NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ KHI LÀM NỘI DUNG - HẸN TRƯỚC MỘT NỤ CƯỜI ẤM ÁP
Bạn có bao giờ đọc lại nhật ký rồi tự ngồi phì cười một mình? Có một cái gì đó rất ngây thơ, thực tế và ngờ nghệch trong những dòng...
Bạn có bao giờ đọc lại nhật ký rồi tự ngồi phì cười một mình? Có một cái gì đó rất ngây thơ, thực tế và ngờ nghệch trong những dòng chữ ấy. Cũng là mình, nhưng chưa hề có những trải nghiệm trong tương lai được nhắc đến. Cũng là mình, nhưng có vẻ hồn nhiên và mơ mộng biết bao. Và những thứ đó làm ta phì cười khi đọc lại, một cảm giác hòa quyện giữa trân trọng và tiếc nuối, một nụ cười cho chính bản thân ta.
Có những lúc mình tình cờ nhìn lại những mục tiêu đã từng đặt ra rồi bỏ quên một góc tủ, mình lại nghĩ: “Thật là một đứa trẻ tham lam”. Rồi mình sẽ cười, chỉ thật khẽ cho đủ bản thân mình cảm nhận được. Một chút hoài niệm, ấm áp, một chút ngạc nhiên “Thì ra mình đã từng như vậy”. Mình cảm thấy đó là những khoảnh khắc hết sức kì diệu, như một tấm vé để trở về quá khứ, đâu đó trên dòng ngày tháng ở đầu trang.
Làm nội dung giúp mình có thêm nhiều phương tiện để ghi nhật ký, và nó cũng đem lại những tiếng cười khi mình chợt xem lại một sản phẩm nào đó, theo một cách rất khác. Nói là “làm nội dung” nhưng với mình, chúng cũng chỉ như việc viết nhật ký, và cuối cùng cũng là để mình đọc, nghe hay xem. Đây cũng chẳng phải là một cam kết hay công việc gì cần nhiều trách nhiệm, mình làm chỉ đơn giản vì mình thích làm chúng, theo một cách nghiệp dư. Mình làm Weekly Story trên Facebook cá nhân và kênh Podcast 11011 mỗi tuần, viết mỗi ngày và đăng tải một bài viết trên Blog mỗi tháng.
Với Blog, có những lúc mình nói chuyện với ai đó rồi bất chợt nghĩ đến một bài viết mình đã từng đăng với nội dung liên quan đến cuộc trò chuyện đó. Rồi mình mở blog lên và gửi bài viết đó cho người mình đang cùng trò chuyện. Đương nhiên, mình cũng xem lại bài viết đó, trong một tâm thế hoàn toàn khác lúc mình viết nó. Dễ thấy nhất là bài viết “15 ứng dụng mình hay dùng” (Phần 1 và Phần 2). Bây giờ nhìn lại, có những ứng dụng mình chẳng đụng vào nữa. Và cái hay là lúc đó mình không hề biết bản thân bây giờ sẽ không dùng những ứng dụng “hay dùng” ấy nữa, một cách ngây thơ không toan tính. Vì vậy, cuộc sống mới thú vị, chẳng ai biết được tương lai cả. Chỉ có quá khứ là những gì sẽ không thay đổi, ở sẵn đó mỗi lần ta quay đầu nhìn lại.
Với podcast, nền tảng này tạo cho mình động lực để chủ động xem lại những trang “nhật ký” từ Blog và Weekly Story. Đến giờ thì mình cũng chưa có được khả năng free-talk cho những tập podcast nên hầu hết nội dung mình đều dựa trên những gì có sẵn. Weekly Story lấy từ facebook cá nhân và những bài blog lấy từ Fanpage 11011. Đến khi thu âm, mình mới nhận ra là có những chỗ sai chính tả, có phần lặp từ, có đoạn mà quan điểm của mình lúc thu đã hoàn toàn thay đổi so với lần đăng tải đầu tiên. Những lần như vậy, mình nhận ra mình đã thay đổi nhiều đến thế nào.
Xét trong một khoảng thời gian ngắn hơn, podcast vẫn là một dạng nhật ký đặc biệt. Xung quanh nơi mình thu có khá nhiều tạp âm thỉnh thoảng bất ngờ xuất hiện (như tiếng gà gáy, xe cứu thương, xe tải bóp còi, xe máy lên ga,...). Vì vậy, công đoạn thu âm cũng không thuận lợi mấy. Mỗi lúc có âm thanh bất ngờ xuất hiện, mình phải dừng lại và thu lại phần bị ảnh hưởng. Bình thường thì mình sẽ tự nói 1-2-3 rồi đọc lại đoạn trước. Nhưng có những lần mình tự thêm vào những câu như “aizz, cố lên”, “một tí nữa là xong rồi”, “dăm ba cái xe”... Đến lúc hậu kỳ âm thanh, những lời tự khích lệ đó đã giúp mình rất nhiều trong việc hoàn thành nốt những công đoạn tiếp theo để đăng tải một tập podcast. Dù biết rằng đến đoạn này, sẽ có một tiếng xe chạy qua nhưng mình cũng biết rằng mình đã tự nói một điều gì đó để động viên bản thân trong tương lai thật gần, và mình chờ đợi điều đó, hơn cả việc chỉnh sửa thật nhanh để hoàn thành công việc. Lúc nghe thấy tiếng chính mình nói “cố lên”, mình lại phì cười, thỏa mãn như một đứa trẻ được kẹo, rồi ngồi thẳng dậy và tiếp tục cắt ghép âm thanh. Có một cái gì đó thật ấm áp mỗi lần như thế, như ta đã tự lên lịch để tặng bản thân một món quà hạnh phúc.
Mình cũng có những thứ chỉ giữ riêng cho bản thân: video self-talk (tự trò chuyện một mình) và Daily Goal (mục tiêu trong ngày). Mình làm những việc này vào mỗi buổi sáng để chuẩn bị tinh thần cho cả ngày dài phía trước. Với video self-talk, mình chỉ đơn giản là tự mở điện thoại hay laptop lên, bật camera trước và bấm quay. Mình tự nhìn bản thân trong màn ảnh, nói về những gì mình cảm nhận trong buổi sáng hôm đó, những câu chuyện nho nhỏ và những việc mình sẽ tiếp tục làm sau khi dừng quay. Rồi mình lưu video đó lên Google Photos, và vài tháng, vài năm sau mình sẽ được gợi ý về những video mình đã từng nói chuyện với chính mình. Lúc đó, chẳng phải ta đã “đặt lịch” để nhìn thấy một bản thân của quá khứ, hoài niệm và hay hay, sao?
Với Daily Goal, mình phải nói lại từ việc viết nhật ký. Mình viết nhật ký mỗi tối trên Grammarly bằng tiếng Anh. Không phải theo kiểu văn vở phức tạp gì đâu, mà chỉ đơn giản là bằng những gạch đầu dòng về những chuyện đã xảy ra trong ngày hôm đó và vài suy nghĩ vu vơ của bản thân. Cuối mỗi phần nhật ký, mình có thêm một danh sách để đánh giá cụ thể hơn một ngày đã diễn ra như thế nào, gồm: Health (sức khỏe), Productivity (năng suất), Mental (tâm lý), Creativity (sự sáng tạo) và cuối cùng là Goal (mục tiêu cho ngày hôm sau). Buổi sáng ngày kế tiếp, mình lại vào chính phần nhật ký hôm qua và xem lại những gì mình đã viết để xem mình cần cải thiện điều gì và phát huy những thứ nào. Rồi mình mở một tab mới, với tiện ích Momentum, điền mục Goal từ nhật ký vào phần “What is your main focus for today” (Việc bạn muốn tập trung nhất cho hôm nay là gì). Nhờ vậy, mình xác định được mục tiêu chính trong ngày và dành toàn bộ năng lượng giải quyết nó. Nhưng cái mình muốn nói trong bài viết này không phải là về năng suất, mà là về giá trị tinh thần việc journaling mang lại. Trong khi viết nhật ký trên Grammarly, có những buổi tối mình mệt lử và chỉ muốn nghỉ ngơi, mình đã viết trong mục Goal là “Stay healthy” (hãy giữ sức khỏe tốt). Ngày hôm sau, mình đọc lại và bỗng dưng cảm thấy thật biết ơn, khi mình đã chọn yêu bản thân hơn những thứ khác. Cũng có những ngày mình viết trong Goal những từ như “Stay brave” (hãy dũng cảm) hay “Just relax” (xõa đê 🐧),... Một lần nữa, mình lại gửi cho bản thân trong tương lai một nụ cười mãn nguyện.
Việc viết nhật ký nói riêng hay đối thoại với bản thân nói chung đều mang lại những lợi ích vô cùng to lớn đối với sức khỏe tinh thần. Chúng giúp ta hiểu rõ mình hơn, biết những việc mình cần làm tiếp theo là gì, và quan trọng nhất là tập cho ta biết ơn cuộc sống. Bản thân mình đã tận dụng điều này với khá nhiều hình thức “nhật ký”, từ Weekly Story, Blog, Podcast cho đến Grammarly và Daily Goal với Momentum. Mỗi nền tảng đều cho mình những trải nghiệm và suy nghĩ khác nhau, nhưng có lẽ chúng đều được lên lịch sẵn một ngày nào đó để quay trở lại, (một lần nữa) cùng với những nụ cười. Mình không nghĩ mình sẽ viết nhiều như vậy trong bài này, nhưng biết sao được, cứ viết thôi. Dù gì mình cũng mong rằng bạn sẽ biết thêm một thứ gì đó qua bài viết này, hay chỉ đơn giản là có thêm một quan điểm mới. Vậy là đã đến cuối bài viết rồi, hãy thử làm một điều gì đó để tặng cho bản thân trong tương lai một món quà nho nhỏ. Viết, vẽ, nói, quay phim,... cứ làm thôi, rồi những thứ bạn tạo ra sẽ quay lại với bạn, cùng những ký ức bạn đã từng gửi gắm.
Bài viết số 20
Ngày 07 tháng 01 năm 2022
#mylife #growwithme
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất