NHỮNG BÓNG MA TRONG MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA (NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG)
Năm 1990, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho ra mắt tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma , lấy bối cảnh nông thôn ở miền Bắc Việt Nam...
Năm 1990, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho ra mắt tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, lấy bối cảnh nông thôn ở miền Bắc Việt Nam trong thời kì Đổi Mới. Trọng tâm tác phẩm xoay quanh mối thù lâu đời lẫn những đấu đá trong chính quyền giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá. Khởi đầu của mâu thuẫn chính là ông cha Trịnh Bá Hoành nghi ngờ ông Vũ Đình Đại rạch tấm tranh thần Hổ của dòng họ mình, và ông thề sẽ “không thể đi chung đường, ngồi chung chiếu” với dòng họ Vũ. Mối thù này tiếp tục kéo dài tới thời ông Trịnh Bá Hàm, lại cộng thêm việc bà Son vợ ông Hàm từng có mối tình sâu nặng với ông Vũ Đình Phúc làm cho ông Hàm căm hận nhà ông Phúc đến tận xương tủy. Hai dòng họ hết lần này đến lần khác dùng mọi chiêu trò đến mức có thể gọi là bẩn thỉu, từ “trò dương” đến “trò âm” để hạ bệ bên kia. Nhưng cả hai bên đều không ngờ rằng, trong xung đột giữa họ lại nảy nở tình cảm nồng thắm của Tùng (cháu ông Phúc) và Đào (con ông Hàm). Mặc dù giữa họ xảy ra hiểu lầm từ sau khi Tùng phá âm mưu lật mộ của ông Hàm nhưng đến cuối tác phẩm, nhờ cầu nối là Minh mà hai người “đã chập vào nhau làm một”. Song song với những câu chuyện xoay quanh hai dòng họ lớn ở Giếng Chùa là những vấn đề nảy sinh trong đời sống ở nông thôn: cha con đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, tranh chấp đất đai, tín ngưỡng dân gian, những phận người khốn cùng, mối tình giữa ông Quản Ngư và bà Đồ Ngật. Ở chương cuối tác phẩm, cư dân ở Giếng Chùa đang chuẩn bị cho một kế hoạch nào đó, dự báo cho một cuộc đối đầu thẳng thắn về vấn đề đất đai.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh từng có lần đề nghị sửa tên cuốn tiểu thuyết thành “Mảnh đất ít người nhiều ma”. Quả đúng như vậy. Những bóng ma hiện hình đầy rẫy trong tác phẩm, ma quỷ theo nghĩa đen cũng có, ma quỷ theo nghĩa bóng cũng có, nhiều tới mức lấn át nơi trần gian, người thì đếm trên đầu ngón tay còn ma quỷ nhìn chỗ nào cũng thấy có bóng lảng vảng.
Bóng ma đói khát
Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, xóm Giếng Chùa đã hiện lên với bộ dạng xác xơ, tiêu điều. Vốn là “xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã”, với cổng làng to đứng sừng sững, những con đường làng lát gạch phẳng phiu, song nơi này cũng phải chịu thua khi cái đói quét qua, làm người khi ghé qua xem phải ngạc nhiên mà thốt lên “không dè”. Những bà đồ Ngật, ông Quản Ngư, những người ngày thường vốn là đại gia của xóm, “quen ăn trắng mắc trơn” “Bộ dạng rõ là coi tiền bạc chẳng ra gì”, bây giờ phải sờ đến cả những thứ như bánh ngô, cám mà thường ngày họ vẫn coi là thức ăn cho gà cho lợn. Người giàu đã khóc, còn kẻ nghèo thì sao? Tất nhiên, cái khổ ngày thường của họ trong cái thời buổi này dâng lên gấp nhiều lần, tới độ họ dường như không còn sức để mà kêu cho sự khổ nữa. Đó là cái chết hết sức đau đớn của lão Quềnh, một ông già “ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lúc nhớ lúc quên”, chết vì cơn đau bụng sau khi ăn hết “một nồi ba cơm” của nhà vợ chồng lão làm mướn cho. Người ta cho rằng lão chết vì ma đồi Ông Bụt bắt, nhưng có lẽ không phải vậy. Cái chết của lão gợi liên tưởng đến cái chết của bà lão trong “Một bữa no” của Nam Cao, chết vì quá no, chết sau khi được ăn một bữa cơm đẫy cái bụng đã trống rỗng quá lâu. Đó là anh Thó, vì kiếm ăn mà giả ma ăn trộm trong đám tang nhà người ta, vì kiếm ăn mà anh chấp nhận làm cái việc bất lương là đi đào mộ người chết lên. Đó là người đàn bà lôi thôi đến từ cái vùng mà “vì đói quá mà đã có nhà bỏ thuốc trừ sâu vào nồi cháo để ăn rồi cùng chết cho rảnh nợ”, mang theo đứa con gái đã chết, chắc là cũng vì đói; chị dùng đủ chiêu trò để có thể leo lên làm bà chủ trong ngôi nhà bà chị làm mướn. Vậy đấy, cái đói đã nhào nặn con người ra chẳng khác nào những bóng ma, vật vờ và tha hóa. Những bóng ma đói khát ấy cùng những hành động thấp hèn của họ lại khiến người đọc thấy xót xa hơn là cười chê, bởi rốt cuộc thì họ cũng vì cuộc sống bần cùng mà ra cả thôi.
