Văn hóa dân tộc cùng với những nét bản sắc không thể nào phai nhòa là những gì mà mọi người dân trên thế giới nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn tự hào và giữ gìn. Dấu ấn văn hóa hiện hữu ở xung quanh cuộc sống của chúng ta thông qua những phong tục tập quán, thực hành văn hóa cộng đồng hay cả trong đời sống cá nhân (tín ngưỡng). Tuy vậy, bên cạnh những hình thức văn hóa ấy, bản thân tiếng Việt cũng biểu hiện dấu ấn văn hóa Việt Nam vừa rộng khắp vừa có chiều sâu trong sự hình thành và phát triển theo tiến trình của lịch sử.
Trước khi tìm hiểu đề tài này, thiết nghĩ chúng ta cần phải tìm hiểu về định nghĩa “văn hóa” là gì. Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra cách định nghĩa về văn hóa cùng với các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Bài viết này sẽ sử dụng cách định nghĩa về văn hóa của Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội”(1). Từ đây, ta có thể khẳng định với nhau rằng: văn hóa Việt Nam phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, nó không chỉ bao gồm những gì gọi là giá trị truyền thống, phong tục tập quán mà còn bao gồm nếp cảm nếp nghĩ (tư duy) của con người Việt Nam, những quy phạm xã hội như pháp luật, các chuẩn mực đạo đức. Ngoài ra, văn hóa còn xuất hiện ở khắp mọi lĩnh vực trong đời sống, có thể biểu hiện lên hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu các giá trị văn hóa hiện lên một cách gián tiếp thì điều mà chúng để lại cho những hình thức biểu hiện của mình chính là những “dấu ấn” đậm nét.
Trong mối tương quan so sánh giữa các hình thức cũng như các thực hành văn hóa khác, ở tiếng Việt, chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều dấu ấn văn hóa Việt đang ẩn hiện sau bên trong đó. Vậy tại sao tiếng Việt lại có thể biểu hiện được các dấu ấn văn hóa ấy? Đó là vì tiếng Việt, cũng như bao ngôn ngữ khác trên thế giới, là một “bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa”(2). Điều này đồng nghĩa với việc ta cho rằng tiếng Việt là một sản phẩm của văn hóa, được cộng đồng người bản ngữ Việt Nam tạo ra từ nhu cầu giao tiếp và tư duy khi chúng ta sống và hoạt động trong sự tương tác giữa thế giới tự nhiên và xã hội. Tiếng Việt đã trải qua nhiều lần đổi thay trước thách thức của thời đại, gắn liền với quá trình phát triển của con người và văn hóa Việt Nam, trong sự tiếp nhận và biến đổi khi phải tiếp xúc các nền văn hóa khác như là một điều tất yếu của hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Cho nên tiếng Việt là một thành tố riêng biệt, chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống các giá trị văn hóa. Đồng thời, tiếng Việt cũng gắn bó với các thành tố khác của văn hóa -từ lời ăn tiếng nói cho đến cách người Việt chúng ta nghĩ về thế giới và chính mình- để đóng vai trò như là một phương tiện phù hợp để lưu giữ và bảo tồn. Về vấn đề trên, Trần Ngọc Thêm cũng đã phát biểu rằng: “Nhìn vào tiếng Việt, có thể thấy nó phản ánh rõ hơn đâu hết linh hồn , tính cách của con người Việt Nam và những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam”(3). Như vậy, tiếng Việt bản thân nó vừa là một sản phẩm của văn hóa vừa là hình thức biểu hiện các dấu ấn văn hóa Việt. Điều này sẽ được thể hiện qua các nét lớn sau:
Tiếng Việt thể hiện các dấu ấn văn hóa Việt về phương diện vật chất.
