-Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa ở Huế - Thừa Thiên thành công, ngày 23/9 đúng một tháng sau đó, quân Pháp dựa vào lực lượng quân Anh trong phe Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, gây hấn Nam Bộ, cả xứ Huế nhộn nhịp trong không khí thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, càng sôi sục căm thù giặc. Các đội tự vệ chiến đấu được thành lập và thanh niên, học sinh nô nức nhập quân...
-Đó là những tháng Huế chuyển mình sôi động trong nhịp thở toàn quốc, lính Nhật đầu hàng, quân Anh, Ấn tước khí giới quân Nhật tập trung ở Sài Gòn, phía Nam; quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thì có mặt ở Hà Nội vào tới tận Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn. Cả Huế rộn rã tiếng hát xuất quân. Những đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến từ Bắc vào Nam. Tàu và xe đều ghé Huế. Bà con Huế, các đoàn thể tự nguyện tiếp tế cơm nước, đón và đưa.
Đây là thời kỳ hết sức phức tạp, chẳng những ở trung ương, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới được thành lập phải đối phó với quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc, với quân Anh - Pháp ở phía Nam, mà các tỉnh nơi quân Nhật tập trung giao vũ khí cho quân Đồng minh (tức quân của Tưởng Giới Thạch), cũng gặp khá nhiều chuyện rắc rối và tế nhị. Trong mọi mặt, vấn đề vũ trang quân sự, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng yêu nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là một trong những vấn đề hàng đầu của chính quyền cách mạng.
-Lúc ấy, Huế và Đà Nẵng là hai địa phương tập trung nhiều quân đội Nhật nhất, không những họ tập trung cất giấu các kho vũ khí, quân trang, quân dụng ở Quảng Trị, Quy Nhơn mà còn cả từ phía Lào Savanakhet chuyển qua. Ta cần vũ khí. Đối tượng chuyển nhượng không phải từ đám quân Tưởng mà chính từ binh lính sĩ quan Nhật. Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tướng Yokohama là cố vấn tối cao bên cạnh Bảo Đại, dưới quyền Nguyên soái Gensui Terautsi - Tư lệnh tối cao Đông Nam Á. Yokohama đồng thời là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật ở Đông Dương, giỏi tiếng Pháp, có bà vợ người Pháp. Dưới quyền trực tiếp của tướng Yokohama là đại tá Ikawa (tên đọc theo Hán - Việt là Nhất Cửu), nắm quyền chỉ huy quân Nhật từ Huế vào Đà Nẵng đến Quy Nhơn, cả Đông Hà, Quảng Trị và Savanakhet bên Lào. Bên cạnh Ikawa là đại úy tham mưu trưởng Mitsunobu Nakahara thỉnh thoảng theo công việc vào Đà Nẵng và Quy Nhơn, còn đại tá Ikawa thì luôn luôn ở Huế. Ikawa có một thư ký riêng, kiêm phiên dịch là Đebutsi, con một đại sứ Nhật ở phương Tây, giỏi tiếng Pháp và đang học tiếng Việt, cấp thiếu úy. Debutsi làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh và thật tin yêu cô này. Cô là con nguyên thượng thư trong triều đình Huế, tên Thái Thị Thu Ngoạn. Cùng thời gian đó, đại tá Ikawa cũng yêu một cô gái khác, tên là Hải Đường.
Đây là thời gian lực lượng an ninh, tình báo của ta hoạt động tích cực để mua vũ khí từ tay người Nhật khi họ bàn giao nộp cho Tàu Tưởng. Đồng chí Đặng Thanh lúc ấy đang công tác mật tại cơ quan phản gián của ta đã nối quan hệ với Ikawa và Debutsi. Qua quan hệ đó, ta giúp Ikawa được ở nhờ một biệt thự gần ga Huế (phía cầu Lòn), vốn là nhà cũ của Thượng thư Hồ Đắc Trung (thời Thành Thái và Duy Tân). Ta lại đặt riêng một con đò bên bến sông Hương để Ikawa qua lại đôi bờ làm việc với ta. Chính những buổi đi chơi đò, ta đã đặt vấn đề lấy vũ khí Nhật, cả việc mua lại một số vũ khí tốt mà quân Tưởng được quân Nhật giao nộp, giao ngầm cho ta. Những chuyến tàu Nam tiến của ta vào Nam, kể cả những chuyến chở vũ khí, qua được mắt khám xét của quân Tưởng, đều nhờ Ikawa và Debutsi.
-Khi quân Nhật rút khỏi Đông Dương, Debutsi muốn ở lại Việt Nam với người yêu, nhưng gia đình bên Nhật cương quyết gọi về. Còn đại tá Ikawa và đại úy tham mưu trưởng Mitsunobu Nakahara hoạt động riêng cho ngành công an tại Huế. Nakahara đổi tên Việt là Minh Ngọc, sống với mối tình Việt - Nhật bên kia bờ sông Hương mãi đến đầu năm 1946, khi cuộc chiến đấu của quân đội ta ở Nam Bộ và các tỉnh cực Nam Trung Bộ trở nên quyết liệt. Lúc này Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc quân. Quân Tàu Tưởng đã rút về nước, quân đội Pháp thay thế, cùng quân đội ta tổ chức thành các đơn vị gọi là Tiếp phòng quân giữ gìn an ninh khi quân Pháp được sự chấp thuận của chính phủ ta với phe Đồng minh, tước khí giới quân Nhật. Trước tình hình đó, nhiều sĩ quan và binh lính Nhật không đầu hàng quân Tàu Tưởng ở lại Việt Nam, xin được gia nhập bộ đội Vệ quốc quân, tham gia đánh Pháp.
