Những đám đông gần 100.000 người sẵn sàng hò hét, những fan hâm mộ cuồng nhiệt luôn rực cháy vì đội tuyển họ yêu - điều chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu trên Thế giới, một nhà Vô địch đầy xứng đáng trong hình hài của một tập thể nhiệt huyết và căng tràn sức trẻ. Đó chính là AFF Suzuki Cup 2018, một giải đấu quốc tế gồm 10 đội được tổ chức hai năm một lần ở khu vực Đông Nam Á kể từ năm 1996.
Ở lần mới nhất giải đấu được tổ chức, Việt Nam đã đoạt được chiếc cúp vô địch lần thứ hai trong lịch sử và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2008. “The Golden Dragons” đã đánh bại Malaysia sau hai lượt trận Chung kết với tổng tỷ số 3-2. Trước đó, phải dành lời khen đến “Những chú Hổ” khi họ đã thể hiện một bộ mặt lầm lỳ, bản lĩnh để lọt tới trận đấu cuối cùng. Trước đó họ đã ấn tượng đả bại nhà ĐKVĐ Thái Lan ở Bán kết.
Người Thái là đội bóng thành công nhất từ khi giải đấu được thành lập với 5 lần lên ngôi, trong đó có hai lần gần nhất năm 2014 và 2016. Tuy nhiên, “The Malaysia Tigers” đã chấm dứt triều đại của họ sau hai bàn thắng cân bằng tỷ số ở trận Bán kết lượt về ngay tại chảo lửa Rajamangala trước sự thất vọng của hơn 50.000 NHM Bangkok.
Liên đoàn bóng đá ASEAN (AFF) bao gồm 12 quốc gia. 10 trong số đó đến từ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - một liên minh tầm cỡ có nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế và mối quan hệ hợp tác của các nước thành viên. Timor Leste và Australia là hai thành viên còn lại của AFF, tuy nhiên Socceroos vẫn chưa lần nào tham dự giải đấu cao nhất khu vực kể từ khi gia nhập vào năm 2013.
Đông Nam Á chắc chắn không phải là điểm đến lý tưởng của các tài năng lớn của bóng đá châu Á. Nhưng trong một khía cạnh mang ý nghĩa khác của bóng đá, có lẽ khu vực ASEAN lại được biết đến như là một điểm dừng chân của các đại gia châu Âu trong chuyến du đấu toàn cầu của họ. Với một lượng khán giả và sự quan tâm khổng lồ từ những CĐV của Manchester United, Liverpool, Barcelona, hay Real Madrid, … lòng nhiệt thành đến các giải đấu cách xa hàng ngàn dặm chẳng phải là điều lạ khi nó luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các đội bóng lớn. Và các giải đấu chuyên nghiệp luôn tìm cách thúc đẩy tình yêu từ NHM toàn cầu nhằm tìm kiếm thêm lãi suất khổng lồ từ nhiều nguồn thu khắp Thế giới.
Tuy nhiên trở lại với tình yêu dành cho đội tuyển Quốc gia, niềm đam mê lúc này mới thực sự đáng trân trọng, tạo nên một hiệu ứng cần được phổ biến và loan truyền rộng rãi hơn.
AFF Suzuki Cup có quy mô tương đối nhỏ, chỉ có 11 đội đủ điều kiện tham dự giải đấu 10 đội. Năm 2018, kẻ không may bị loại là Brunei, khi tiểu Vương quốc này đã để thua trận play-off gặp Timor Leste cho vị trí cuối cùng còn lại.

Một thể thức thi đấu mới đã được giới thiệu và thực hiện ngay ở lần gần nhất giải đấu được tổ chức. Thay vì có một hay hai quốc gia đứng ra đăng cai chủ nhà cho giai đoạn vòng bảng, các đội ở hai bảng đấu (mỗi bảng 5 đội) sẽ luân phiên đối đầu nhau tại sân nhà và sân khách để tìm ra hai Quốc gia đứng đầu mỗi bảng và bước vào vòng Bán kết. Trước giờ, chỉ có một Quốc gia tổ chức đá vòng bảng cho cả 2 bảng đấu rồi chỉ đến khi bước đến vòng 4 đội, thể thức sân nhà – sân khách mới chính thức được áp dụng.