Các dấu ấn văn hóa Việt trên phương diện vật chất, chúng ta có thể cụ thể hóa chúng thành những hình ảnh gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của một đất nước có nền văn hóa gốc nông nghiệp, được thể hiện sinh động và phong phú thông qua tiếng Việt. Từ quá trình hình thành của chủ thể văn hóa Việt Nam, lãnh thổ của đất nước ta đã nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, thuận lợi để phát triển nghề nông. Lượng mưa hằng năm lớn cùng với các điều kiện tự nhiên khác đã tạo nên một đất nước Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đó là chưa kể sông nước luôn đóng vai trò quan trọng đối với cư dân nông nghiệp trong mọi mặt của đời sống: tưới tiêu cây trồng, sinh hoạt cá nhân. Vì hai lí do chủ yếu trên, hình ảnh của những dòng sông, nước và các hình ảnh khác gắn bó mật thiết với sông đã hiện lên rất nhiều trong văn học dân gian Việt Nam. Chắc chắn chúng ta đã từng biết đến những thành ngữ, tục ngữ như tức nước vỡ bờ, uống nước nhớ nguồn, nước chảy đá mòn, nước giữa dòng chê trong chê đục, nước lớn đò đầy, ngồi trên miệng giếng mà khát nước, dò sông mới biết cạn sâu, sông sâu sóng cả, sông có khúc người có lúc, trăm sông đổ ra bể, nước sông đổ lẫn nước ngòi, cá nước duyên may, bảy nổi ba chìm  v.v. Ngoài ra, những hình ảnh gắn liền với sông như “bến nước” và “thuyền” còn hiện lên như các hình tượng ẩn dụ cho tình yêu lứa đôi: Thuyền về có nhớ bến chăng-Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Bên cạnh đó, hình ảnh cây lúa nước đã gắn bó với dân tộc ta gần như không thể tách biệt vì nó luôn xuất hiện trong bữa ăn thường ngày của người Việt. Cứ như vậy, hình ảnh cây lúa, ruộng đồng trong ca dao hiện lên thật phong phú: Lúa khô nước cạn ai ơi-Rủ nhau tát nước, chờ trời còn lâu​, Thân em như chẽn lúa đòng đòng-Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai, Thân em như lúa nếp tơ-Xanh cây tốt rễ, phởn phơ phơi màu. Hình ảnh những hạt cơm trắng ngần, dẻo thơm cũng xuất hiện như để bổ sung thêm cho hệ thống thành ngữ-tục ngữ về cây lúa: cơm no áo mặc, bát cơm manh áo, no cơm ấm cật, cơm đùm cơm gói, cơm nặng áo dày, cơm khê tại lửa, cơm gà cá gỏi, cơm áo gạo tiền, cơm niêu nước lọ…Trên đây, chỉ có vài hình ảnh tiêu biểu được liệt kê nhưng cũng đủ để cho ta thấy được một cách sơ lược dấu ấn văn hóa Việt Nam khi những hình ảnh ấy được thể hiện trong hình thức giàu nhịp điệu, nhiều sắc thái nghĩa khác nhau nhưng đều hướng đến phản ánh cuộc sống và nông dân Việt Nam từ thuở xa xưa với những phẩm chất, tri thức và kinh nghiệm được bộc lộ trong quá trình tiếp xúc với thế giới tự nhiên. Tất cả đã gắn kết lại cùng nhau để “định vị văn hóa Việt Nam”(4) so với các nước khác trên thế giới.
Tiếng Việt thể hiện dấu ấn văn hóa Việt qua việc phản ánh tư duy, tính cách của người Việt Nam.
Văn hóa là điều gì rất đặc biệt vì đó là thể thống nhất các giá trị phổ quát của nhân loại và các giá trị mang bản sắc riêng của từng dân tộc. Chúng ta hãy tưởng tượng văn hóa Việt Nam chính là một vòng tròn, đứng trong vòng tròn ấy chính là những người bản xứ, sử dụng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Còn những người đứng ở ngoài vòng tròn ấy chính là những người ngoại quốc. Những người này có lẽ hiểu được một số thực hành văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Sở dĩ họ phần nào hiểu được, như tôi đã trình bày, vì nền văn hóa nào cũng mang những giá trị phổ quát của nhân loại mà văn hóa Việt không phải là một trường hợp ngoại lệ. Mặc vậy, chắc chắn hầu như người ngoại quốc nào cũng không thể hiểu hết các thực hành văn hóa trên vì chúng thật mới và xa lạ đối với họ. Những điều người ngoại quốc không thể hiểu thì chỉ có người Việt Nam mới hiểu được thông qua sự gắn kết, chia sẻ, trao đổi thông tin dựa trên một ngôn ngữ chung- tiếng Việt. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây. Chúng ta hiểu được đồng bào của mình không chỉ về mặt giao tiếp, trao đổi thông tin mà còn có thể đoán định được họ nghĩ gì, thích và hướng về điều gì, tính cách của họ ra làm sao. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi vì, tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ nói chung đều chứa trong mình “một kênh hiểu biết chung có tính truyền thống được hình thành từ xa xưa trong lịch sử của cộng đồng đó.”(5) “Kênh hiểu biết chung” này đã được Nguyễn Xuân Hòa rút ra từ quan điểm của Ferdinand de Saussure mà ông cho rằng rất cơ bản: “Ngôn ngữ – và đây là điều nhận định quan trọng hơn cả – bao giờ cũng là chuyện chung của mọi người; được phổ biến trong một khối quần chúng và được khối quần chúng đó vận dụng, nó là một vật mà tất cả các cá nhân đều dùng suốt ngày”(6). “Kênh hiểu biết chung” , ta có thể cho rằng nó được tạo nên từ những thông lệ và quy chuẩn của xã hội, phong tục tập quán, cách tri giác với sự vật hiện tượng trong thế giới và ở một cách hiểu khái quát nhất, “kênh hiểu biết chung” của tiếng Việt chính là lối tư duy và tính cách của cả một dân tộc Việt Nam. Chính lối tư duy và tính cách của dân tộc Việt Nam đã tạo nên đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam với nền văn hóa khác, tạo nên những dấu ấn văn hóa đặc biệt được tiếng Việt thể hiện.
Để tìm hiểu một cách khái quát dấu ấn văn hóa về tư duy và tính cách của con người Việt Nam được thể hiện như thế nào trong tiếng Việt, chúng ta cần phải quay trở về với loại hình văn hóa gốc của Việt Nam: loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Làm nông nghiệp chắc chắn chúng ta không thể nào quan tâm đến một yếu tố duy nhất được mà ngược lại ta cần phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố cùng một lúc và đồng thời xem xét mối quan hệ giữa chúng: Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Kết quả cho hoạt động nhận thức này trong nông nghiệp chính là sự hình thành lối tư duy tổng hợp, “tổng thể trước, chi tiết sau”. Ngoài ra, hoạt động nông nghiệp luôn đòi hỏi cần nhiều người đồng hành cùng nhau. Từ đây, mỗi cư dân nông nghiệp cần phải gắn bó cùng nhau bằng cách xác lập những mối liên kết giữa mình và người khác dựa trên quan hệ sản xuất và lợi ích sau những vụ mùa thu hoạch. Như thế, người Việt Nam ta từ thuở xưa đã gắn bó với cộng đồng, chúng ta luôn muốn giữ những mối quan hệ trên luôn tốt đẹp cho nên dẫn đến một điều rằng chúng ta đã hình thành nên cho mình những tính cách và cũng như những nguyên tắc trong ứng xử: cẩn thận, tế nhị, trọng tôn ti nhưng lại thân mật, gần gũi trong giao tiếp, luôn linh hoạt trong ứng xử, và có một lối sống chú trọng đến tình cảm, trọng tình nghĩa hơn là về lý.
          Trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu dấu ấn văn hóa về lối tư duy “tổng thể trước, chi tiết sau” được tiếng Việt thể hiện như thế nào trong mối tương quan so sánh với tiếng Anh ở việc sắp xếp các từ loại, cụ thể là danh từ-tính từ và danh từ-đại từ bởi lẽ đó là “điểm khác nhau cơ bản trong ngôn ngữ”(7). Người Việt ta nói rằng một con đường rộng chứ không phải là một rộng con đường như trong tiếng Anh -dịch nguyên nghĩa từ cụm từ a wide road. Để phân tích kĩ hơn vì sao sự sắp xếp danh từ và tính từ lại thể hiện dấu ấn tư duy một dân tộc, tôi xin được lấy thêm ví dụ sau: một sự vật cùng hiện ra, đó là tóc, có màu và tính chất lần lượt là đen và dài. Người Việt Nam sẽ gọi sự vật ấy bằng cụm từ tóc đen dài. Còn trong tiếng Anh, sự vật ấy sẽ được người bản ngữ gọi là long black hair. Với trường hợp này, danh từ tóc (hair) đều chỉ cái tổng thể của sự vật nhưng vì người Việt ta ưu tiên, chú trọng đến cái tổng thể của sự vật cho nên đặt danh từ tóc lên đầu. Sau đó, người Việt ta mới miêu tả đến các màu sắc, tính chất của tóc –đen dài, tất cả các yếu tố trên thuộc về chi tiết, “đặc trưng thực tại”(8) của sự vật được thể hiện bằng tính từ. Ngược lại, thông qua cách nói long black hair, ta biết được người Anh quan tâm từ chi tiết rồi mới đi đến sang cái tổng thể của sự vật. Như vậy, bằng việc so sánh trên, ta có thể tái khẳng định người Việt ta có lối tư duy tổng hợp, “tổng thể trước, chi tiết sau” hay ở một cách nói khác lối tư duy chính là “so sánh trước, miêu tả sau”. Thu San Nguyễn Thế Hùng trong bài viết Ngôn ngữ-Văn hóa đã giải thích thêm về lối tư duy này: “Người Việt so sánh vật thể thực tại với những khái niệm có sẵn trong óc, sau đó bổ sung thêm các tính từ mô tả tính chất, trạng thái của đối tượng”. Ngoài ra, tương tư như vậy, người Việt Nam luôn đặt danh từ (chỉ cái tổng thể) trước đại từ khi muốn đề cập đến quan hệ sở hữu, và hai thành phần này sẽ được nối với nhau bằng giới từ của: nhà của tôi, túi xách của chị ấy, bạn của em tôi,v.v. Phân tích những ví dụ này, ta thấy các đại từ: tôi, chị ấy, em tôi kết hợp với giới từ “của”, tạo thành các cụm danh từ có chức năng bổ nghĩa cho cái tổng thể-danh từ: nhà, túi xách, bạn. Có thể lối tư duy “tổng thể trước, chi tiết sau” được thể hiện trong tiếng Việt bộc lộ những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau-nếu ta nhìn nhận một cách khách quan-nhưng chúng ta vẫn có quyền tự hào khi đó cũng là một dấu ấn văn hóa góp phần tạo nên bản sắc cho người Việt Nam so với lối tư duy phân tích của người phương Tây,“chi tiết trước, tổng thể sau”.
          Cách thức xưng hô của người Việt Nam cũng là một khía cạnh chúng ta cần chú ý để khai thác. Bùi Lưu Phi Khanh trong bài viết Nguồn gốc cách thức xưng hô thân tộc trong xã hội Việt Nam đã khảng định: “Xưng hô thân tộc là hình thức xưng hô sử dụng các danh từ chỉ người trong gia đình và dòng họ để giao tiếp giữa người với người và đây cũng là hình thức xưng hô căn bản trong xã hội Việt Nam hiện nay”(9) .Trong cuốn giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học của Hoàng Dũng – Bùi Mạnh Hùng cũng có phát biểu rằng: “Đặc biệt trong tiếng Việt việc dùng danh từ thân tộc để thay đại từ nhân xưng là rất phổ biến”(10). Đồng thời, Trần Ngọc Thêm cũng đưa ra nhận định về vấn đề này:“…tiếng Việt còn sử dụng một số lượng lớn các danh từ chỉ quan hệ họ hàng để xưng hô, và những danh từ thân tộc này có xu hướng lấn át các đại từ nhân xưng”(11). Như vậy, từ các nhận định được trích dẫn trên, chúng ta có thể đưa ra một kết luận, đó là người Việt ta chủ yếu xưng hô với bằng các đại từ thân tộc. Chính điều này đã tạo nên điểm riêng của nước Việt Nam nếu so với các nước Anh, Mĩ, chủ yếu người bản ngữ sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, xưng hô một cách phi thân tộc dựa trên hệ thống đại từ trung tính. Theo bài viết Nguồn gốc cách