Hà Nội, 23h ngày 09.08.2024.  Bệnh viện A, tại một phòng bệnh nọ,
Giường số 35, một bạn nữ trẻ tầm 16 tuổi. Đến giờ truyền nước, bạn lên cơn co giật. Người mẹ bên cạnh khóc nấc lên bất lực, bà nội không kiềm chế được cảm xúc, la mắng các bác sĩ đang vò đầu tìm cách cứu sống mạng người đang nguy kịch. Năm phút sau, bạn nữ được đưa lên cáng xe, người mẹ ngất lịm. Phòng cấp cứu bật đèn đỏ lúc 11h đêm. Sáng hôm sau, đã không còn thấy bạn nữ ấy quay trở lại.
Giường số 30, cụ già tuổi 70 gầy nhom nhưng trông vẫn nhanh nhẹn. Cụ ở phòng này đã hơn 20 ngày rồi. Bệnh của cụ khó chữa lành và lâu khỏi. Cụ ở đây một mình, ăn một mình và làm mọi thứ một mình. Hiếm lắm mới thấy người nhà đến thăm. Cụ quen với sự cô đơn đó.
Giường số 29, người đàn ông trung niên, đến từ một tỉnh xa xôi Hà Nội. Cái nắng nóng, sương gió vì mưu sinh đã làm ông trông già đi hơn tuổi, đôi bàn tay nhăn nheo, đôi mắt sâu ẩn chứa nhiều nỗi niềm cất giấu. Vào viện mới được 2 ngày vì bị nhiễm trùng vết thương nặng, ông nôn nao muốn về nhà. Ở thêm một ngày, mất thêm một khoản tiền công nuôi con trai đang học năm nhất đại học.
Ở giữa hai giường 29 và 30, một cậu bạn trẻ, ngày nào cũng vậy, tầm 7h tối, trên tay cầm 2 suất cơm, trên vai đeo chiếc balo đựng laptop, cậu mới tan làm, vội vàng lao thẳng vào viện chăm bố mới phẫu thuật. Đặt suất cơm trên chiếc bàn thấp tạm và chật hẹp, cậu bé ân cần hỏi: Hôm nay bố thấy thế nào? Bác sĩ cho bố uống thuốc gì thế? Con đã bảo bao lần là bố không được đi lại nhiều, sao bố cứ không nghe con....Ông bố miệng lắp bắp, chần chừ chuyển hướng câu chuyện khác.
<i>Vì ngoài kia là bầu trời xanh, là tiếng chim hót, là những bông hoa vươn lên sống mãnh liệt...</i>
Vì ngoài kia là bầu trời xanh, là tiếng chim hót, là những bông hoa vươn lên sống mãnh liệt...
Khi "sống" tại nơi này, được chứng kiến tận mắt nỗi đau đớn của bệnh tật dày vò, sự sợ hãi của những tiếng rên la, ta thấy sự sống mong manh quá. "Sức khỏe" - hai từ nghe nhiều lắm nhưng mấy ai quan tâm khi mình đang khỏe mạnh?
Mỗi cuộc đời là một mảnh ghép chưa lành. Ta đau xót khi thấy mảnh ghép đang bấp bênh giữa sự sống và cái chết. Ta cảm thông cho những mảnh ghép đang bất hạnh và cô đơn. Ta dành cái cúi đầu cảm phục trước những mảnh ghép vẫn đang nỗ lực không ngừng, luôn phấn đấu cho một sự sống khỏe mạnh, cho những niềm hi vọng tương lai.
Ta cũng cần thiết kế cho riêng mình một mảnh ghép. Ở mảnh ghép ấy, ta có đủ dũng cảm để chiến đấu khi bệnh đến, có đủ tình thương để cảm thông và có nhiều điều tốt đẹp mang tới cho cuộc đời.