Luật lệ mới này cho phép mỗi đội tuyển có 2 trận chơi ở sân nhà bên cạnh 2 trận làm khách ở vòng bảng, được cho là điều tích cực, bất chấp những lo ngại trước đó về sự thiếu công bằng về kết quả đối đầu trực tiếp. Lấy ví dụ, Indonesia hoàn toàn tự tin đánh bại Thái Lan ngay tại sân nhà, nhưng tại Bangkok họ lại chịu thua thuyết phục 2-4 trước Bầy Voi chiến. Ở chiều ngược lại, Thái Lan được cho là chẳng hề ngán ngẩm Philippines tại Bangkok, nhưng thực tế họ lại phải thấp thỏm cho ngôi đầu bảng B sau trận hòa tiếc nuối 1-1 ngay tại Bacolod – Philippines.
Theo nhiều khía cạnh, hệ thống thi đấu mới này là một bước cải tiến vì đội đăng cai không còn nắm quá nhiều lợi thế, dù cho yếu tố may mắn của các kết quả bốc thăm sẽ một phần quyết định đội bóng nào sẽ cho phép họ được chơi trên sân nhà hay sân khách trước các đối thủ lớn.
Bỏ qua những lo ngại về công tác hậu cần và khả năng sai số, không còn nghi ngờ gì nữa, định dạng mới này là một cú hích thực sự dành cho những NHM có cơ hội được chứng kiến đội bóng của họ thi đấu trên quê hương ít nhất hai lần. Điều đó rõ ràng là rất đáng hy vọng. Cũng quá dễ dàng để bạn có thể hiểu được rằng, sẽ chẳng thể nào có chuyện 34.250 khán giả theo dõi trận đấu giữa Campuchia và Malaysia nếu nó diễn ra ở Indonesia hoặc Philippines, trong khi trận Myanmar vs Việt Nam sẽ chẳng thể được 30.000 CĐV trên khán đài nếu nó diễn ra ở Singapore.
Có gần 40.000 CĐV Thái Lan chứng kiến đội nhà đánh bại Indonesia 4-2. Và đó cũng là con số tương tự khi tại Mỹ Đình, Việt Nam dành chiến thắng 2-0 trước người Mã. Ngay cả một quốc gia có diện tích lẫn dân số nhỏ như Singapore cũng thu hút được hơn 30.000 người đến theo dõi trận đấu trên sân nhà trước Indonesia.
Tuy nhiên, chỉ Việt Nam và Malaysia mới thực sự vượt trội ở khoản lấp đầy các SVĐ. Đối với một quốc gia chỉ khoảng hơn 30 triệu dân, sự cuồng nhiệt đã vượt quá tầm cỡ của một đảo quốc như Malaysia. Ở trận đấu cuối cùng quyết định tấm vé vào Bán kết của họ gặp Myanmar, SVĐ Quốc gia Bukit Jalil gần như đã được lấp đầy với sức chứa 87.000 chỗ ngồi.
Đáng buồn thay, không phải quốc gia nào cũng có thể yêu cầu một lượng lớn NHM nhiệt thành như vậy với đội tuyển nước nhà. Lào với dân số chỉ khoảng 7 triệu, còn Timor Leste thậm chí còn thấp hơn với chỉ 1 triệu, không có gì đáng ngạc nhiên khi khán giả đến cổ vũ ở những trận đấu sân nhà của Lào đến từ những Quốc gia láng giềng như Việt Nam. Trong khi Timor Leste thậm chí còn không thể chơi các trận đấu của họ trên quê hương vào năm ngoái khi các SVĐ của họ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
"Ultras" cuồng nhiệt của đội tuyển Malaysia
Năm 2018, Indonesia luôn tỏ ra không hài lòng với bộ máy tổ chức, dẫn đến việc các cầu thủ của họ đã ra sân với phong độ cực kỳ kém cỏi. Điều này khiến NHM bóng đá nước nhà vô cùng bực bội. Nhưng không thể phủ nhận rằng, Indonesia vẫn là một quốc gia có tiềm năng bóng đá rất lớn khi chỉ tính riêng ở cấp CLB, một số trận đấu đã đạt lượng người đến sân theo dõi lên đến 40.000 đến 50.000 người.
