Nam Định, năm 2010, một ngày mùa hè, sau cơn bão...


Ngồi trên xe ô tô đi đến biển Hải Thịnh huyện Hải Hậu, lòng tôi còn bồi hồi nghĩ lại cái hôm đang ngồi vắt vẻo trên ghế, xem phim Thất tiên nữ thì có nhận một lá thư, thông báo mình được tham gia chuyến đi du lịch giao lưu cùng hội nhà thơ tỉnh Nam Định. Thiết nghĩ hồi đó mới lớp Năm, còn bé tí và có viết hai bài thơ ngố ngố cùng một truyện ngắn gửi đi, cứ nghĩ gửi thử cho vui thôi mà ai ngờ đâu lại may đến thế...
Cái may đấy, âu cũng bắt nguồn từ một chữ duyên...
Trước hôm đó mấy ngày, tôi có nghe tin là bác Trần Đăng Khoa, tác giả của cuốn " Góc sân và khoảng trời" cũng tham gia chuyến đi. Trước giờ chỉ biết bác qua mấy dòng chữ dòng thơ trong sách giáo khoa, nay sắp được gặp mặt bất giác lòng cảm thấy vui không tả xiết. Thế là tôi đi khoe khắp xóm, bạn bè gì gặp cũng kể đôi ba câu, vậy là sau có vài ngày, tôi khởi hành với một túi đựng đầy sách mà lũ bạn gửi gắm, rằng mày phải xin được chữ kí của Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho tao.
Sáng sớm hôm đó, bố chở tôi đi, lúc qua nhà bác Huy, anh em kết nghĩa với nhà tôi và cũng là bố của tên Chiến, thằng bạn thân nối khố từ năm 3 tuổi, thì tôi có được cho 200 nghìn đồng. Oà, phải nói là lúc đó thấy sung sướng lắm luôn, 200 cộng với 500 nghìn bố mẹ ông bà cho thì tôi cũng ngót nghét bỏ ví được gần triệu, một gia tài siêu siêu lớn đối với một nhóc lớp Năm. Đã vậy, tên Chiến lại còn nói, mi đi chơi mua quà về cho tao, tao cho quyển sách có chữ kí của nhạc sĩ Hoàng Long, bác tao, hehe. Thế là tôi cảm ơn ríu rít, hứa sẽ mua quà về, rồi hai bố con lại bắt đầu đi...
Nhìn chung kí ức từ lúc lên ô tô, rồi lúc ngồi trên xe cũng không có mấy đặc biệt, chỉ nhớ là tôi ngủ tít mít nửa đoạn đường, lúc gần đến nơi mới hé mở mắt ra, đã thấy một Hải Thịnh sau cơn bão...
Vẫn nhớ cảm giác xe đang đi bình thường, hai bên đường vẫn là nhà cửa cây cối, vậy mà tự dưng xe lên dốc rồi biển bắt đầu hiện ra, xa xa phía chân trời. Kí ức lúc đó đẹp không tả nổi, cảm giác đại dương ngoài xa như một khối nước khổng lồ, sắp lăn nhè nhẹ về phía chúng tôi một cách từ từ chậm rãi.
Mặt trời buổi sáng trên biển thật trong lành, một thứ ánh sáng vừa được gột rửa sau cơn bão, lại càng tinh khôi và rạng ngời hơn bao giờ hết.
Mở màn hành trình là cảm xúc vui vẻ hi vọng như thế, vậy mà sau đó có vài tiếng thôi, tôi đã thấy xuống xuống mất một chút rồi, nguyên do là bác Trần Đăng Khoa vì bận nên không thể có mặt được, thứ duy nhất bác gửi đến chỉ là cuộc gọi tới bác nhà văn họ Phạm, cáo lỗi và chúc mọi người có một chuyến đi vui vẻ mà thôi... Vậy là sách vở văn vẻ gì mang đi cũng đóng gói trở lại Nam Định nguyên si không một vết tích nhé!
Ngày ấy, trong đoàn tôi có thân nhất với hai người, đó là bác nhà thơ họ Phạm và nhà văn Trần Thị Nhật Tân. Nhưng có lẽ tôi sẽ viết, sẽ kể nhiều về bà Nhật Tân hơn, bởi lẽ bà, một nhà giáo, một người nghệ sĩ, và cũng từng là một người chiến sĩ, đã để lại cho tôi quá nhiều ấn tượng sâu sắc.
Trong buổi gặp mặt đầu tiên, sau khi giới thiệu xong mọi thứ từ lịch trình đến hoạt động giao lưu năm ngày sắp tới, thì chúng tôi, mỗi người phải đứng lên giới thiệu về bản thân và đọc tác phẩm mình đã gửi dự thi, để mọi người cùng lắng nghe, thưởng thức và đánh giá. Ngó mắt quan sát xung quanh, tôi nhủ thầm, hên quá, mình ở cuối vòng, không phải đứng lên giới thiệu đầu tiên. Haizzz, nhưng ngay sau đó, chẳng biết nên vui hay buồn nữa, bởi lẽ đứng trước một điều gì quá xuất sắc, con người ta có xu hướng tự ti hơn. Mấy anh chị đứng lên giới thiệu và đọc bài, đều quá hay và giỏi đi, liếc nhìn bài thơ ngố tàu trong tay, tôi bất giác thấy xuống tinh thần, ầu, giá mà đọc trước, liều lĩnh một phen thì có phải là " cái dốt đi trước" còn tốt hơn không...