Trong tình hình quân đội ta từ quân du kích chuyển ra quân chính quy rất cần được huấn luyện chu đáo, cơ quan an ninh ta hoan nghênh và chấp nhận. Những tháng đầu thành lập, ta cần đào tạo sĩ quan được huấn luyện có phương pháp quân sự. Hơn nữa quân Nam tiến ta cần có chỉ huy quân sự được phân công đi toàn quốc, nhất là các mặt trận phía Nam. Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam đã được Chính phủ ta cho thành lập hồi tháng 12/1945, do thiếu tướng Nguyễn Sơn làm chủ tịch.
Đầu năm 1946, đại tá Ikawa và đại úy Misunobu Nakahara (tức Minh Ngọc) được Sở Công an Trung Bộ điều vào Quân khu 5 giúp tướng Nguyễn Sơn tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cấp tốc ở Quảng Ngãi. Đầu tiên là lớp quân chính mở ở khu vực đường từ thị xã Quảng Ngãi lên ga Quảng Ngãi, gần phía dưới trường lục quân. Những người lính Nhật trở thành "anh bộ đội Cụ Hồ" có thể nói bắt đầu từ đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
-Ikawa đành phải tạm biệt cô Hải Đường vào Nam. Năm 2005, bà Hải Đường khi đó sống tại TP Hồ Chí Minh đã viết thư cho ông Đặng Thanh: "... Hồi tưởng như ngày hôm qua - còn ở đất thần kinh, tôi hồi tưởng cậu và Ikawa đang đàm đạo trên chiếc đò giữa dòng sông Hương êm đẹp lúc trăng lên sáng tỏ cả bầu trời... Khi ông ra đi trao cho tôi một lá cờ đỏ sao vàng, 1 kimono và 1 chiếc nhẫn, 1 cái ảnh của ông".
Nhưng Ikawa đã ra đi mãi mãi. Năm 1946 trên mặt trận Tây Nguyên ở Pleiku, Ikawa cùng Ban Chỉ huy quân sự đi kiểm tra trên một chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm của quân Pháp, đã hy sinh trong một đợt ném bom của máy bay Pháp cùng với ông Đàm Minh Viên - đặc phái viên của trung ương vào thanh tra tình hình Tây Nguyên.
Còn Nakahara Minh Ngọc được tướng Nguyễn Sơn điều về Trường Lục quân T.H ở Quảng Ngãi làm giáo viên quân sự của trường từ tháng 5/1946. Trường Lục quân Quảng Ngãi là trường do Bác Hồ và Quân ủy T.Ư cho thành lập để đào tạo cán bộ quân sự của Đảng trong toàn quốc. Sau này cùng Trường Võ bị Sơn Tây, Bác Hồ đặt lại tên là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Các giáo viên quân sự vốn là sĩ quan Nhật của trường lúc ấy gồm có: Nguyễn Minh Tâm (tức Sato - thiếu tá), Minh Ngọc (Nakahara - đại úy), Đông Hưng (Tanimoto Kikuo), Phan Lai (Igari Kazumasa - trung úy), Nguyễn Văn Thống (Ishii Taku - thiếu tá). Mỗi người phụ trách huấn luyện quân sự cho một đại đội, Phan Huệ (Kamo) lúc đầu phụ trách (có Thái Vũ ở B2, số 338), sau chuyển lên Ban quân sự trường, Nguyễn Văn Tâm (Sato) về thay. Còn bác sĩ của trường là ông Inoue (tên Việt là Lê Trung). Ông theo ta ngay từ Cách mạng Tháng Tám, ở Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Inoue ra công tác ở Quảng Bình, mất trong kháng chiến, chôn ở Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (cũ), tỉnh Quảng Bình,  được phong liệt sĩ. Vợ là Hoàng Thị Kim Huê (sau ở Nha Trang).
-Những người lính Thiên hoàng trở thành anh bộ đội Cụ Hồ đầu tiên trong cuộc kháng chiến 9 năm đó, giờ đây nhiều người đã hy sinh. Riêng Đông Hưng, sau năm 1954 đã về Nhật, còn Phan Lai (Igari) mang cả người vợ Việt Nam về, nay có con trai lớn Igari Masao, là nghệ sĩ nhiếp ảnh thường qua Việt Nam công tác. Đặc biệt Minh Ngọc (Mitsunobu Nakahara) có quan hệ nhiều với Việt Nam, từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Ông qua đời năm 2005.
Nguồn :Facebook (tìm hiểu chiến tranh việt nam)