Làng bây giờ vẫn vậy, nhỏ bé và nghiêng nghiêng dưới những triền đồi. Đứng trên triền đồi nhìn xuống làng, điểm khác biệt nhất chính là hồ nước xanh thăm thẳm duỗi mình theo sát chân đồi rồi bất ngờ vòng tay dịu dàng ôm trọn nửa phía tây của làng vào lòng.
Những con suối nhỏ, lúc róc rách, lúc âm thầm từ chín ngọn đồi vây bọc quanh làng đêm ngày đổ xuống hồ. Đó là nguồn nước ngầm chảy về các giếng khơi trong làng. Len lỏi trong lòng đất với bao nhiêu sỏi đá, khi chảy về giếng nước như được lọc qua bao vỉa tầng để có thể trong mát và ngọt lành đến vậy. Đó là lí do mà bao đời nay, người ở các làng phía ngoài luôn tìm vào làng đồi để xin nước. Đường vào làng khấp khểnh ổ voi, ổ gà, những chiếc xe chở đầy các thùng nước rung rinh, sóng sánh rời làng như một vũ điệu hoan ca bất tận của nước.

Nước hồ cũng là nguồn duy nhất để tưới tiêu cho đồng ruộng, vườn tược trong vùng. Không có những cánh đồng rộng lớn thẳng cánh cò bay như vùng đồng bằng, ở đây ruộng đồng xen kẽ với gò đồi nhấp nhô. Vào mùa xuống đồng, nước hồ sẽ được tháo chảy đi khắp ngả, nước luồn lách theo những con mương, nước vòng vèo tìm đến các chân ruộng, rồi từ ruộng cao đổ xuống ruộng thấp, nước chia đều cho tất cả. Nhờ nước mà người làng trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn. Khi cần nước, người ở ruộng dưới thấp phải lên tận ruộng trên cao nhất, cách nhau đến hàng chục mặt ruộng, trong chuyến leo ngược ấy, họ sẽ chuyện trò, hỏi thăm rồi nhờ nhau mở trổ ruộng cho nước chảy xuôi. Ấy là với người đang rảnh, bởi nhiều khi không cần mất công vậy, họ chỉ cần chuyền lời nhau qua từng mặt ruộng là nước tự khắc chảy từ trên cao xuống. Dòng nước cứ thế mà xô tới, xôn xao, lan tỏa.

Với người quê tôi, ngoài cơm gạo ra thì điều họ quan tâm nhất là nước và củi. Nước là nơi cho con người nguồn sống và cũng là nơi làm nảy nở tình làng nghĩa xóm, còn nguồn củi là nơi cho họ một đời sống tinh thần bền bỉ.

Khi ruộng vườn đã được phủ một màu xanh đầy đặn là khi người ta rủ nhau lên đồi đốn củi. Đồi gần thường không nhiều củi to nên họ tìm đến những đồi xa. Đồi núi chồng xếp lên nhau, hết đồi thấp mới đến được đồi cao. Họ đi thành đoàn, đi đồi xa ít ai đi một mình. Một tinh sương nào đó, khi tôi còn đang dở cơn mơ, chợt thức giấc vì tiếng gọi của những người hàng xóm. Họ thức nhau dậy để đi đồi xa cho kịp. Họ đi trong bóng tối đang loãng dần với cơm nắm và nước uống. Những người đàn ông khỏe mạnh, những người phụ nữ dẻo dai, khi thì im lặng để leo qua những đoạn khó đi, lúc lại râm ran chuyện trò khi gặp những con dốc thoai thoải. Đứng ở dưới làng nhìn lên sẽ thấy đoàn người đi đốn củi khi ẩn, khi hiện, những chấm nhỏ liền nhau, tiếng nói và bước chân của họ đánh thức núi đồi còn ngái ngủ.

Người già quê tôi vẫn nhắc, núi đồi là sự thiêng liêng, ở đó có thần núi, thần đồi. Khi đi kiếm củi người ta kiêng cãi, chửi nhau, kiêng làm điều xấu hay nói lời không hay ở đồi vì điều đó sẽ làm mất lòng đấng thiêng, họ sẽ không cho củi để duy trì lửa. Trong tâm thức người quê tôi ai cũng biết cúi đầu trước núi đồi. Khi ăn cơm, uống nước ở đồi họ cũng phải mời thần đồi trước. Khi vung dao chặt một thân cây họ lẩm nhẩm xin phép thần đồi như một nghi lễ vậy. Khi tôi còn nhỏ, nghe người lớn chuyền tai nhau rằng trên đỉnh đồi cao xa kia có một cây sồi lâu năm nhất, nếu ai đến được gốc sồi ấy, chạm tay vào thân cây và nói lên điều ước của mình thì điều ước ấy có thể trở thành hiện thực. Suốt những năm tháng đó cho đến bây giờ, người làng đồi vẫn kể cho nhau câu chuyện này nhưng chưa ai gặp được cây sồi ấy cả. Đứng dưới làng nhìn lên, tôi tin vào sự thiêng liêng và lòng bao dung của núi đồi.

Buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn xuống ngọn đồi phía tây, những người đi đốn củi kéo nhau xuống đồi. Đến hồ nước, họ đặt củi xuống, những người đàn bà tháo khăn che mặt, những người đàn ông cởi áo vắt vai, họ xuống hồ khỏa nước rửa mặt cho nguôi đi nhọc mệt. Trên kia, con đường dẫn vào đồi xa đang dần chìm khuất trong bóng chiều chạng vạng. Đồi núi lại im lặng, thâm nghiêm, cất giữ những điều bí ẩn. Một ngôi sao nhấp nháy vừa mọc lên trên đỉnh xa.