Bóng ma hủ tục
Hoạt động tín ngưỡng, các phong tục là những sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người nhất là ở nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên đôi khi, tín ngưỡng dân gian bị biến tướng, con người ta trở nên cuồng tín. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, bóng ma hủ tục thể hiện qua việc người dân tin vào thế giới tâm linh đến nỗi thành mê tín, những mưu toan lợi dụng tín ngưỡng cho một mục đích nào đó.
Mặc dù không xuất hiện nhiều trong tác phẩm nhưng nhân vật cô Thống Biệu có thể xem như là một biểu tượng cho tín ngưỡng ở Giếng Chùa. Từ ngoại hình đến hành động lẫn những câu nói của cô đều toát lên cái vẻ gì đó ma mị, thần thánh. Cô có tài nhìn thấy ma, và tự cô cũng dự báo trước cái chết của mình, dọn dẹp những món đồ thờ cúng trước khi ra đi. Tín ngưỡng dân gian còn thể hiện qua những câu chuyện về ma núi Ông Bụt, những bóng ma lúc đàn ông khi đàn bà thường hiện ra để trêu chọc người sống. Những giai thoại bí ẩn, rợn người như thế, chính là một phần trong đời sống dân gian ở nông thôn. Người ta tin vào những chuyện kì bí ấy đến mức, những sự việc vốn dễ dàng lí giải bằng một câu trả lời thực tế, lại bị gán cho là bị ma trêu, bị ma bắt, mà cuộc đời của lão Quềnh là một ví dụ. Anh thanh niên Quỳnh khỏe mạnh, thật thà trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, và mọi người ta cho là do ma nữ hớp hồn; bố của Quỳnh nghe người ta chỉ mà mải miết đi tìm con cuốc về trị “bệnh” cho anh đến mức “mặt mũi cứ nhớn nhác như người hóa dở” rồi chết. Đến khi lão Quềnh (tức Quỳnh) chết sau một trận đau bụng, người ta tiếp tục gán cái chết của ông là vì đã động đến ma núi.
Những đám tang vừa cho thấy được tập tục thờ cúng ở vùng đất này, vừa vạch trần tục lệ cổ hủ. Trước hết là đám tang của cụ Cố chi họ Vũ Đình, mà qua đám tang này ta thấy được bộ mặt nhố nhăng của những kẻ lợi dụng phong tục tín ngưỡng để khoa trương thanh thế, để trục lợi. Chỉ qua cách sắp đặt của ông Phúc trưởng họ đã có thể tượng tượng đám tang này long trọng như thế nào, thật đúng là cách tổ chức của gia đình có tiền có quyền: hòm đóng bằng gỗ dổi chứ không thể dùng gỗ tạp, giết con lợn hơn một tạ để đãi khách, chia đội kèn làm hai nhóm một ở cạnh linh cữu một để thổi rước các đoàn thể của làng xã vào nhà, buổi tối có lễ cầu hồn “vui lắm, có trống có kèn như đêm hát đêm nhạc”. Nói về buổi cầu hồn, nghi thức này chẳng khác nào là cơ hội cho ông trưởng phường bát âm cùng đội kèn kiếm tiền từ chủ nhà “Tiền đang bay như bươm bướm vào lòng thuyền, và hình như toàn những tờ bạc kha khá cả? Trưởng phường bát âm liếc nhìn lòng càng phấn chấn”. Những câu văn vừa mỉa mai vừa chua chát, đám tang vốn là nơi đầy bi ai nhưng ở đây sao lại giống ngày hội đến thế, nơi có những bóng ma lợi dụng phong tục tín ngưỡng để giương oai, để thu lợi.
