Tự do là gì?
Hiểu theo phạm trù xã hội thông thường, tự do là một giá trị của cuộc sống, “được làm theo ý mình”. Một điều thú vị là: Tự do (theo nghĩa thông thường) chỉ có ý nghĩa tương đối, không bao giờ trọn vẹn. Không có tự do tuyệt đích theo cách nhìn này. Một tổng thống, một hoàng đế nắm đại quyền vẫn không có tự do viên mãn. Ví dụ, ông ta không thể nói bậy bạ, ăn mặc bừa bãi hoặc đi lại tùm lùm, về nhà vẫn bị vợ đánh. Thậm chí, đôi khi một hoàng đế còn mất tự do hơn cả một ông dân cày ruộng. Cho nên nhiều vị vua phải đội lốt dân thường đi chơi lầu xanh, tung tẩy giang hồ. Vua Tống thèm khát cái tự do tự tại của Yến Thanh – lãng tử, Càn Long thèm cái tự do của bọn kiếm khách giang hồ.
Tự Do, cũng xét theo nghĩa thông thường, có nhiều cấp độ. Cấp độ căn bản nhất là tự do thân thể, không bị cầm túng, không bị lệ thuộc về thân xác cho người khác. Cao hơn nữa là tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại, tự do kiếm kế sinh nhai, tự do hôn nhân, tự do tài chính, tự do học thuật...Đương nhiên, kiểu tự do nào cũng có những giới hạn của riêng nó.
Tự Do luôn được xem trọng, có thể nói nó là giá trị lớn nhất, khát khao cháy bỏng nhất của con người có lương tri. Bao nhiêu thế hệ đã sẵn sàng đánh đổi tất cả để lấy tự do, thậm chí cả mạng sống. Nói đến khát vọng tự do, người ta hay nói đến Spartacus, lãnh đạo khởi nghĩa nô lệ đánh lại giới thống trị La Mã. Đây là một biểu tượng của nhân loại về tinh thần đấu tranh cho tự do.
Tuy nhiên trong bài này, tôi không bàn Tự do theo ý nghĩa thông thường mà là chữ Tự do theo thước đo của Thiền và Phật học.
Tự do theo Phật học là loại tự do có thể vươn tới tuyệt đích, khác hẳn thứ tự do theo nghĩa xã hội thông thường. Đó là tự do tư tưởng, giải phóng tâm thức khỏi vô minh (dục lạc, tham đắm, si mê, hận thù, ghen tuông...) do sáu căn sáu trần và sáu thức gây ra.
Người lãnh đạo muốn đi xa, làm lớn và thênh thang bước đi thì anh ta phải tự do, không để bất cứ điều gì cản bước. Anh ta càng tự do bao nhiêu thì sự nghiệp càng đi xa bấy nhiêu.
Nhìn lại lịch sử, những bậc thánh vương và những lãnh đạo kiệt xuất đều là những kẻ đã tự do thoát khỏi tham đắm, dục lạc ở cảnh giới nào đó.
Tào Tháo là ví dụ về kẻ lãnh đạo thoát khỏi sự trói buộc của hư danh và tiền bạc. Khi nắm được vua Hiến Đế trong tay, Tào Tháo dâng biểu xin phong chức cho tất cả các lộ chư hầu, riêng mình thì không xin chức gì cả, mặc dù lúc đó, Tháo muốn gì được nấy. Trái với Tháo là Đổng Trác trước đó. Khi nắm được vua thì hắn lộng quyền, ép vua phải phong mình làm Thái sư, gây những điều dân oán thiên nộ, trái tai gai mắt. Âu Đổng Trác cũng chỉ là Đổng Trác mà thôi!
Khi quần hùng chém giết nhau để tranh cục ngọc tỷ truyền quốc, Tháo đứng nhìn mà cười. Tôn Kiên vì ngọc tỷ mà bỏ mạng, Viên Thuật cũng vì ngọc tỷ mà chết thảm. Tào Tháo, (cũng giống như ý của Tôn Quyền ) cho rằng ngọc tỷ, suy cho cùng, cũng chỉ là một cục đá, có ý nghĩa gì đâu mà phải tranh nhau. Chỉ có bọn thất phu lỗ mãng mới cần đến cái đồ hư ảo vô dụng ấy.
Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về chú ngựa Xích Thố. Trong Tam Quốc, Xích Thố chỉ có duy nhất và  trên đời cũng chỉ có một con như thế. Mỹ nhân thì nhiều những Xích Thố chỉ có một con. Tào Tháo tiêu diệt Lã Bố, chiếm được ngựa Xích Thố nhưng lại tặng lại cho Vân Trường. Hành động đó đủ thấy Tháo không bị vật chất làm mờ mắt. Việc lấy lòng người, lấy lòng thiên hạ để thôn tính thiên hạ đối với Tháo luôn là số một. Tháo sẵn sàng hy sinh tất cả để vì mục tiêu đó. Hy sinh rất nhẹ nhàng vui vẻ chứ không phải cố sức, lên gân lên cốt.
