Chào các bạn, hôm nay mình tiếp tục chia sẻ phần thứ 3 trong series “Kỹ năng kinh doanh cơ bản”
Quan sát thế giới dưới góc nhìn kinh doanh là lựa chọn không tồi cho 1 số sự kiện trong cuộc sống
Quan sát thế giới dưới góc nhìn kinh doanh là lựa chọn không tồi cho 1 số sự kiện trong cuộc sống
Đây là những khái niệm cơ bản nhất, thường được sử dụng trong kinh doanh: việc hiểu rõ những khái niệm này có cần thiết không? Xin thưa là có. Bởi vì:
- Thứ nhất, con người ta có xu hướng rất tự tin khi nói ra những từ ngữ mà mình hiểu chính xác từ ngữ đó đang diễn đạt điều gì, điều này sẽ giúp bộ não của các bạn lựa chọn những từ ngữ chính xác khi giao tiếp, từ đó các bạn cũng nâng cao được kỹ năng giao tiếp, và có cơ hội nhận được sự đánh giá tốt từ đồng nghiệp, đối tác, bạn bè ...
- Thứ hai, dù làm gì đi nữa, chúng ta cũng nên bắt đầu 1 cách chuyên nghiệp nhất có thể. Kể cả có bán đồ ăn online đi chăng nữa, chúng ta cũng phải học cách dùng từ cho chính xác. Bởi vì đó là từ khóa, lợi hơn rất nhiều cho chúng ta trong quá trình tự học tập, nghiên cứu và chia sẻ thông tin. Ví dụ: Giữa việc Bạn search: “làm thế nào để bán được nhiều quần áo”, và, “Làm thế nào để tăng doanh số bán hàng thời trang”. Đều là bạn tự tìm hiểu để tìm cách tăng lợi nhuận, tuy nhiên, kết quả nhận lại cũng khác nhau hoàn toàn. Với cách search thứ 2, bạn sẽ tiếp cận được những nguồn thông tin có giá trị hơn. Vậy, hãy tự yêu cầu mình phải chuyên nghiệp trong kinh doanh, dù là làm việc nhỏ nhất.
Có 1 sự thật là, để đánh giá nhanh nhất trình độ của 1 người, hãy xem mức độ tự tin của họ khi sử dụng từ ngữ trong giao tiếp.
Bởi vậy, thông thạo những khái niệm kinh doanh sẽ giúp chúng ta nhận được sự tin tưởng từ những đối tác. Đồng thời cũng giúp các bạn dễ dàng chia sẻ, trao đổi thông tin với những người xung quanh. Tiết kiệm thời gian, hiệu quả, đối phương cũng dễ nắm bắt.
Trở lại những khái niệm, hôm nay mình xin chia sẻ với anh chị 1 số từ ngữ theo giai đoạn để chúng ta hiểu sâu hơn, đỡ loạn và đỡ bị phân tâm nhé. Bài viết này dành cho những người ở giai đoạn đầu tiên, chưa biết một chút nào về kinh doanh. Những bạn nào đã biết rồi thì có thể tham khảo, hoặc tìm nghe thêm ở những bài viết khác của mình nhé. Ở phần này mình đề cập đến những khái niệm chung nhất mà chúng ta hay dùng.
1. Kinh doanh: Chúng ta hiểu đơn giản là hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ, sao cho có lợi nhuận.
2. Thị trường: Hiểu đơn giản là nơi người bán và người mua gặp nhau, giao dịch
3. Phân khúc thị trường: hiểu là các nhánh của thị trường cho các nhu cầu khác nhau
4. Người bán hàng: là hành nghề kinh doanh.
5. Người mua hàng: là khách hàng.
6. Nguồn lực: Là thời gian, là trí tuệ, là kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ, phương tiện, công cụ, vốn … tóm lại nguồn lực là tất cả những gì chúng ta có, để phục vụ mục đích kinh doanh.
7. Marketing: hiểu đơn giản là để cho khách hàng biết rằng, tôi có gì bán.
8. Sale: hiểu đơn giản là tìm cách để bán được hàng.
9. Sản phẩm, dịch vụ: là thứ mà người kinh doanh trao đổi để có lợi nhuận.
10. Ước mơ, mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn: việc phải làm hàng ngày: Là những khái niệm tương đồng nếu chiếu theo thời gian, đây là những khái niệm trong bộ:  “kỹ năng đặt mục tiêu”. Nếu coi những thứ này là 1 đường thẳng thì mỗi định nghĩa sẽ có chiều dài khác nhau.