Trái với đám tang long trọng của cụ Cố, thì đám tang của lão Quềnh hay bà Son lại đơn giản đến đáng thương. Với cái cớ nực cười “chết đâu chôn đấy. Làm thế là chiều theo ý các ngài dưới đó, để các ngài khỏi quấy quả”, Quàng quấn xác anh mình trong bó chiếu rồi đem đi chôn ở hố đồi ông Bụt “nơi xưa nay không ai đặt mộ, vì ở đây rất nhiều mối”. Còn bà Son sau khi chết được hưởng cái đám tang nhanh nhẹn, gọn gàng, “người chết bất đắc kỳ tử ở ngoài nhà thì không được đưa vào khỏi giọt gianh để tránh trùng họa”. Ba cái tang, ba người chết, thật đúng với câu “Chỉ có người chết là thiệt thôi”, tưởng đâu nằm xuống mồ đã rũ sạch vướng bận trần gian, song họ vẫn chịu bó buộc không ít từ cái gọi là tục lệ truyền thống, từ cái suy nghĩ tư lợi của người còn sống.
Với một số người ở cái xóm Giếng Chùa này, người ta còn tin rằng tín ngưỡng sẽ giúp họ đạt được những mục đích nào đó. Vì mối thù gia truyền với họ nhà Vũ Phúc, ông Hàm quyết “lấy âm trị dương. Phen này tôi sẽ yểm cho cả họ nhà nó không ngóc lên được”. Trong thực tế, đã có không ít câu chuyện đồn đại về chuyện dùng ma thuật thần bí, bùa chú thường được dùng để trù ếm hại người. Ông Hàm có lẽ cũng biết được chuyện này, ông ta tin tưởng rằng những lời khấn vái, hành động quật mả lật sấp thi thể của cụ Cố sẽ giúp ông ta trả thù được cho dòng họ, gia đình ông Phúc sẽ lâm vào cảnh bần cùng, bại vong. Hay chị Bé, người làm thuê cho nhà ông Hàm, với quyết tâm bước một bước lên làm bà chủ nhà ông Hàm, chị ta giả lên cơn đồng nhập trong buổi cúng cơm sau khi bà Son chết được ba ngày. Tất nhiên, chị ta đã thành công, thậm chí được ông Hàm và Thủ nhìn bằng con mắt khác, coi trọng hơn khi chị ta tự đề nghị tiếp tục lên cơn đồng nhập trong đám tang cô Thống để “nói vài câu phán truyền có lợi cho hai ông!... lời lúc ấy là lời thánh, thánh đã cản thì người ta không dám coi nhờn đâu ạ!”. Tín ngưỡng bây giờ không còn là nét đẹp văn hóa đơn thuần nữa, tín ngưỡng bây giờ đã trở thành một “thứ vũ khí vô hình” để những người như ông Hàm hay chị Son dùng làm công cụ phục vụ cho những âm mưu của mình, lợi dụng việc “ở đây người ta vẫn trọng luật âm lắm” để dễ dàng đổi trắng thay đen, giành lấy quyền lợi về tay mình.
Nguyễn Khắc Trường đã đem vào Mảnh đất lắm người nhiều ma bức tranh tín ngưỡng dân gian hết sức đa dạng, đồng thời, qua việc chỉ ra cái sai của người dân trong việc mê tín dị đoan đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về hệ quả của hủ tục: nếu con người cứ tiếp tục làm méo mó, biến tướng phong tục truyền thống thì nó sẽ có nguy cơ mất dần cái vai trò làm chỗ dựa tinh thần, trái lại sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho chúng ta.
Bóng ma tham vọng
Con người luôn khao khát và phấn đấu để đạt đến một mục đích mình mong muốn. Nhưng có một số người vì muốn chạm đến thành quả nào đó mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm, bày ra đủ thứ thủ đoạn để triệt hạ người khác bất kể đó là họ hàng ruột thịt. Ở Giếng Chùa xảy ra không ít trường hợp như vậy. Cô Thống Biệu quả nói không sai “Ma nó vẫn ngủ gà ngủ gật ngay trong lòng các người”. Bóng ma tham vọng đã nhập hồn và ngự trị bên trong không ít người ở cái làng quê này, và họ bây giờ không còn hảnh xử cho ra hồn người nữa mà loài yêu ma đã thay họ đối nhân xử thế.
