NHỮNG NGÀY THƠ ẤU –KÍ ỨC ĐAU BUỒN VỀ TUỔI THƠ KHÔNG TRỌN VẸN
Một ngày trống rỗng, buồn tẻ, mệt mỏi của tháng 3. Một thế lực nào đó đã xui khiến tôi chắp bút viết những dòng này. Tất nhiên sẽ có những sai sót và mong được sự góp ý của mọi người
Mình tìm đến cuốn sách này sau khi học xong bài “Trong lòng mẹ” của Ngữ văn 8 cũ. Một cuốn sách không quá một trăm trang nhưng lại vô cùng nặng nề, chứa đựng bao sự uất ức, tủi hờn của một tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn của Nguyên Hồng. Qua từng trang sách, Nguyên Hồng đã khắc hoạ một gia đình, một xã hội đầy u uất, đen tối trước cách mạng tháng 8 và những phận người trong xã hội ấy, độc ác, cay nghiệt, hay hiền dịu, cam chịu...
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ NGUYÊN HỒNG VÀ TÁC PHẨM NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng (1918-1982). Nguyên Hồng sinh ra tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, là một cây bút đầy tài năng của nền văn học Việt Nam. Ông được biết đến là “nhà văn viết cho phụ nữ và trẻ em” hay “nhà văn của những người cùng khổ”.
Ra đời vào năm 1939 khi ấy Nguyên Hồng chỉ mới 20 tuổi, Thạch Lam đã từng nhật xét rằng :”Đó là những rung động cực điểm của tâm hồn trẻ dại”. Tác phẩm “Những ngày thơ ấu” là một cuốn hồi kí dài vỏn vẹn 9 chương kể về tuổi thơ đầy cơ cực, nghèo khổ và bất hạnh của chính tác giả. Thuở thơ ấu ông lớn lên trong một gia đình vốn khá dư dả mặc dù không mấy hạnh phúc, với người bố làm đề lao và một người mẹ dịu hiền, tần tảo. Thế nhưng, sự dư dả, sung túc ấy chẳng được bao lâu khi mà cha của Nguyên Hồng mất. Mẹ ông lén lút đi bước nữa, bị gia đình nhà chồng hắt hủi, không được chăm sóc con của mình. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đi tình thương, ông phải sống một cuộc sống đầy tủi nhục, chua chát khi ở chung với những người máu mủ ruột thịt của mình là bà nội và người cô của mình .
SỰ LỤI TÀN CỦA MỘT GIA ĐÌNH GIÀU CÓ
“Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau.”
“Hai con người đã phải gắng gượng ăn nằm với nhau, và để khỏi tủi lòng hai đứa con có phúc lọt vào một cửa giàu có và hiếm hoi, hai người càng cố phải gần gũi nhau trong một sự êm ấm giả dối vô cùng.”
Bố mẹ Hồng lấy nhau do sự sắp đặt của gia đình chứ không hề có tình yêu nào ở đây cả. Chỉ vì hai bên, một bên hiếm hoi, muộn cháu và có của, một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đẹp đến thì ở trong nhà và muốn cho người con ấy có chỗ nương tựa chắc chắn. Để rồi Hồng và em gái mình- Quế được ra đời và là kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu. Khi lên 7 tuổi Hồng đã thấm thía được sự hạnh phúc giả dối trong chính cuộc hôn nhân của cha mẹ mình.
Sự giàu có của gia đình Hồng chẳng được bao lâu khi mà người trụ cột của gia đình- cha của Hồng nghiện ngập mà mắc bệnh lao, dần rồi chìm đắm trong hơi thuốc không còn tập trung làm ăn. Cha không làm cai ngục nữa, mọi tiền bạc, của cải cứ theo hơi thuốc như khói mà bay đi. Và khi căn nhà gạch hai tầng ở phố Hàng Cau mà bà nội cố dành dụm tích góp để mua bị bán đi chính là khi những bi kịch liên tiếp ập đến…
Tiền bạc, của cải cạn kiệt, mẹ trở thành người trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, cũng không khá khẩm hơn là bao khi mà mẹ cậu liên tục làm ăn thua lỗ. Ngay cả những món đồ vật trong nhà cũng phải đem bán đi để có thể nuôi sống gia đình và để mua thuốc cho người cha nghiện ngập của Hồng.
Cuối cùng, cha mất. Mất trong cơn nghiện thuốc, và trong những tiếng khóc xé lòng của mọi người. Mẹ Hồng rời quê đi đến nơi khác, tiến thêm một bước nữa. Để lại Nguyên Hồng với những đau khổ, cay đắng trong những tháng ngày ở cùng nhà nội.
KHI ĐỨA TRẺ LỚN LÊN THIẾU VẮNG TÌNH THƯƠNG
Sống trong cảnh thiếu đi tình thương của bố, thiếu đi mái ấm thực thụ và một tuổi thơ đầy cơ cực đã khiến Hồng trở thành một kẻ “đầu đường xó chợ”. Với sự thông minh của mình, Hồng đã đi đánh đáo để có thể kiếm tiền. Cậu lang thang khắp các ngõ phố với một đồng xu - thứ có thể giúp cậu nuôi sống chính mình, đóng tiền ăn học và chút ít để tiêu.
Sau khi bố mất, Hồng sống cùng người cô của mình. Cho dù sống cùng những người có cùng máu mủ, ruột thế nhưng Hồng chưa từng cảm nhận được tình thương đến từ người cô, người bà. Thay vào đó là sự đay nghiến, khinh miệt dành cho anh em Hồng và người mẹ của Hồng. Bà cô độc ác luôn reo rắc vào tâm trí Hồng những suy nghĩ xấu xa về người mẹ của mình.
