Thầy: vừa là danh từ, cũng là tính từ đầy yêu thương.
Mình nghĩ người Thầy đầu của mình chính là ba mẹ của mình, những người yêu thương mình vô bờ bến và dạy dỗ mình thành người, cho mình tất cả trí tuệ, lòng bao dung, nhân ái, sự biết ơn tấm lòng quả cảm. Chính vì sự dạy dỗ âm thầm ấy mà mình thật sự đã trở thành một người con bé nhỏ nhưng có ước mơ to to, không ngừng nổ lực mỗi ngày.
Người Thầy ở trường, người dạy chữ, người dạy mình đạo lý, cũng đáng trân trọng biết bao. Mỗi ngày, họ vẫn luôn lao động miệt mài, vừa là người của gia đình, mang trách nhiệm lo toan cơm áo, cũng quằn trên đôi vai nỗi lo trồng người, dạy người trong thiên hạ. Vất vả và hạnh phúc luôn khiến họ mạnh mẽ và bao dung mỗi ngày, như gió âm thầm thổi nhẹ cho những ước mơ bay cao hơn nữa.
Có một bài viết trong cuốn Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư khiến mình nhớ lắm, đại loại nội dung thế này: những gì chúng ta ghi dấu ấn lại không phải để được mọi người ghi nhớ. Giáo viên đi dạy là để truyền thụ kiến thức, người làm tình nguyện với lý tưởng nhân đạo, họ không mưu cầu được nhớ. Cho đi là tốt, nhưng làm xong nên quên ngay. Và nhiều người đã mất rất nhiều thời gian để học được điều này. Những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đã làm, dù không được ai nhắc tới, nó vẫn ẩn hiện trong dáng đi, cách ăn nói, cách làm việc, trong nếp văn hóa truyền từ người này sang người khác - những thứ cơ bản được ai đó dạy cho mình, sẽ theo mình tới cuối đời.
Dành một lời tri ân cho những ai đã và đang giúp mình trong hành trình lớn lên, bài học bao dung và sự cầu thị, và mình lại tiếp tục nối tiếp hành trình dẫn dắt này tới những thế hệ khác.
20.11.2019