Có câu rằng: đụng tới đất đai hay của cải là không còn cha mẹ anh em láng giềng gần gì nữa. Xét câu này vào bối cảnh ở Giếng Chùa thì không trật nhịp nào. Vì muốn giành một chân trong chính quyền “Muốn còn chỗ đứng thì phải biết lựa”, Vũ Đình Phúc cùng với vợ sẵn sàng hùa với cấp trên của mình là Hùng Cường đấu tố cha mình - ông Vũ Đình Đại là địa chủ, là giai cấp bóc lột trước mặt bàn dân thiên hạ trong Cải cách ruộng đất. Vì muốn giành đất tốt mà các vị có chức có quyền tranh thủ tìm cách vơ miếng ngon về nhà mình “vừa rồi bao nhiêu ruộng tốt là cán bộ với những người thân tín dấm dúi chia nhau”; anh em, vợ chồng ngày thường bảo hòa thuận yêu thương nhau đến dịp này thì lại lao vào nhau đánh đấm, chửi bới “Vợ chồng ông Tý Hỏi mới kinh, bỏ nhau mỗi người một niêu, hợp tác giao ruộng, ai cũng tranh thửa tốt” “tranh giành đất cát đến mức đôi bên vác gậy phang nhau chan chát như trâu húc”. Chính cô Thống, thầy cúng nức tiếng trong làng còn phải bó tay trước những bóng ma này “Đấy, có đúng là ma sống nổi lên thì chẳng có bùa ngải nào trị nổi, phải không nào? Bùa ngải chỉ yểm được ma chết, chứ ma sống thì chịu!”. Những cuộc tranh chấp, xô xát khủng khiếp kia, một mặt là do việc thi hành chính sách không rõ ràng, xác đáng của những người có trách nhiệm, song nguyên do lớn hơn là ở chính một số người đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ, để của cải, tiền bạc, danh vọng làm mờ mắt. Với họ ở đây không có tình người, ở đây chỉ có những quyền lợi cá nhân mà họ nhất quyết phải giành lấy và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để đạt được.
Ở một số làng quê Việt Nam, thông thường sẽ tồn tại hình thức dòng họ (đại gia đình) bao gồm nhiều thế hệ, nhiều tiểu gia đình ở bên trong. Họ là những người cùng huyết thống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và đôi khi, những dòng họ mạnh, lâu đời, có tiếng tăm trong làng sẽ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tổ chức của làng. Ở xóm Giếng Chùa, hai dòng họ có nhiều gương mặt nhất trong chính quyền là họ Vũ và họ Trịnh. Người ta có câu “Một núi không thể có hai hổ”, đã vậy hai dòng họ này còn có sẵn những mâu thuẫn bên ngoài nên cả hai bên thường xuyên tìm mọi cách để hạ bệ, đẩy bên còn lại ra khỏi những chức vụ quan trọng tại địa phương. Không có cuộc họp nào mà những người trong hai dòng họ không đứng lên cạnh khóe, nói xéo nói móc nhau, thậm chí khi xung đột lên đến đỉnh điểm họ chửi bới, đốp chát lẫn nhau khiến cho cuộc họp ở địa phương trở nên bát nháo, lộn xộn chẳng khác nào cái chợ. Thế cờ vai vế lúc này đang nghiêng về họ Trịnh, vì Trịnh Bá Thủ đang giữ chức Bí thư Đảng ủy, đã vậy chủ tịch xã là Trần Văn Sửu “với Sửu, Thủ như người ơn mưa móc, anh có thể hoàn toàn lái theo mình” nên Thủ nghiễm nhiên chẳng khác nào “ông vua” trong bộ máy “bao sân sang công việc chính quyền, có những quyết định độc đoán”. Khác với ông anh trai nóng vội, cộc cằn, Thủ lại là người thâm trầm, lạnh lùng, thường ra vẻ nghiêm túc, phân minh song khi đã ra tay là thâm độc không ai đỡ nổi. Sự việc ông Hàm đào mộ cụ Cố nhà Vũ bị phát giác đã đẩy Thủ vào thế khó, vì nếu không xử đúng luật thì chắc chắn gia đình ông Phúc sẽ không để yên. Cách xử trí của Thủ là lợi dụng tình cảm trước đây của ông Phúc và bà Son, buộc bà Son phải hẹn ông Phúc ra gặp mặt rồi Thủ cùng cháu vợ là Cao - phó công an xã ra mặt ngay lúc đôi bên đang nói chuyện để vu cho ông Phúc tội vụng trộm bất chính giữa đêm, và buộc ông Phúc phải lựa chọn một là rút đơn kiện hai là lập biên bản. Nhưng với Thủ như thế vẫn chưa đủ để khiến ông Phúc phải “ngã ngựa”, Thủ ép bà Son kí vào đơn tố cáo ông Phúc lợi dụng nhà bà có rắc rối để cưỡng ép bà; rồi tiếp tục cùng Cao đợi lúc bà Son từ nhà chị gái đi ra, giả làm ông Phúc bắt cóc bà Son rồi cưỡng hiếp để ngụy tạo chứng cứ, để chắc chắn “những đơn từ, biên bản kia mới có hiệu lực”. Thủ đinh ninh rằng bà Son sẽ tức tưởi về khóc với bà Cả và phi vụ này sẽ thành công, nhưng hắn ta không ngờ rằng hành động hèn hạ này đã đẩy bà Son vào cái chết. Bà Son, người đàn bà đẹp nhất làng, con người hiền lành, nhẫn nhục ấy lại trở thành công cụ để chính em rể mình - bí thư Thủ thực hiện những trò bẩn thỉu nhằm vụ lợi cá nhân. Cái chết đau đớn của bà Son như một tiếng chuông gióng lên để thức tỉnh những kẻ mang tâm ma trong người. Đồng thời, nó như một cái tát thẳng vào cái tệ nạn quan liêu, bè phái, bộ máy chính quyền địa phương không còn là chỗ dựa tin cậy cho người dân mà đã trở thành chiến trận cho những ông “tai to mặt lớn” đấu đá với nhau; và những “cuộc chiến” như thế này đây đã khiến bao người không thành ma cõi âm thì cũng thành ma cõi trần.
Bên cạnh bà Son, một người có thể xem là nạn nhân của cuộc chiến quyền lực đó là Tùng, cháu ông Phúc, anh trung sĩ vừa trở về sau khi xong nghĩa vụ quân sự. Khác với ông bác mình, Tùng đại diện cho sức trẻ tươi mới, năng động. Anh là người công tư phân minh, không có tư tưởng ganh đua, tranh chấp, không để mình cuốn theo những cuộc đấu đá giữa hai dòng họ. Trong những buổi sinh hoạt Đảng, Tùng sẵn sàng phê bình, chỉ ra mặt tiêu cực của một số Đảng viên ngay cả ông Phúc. Chính tính cách này đã khiến Tùng không được lòng cả hai bên “ông Phúc đã nhận xét về Tùng khi duyệt danh sách đối tượng là còn thiếu chín chắn, còn lớp cớp” còn Thủ thì “khi bỏ phiếu thì anh gạch tên Tùng đầu tiên! Tùng sao lại có thể ngồi cùng chiếu với mình được!”. Những kẻ lạ mặt tấn công đe dọa Tùng ở cuối tác phẩm “...ba người đội tung đống rạ lên, nhảy xổ vào. Những quả đấm bố xuống tới tấp. Một tiếng gằn trong cổ họng: - Nhớ là những cuộc họp sau phải câm mồm đi!” đã cho thấy bóng ma hắc ám đang thống trị cái Giếng Chùa này và không biết đến bao giờ thì chính nghĩa mới chiến thắng trong cuộc chiến của quyền lực, của tham vọng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Nguyễn Khắc Trường tâm sự rằng ông đã dành 3 tháng đến những vùng nông thôn để lấy tư liệu vì ông muốn “viết một cái gì đó cho ra hồn” (Dẫn theo Trần Hoàng Thiên Kim)[1]. Tất cả những cái hủ lậu, những ham muốn ti tiện, những tội lỗi trong Mảnh đất lắm người nhiều ma là những gì đã và đang diễn ra ngoài cuộc sống đời thực, ở cái nơi mà con người đang bị tha hóa về nhân cách, trở thành những bóng ma ngay chính trong đời sống thế tục. Mảnh đất lắm người nhiều ma để lại cho mỗi người đọc một câu hỏi rất đáng suy ngẫm: Trong chúng ta có ai đang là Thủ, là ông Phúc, là ông Hàm, là một bộ phận người vì tư lợi mà sẵn sàng lao vào xâu xé lẫn nhau không?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Anh Chi, (2019). “Hiện tượng Nguyễn Khắc Trường và “Mảnh đất lắm người nhiều ma””. Truy xuất từ http://baovannghe.com.vn/hien-tuong-nguyen-khac-truong-va-manh-dat-lam-nguoi-nhieu-ma-19832.htmlTrần Hoàng Thiên Kim, (2016). “Vùng đất khai sinh tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma””. Truy xuất từ http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Vung-dat-khai-sinh-tieu-thuyet-Manh-dat-lam-nguoi-nhieu-ma-390569/Nguyễn Văn Long & Lã Nhâm Thìn (2010). Văn học Việt Nam sau 1975: Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Nhà xuất bản Giáo dục.Nguyễn Khắc Trường, (2003). Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhà xuất bản Văn học[1] Trần Hoàng Thiên Kim, (2016). Vùng đất khai sinh tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Truy xuất từ http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Vung-dat-khai-sinh-tieu-thuyet-Manh-dat-lam-nguoi-nhieu-ma-390569/
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất