LIỆU CHÚNG MÌNH ĐÃ THẬT SỰ LỚN?
Ngày mới chớm lớn, ngồi trầm tư và nghĩ về đôi ba thương tổn, mình cũng hay hỏi bản thân như thế. Tất nhiên, chẳng có một câu trả lời cụ thể nào cả. Trưởng thành hơn, khi cả tư duy và cảm xúc dần hoàn thiện, bản thân bắt đầu khám phá sâu hơn thế giới nội tâm bên trong. Nó hấp dẫn và thôi thúc. Có lẽ, đó là một vùng-đất-kì-lạ chăng? Và rồi, mình phát hiện ra đứa trẻ bên trong tâm hồn .
Tôi đã lớn rồi chăng?
Tôi đã lớn rồi chăng?
ĐỨA TRẺ BÊN TRONG (INNER CHILD)
Những năm thế kỉ 20, nhà tâm lí học người Thụy Sĩ Carl Jung lần đầu sự dụng khái niệm “inner child” và khiến nó trở nên phổ biến trong giới học thuật và tâm lí học. Giới trẻ Việt Nam có lẽ cũng biết nhiều về thuật ngữ này nhờ đầu sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, xuất bản năm 2020. Đứa trẻ bên trong mỗi người chính là nội tâm, bản chất thật sự của con người. Đứa trẻ mà bạn đã từng là, vẫn đang tồn tại trong con người bạn. Khi lớn lên, chẳng qua mình chỉ đang dày cơm hay khoác lên mình thêm nhiều lớp áo “người lớn”. Về cốt lõi, đứa trẻ bên trong vẫn ở đấy, nguyên vẹn.
Đứa trẻ bên trong (inner child)
Đứa trẻ bên trong (inner child)
TỔN THƯƠNG ÂM Ỉ
Có những khoảnh khắc, ta dừng lại mãi ở khía cạnh đứa trẻ. Khi nhỏ chơi với đám bạn, lỡ gây lỗi nhỏ và bị xa lánh; lớn lên sợ làm phật lòng người khác. Khi nhỏ bị bắt buộc phải học giỏi tính toán, tư duy, đi theo khuôn khổ sắp đặt trước,…lớn lên giấu nhẹm cảm xúc, sở thích và chính kiến của bản thân.
Nhiều người luôn muốn chứng tỏ là “kẻ mạnh” bằng việc tổn thương người khác, dù vô ý hay cố tình. Bản thân mình cũng có những thương tổn về mặt tâm lí và có dấu hiệu trầm cảm nhẹ thời niên thiếu (lớn hơn chút mới ngộ ra). Đơn giản, mình có nhiều khuyết điểm và chúng trở thành công cụ người khác dùng để tổn thương lên cô bé mới lớn, sau cùng chỉ để thỏa mãn cảm giác đùa cợt tức thời. Ngày bé mình thèm kết bạn, muốn được vui đùa thỏa thích với đám nhóc cùng lớp, nhưng chẳng được. Phần vì những khuyết điểm của bản thân, phần vì chung quanh mình cũng có những bạn trạc tuổi cùng tên, nhất là khoảng “tốt” hơn mình, đâm ra mình bị so sánh và xa lánh. Mình thèm cảm giác kết nối và làm bạn đến độ mỗi năm học mới, điều trước tiên mình làm là tìm kiếm xem liệu có bạn mới giống tên mình. Nếu không có thì mừng thầm vui sướng kì vọng vào một năm học mới; nếu có thì ắt cũng giống mọi năm. Đâu ai biết một câu châm chọc ngỡ là đùa lại trở thành bóng ma tâm lí trong lòng một đứa trẻ. Đứa trẻ của bạn đang bị tổn thương đấy!
Thương tổn có đáng sợ?
Thương tổn có đáng sợ?
CHỮA LÀNH VÀ GỌI TÊN ĐỨA TRẺ
Để không bị tổn thương, bị đánh giá, mình cho phép tự tổn thương bản thân. Đó gọi là hành vi tự hoại (self-sabotage). Bản thân mình không khuyến khích việc làm này nhưng trong quá khứ đã ngu ngốc cho rằng đây là cách hoàn hảo để chữa lành những vệt nứt nội tâm. Vì sợ đánh giá vô dụng nên mình đã nhủ bản thân yếu kém, vô dụng. Aaa, ít tổn thương thật đấy. Nhưng có lẽ ta đang trơ lì và bỏ mặc cảm xúc.
Vậy, liệu ai sẽ mạnh hơn những “kẻ mạnh” kia? Đó là người biết chấp nhận. Hãy thôi nghĩ về kẻ đã tổn thương và ngưng phóng đại vai diễn của kẻ đã lướt qua mình. Là 3 cm thì chỉ nên là 3 cm, đừng phóng đại thành 3 hec. Bạn là vai chính của cuộc đời mình, đừng để một hôm mưa phùn gió bấc, trái gió trở trời, những nổi đau và tổn thương dần âm ỉ. Những kẻ kia dẫu thế nào cũng chỉ là cameo bước qua bạn.
Hành vi của đứa trẻ ắt sẽ rất bản năng, không có nghĩa nhu cầu của nó không cần thiết. Khi bạn lớn lên, dưới những khuôn khổ, chuẩn mực của xã hội, bạn sẽ cho phép mình gạt bỏ hoặc phủ nhận nhu cầu đó. Chấp nhận chính bản thân là lúc bạn ý thức và gọi được tên của đứa trẻ bên trong. Tìm được mấu chốt ắt hẳn sẽ giải quyết được vấn đề, bạn nhỉ? Xin phép xướng tên cô bé trong mình: Bé Núm thích kết nối và khao khát sự công nhận. Không có gì phải né tránh khi bạn đã gọi tên ra. Đúng nhỉ?
Nếu đọc đến đây, cảm ơn vì bạn đã để tâm đến đứa trẻ bên trong mình.
Chúng ta đều mong trưởng thành thật nhiều, đồng nghĩa cũng sẽ mang theo và kéo lê những tổn thương, những định kiến đã trải dài vào vô thức. Chẳng sao đâu! Hãy chăm sóc tốt nội tâm và tối thiểu sự ảnh hưởng của người khác lên mình.
Dẫu sao, học thật nhiều, biết thật nhiều cũng chỉ để làm một người bình thường, tử tế.
Dẫu sao, chúng mình cũng chỉ là những “đứa trẻ” trong hình hài “người lớn”.
#TolaNum
-----------------------------------------------
Bài viết lấy cảm hứng từ Buồn-Cười Podcast của Uy Lê – Sài Gòn Tếu.
Mọi người có thể kết nối thêm với mình tại blog Tớ là Núm nhee.