Ngoại lệ là Philippines, một quốc gia có nền bóng đá được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua vẫn liên tục phấn đấu để môn thể thao Vua có được nhiều chỗ đứng hơn là bóng rổ - môn thể thao có vẻ là phát triển nhất ở nước này. Chỉ có khoảng 5.489 CĐV đến sân theo dõi trận Bán kết lượt đi AFF Cup ngay trên sân nhà Philippines, thậm chí trong số đó có rất nhiều người Việt – đối thủ của chính “The Azkals”. Đối lập về mọi mặt, sân Mỹ Đình lại đón tiếp trọn vẹn 40.000 khán giả ở trận lượt về. Điều này gần như phủ nhận công lao bổ nhiệm HLV tầm cỡ Sven-Göran Eriksson đến dẫn dắt Philippines chỉ vài tuần trước khi giải đấu diễn ra.
Tựu chung, NHM từ khắp các quốc gia trong khu vực đã tạo nên một bầu không khí lễ hội đa màu sắc cho mọi trận đấu. Các CĐV địa phương cũng giữ hình ảnh thân thiện với những đội tuyển đến làm khách, để lại những ấn tượng đẹp cho lần đầu tiên AFF Cup được tổ chức theo hình thức mới.
Khi đội tuyển Việt Nam dành được chiến thắng ở những trận cầu quan trọng, hàng trăm ngàn NHM nước nhà với sắc đỏ của màu cờ Tổ quốc khoác lên mình đổ tràn ra đường ăn mừng, dù bất kể là những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng, … Tất cả mọi người cùng hòa chung vào dòng “bão”, ngoại trừ một số không thích … kẹt xe. “Ultras” của đội tuyển Malaysia cũng hành quân với số lượng khổng lồ. Họ đi đến đâu là tiệc tùng đến đấy. Và sự hiện diện của họ ở Bangkok càng thêm ý nghĩa khi “Bầy Hổ” xuất sắc lấy đi tấm vé vào Chung kết từ tay “Bầy Voi chiến” ngay tại thánh địa Rajamangala.
Tất nhiên, các fan của Malaysia đã bộc lộ hết mức sự cuồng nhiệt và máu lửa của họ ở trận Chung kết lượt đi gặp Việt Nam ngay tại chảo lửa Bukit Jalil. Ở trận đấu đó, lượt khán giả trên khán đài ghi nhận được lên đến 100.000 người, nghĩa là quá 10.000 người so với sức chứa tối đa của sân.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á luôn có thái độ lỏng lẻo đối với sức khỏe và mức độ an toàn của NHM khi bất chấp những tình huống nguy hiểm khó lường trước. Nhiều CĐV sở hữu tấm vé chính gốc trên tay luôn bày tỏ sự bất bình và bực tức khi ghế của họ bị người khác chiếm mất. Đây chắc chắn là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết nếu muốn bóng đá khu vực thực sự phát triển.
Malaysia đã ngoan cường chiến đấu để san bằng tỷ số trận đấu, từ 2-0 nghiêng về Việt Nam trở thành 2-2, khiến họ có cơ sở để tin vào kỳ tích ở trận lượt về với một thế trận cân bằng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh từ đầu giải đấu, họ mới là tập thể gây ấn tượng mạnh nhất. Với cốt lõi là những cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi từng lọt đến trận Chung kết U-23 châu Á tháng 1/2018, và sau đó là top 4 ASIAD 2018 vào tháng 8.
SVĐ Quốc gia Mỹ Đình ngập kín sắc đỏ của NHM Việt Nam
Sau những năm liên tục thống trị của Thái Lan, đội tuyển Việt Nam trẻ trung dần vào form để bắt đầu kỷ nguyên của chính họ với tư cách là đội bóng xuất sắc nhất khu vực. Tiền vệ công Nguyễn Quang Hải mới chỉ 21 tuổi là một trong những người được kỳ vọng sẽ đạt được những thành tích còn vĩ đại hơn ở cấp độ cá nhân cũng như tập thể. Ngoài ra, những người đồng đội của Quang Hải hứa hẹn cũng sẽ tỏa sáng với sự quyết tâm và nỗ lực từ chính sự thể hiện của họ ở những sân khấu lớn.
Mặc dù cải thiện tiêu chuẩn bóng đá trong khu vực là rất quan trọng, nhưng điều đó cũng có thể là mối đe dọa lớn cho sự hấp dẫn của AFF Cup. Phần lớn thành công của giải đấu nằm ở việc mọi đội cạnh tranh đều có được lực lượng mạnh nhất tham gia, và lịch thi đấu còn phải đồng bộ nhau trong khu vực. Tuy nhiên năm nay chứng kiến một số sự vắng mặt đáng tiếc của những nhân tố đáng chú ý, bởi họ phải đang phục vụ cho CLB chủ quản chinh chiến ở môi trường khốc liệt hơn. AFF Cup được tổ chức rải đều trong 5 tuần, nhưng tất cả đều nằm ngoài lịch thi đấu của FIFA.
Thủ thành của Cardiff City, Neil Etheridge trở về khoác áo đội tuyển Philippines chỉ duy nhất một trận ở vòng bảng trước khi nhanh chóng trở lại Anh tiếp tục nghĩa vụ thi đấu Premier League. Thái Lan cũng phải đối mặt với sự sứt mẻ lực lượng nghiêm trọng cho tham vọng dành 3 chức vô địch liên tiếp. Voi chiến thiếu mất đến 4 trụ cột và 3 trong số đó, gồm playmaker ngôi sao Chanathip Songkrasin đang chơi tại Nhật, trong khi người còn lại vẫn đang ở Bỉ. HLV trưởng Milovan Rajevac đã quyết định không gọi trở lại những cầu thủ trên bởi ông cho rằng, nếu họ chỉ thi đấu 1 hoặc 2 trận, sự nhất quán của tập thể Thái Lan sẽ không còn được giữ vững.
Nếu Quang Hải và nhiều ngôi sao trẻ Việt Nam chuyển ra ngoài khu vực Đông Nam Á thi đấu và Thái Lan tiếp tục xuất khẩu cầu thủ như cách họ đang làm, việc họ không thể thi đấu tại AFF Cup có thể sẽ làm giảm chất lượng thực sự của giải đấu này. Nếu đội tuyển Úc tham dự giải đấu này lần đầu tiên kể từ khi gia nhập năm 2013, có lẽ đó là một thách thức lớn cho những ứng viên vô địch trước đây. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều cầu thủ Australia đang thi đấu ở châu Á cũng như những đại gia châu Á. Mặt khác, lịch thi đấu A-League cũng không trùng với phần còn lại của khu vực.
Mặc dù Asian Cup là giải đấu thuộc FIFA, nhưng vẫn còn đó tồn đọng vấn đề thỏa thuận cầu thủ giữa những CLB Âu châu với các ngôi sao mang dòng máu châu Á. Dường như sẽ chẳng có quyết định nào từ FIFA rằng, các cầu thủ phải được trả về đội tuyển để thi đấu AFF Suzuki Cup.
Tuy nhiên, trong tình huống các ngôi sao trụ cột của các đội tuyển không thể góp mặt, các đội bóng vẫn có thể sống tốt mà không quá oan trách. Ngay cả khi không có 4 nhân tố chủ đạo trong năm 2018, Thái Lan chỉ vụt mất tấm vé Chung kết sau cú đá penalty hỏng đáng tiếc của Adisak Kraisorn. Bên cạnh đó, lượng NHM đến cổ vũ cho đội bóng áo xanh vẫn là rất đáng kể.
Quang Hải và Chanathip Songkrasin
Các cầu thủ Việt Nam đã ăn mừng một năm 2018 đại thành công một cách điên cuồng. Điều đó chứng tỏ ý nghĩa quan trọng với cả tập thể áo đỏ. Ngoài ra, những bữa tiệc không ngớt trên đường phố đã nói lên tình yêu bất diệt của NHM dành cho bóng đá và đội tuyển nước nhà.
