Gần đây, tôi có nghe lại chương trình Master of Symphony năm 2015 và lòng ái mộ sâu sắc thôi thúc tôi viết một chút gì đó về những nữ ca sĩ, những hiện thân của Muse trong tôi.
Năm nữ ca sĩ trong bài này là những người theo cảm nhận cá nhân tôi, đã tiến gần nhất đến danh hiệu cao quý Diva. Tất nhiên, ngoài cảm xúc, không thể không đặt lên bàn cân những điều kiện của giới học thuật được đề ra cho những ca sĩ muốn vươn tới đỉnh cao. Để được đông đảo công chúng nghe nhạc công nhận là Diva, nữ ca sĩ phải hội tụ đầy đủ những điều kiện sau đây:
– Phải có một giọng hát xuất chúng, có thể hiểu là một giọng hát quý hiếm, hoặc là rất đẹp, hoặc là vô cùng đặc biệt mà không thể tìm thấy ở các ca sĩ thông thường.
– Phải thực hiện được hàng loạt những kĩ thuật thanh nhạc tinh xảo ở mức điêu luyện mà ca sĩ thông thường không làm được.
– Phải có một tư duy, khả năng cảm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc xuất chúng. Phải có sự sáng tạo, cách tân to lớn với âm nhạc.
– Phải có cống hiến to lớn với lĩnh vực âm nhạc mình theo đuổi. Phải có ảnh hưởng lớn tới công chúng và các thế hệ ca sĩ sau đó.
Trong đó, hai điều kiện đầu tiên là hai điều kiện cần (điều kiện tiên quyết) để phân biệt Diva với một nữ nghệ sĩ tài năng. Bởi trên thực tế, có những nữ nghệ sĩ/ca sĩ có tài năng, cống hiến tương đồng, thậm chí vượt trội hơn cả Diva, nhưng không có thế mạnh về giọng hát và kĩ thuật thanh nhạc nên không thể gọi là Diva. Các điều kiện còn lại là điều kiện đủ, để phân biệt diva với những nữ ca sĩ có giọng hát hay, kĩ thuật thanh nhạc vượt trội, nhưng tư duy và thẩm mỹ, sáng tạo, cống hiến, tầm ảnh hưởng trong âm nhạc hầu như không có nhiều.
Một danh sách rất dài và chắc chắn có độ khó cao, dù có sẵn tài năng, sẽ mất rất nhiều năm, rất nhiều cố gắng để bất kỳ cá nhân nào hoàn thành checklist này. Năm nữ ca sĩ tôi đề cập trong bài này cũng vậy, và hãy cùng tìm hiểu quá trình leo núi của họ.
Khởi nguyên:
Giai đoạn Làn Sóng Xanh cực thịnh (1997-2000) là lúc người nghe Việt đói những giọng ca đặc sắc, có bản lĩnh và sức hấp dẫn riêng, không bàng bạc một màu như nhau.
Chính từ sự đói khát, thèm muốn rất hợp lòng người đó mà một thế hệ tạm gọi là Diva của âm nhạc Việt Nam đã sinh ra, cung ứng đúng nhu cầu – chẳng những vậy còn đạt chất lượng cao. Họ là: Đoàn Thanh Lam (1969), Lê Hồng Nhung (1970), Nguyễn Thu Phương (1972), Đỗ Mỹ Linh (1975) và Trần Thu Hà (1977). Khoảng cách giữa người lớn nhất và nhỏ tuổi nhất chỉ có 8 năm, và với chút thể tất, chúng ta thấy họ thuộc vào lứa 7X.
diva nhac viet
5 diva nhạc Việt thế hệ 7X
Chúng ta hãy dành chút thì giờ phân tích hoàn cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của các giọng hát ấy.