------------------------------------------------------------
Chả phải cao siêu hay ghê gớm gì, các bạn chỉ cần đi ra chợ thôi sẽ có vô số bài học kinh doanh phơi bầy ra trước mắt, cả 1 thế giới kinh doanh ở ngay trước mặt, tha hồ mà trải nghiệm. Chỉ cần lặng lẽ quan sát thôi, các bạn sẽ thấy 1 thế giới kinh doanh nho nhỏ này như thế nào. Rồi từ đó hoàn toàn có thể liên hệ ở mức lớn hơn mỗi khi cần.
Ví dụ: Bạn ra chợ mua đồ ăn cho bữa trưa. Bước vào chợ, ta sẽ thấy hàng loạt các tiểu thương bầy bán la liệt khắp nơi, bạn đi qua 1 sạp khô bán trứng. Bà chủ đon đả:
- “Em ơi, trứng gà hay trứng vịt” 
Có bà thì:
- “em ơi, trứng hôm nay ngon lắm”. 
Có người thì không nói gì, không chào hàng, chỉ để 1 tấm bìa:
- “trứng gà 30.000  một chục”.
Đấy là marketing, mình xin chia sẻ với các bạn: đôi khi người thầy tốt nhất, lại chính là bản thân mình, muốn học marketing, cứ ra chợ, các tiểu thương ở chợ đều là bậc thầy của marketing đó. Thôi thì thế giới marketing thì muôn hình vạn trạng, để hiểu sâu hơn về marketing, bạn hãy tìm những cuốn sách, hoặc khóa học về marketing. Bài bản thì người ta có những phương pháp marketing kinh điển, như kiểu: 
- Hiệu ứng chim mồi
- Hiệu ứng đám đông
- Hiệu ứng về sự khan hiếm
- Hiệu ứng mỏ neo … 
Khi ta sẵn sàng, thầy sẽ xuất hiện
Khi ta sẵn sàng, thầy sẽ xuất hiện
Còn nhìn theo góc nhìn khác, kiểu gần gũi dễ hiểu thì các bạn cứ quan sát mọi nơi bạn đi tiêu dùng, dưới vai trò là khách hàng, bạn cũng sẽ thấy.
Có lần mình đèo Vợ đi mua na, bà bán na bảo Vợ mình:
“Em ơi mua na đi, na hôm nay đắt hàng lắm, từ sáng đến giờ chị bán được gần hết rồi, còn khoảng 2kg Em lấy nốt nhé”
Đấy, ở đây sẽ đánh vào tâm lý Vợ mình, Vợ mình sẽ hiểu: 
1 là, “nếu không mua thì sẽ hết, 
2 là, “bán được gần hết rồi chứng tỏ nhiều người mua”.
Và quyết định xuống xe ngồi vào sạp na và hỏi giá. Chỉ 1 câu nói thôi cô bán na đã thể hiện được hiệu ứng đám đông - ở đây là, sáng giờ bán gần hết rồi, tức là rất đông người mua. Và, 2 là hiệu ứng về sự khan hiếm, tức là chỉ còn 2kg thôi, nếu không mua thì sẽ hết, không có mà mua. Và rất nhanh chóng giao dịch thành công. Mình phục sát đất luôn. Đúng là bậc thầy của Marketing!
Chợ - chính là thị trường: tại đây giao dịch liên tục được thực hiện giữa người bán ( ở đây là tiểu thương), và người mua (ở đây là khách hàng).
Ví dụ khác:
Có lần mẹ mình mua rau về làm bữa tối, trong bữa ăn mẹ kể là mua được mớ rau ngon. Hơi đắt 1 tí nhưng ngon. Mình có hỏi là mua ở đâu, thì mẹ bảo, hôm nay mua ở Bác Tôm. 
Tức là bình thường thì 1 mớ rau ở chợ người ta bán 5.000 chả hạn, nhưng vào Bác Tôm, cũng mớ rau đấy, vệ sinh hơn, có thương hiệu uy tín hơn, rau sạch, giá là 8.000, cao hơn 60% nhưng mẹ mình vẫn mua ở đó. Ở đây, Bác Tôm và chị bán rau dạo thì được gọi là phân khúc rau, rau muống cũng có phân khúc nhé các bạn, chị bán rau 5.000 thì phân khúc thấp, Bác Tôm 8.000 thì phân khúc trung chả hạn. Còn cao thì có những siêu thị rau sạch khác nữa, như Vinmart hoặc chuỗi rau sạch khác giờ cũng rất nhiều. Cái này gọi là phân khúc thị trường.