Không hiểu sao trong lúc đang nghĩ ngợi vu vơ như thế, tôi bắt gặp ánh mắt của bà Nhật Tân, đó là cái nhìn chan chứa tình cảm, mà lúc ấy ngại quá tôi có quay đầu đi, chỉ biết là sau đấy tâm trạng cũng tốt hơn và đứng lên giới thiệu đọc bài tự tin hơn nhiều.
Bác nhà thơ họ Phạm khen văn phong của tôi đơn giản mà tự nhiên, bài thơ tuy có ngây ngô nhưng lại rất chân thành và giàu cảm xúc. Lúc ấy mới lớp Năm, nghe người khác nhận xét về mình như thế cũng không có hiểu được hết, chỉ cười tít mắt cảm ơn và hứa sẽ cố gắng hơn trong những bài viết về sau. Bác có nói thêm, Mỹ Lệ là em út của đoàn đó nha, nhớ đi theo để ý học hỏi anh chị đấy. Tôi cũng dạ dạ vâng vâng, theo mọi người đi cất đồ rồi xuống nhà ăn chuẩn bị bữa cơm trưa.
Có lẽ bác nhà văn họ Phạm quý tôi, bác rất để ý tôi ăn uống, thích món nào rồi ngồi trò chuyện kể với tôi về nhiều người nhiều việc. Bác còn hướng dẫn cho tôi cách ăn con bề bề, hay người Hải Hậu gọi đó là con tôm thuyền, cắt râu bóc vỏ kĩ càng rồi đặt vào bát. Tôi tự nhủ thầm, làm em út lúc nào cũng là sướng nhất.
Vì vào ngày thứ 3 trong chuyến đi này, chúng tôi có một buổi giao lưu với đoàn bên Thái Nguyên, thế nên ăn uống xong là mọi người rục rịch về phòng nghỉ ngơi hết, để chiều còn sáng tác thơ truyện, hi vọng được đứng lên giao lưu trước toàn đoàn.
Lần đó tôi vẫn đang ở độ tuổi mải chơi, được ra biển là điều quá thích thú, thế là nghỉ ngơi có một lát thôi, tôi chạy tót ra biển, tìm vỏ sò vỏ ốc, vẽ tên mình lên cát rồi xây lâu đài các kiểu các kiểu.... Nghĩ lại cũng thấy bản thân như tự kỉ, ngồi chơi một mình đến tận chiều mà không biết chán là gì, chỉ đến lúc có người đến vỗ vào sau lưng...
" Mỹ Lệ không sáng tác gì à?"
Tôi giật mình quay lại, là nhà văn Trần Thị Nhật Tân, trông bà lúc ấy, tôi không đoán được bà đang có cảm xúc gì.
" Cháu chưa nghĩ ra sẽ viết gì cả."
Tôi đáp lại đúng theo một khuôn mẫu chung như thế, khi con người ta chưa có đáp án chính xác để trả lời.
Tôi nhìn bà, hi vọng bà sẽ nói gì đó ngay, nhưng mãi một lúc sau, bà Tân mới từ từ lên tiếng :" Vậy giờ cháu nghĩ đi, thơ văn gì cũng được, nhanh còn về ăn cơm, sắp muộn rồi, tối còn đi dạo biển với mọi người nữa."
Tôi phủi phủi tay chân quần áo cho hết dính cát rồi đứng dậy, đi theo bà về phía khách sạn, rồi ngoan ngoãn vào phòng, cắn bút nghĩ nghĩ xem nên viết gì đây. Liếc thấy mấy chị trong phòng đều đang cặm cụi ghi ghi chép chép, tôi thở dài và thả mình cái phịch xuống đệm, chán nản nhìn lên trần nhà, được một lúc thì cũng" sản xuất" ra bài thơ bốn chữ dài năm khổ, vần vèo lung tung câu cú lộn xộn ý tứ lại chẳng rõ ràng.
Buổi tối đến, cơn gió hè lồng lộng từ ngoài biển thổi vào làm người ta thoải mái và khoan khoái đến lạ. Gió như thổi bay mọi cái oi bức của ban ngày, thổi bay cả bộn bề suy tư chất chứa ngồn ngộn trong tâm trí.
Tôi đi cùng bác nhà thơ họ Phạm và bà Nhật Tân, bà hỏi tôi đã viết xong chưa, tôi do dự một lát thì gật đầu. Bà nói tôi đưa bài cho bà xem qua, để có gì bà đọc và chỉnh sửa. Ngâm cứu bài tôi một lúc, bà ngẩng lên và nói:
" Bà rất thích bài thơ này, nhưng có một hình ảnh cháu dùng không đúng, thử đoán xem."