“Hồng ơi bố mày chết đi thì còn mẹ mày. Cầm bằng mẹ mày đánh đĩ theo giai bỏ mày lêu lổng thì đã có chúng tao!”
Cuộc đời đã xô đẩy cậu vào số phận nghiệt ngã mà đáng ra ở cái độ tuổi ấy, cậu xứng đáng có được sự hạnh phúc, cậu nên là đứa trẻ vô lo, vô nghĩ . Xót xa làm sao!
“Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì dám cướp lại đồ chơi của con mà người ta giằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”
“Dần dần tôi cảm thấy một cách chua cay bên sự trơ trọi hèn hạ của tôi, một đứa trẻ côi cút cùng khổ, có bao nhiêu người vui sướng, say sưa. Chỉ chạm đến tôi họ cũng không dám.”
Bị họ hàng bỏ mặc cho đói rét, bị sỉ nhục, đay nghiến tất thảy nỗi đau ấy dồn nén lại trong trái tim và trí nhớ của một đứa trẻ, rồi nó thành những vết cắt đầy đau đớn. Nhưng cậu không khuất phục, bởi cậu còn phải sống để được gặp mẹ, để ôm mẹ mà khóc nức nở trong lòng. Tình yêu đối với mẹ đã giúp Hồng vượt qua những ngày tháng khó khăn khi chung sống cùng với những người có cùng dòng máu mà cay nghiệt, thắp sáng tâm hồn cho một đứa trẻ mất điểm tựa gia đình, vượt lên những thành kiến của xã hội phong kiến, những lời lẽ cay độc đối với chính cậu và mẹ cậu.
BI KỊCH GIA ĐÌNH NỐI TIẾP BI KỊCH XÃ HỘI
Không chỉ có một cuộc sống khổ cực khi ở nhà nội, Hồng còn phải chịu sự đay nghiến khi đến trường học khi bị người thầy của mình hiểu nhầm là ăn cắp và bị đánh một cách dã man cho đến khi mặt mũi bê bết máu.
Những cú tát ấy, không một ai đứng ra bảo vệ Hồng cả. Thay vào đó, cậu còn phải chịu sự sỉ nhục đến từ bạn bè của mình. Nhưng Hồng có thể làm gì được? Hồng chỉ biết chịu đựng, chịu đựng và chịu đựng.
Kết cuốn hồi ký, Nguyên Hồng đã chạy, chạy trong mê man, chạy khỏi trường học và người thầy giáo đáng ghét, chạy trốn khỏi cuộc đời nghiệt ngã, bế tắc mà bấy lâu nay Hồng phải nhẫn nhịn. Người ta nói rằng trường học chính là ngôi nhà thứ hai của mình, đi học chính là cánh cổng để mở ra tương lai tươi sáng, từ khi cậu chạy trốn khỏi ngôi trường ấy cũng là lúc cánh cổng mở ra tương lai khép lại. Rồi, cuộc đời Hồng sẽ đi đâu về đâu, kết thúc cũng chính là cái để mở ra cho độc giả những suy nghĩ. Liệu chú bé Hồng sẽ thoát khỏi những đau đớn, tủi nhục mà bản thân phải chịu đựng suốt những năm tháng qua. Hay liệu chú vẫn phải tiếp tục cái cuộc sống khổ sở này.
BỨC TRANH XÃ HỘI ĐẦY NGHIỆT NGÃ VỚI PHỤ NỮ
“Những cái ác, cái xấu của những người đàn bà từ thuở lọt lòng đã phải sống với những thành kiến, những lể thói tối tăm, cay nghiệt, rồi phải coi học thức như là một sự quái gở, tự do như một tội lỗi, và thích thú sự áp chế, hành hạ nếu mình được dịp và có quyền áp chế, hành hạ kẻ khác.”
Mẹ của Hồng là nạn nhân của những định kiến trong xã hội xưa. Những người phụ nữ lúc nào cũng khép nép, lo sợ và luôn luôn che đi cảm xúc thật của mình. Họ không được lên tiếng cho số phận của chính mình. Mẹ của Hồng đã phải sống theo sự sắp đặt của gia đình. Nếu không ngoa thì nói “Hồng nhan bạc phận”. Người phụ nữ ấy đã phải chịu đựng biết bao khi sống trong cảnh hạnh phúc giả dối trước mặt bà nội và hai đứa con nhỏ. Rồi phải đi tha hương cầu thực để kiếm cơm. Vì khao khát hạnh phúc mà đi tiếp bước nữa, nhưng lại bị khinh miệt, sỉ vả từ những người ngoài cuộc.
Bà nội của Hồng, một người cũng từng là phụ nữ, cũng từng sống chung với những lề thói tối tăm cay nghiệt của xã hội bóp chết số phận con người từ bên trong nhưng bà lại không hiểu cho người mẹ của Hồng. Bà thường xuyên cãi vã, cằn nhằn và sỉ vả mẹ Hồng thậm tệ. Những nỗi đau từ thế hệ cũ truyền sang thế hệ mới, cứ thế cứ thế không thể cắt đứt…
KẾT
Xuyên suốt 9 chương Nguyên Hồng đã vẽ ra bức tranh về xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đầy cơ cực và tăm tối. Ở xã hội đó tồn tại những tệ nạn xấu xa, những lề thói vô nhân đạo và bất công. Những phận người nhỏ bé vẫn tìm cách để sống, để mà vùng vẫy, để vươn lên và thoát khỏi nơi ấy. Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng là một tác phẩm vô cùng hay và ý nghĩa. Trải qua những ngày tháng đầy đau khổ như thế, có lẽ đã khiến Nguyên Hồng cảm thương với những con người sống dưới tầng đáy của xã hội, khiến ông đồng cảm và thôi thúc ngòi bút của mình viết về “những người cùng khổ”.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất