"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."
Đây là những chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). Thế nhưng để bảo vệ được chân lý ấy trong bối cảnh lịch sử sau thế chiến II là cả một quá trình công phu, và cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khoá I chính là bước đi pháp lý đầu tiên.
Xét về bối cảnh lịch sử, ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, thế chiến II kết thúc. Tại Việt Nam, Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Việt Minh, mặt trận thống nhất của dân tộc Việt Nam đã giành lấy chính quyền từ tay đế quốc và tay sai, thành lập nên nhà nước VNDCCH. Nước Việt Nam mới hình thành trong bối cảnh trật tự thế giới mới đang dần xác lập, mầm mống của sự mâu thuẫn ý thức hệ Đông-Tây (Xô-Mỹ), nguy cơ chống phá của các đảng phái đối lập, sự trở lại của các thế lực ngoại xâm (thực dân Pháp) và một loạt những thách thức giặc đói, giặc dốt "ngàn cân treo sợi tóc" trong nước. Đặc biệt, chưa có một quốc gia nào công nhận Việt Nam cho đến tận năm 1950.
Với sự dàn xếp của các nước lớn, quân đội Trung Hoa Dân Quốc tiến vào giải giáp quân phát xít tại miền Bắc, quân đội Anh giải giáp quân Nhật tại miền Nam, đồng thời đã mở đường cho Pháp trở lại xâm lược Việt Nam ngày 23/9/1945.
Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I đã diễn ra bất chấp sự chống phá của các thế lực thù địch và mưa đạn của thực dân Pháp.
Kết quả, Quốc hội khóa I được bầu ngày 6 tháng 1 năm 1946 thành công với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89% và 333 người trúng cử. Bên cạnh đó ta chấp nhận nhượng thêm 70 ghế trong Quốc hội cho 2 đảng đối lập Việt Quốc và Việt Cách không qua bầu cử để hạn chế sự chống phá của 2 lực lượng này.
Thực tế nghị trường Việt Nam giai đoạn 1945-1946 chia thành 2 nhóm chính:
(1) Các lực lượng chính trị đại diện cho dân tộc Việt Nam được bầu trực tiếp vào Quốc hội bao gồm:
- Việt Minh (đa số là những người cộng sản) - 120 ghế (36%)
- Đảng Dân chủ Việt Nam - 46 ghế (14%)
- Đảng Xã hội Việt Nam - 24 ghế (7%)
- Các đại biểu không đảng phái - 143 ghế (43%)
(2) Các đảng phái cơ hội chính trị đối lập thân Tưởng bao gồm:
- Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) - 50 ghế
- Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) - 20 ghế 
Cụ Hồ Chí Minh (lãnh tụ Việt Minh) được Quốc hội khoá I bầu làm Chủ tịch nước. Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Việt Cách) giữ chức Phó Chủ tịch nước. Cụ Nguyễn Văn Tố (không đảng phái) được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Kỳ họp đầu tiên Quốc hội 2/3/1946 đã bầu Chính phủ liên hiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu (tức cụ kiêm chức Thủ tướng). Chính phủ liên hiệp gồm 10 bộ, trong đó bộ trưởng Ngoại giao, bộ Kinh tế, bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động, bộ Canh nông do đại biểu của Việt Quốc, Việt Cách đảm nhiệm. Việt Minh, Dân chủ và Xã hội đảm nhiệm các bộ Nội vụ, Quốc phòng, Giáo dục, Tư pháp, Giao thông công chính.
Chỉ trong thời gian ngắn, Quốc hội và Chính phủ liên hiệp đã giải quyết những vấn đề bức thiết hiện giờ, đặc biệt là giải quyết giặc đói, giặc dốt và đối phó với các thế lực ngoại bang đang có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, từ đó tạo điều kiện tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Hằng ngày HĐBCQG vẫn nhắc: "Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026!"