thức xưng hô thân tộc trong xã hội Việt Nam của Bùi Lưu Phi Khanh, việc tìm hiểu về nguồn gốc cách xưng hô thân tộc của người Việt đã cho thấy có nhiều cơ sở để lí giải: yếu tố lịch sử-xã hội của nước Việt trong quá trình hình thành và tiếp biến văn hóa, sự xung đột của người Việt khi so sánh giữa một bên là lợi ích của gia đình-dòng họ, còn bên kia là lợi ích gắn với quốc gia-cộng đồng hay thậm chí là yếu tố di truyền sinh học được thêm vào để góp phần làm rõ sự xung đột này của người Việt. Tuy vậy, nguồn gốc chủ yếu chính là “hai cấu trúc xã hội là gia đình và dòng họ mang đặc trưng Việt Nam đã góp phần vào việc hình thành nên cách thức xưng hô thân tộc này”(12). Chúng ta có thể nêu ra các đại từ thân tộc quen thuộc đối với bất kì người Việt Nam nào: anh, em, cô, dì, cậu, chú, bác, ông, bà, cháu, v.v.. Dùng các đại từ thân tộc trong quá trình giao tiếp, người Việt ta trước hết thể hiện nguyên tắc trọng tôn ti của người Việt. Nếu ta giao tiếp với một người nhỏ tuổi hơn mình thì chúng ta có thể gọi người đó là em. Ngược lại, đối với những người lớn tuổi hơn mình, ta sẽ gọi người ấy là cô, chú, ông hay bà cùng với một thái độ tôn kính. Lí do các đại từ thân tộc có thể làm được như vậy là vì chúng được tạo ra từ yêu cầu về sự phân biệt vai vế rõ ràng (chủ yếu dựa vào độ tuổi) giữa các thành viên với nhau trong phạm vi gia đình và dòng họ. Bên cạnh đó, khi xưng hô như thế, mỗi người Việt Nam, trong những cuộc giao tiếp, đang tạo nên sự thân mật, gần gũi, xóa nhòa đi khoảng cách giữa những người xa lạ với nhau và lấy đó làm cơ sở để xác lập những mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện. Đại từ xưng hô trong tiếng Việt phong phú và đa dạng cho phép ta trở nên linh hoạt hơn trong giao tiếp. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, chỉ có một đại từ chỉ về ngôi thứ nhất lần lượt là “I” và “Je”. Nhưng ở tiếng Việt, tùy thuộc vào mối quan hệ, các đặc điểm riêng (giới tính, tuổi tác, địa vị) của đối tượng giao tiếp, chúng ta có thể tự xưng bản thân là: tôi, mình, tớ, con, cháu hay là em. Hệ thống đại từ phong phú, đa dạng và đặc biệt hơn cả là lối xưng hô thân tộc đã thể hiện những dấu ấn đậm nét của người Việt Nam ở thái độ, cách ứng xử giữa người và người trong văn hóa giao tiếp.
          Người Việt Nam từ xưa đã luôn đề cao nguyên tắc trọng tình, rằng: “Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình”. Chúng ta thể hiện tình cảm của mình với người khác như là một cách giữ hòa khí tốt đẹp giữa mình và họ. Truyền đạt một cách đầy đủ nhu cầu thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người -một khía cạnh quan trọng trong dấu ấn văn hóa Việt- không gì khác ngoài tiếng Việt vì: “Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất và hiệu quả nhất để chuyển tải những sắc thái biểu cảm khác nhau một cách sinh động nhất, hoàn chỉnh nhất”(13) (Nguyễn Văn Hòa, Chức năng biểu cảm của ngôn ngữ). Cũng trong tạp chí này, Nguyễn Văn Hòa xác định tính biểu cảm của ngôn ngữ nói chung được thể hiện “qua các đơn vị ngôn ngữ thuộc nhiều cấp độ. Từ cấp độ ngữ âm-âm vị học, từ vựng, cú pháp đến hình thái học, phong cách tu từ”(14). Dựa vào quan điểm này, tôi xin được xác định tính biểu cảm của tiếng Việt trên các phương diện sau: ngữ âm (tính nhạc), từ ngữ (sắc thái nghĩa và từ loại). Nói về tính nhạc của tiếng Việt, đây là một trong những phẩm chất tiêu biểu được tạo nên từ sự “hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu”(15), cụ thể là sự hài hòa trong việc sử dụng giữa thanh trắc (sắc, ngã, hỏi, nặng) và thanh bằng (ngang, huyền). Tính nhạc của tiếng Việt được thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày nhưng rõ hơn cả khi nó được sử dụng như một hiệu quả về hình thức nghệ thuật trong thơ ca. Trong bài thơ Tây tiến, sau những câu thơ cùng nhau tạo nên cả một hệ thống thanh tắc: “Dốc lên khúc khuỷa dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, nhà thơ Quang Dũng đã thêm vào một câu thơ toàn thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Sự đan giữa thanh trắc và thanh bằng này cốt chỉ để nói lên tâm trạng, tình cảm của người lính. Đặng Thai Mai đã từng nhận xét về tiếng nói mẹ đẻ của mình như thế này: “Do đó, tiếng Việt có thể kể vào những thứ tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong bản nhạc trầm bổng”(16). Không những thế, tiếng Việt có nhiều các thán từ- “biểu hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nói...tự nó có thể tạo thành một phát ngôn độc lập”(17). Một số thán từ như a, ô hay, ối, trời ơi, chao (thán từ bộc lộ tình cảm) hay vâng, dạ, ơi, này (thán từ gọi đáp). Về mặt ngữ nghĩa, tiếng Việt còn bộc lộ tình cảm con người ở chỗ “các từ, bên cạnh yếu tố gốc mang sắc thái nghĩa trung hòa, thường có rất nhiều biến thể với những sắc thái nghĩa biểu cảm”(18). Ví dụ, tím, bản thân nó chỉ biểu hiện một màu sắc trung hòa nhưng chúng ta hoàn toàn bắt gặp các tổ hợp từ như: tím ngắt, tím tái, tím nhạt, tím biếc và cả tím ngát- từ được trích từ bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Chỉ một động từ “ghét” nhưng cũng có rất biến thể thường gặp: chán ghét, ghét bỏ, khinh rẻ, không ưa, ghê tởm, căm ghét, ghét cay ghét đắng v.v.. Từ đây, người Việt có rất nhiều lựa chọn từ phù hợp để thể hiện cảm xúc của mình tùy thuộc vào tình huống giao tiếp, bối cảnh, đồng thời dần dần tạo nên đặc trưng của một nền văn hóa trọng tình cảm, một nền văn hóa sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính thức.
          Bài viết trên chắc chắn chưa thể phân tích một cách toàn diện nhất nhưng cũng đủ để ta nhận ra được các dấu ấn văn hóa được thể hiện trong tiếng Việt. Các dấu ấn văn hóa, dù là vật chất, tinh thần và thậm chí cả lối sống, cách tư duy của người Việt Nam, đều được “mã hóa” vào tiếng Việt. “Ngôn ngữ là tấm gương thực sự của nền văn hóa dân tộc”, E. S Veresaghin nhận định. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ có ý thức hơn với việc bảo vệ và giữ gìn tiếng Việt, bởi lẽ điều này đồng nghĩa là chúng ta đang giữ gìn những dấu ấn tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr.10.
Hoàng Dũng-Bùi Mạnh Hùng, Giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học, tr. 8.
Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 160.
Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 20.
Nguyễn Xuân Hòa, Giới thiệu sách: Đặc trưng văn hóa – Dân tộc của ngôn ngữ và tư duy (Tác giả: Nguyễn Đức Tồn, Nxb KHXH, H. , 2008, 588tr), nguồn http://vienngonnguhoc.gov.vn/bai-viet/gioi-thieu-sachdac-trung-van-hoa-dan-toc-cua-ngon-ngu-va-tu-duy_535.aspx
Dẫn theo tác giả Nguyễn Xuân Hòa, Ferdinand de Sausure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973.
(8)Thu San Nguyễn Thế Hùng ( hoinhavanvietnam.vn), Ngôn ngữ và Văn hóa, nguồn http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n5062/Ngon-ngu-va-Van-hoa.html
(9) (12) Bùi Lưu Phi Khanh, Nguồn gốc cách thức xưng hô thân tộc trong xã hội VN, nguồn https://ngotoc.vn/Van-hoa-Doi-song/nguon-goc-cach-thuc-xung-ho-than-toc-trong-xa-hoi-vn-660.html
     (10) Hoàng Dũng-Bùi Mạnh Hùng, Giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học, tr. 75.
      (11)Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 159.
      (13) (14) Nguyễn Văn Hòa, 2005, Chức năng biểu cảm của Ngôn ngữ. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Ngoại ngữ Tập 21, Số 1,59-67, nguồn https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/56482/1/21.1.6.pdf
      (15) (16) Đặng Thai Mai, Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, trong Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984).  
      (17) Hoàng Dũng-Bùi Mạnh Hùng, Giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học, tr. 93.
      (18) Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 163.