Thịt lợn cũng vậy, mẹ mình có 1 thói quen là khi đã chọn 1 người bán hàng tin tưởng rồi là kiểu gì cũng mua thịt lợn của người đó. Thi thoảng cũng có những hôm thịt bị hôi kinh khủng, nhưng cũng rất dễ dàng, mẹ cho qua, góp ý với họ, và tiếp tục mua của họ. 
Có lần mình trêu bà: thịt bà này tẩm thuốc phiện hay sao mà mẹ lúc nào cũng mua của bà ý thế. Nghe mẹ kể mình mới biết, lại có 1 bậc thầy về chăm sóc khách hàng, phục vụ khách hàng và bán hàng cực đỉnh ở chợ nữa. Đó chính là cô bán thịt lợn. Cô này khéo lắm, bảo sao mẹ tôi cứ mê tít, như kiểu bạn là Fan của Apple hay SamSung vậy, đã là Fan rồi, không cần hỏi giá. Mỗi lần thi thoảng cô ta gọi điện cho mẹ tôi: Chị ơi hôm nay Em có miếng vai, ngon lắm, chị lấy không Em để dành cho, ko vai người ta lấy nhanh lắm.
Đấy, mình biết là bà ý cũng sẽ gọi cho cả chục người như vậy là bán hết sạp hàng rồi. Chi phí điện thoại bây giờ thì quá rẻ, đổi lại bán hết hàng sớm, về 2 vợ chồng lại có thêm thời gian dành cho nhau.. nhà cô này có 2 vợ chồng cùng bán thịt lợn. Thỉnh thoảng nhà mình có khách, đặt nhiều thịt, ông Chồng cũng free ship tận nhà luôn - Tốc độ giao hàng kinh khủng, có khi ông Now cũng lấy cảm hứng từ người bán thịt lợn nào đó ý chứ.
2 vợ chồng ông bà bán thịt này thi thoảng có đứa con hoặc đứa cháu lên giúp việc bán hàng, ở đây gọi là nguồn lực. Họ tận dụng nguồn nhân lực từ gia đình để bán hàng. Có lần mình đưa mẹ đi mua thịt, trong lúc ông Chồng chặt thịt, mình cũng hỏi thăm, ông ta kể: thịt lợn nhập về từ sáng tinh mơ từ những lò mổ, và sáng hôm sau mới trả tiền cho hàng nhập hôm trước. Đây cũng là 1 dạng nguồn lực, gọi là gối đầu công nợ, họ biết lợi thế của mình là: bán hàng lâu năm, và thường xuyên, nên lò mổ cũng vui vẻ chấp nhận công nợ gối 1 ngày hoặc nhiều hơn.
Qua những gì mình chia sẻ, hy vọng các bạn có 1 góc nhìn đơn giản hơn về kinh doanh, và về những khái niệm  để hiểu. Nếu thực sự thích kinh doanh và đam mê, mình tin rằng bạn sẽ được trải nghiệm những bài học ở khắp nơi. Ngoài ra các bạn cũng nên đọc thêm sách để hiểu rộng hơn, hiểu sâu hơn và chi tiết hơn về kinh doanh. Cũng như phần một mình chia sẻ, tức là học và làm luôn song hành với nhau, đừng bao giờ cho phép mình ngừng lại.
Có rất nhiều cuốn sách hay về kinh doanh, các bạn có thể mua sách giấy hoặc ebook, sách nói để học hỏi. Việc đọc sách, ebook, hay nghe sách nói … là quá trình tự học rất thú vị. Nếu có thể, bạn có thể tham gia các khóa học về kinh doanh, cũng khá hiệu quả. Bởi vì có những tổ chức, cá nhân họ đã hệ thống lại rất bài bản và rõ ràng cho học viên, chúng ta chỉ cần lựa chọn 1 nơi tin tưởng để đầu tư vào chính bản thân mình mà thôi. Nhưng, dù học ở đâu, cũng không thể thiếu quá trình tự học và sửa sai được, học tập kết hợp với tự nghiên cứu và trải nghiệm sẽ giúp bạn phát triển nhanh hơn rất nhiều.
Sách luôn là lựa chọn hiệu quả nhất để đầu tư vào bản thân
Sách luôn là lựa chọn hiệu quả nhất để đầu tư vào bản thân
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết này. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid, rất mong các bạn tuân thủ các quy định Pháp luật về giãn cách xã hội, về thông điệp 5 K của Bộ y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Chúc bạn thành công.