Trên thực tế, những đội bóng như Việt Nam hay Thái Lan sẽ khó lòng cạnh tranh đến ngôi vương AFC Asian Cup trong ít nhất 15 năm tới. Và vòng loại World Cup vẫn chỉ là tham vọng chứ không phải kỳ vọng. Phần còn lại của Đông Nam Á thậm chí bị bỏ lại phía sau trên con đường trở thành đối thủ cạnh tranh của Thái Lan và Việt Nam cho ngai vàng khu vực. Điều này phần nào lý giải sự hấp dẫn mang tính “ao làng” của AFF Cup. Đây là cơ hội để một số quốc gia cạnh tranh cấp quốc tế một cách tương đối, với 3 hoặc 4 cường quốc trong số 10 quốc gia tham dự.
Đã có 4 đội tuyển từng lên ngôi ở giải đấu còn non trẻ này. Indonesia đáng tiếc vẫn chưa thể lên ngôi dù lọt vào đến 5 trận Chung kết. Philippines vào đến Bán kết 4 trong 5 lần thi đấu gần nhất, thể hiện những tiến bộ vượt bậc mà họ đạt được. Trong khi Myanmar hoàn toàn có tiềm năng trở thành một thế lực mạnh hơn ở những năm tới.
Lào, Campuchia, Timor Leste và Brunei vẫn còn rất yếu, và cho đến nay họ vẫn chưa tạo được bất kỳ tác động lớn nào. Điều này chủ yếu nằm ở quy mô dân số có phần hạn hẹp ở hai cái tên Timor Leste và Brunei. Ngoài ra, vấn đề tài chính, sự quan tâm của chính quyền dành cho bóng đá, cơ sở hạ tầng, tham nhũng trong bóng đá, … càng khiến thể thao ở những quốc gia trên ngày thêm phần lũng đoạn.
Nhưng mọi giải đấu đều có những điểm đáng chú ý nhất định. Và đối với những quốc gia Đông Nam Á, AFF Cup vẫn giữ được chỗ đứng quan trọng với vai trò bước đệm để phát triển thành một phần của bóng đá đỉnh cao. Có thể phải chờ thêm nhiều thế hệ hoặc tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia thì AFF Cup mới có cơ hội giành được một vị trí ở những môi trường lớn hơn. Đông Nam Á có AFF Cup, và đó chính là sân khấu để Chanathip và Quang Hải dựa vào hòng tỏa sáng ở AFC Asian Cup 2019.
Thế giới vô cùng bao la, vì thế mà cần phải luôn lưu ý nhiều điều. Với những cầu thủ Thái Lan hiện đang giữ một suất vững chắc ở đội I ở những đội bóng ngoài ASEAN, rõ ràng đó là cơ hội lớn để họ có thể phát triển. Bên cạnh đó, nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro và khả năng thích nghi ở nước ngoài, một số ngôi sao Việt có lẽ sẽ được nhiều đội bóng để mắt ở tương lai gần.
AFF Cup có thể vẫn là một giải đấu vô danh trong số các sự kiến lớn của bóng đá Thế giới, nhưng nó vẫn cho thấy sự khốc liệt, máu lửa của NHM khắp khu vực. Có thể còn phải đợi một khoảng thời gian dài nữa, ta mới thấy được một đại diện của Đông Nam Á bước ra ánh sáng World Cup, nhưng nếu cải thiện nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng, quản trị từ bộ máy bóng đá cấp cao, thì World Cup chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay. Đến lúc đó, thật cảm động khi chứng kiến Việt Nam, Thái Lan hay bất kỳ một đội tuyển nào đó hát vang quốc ca ở chính đấu trường vĩ đại nhất của bóng đá – World Cup!
__________
Người dịch: Kinh Luân.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 21/01/2019 với title: “HOW THE UNHERALDED AFF CUP IS OPENING THE WORLD TO THE FOOTBALLING TALENTS OF SOUTHEAST ASIA.”