Không nghi ngờ gì cả, với tôi, Tào Tháo đích thị đã được giải thoát khỏi xiềng xích của cám dỗ vật chất. Đối với vật chất, ông ta tự do, không hề bị tham đắm.
Tuy nhiên, Tháo cũng chưa thoát khỏi những xiềng xích khác như nữ sắc, đố kỵ (giết Dương Tu), nghi ngờ, giận hờn...
Một người “tự do” hơn Tào Tháo có lẽ là Thành Cát Tư Hãn. Ông ta sống rất giản dị, không có nhiều đàn bà, không ham vàng bạc. Lợi lạc đều chia hết cho các tướng lãnh. Kể cũng lạ! Một người chí rộng mênh mang, không màng công danh tầm thường, không bị nữ sắc mê hoặc, không để vật chất chi phối tâm trí lại đi chiếm đất khắp nơi. Nhiều khi hậu nhân bối rối không hiểu việc Thành Cát Tư Hãn – Thiết Mộc Chân đi thôn tính thiên hạ vì mục đích gì. Có lẽ là định mệnh, một bản năng và một sở thích cá nhân? Mời quý vị xem phần NHƯ MỘT ĐÓA HOA để bàn luận kỹ hơn vấn đề này.
Phật còn xúc cảm không?
Một lần Phật đi với A Nan Đà qua những vùng thôn dã. Vì phải lo lắng cho Phật, thầy A Nan Đà không để tâm trí vào quang cảnh thiên nhiên. Phật thường nhắc: “Này A Nan Đà, thầy nhìn đi! Núi Linh Thứu đẹp chưa kia!” hoặc “Cảnh đồng quê thật đẹp biết bao!” Thấy cô gái đẹp, Phật vẫn biết là đó là cô gái đẹp. Thì ra Phật vẫn có cảm xúc, Phật biết rõ cái đẹp cái xấu nhưng Phật vượt thoát khỏi những ràng buộc của nó, không bị nó chi phối, làm rối loạn tâm trí. Phật không nảy sinh tà tâm chiếm đoạt hay ghét bỏ.
Chúng ta thấy cái đẹp thì muốn chiếm đoạt cho riêng mình, có rồi thì khư khư ngồi giữ, rồi lại đi chiếm cái khác. Hai tay vơ mãi không ngừng. Thấy cái xấu thì ta nghiến răng ken két, khinh bỉ, phỉ nhổ. Phật thì trái lại, Người an nhiên và buông xả tâm thức trước cái xấu cái đẹp mặc dù Người vẫn cảm nhận được nó.  
Vậy thì ra tự do vượt thoát dục lạc tham đắm không có nghĩa là vô cảm. Kẻ lãnh đạo một đoàn thể nên nghiên cứu điểm này thật kỹ. Đó mới là cái khó của công phu tu tập theo Đạo Phật, hay còn gọi là đạo Tỉnh Thức.
Điều gì ngăn cản tự do của người lãnh đạo?
Người lãnh đạo đạt trạng thái tự do về tâm thức khó hơn nhiều một kẻ khất thực hay một bác dân cày. Tại sao vậy? Vì lãnh đạo là kẻ có quyền năng (tiền bạc và danh vọng), những lời khen luôn thường trực bên tai, lời nói thẳng nói thật, chân lý sẽ ít được nghe. Vì thói đời, người ta luôn sợ hãi kẻ có quyền năng, nên họ sợ nói thật sẽ làm anh ta nổi giận. Ngoài ra, người lãnh đạo có tự do tài chính và nắm đại quyền nên dễ nảy sinh tự mãn và bảo thủ. Anh ta đến với sự Tỉnh Thức khó hơn nhiều một kẻ trắng tay. Ái dục, tham sân si tạo ra một màn vô minh bủa vây kẻ đứng đầu, đẩy anh ta vào sâu trong u mê. Kẻ nào vượt thoát mới thực sự xứng đánh là trí nhân thiên cổ lưu danh vậy!
Hãy nhớ lại câu STAY HUNGRY, STAY FOOLISH của Steve Jobs! Ông ta nói điều này cũng chính là khuyên ta nên để tâm thức tự do, không bị ràng buộc và bị mờ mắt bởi những thành công đã đạt được. Luôn luôn nghĩ mình chưa có gì, luôn thấy mình ngu dốt thì mới có thể tiếp thu thêm được trí tuệ của thiên hạ để đi xa hơn. Hãy xem! Một kẻ cho mình đầy đủ, cho mình quá khôn ngoan và thông minh thì anh ta có thể đi được bao xa?
 Vậy, một kẻ không bị dục lạc vật chất và nữ sắc chi phối, anh ta lấy gì làm động cơ phấn đấu, cái gì lôi kéo anh ta đi lên và mở rộng? Steve Jobs và Bill Gates phấn đấu vì cái gì? Mời quý vị theo dõi bài NHƯ MỘT ĐÓA HOA để bàn kỹ hơn vấn đề này.