Một năm tôi đọc khoảng hơn 40 quyển sách.
Đây thực sự không phải một con số lớn, nhưng cũng có thể coi là kha khá đối với lịch làm việc kín đặc mỗi ngày trong hơn chục năm qua của tôi.Tôi đọc sách, vốn dĩ không phải chỉ để học, cũng chẳng hẳn là niềm vui, mà bởi vì nó vốn dĩ luôn là người bạn rất đỗi thân tình gắn chặt với tôi từ bé.

***

Tôi có một ông anh ruột lớn hơn 3 tuổi.
Người thanh niên gầy gò, yếu ớt lúc nào cũng cười hềnh hệch vô tư, nhưng lại sẵn sàng chọi gạch thẳng tay đứa nào bắt nạt tôi. Cảm động trước tình cảm đó, tôi thường tạo điều kiện cho thanh niên bằng cách bắt làm bài tập về nhà hộ mình cả năm lớp 1. Cô giáo phát hiện ra, Đại Tá mất vui, còn tôi và thanh niên ăn đòn gần chết.
Để động viên tinh thần, thanh niên lấm lét dúi vào tay tôi quyển "Tây Du Ký" - bản vẽ đen trắng trên giấy mỏng dính, đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là truyện tranh, và cũng là cách mà trang sách đầu tiên được mở ra trong đời tôi, thật sự.
Tôi nghiện truyện tranh đúng nghĩa đen. Cảm ơn cái quá khứ nhờ học hộ, trong đầu biết duy nhất cách đánh vần tên mình, tất nhiên tôi chỉ còn cách xem tranh. Thế nhưng, quyển "Tây Du Ký" ngày đó đã vẽ ra trong đầu tôi một thế giới kỳ ảo, với thần tiên bay lượn, với phép thuật, với cả đánh đấm nữa. Tôi bị cuốn hoàn toàn vào những hình ảnh, cùng lời động viên của ông anh bạn nghiện "Mày thấy truyện của tao ghê không, hơi bị hay".
Mà công nhận hay thật!
Thấy tôi phê pha, người thanh niên càng tích cực tăng liều bằng cách tha về nhà đủ thứ truyện trên đời, bất chấp Đại Tá hay Trung Tá có tẩm quất thế nào chăng nữa. Tôi đắm chìm trong thế giới đầy những X-Men, Doremon, Thủy thủ mặt trăng... suốt thời niên thiếu cho dến tận cấp hai.Bằng một cách rất đỗi tự nhiên, truyện tranh đã mở ra cánh cửa trong tâm trí tôi. Nó đã trở thành bạn, thành tri kỷ, và cả trở thành một người thầy vĩ đại của tôi đến mãi sau này nữa mà có lẽ tôi sẽ chia sẻ trong một lần khác.

***

Sự nghiện ngắn chẳng tày gang.
Nhà cầm quyền trong gia đình càng lúc càng tỏ ra bất mãn với lối sống sa đọa của hai thằng. Năm tôi học lớp 8, sau những nỗ lực điền lươn vào mông bọn bất trị, Đại Tá thở dài, lẳng lặng đặt lên mặt bàn tôi quyển "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell. Có lẽ sự tò mò của một thằng nhóc mới lớn, cùng với một thế giới quan sinh động được bồi dưỡng qua nhiều năm đọc trộm truyện đã khiến tôi mở ra quyển sách dày cộm đó. Tôi càng chẳng thể nào ngờ từ khoảnh khắc này, nàng Scarlet O'Hara sẽ vĩnh viễn thay đổi cuộc đời mình theo đúng nghĩa đen!
Sách cuốn lấy tôi từ đó, dịu dàng, ấm áp và đầy quyến rũ.
Những năm tháng tiếp theo, tôi đã cười cùng Arthur trong Ruồi Trâu, bực bội với Heathcliff của Đồi Gió Hú, hay chìm trong cuộc đời phiêu bạt của hai thầy trò Rémi, Vitalis với Không Gia Đình. Tôi vẫn đều đặn đến quán thuê truyện quen thuộc gần nhà, nhưng lại cầm về những bộ tiểu thuyết kinh điển, cũ kỹ ở góc dưới cùng mỗi kệ sách.
Quá háo hức, tôi đem kể với 3 thằng bạn thân nối khố, và nhận lại ánh mắt kỳ thị "Mày điên mẹ rồi". Kể cũng đúng, hồi đó việc đọc tiểu thuyết đối với bọn tôi là một điều gì đó rất bệnh. Tôi quyết định giữ kín một mình.
Hết truyện Châu Âu, tôi mò sang Châu Á. Đọc từ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung đến Thủy Hử của Thi Nại Am. Say mê với những nhân vật giỏi võ, mỗi người một kiểu, một thế giới siêu anh hùng dạng Marvel bây giờ. Năm lớp 11, tôi nghiện Thần Thoại Hy Lạp đến mức ước mơ biết đánh máy tính dẻo tay như cách ông anh chơi điện tử để gõ lại quyển này vào words sau đọc lại cho dễ.
Theo một cách nào đó, hồi đó bọn bạn bảo tôi bệnh, công nhận bệnh thật!

***

Không chỉ hẳn là niềm vui, càng lớn, tôi càng cảm thấy tò mò với thế giới xung quanh. Có những điều tôi không thể hỏi hoặc không biết hỏi thế nào để tìm được câu trả lời cho mình.
Tôi loay hoay gần như bất lực. Thời đó kiếm sách mình cần rất khó, hoặc là tôi chưa đủ lớn để biết cách tìm, mặc dù nhà tôi ở đường Láng, chỉ cách vựa sách cũ lớn nhất Hà Nội mỗi một cây cầu. Tôi bắt đầu lục lọi mọi thứ trong nhà có thể đem ra đọc.
Tôi đọc từ Hoa học trò, Mực tím đến cả tạp chí Quân đội Nhân dân, thứ mà tôi không hiểu vì sao có ngồn ngộn trong phòng bố mẹ. Đây là một quyển tạp chí rất đặc biệt, dày cộm như quyển sách, và chỉ có những bài viết của các tác giả quân đội. Tôi dành hầu như nguyên mùa hè năm lớp 10 đắm chìm với những mẩu truyện muôn hình vạn trạng tuyệt vời trong đó, cho đến khi tìm được quyển tạp chí thần thánh hơn tất thảy của ông anh trai giấu dưới chiếu mang tên Playboys.
Đến bây giờ, gần 30 năm đã trôi qua tôi cũng không thể hiểu được bằng một cách kỳ dị nào đó mà ông anh tôi luôn tha về được những quyển truyện lạ lùng, và cả "vĩ đại" như Playboys.
Cơ mà cũng may là chỉ có một quyển, vậy nên tôi lại trở về với thế giới của riêng mình tương đối sớm với công sức của Marc Levy và Sidney Sheldon!
Đại thi hào người Anh C.S. Lewis từng viết trong vở kịch nổi tiếng Shadowland: "We read to know we are not alone" - "Ta đọc để biết rằng ta không cô độc".
Trải qua thời niên thiếu với gia đình và bạn bè bên cạnh, tôi chưa từng hiểu được câu này. Đối với tôi, đọc đơn thuần là niềm vui và thỏa mãn trí tò mò mà thôi.
Cuộc đời chảy chầm chậm. Và cũng chầm chậm, cùng với những ước mơ và hoài bão tuổi trẻ, nó kéo tôi khỏi Hà Nội. Tôi khoác ba lô và bắt đầu hành trình đến những vùng đất mới đầy ấp ủ của riêng mình.Hơn một thập kỷ bôn ba, qua mọi miền Tổ quốc, ngã rồi lại dậy, dậy rồi lại ngã, ngã đến mức chỉ muốn nằm im một chỗ. Những ngày tháng đó, trong tâm trí tôi có một hình ảnh lặp đi lặp lại. Đó là một buổi trưa nắng như đổ lửa ở Làng Cót, căn gác tầng hai, tôi nằm trên sàn gạch cũ mát rượi, với quyển truyện Doremon và tiếng cười ha hả của ông anh trai bên cạnh... Lúc này, tôi hiểu thế nào là cô độc.
Tôi gặp nhiều "người bạn" mới; dạo chơi bên ký ức của Watanabe về Naoko trong Rừng Na Uy hay đuổi bắt cùng Holden Caulfield buổi tối của Bắt Trẻ Đồng Xanh... Nó giúp tôi xao nhãng được thực tại theo cách nào đó.
Những năm tháng đó, tôi từ bỏ nhiều thứ, kể cả những thứ quan trọng nhất đối với mình, chỉ duy nhất một điều, đó là Sách.

***

Xét cho cùng, cũng như mọi người trên đời, tôi luôn khao khát tìm được lời giải về sự bình yên, về sự tự chữa lành trong tâm hồn. Cho đến một ngày, tôi chợt nhận ra thứ mình đang tìm kiếm, đó là Triết học.
Đó là điều được con người tô vẽ phức tạp nhưng thực chất lại vô cùng giản dị. Tôi dần say mê với Triết. Từ Đông sang Tây, từ Cổ đại đến Hiện đại. Hành trang của tôi lấp dần với hơn một nửa là sách Triết. Nó giúp tôi bình thản hơn, nhẹ nhõm hơn và cảm nhận được điều mình trân quý nhất nữa. Tôi không tìm kiếm ở nó niềm vui, càng không truy cầu sự hiểu biết xa vời, điều tuyệt vời nhất nó cho tôi, có lẽ là sự an nhiên và tự tại.
Cuộc đời đẩy tôi ra đại dương, nhưng lại quá ưu ái khi cho tôi một chiếc thuyền với cánh buồm bằng trang sách; vì ngay khi tôi chỉ có một cuộc đời nhưng lại có thể sống được nhiều cuộc đời khác nhau, vì nó.