm nay vẫn dùng nó để kết thúc cho bài viết này:
Ta không có nghĩa vụ phải nghĩ giống người khác, và không ai có nghĩa vụ phải nghĩ giống ta.