Khái niệm gia đình được mọi người định nghĩa đơn giản là một ngôi nhà trong đó có những con người cùng chung sống với nhau, giữa những người này sẽ phân chia vai trò như ba mẹ, con cái, anh, chị, em, còn những ngôi nhà nhiều thế hệ như đại gia đình thì còn có ông bà nội hay ngoại, rồi cháu chắt, quan hệ anh chị em dâu rể,... đại khái là thế. Nói đến đây mọi người nghĩ bài viết này có lẽ sẽ nói về huyết thống hay đại loại là vai trò của các thành viên trong gia đình đúng không? Nhưng không, hôm nay tôi muốn nói về việc những mâu thuẫn xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.
    Ai cũng biết trong gia đình dĩ nhiên sẽ có trên dưới rõ ràng ông bà bảo con cháu nghe, bố mẹ bảo con cái nghe hay anh chị bảo thì em út nghe, hay ông bảo thì bà nghe và chồng bảo vợ nghe hoặc ngược lại,... Nhưng có thật là vậy không? Có thật là gia đình nào cũng được như thế không? Chắc hẳn câu trả lời rõ mồn một là KHÔNG rồi.
   Khi tôi đang viết bài này, thì gia đình hàng xóm cạnh nhà tôi cũng đang trong cuộc cãi vã, và cuộc cãi vã này không phải tôi lén nghe đâu. Mà là không muốn nghe vẫn phải nghe đấy. Túm gọn câu chuyện cãi vã đó là do cô con gái học đại học tới kỳ đóng học phí, về xin tiền ba mẹ thì bị nhận câu là không có tiền, thế là cuộc cãi vã nổ ra. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì không còn gì để nói rồi, dĩ nhiên phải có cú đột phá ở trong đó mình mới phải kể lên đây. Mấu chốt nó nằm ở cái khúc bạn này bắt đầu xưng mày tao với ai? Với chính ba mẹ của bạn ý. Rồi con cãi mẹ, mẹ lại cãi lại con, xong lại sang con cãi ba, ba cũng cãi lại con. Chưa dừng lại, khi mẹ và con cùng cãi ba. Xong một lúc thì thành ra mẹ và ba cãi nhau. Lúc gia đình bạn mới dọn đến xóm mình, thì lần đầu mọi người trong xóm nghe đến cái khúc xưng hô phá hủy mọi quy tắc xã hội của bạn ý, thì chắc hẳn các bạn cũng hiểu hàng xóm láng giềng phải sốc văn hóa thế nào rồi. Lúc bình thường thì mẹ mẹ con con, lúc máu lên tới mặt rồi thì tao không còn biết bố tao là ai. Hơn nữa, xóm mình con nít cũng đông nên họ cũng sợ con họ bị ảnh hưởng xấu. Thế là mấy cô hàng xóm cạnh nhà quyết định chạy sang dạy dỗ lại "con nhà người ta". Nhưng kết quả là không có kết quả gì cả :))
    Người xưa có câu: "Giang sơn dễ đổi bản tánh khó dời". Các cụ nói cấm có sai ạ. Vài ngày sau thì đâu lại vào đấy. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây ba mẹ bạn ý có sai khi không lo được cho con của mình ăn học không? Rồi bạn ý sống trong hoàn cảnh như thế lâu ngày thành ra áp lực thì cách bạn ý chống đối lại với ba mẹ như vậy thì có sai không? Câu trả lời mình để mọi người bàn luận nhé.
  Tiếp theo là đến gia đình khác cũng trong xóm mình. Chuyện rằng gia đình họ có ba thành viên thôi, nhưng đến khi cãi vã là cũng tưng bừng cả xóm. Mâu thuẫn đến từ hai vợ chồng vẫn là nhiều nhất. Đại khái là người chồng ăn nhậu rồi không làm tròn trách nhiệm về nhà còn quậy phá thế là cô vợ không chịu được đâm ra cãi nhau um lên. Rồi cô con gái của nhà ấy cũng phải sống trong áp lực ba mẹ cãi vã, đâm ra cũng gắt gỏng. Có hôm cô con gái không chịu được cũng lớn tiếng cãi nhau với ba cô. Nhưng nghe ra thì là do cô ý không chịu được người cha suốt ngày ăn nhậu rồi về kiếm chuyện chửi bới vợ con,... nhưng cô này thì xưng hô vẫn trên dưới rõ ràng nên nghe vẫn tạm chịu được. Có một hôm cô gái hét lên hai người không ở được với nhau tại sao không ly dị dùm cái đi. Nghe đến đây mình chợt nghĩ mấu chốt của mâu thuẫn thì người ngoài không thể biết được, nhưng vấn đề ở đây là vì người lớn mà tâm hồn những đứa trẻ kia lẽ ra phải trong sáng, ở tuổi ăn học thì chỉ lo ăn học vui chơi, lẽ ra không phải lo lắng trăng trở. Nhưng vì đâu những đứa trẻ đó bùng nổ và xảy ra những cảnh lẽ ra không nên có ở trong một gia đình. Và tiếp theo, cũng có một gia đình khác trong xóm tôi, gia đình này thì không cãi vã nhiều, chỉ thỉnh thoảng thì nghe thôi. Hôm ấy, hai vợ chồng cãi nhau lớn tiếng chồng thì muốn đánh vợ tới nơi. Còn bên cạnh là cậu con trai chỉ biết la trong bất lực: "Thôi,... Thôi đi mà,...." cậu chỉ lập lại được những từ như thế. Tôi nghe mà chạnh lòng. Những đứa trẻ có tội tình gì mà phải chứng kiến những việc như thế. Cả một tuổi thơ luôn thấp thỏm không biết khi nào thì những người mình yêu thương lại lao vào nhau chửi bới đánh nhau. Những đứa trẻ phải tổn thương thế nào để chống cự lại như thế.
    Mình chắc chắn gia đình nào cũng phải có mâu thuẫn. Đến cái người lâu lâu gặp thì mình và họ còn có mâu thuẫn, thì thử hỏi xem những con người được gọi là gia đình nhưng mỗi người mỗi tính cách mỗi người một cách sống lại cùng sống chung hằng ngày với nhau như vậy thì có cách nào mà không xảy ra mâu thuẫn? Nhưng như mọi người cũng thấy, đâu phải nhà nào hở mâu thuẫn là cũng làm um sùm lên cho cả xóm biết chuyện nhà mình đâu. Đó còn tùy vào cách giải quyết của gia đình họ. 
   Bài viết này tôi chỉ viết dựa trên cảm xúc cá nhân của mình chứ không có ý xúc phạm, hay để kể xấu ai cả. Tôi chỉ muốn nói lên tiếng lòng của những đứa trẻ may mắn có gia đình có bố mẹ, nhưng lại bất hạnh vì luôn bị ám ảnh tinh thần về chính gia đình của mình. Mong rằng những bậc đã đang và sẽ làm cha mẹ của những đứa con, hãy nghĩ đến cảm xúc của bọn trẻ trước khi làm những việc vì bản thân mình. Những ám ảnh đó sẽ theo bọn trẻ đến khi nó trưởng thành và màn kịch có thể lại lập lại hoặc chính nó sẽ cự tuyệt với cuộc sống hôn nhân vì nó không muốn phải đau khổ một lần nữa như ba mẹ nó!!!