Thế hệ 7X trải qua tuổi thơ ấu vào lúc đất nước đã hòa bình, thống nhất, hoàn cảnh rất đáng mừng đó đã khiến thế hệ này hoàn toàn khác với những người lớn hơn, những danh ca thời chiến. Và hãy xem, những người như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà còn được kèm cặp rèn luyện bởi những bậc đàn anh có sức ảnh hưởng lớn, có mỹ học nghệ thuật đúng chuẩn: Thanh Lam chịu ảnh hưởng cha mình là nhạc sĩ Thuận Yến, được nhạc sĩ Thanh Tùng hướng dẫn; Hồng Nhung được đích thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy cách hát, cách đào sâu vào cảm xúc bản nhạc, thậm chí cả cách giao tiếp; Trần Thu Hà do cha mình là NSND Trần Hiếu và chú là nhạc sĩ Trần Tiến chỉ dạy. Một điều kiện quý như vậy, chẳng dễ gì có được.
diva nhac viet
Thanh Lam
diva nhac viet
Hồng Nhung
diva nhac viet
Trần Thu Hà
Khi đã lớn khôn đôi chút, ở tuổi thiếu niên, năm người nữ kể trên còn rơi đúng vào điểm thiếu hụt một mặt bằng âm nhạc đại chúng thương mại, bởi vì âm nhạc Việt Nam khi ấy chỉ có ca khúc chính trị và những bài hát tiền chiến được phổ biến. Đang thiếu và rất thiếu một nền giải trí (ta hãy thống nhất rằng “giải trí” cần được hiểu một cách thiện chí) và cơn lốc nhạc Tây phương từ jazz đến pop tràn vào xứ ta chỉ làm được mỗi một chuyện là xới tung lên niềm khao khát được-như-vậy, được sống trong một nhịp sống văn nghệ ngang tầm thời đại, được trở thành những ngôi sao Pop theo mô hình phương Tây.
diva nhac viet
Mỹ Linh
diva nhac viet
Thu Phương
Như vậy, năm người nữ kể trên khác hoàn toàn những người đi trước họ; họ may mắn được khởi đầu cho một suối nguồn âm nhạc mới, thỏa mãn cơn khát khao của chính họ và niềm trông đợi của công chúng. Có thể nói, họ là những ngôi sao đại chúng đầu tiên của nhạc Việt chúng ta.
Con đường âm nhạc
Mỗi một người trong số họ đều có con đường riêng của mình trên mảnh đất âm nhạc đa sắc, không ai giống ai, nhưng bản đồ hành trình âm nhạc của họ đều rõ nét, sáng đẹp và khá nhất quán. Thanh Lam trải qua ba thời kỳ Thanh Tùng, Quốc Trung và Lê Minh Sơn; Hồng Nhung thì Trịnh Công Sơn rồi Dương Thụ; Thu Phương với Duy Thái, Trần Quang Lộc rồi Việt Anh; Mỹ Linh đi từ Nguyễn Cường sang Anh Quân; Trần Thu Hà với Quốc Bảo rồi Ngọc Đại và Đỗ Bảo.
Phong cách âm nhạc dẫu có khác đi đôi chút từ giai đoạn này sang giai đoạn kia nhưng xét về mỹ học âm nhạc, cái cách họ hát thu âm và trình diễn, cái cảm của họ về nghệ thuật, hệ thẩm mỹ riêng, thì hầu như không thay đổi. Đó là điều khiến cho họ khác với các ngôi sao đàn chị (những ngôi sao của thời văn công và ca khúc chính trị), cũng khác biệt hẳn với lớp đàn em (thế hệ 8X), bỗng nhiên họ độc lập toả sáng trong sự may mắn riêng và nhạc Việt chúng ta gián tiếp may mắn vì có đến năm Diva không ai trùng màu với ai.
Tất nhiên, họ không đại diện cho toàn bộ nền âm nhạc Việt Nam, thế giới âm nhạc này quá rộng lớn, thiên hình vạn trạng và họ là những kỳ quan để cho mọi người nhìn vào mà ngưỡng vọng, còn giới nghệ sĩ nhìn họ như những đỉnh cao để so sánh trong sự nghiệp.
Khi nghe nhạc của họ, tôi hay để cho tâm trí mình nhoè đi và tưởng tượng ra những khung cảnh kỳ vỹ mà giọng hát của họ mang tôi đến. Nếu Thanh Lam là biển mây vô thường, lúc tụ lúc tán, thì Mỹ Linh là đoá ngọc lan trên đỉnh phù vân cao vời vợi. Hồng Nhung là cơn gió mơn man trên từng góc phố Hà Nội, nhưng có lúc cũng mạnh mẽ đến thổi hồn ta lên chín tầng trời. Hà Trần là cầu vồng sau mưa, lung linh, mát mẻ. Còn Thu Phương là một dòng sông lơ đãng, chậm rãi nhưng bao nhiêu thác ghềnh, bao nhiều khúc khuỷu đều đã chảy qua.
Minh Hiếu