Tôi ngó lại bài, đọc đi đọc lại thì cũng chẳng phát hiện ra điều gì hay ho cả, thế là bác nhà thơ họ Phạm bảo tôi và bà Tân lên phòng, rồi có gì chỉnh sửa sau.
Phòng điều hoà tuy mát lạnh nhưng cũng chẳng thể sánh bằng gió biển ngoài kia, tôi ngồi một bên, bà Nhật Tân và bác nhà thơ họ Phạm ngồi một bên, nhìn tôi một lúc rồi nói :" Hôm đấy Mỹ Lệ đứng lên đọc bài thơ giao lưu nhé, em út mà, phải thể hiện gì đó chứ nhỉ?"
Ôi, lúc đó tôi chẳng biết phải nói làm sao nữa, vừa vui vừa mừng lại vừa sợ, thấy lo lo vì thơ mình viết không hay, đứng lên đọc liệu có xí hổ quá không. Nhưng hai bác tận tình quá, cả tối ngồi giúp tôi chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia, rốt cục cũng có được một bài thơ như ý, nội dung về bóng trăng tròn treo lơ lửng trên bầu trời đêm...
Rồi buổi giao lưu cũng đến và trôi qua như đúng dự định, chỉ có một cái khác ngoài dự kiến là tôi thân với bà Nhật Tân và bác nhà thơ họ Phạm hơn. Nói sao nhỉ, một đứa nhóc chuẩn bị lên lớp sáu, lẽo đẽo theo sau hai người, một sáu mốt, một thì năm tám cũng xấp xỉ sáu mươi, trong mấy ngày liền, nghe kể chuyện hết từ cổ đến kim, từ xa đến gần. Nhưng cái ấn tượng đậm nét nhất là vào đêm trăng hôm ấy, ngồi trên đê gió biển lồng lộng, bà Nhật Tân đã mở lòng kể tôi nghe về chuyện của đời bà . Bác nhà thơ họ Phạm và tôi ngồi đó, cùng nhìn và suy ngẫm về một người đàn bà dáng hình nhỏ bé nhưng đôi mắt thì kiên định sáng ngời...
Bà mở đầu câu chuyện sau khi cất tiếng hỏi: " Cháu đã đọc tác phẩm Dòng xoáy chưa?"
Tôi còn không cả kịp lắc hay gật đầu thì bà đã bắt đầu kể rồi....
Bà mồ côi từ bé, cả mẹ lẫn cha và phải sống nương tựa vào họ hàng nội ngoại. Bà nói cuộc đời mình là một chuỗi tất tả xui xẻo, đầy đắng cay như chính nghĩa đen của đứa con tinh thần mang tên dòng xoáy.
Hồi bé có học chuyên toán, lớn lên thi được vào trung cấp Bưu điện, thế nhưng lúc được phân về làm ở Bưu điện Bờ Hồ, bà lại từ chối và viết đơn tha thiết xin đi chiến trường...
Nói đến đó tôi thấy đôi mắt bà xa xăm, như đang hồi tưởng lại vùng kí ức sáng nhất trong chuỗi đời nhiều phiền muộn của mình. Bà nói lúc ấy tinh thần yêu nước sục sôi, mà mình thì muốn cống hiến, không thể nào chịu ngồi yên được. Tôi nhìn qua dáng hình nhỏ bé ấy, chắc chưa được 1m50, thật sự thật sự rất gầy gò... vậy mà tinh thần ý chí của bà lại hoàn toàn khác, mạnh mẽ và kiên định như của một đấng trượng phu. Bà thở dài rồi kể tiếp, xin mãi, viết đơn mãi, cuối cùng cũng được chuyển đến tổ điện báo phục vụ chiến đấu tại chân cầu Hàm Rồng. Bà kể những hồi tham gia trận đánh mùng 3, mùng 4 tháng tư năm 1965 và những trận đánh lớn nhỏ của không quân Mỹ nhằm tiện đứt cầu Hàm Rồng, rồi những khi vác đạn, tải thương tham gia nhiều công tác phục vụ chiến đấu…
Nghe đến dòng chảy quá khứ hào hùng ấy, ánh mắt tôi bất giác cũng mơ màng hồi tưởng, hồi tưởng về một vùng toàn khói đạn tiếng bom, nhưng lấp ló đâu đó trong khói bụi là bóng hình của người con gái nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, hì hụi với công việc điện báo, hết mình xông pha mọi mặt trận dù khó khăn. Hình như những con người lớn lên trong khoảng thời gian ấy đều vương trên mình một tình yêu nước nồng nàn đến không tả nổi, đặt nặng trên vai một tinh thần phải cống hiến được gì cho tổ quốc hôm nay. Có lẽ tinh thần ấy không nên chỉ lưu lại trong một thời quá vãng đã qua của dân tộc, mà nó cần phải được truyền lửa, thắp sáng cho đến tận thế hệ của ngày hôm nay và mai sau…
Rồi bà nhìn bác nhà thơ họ Phạm:
“ Hồi ở đó, chị có gặp đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào tuyến lửa Hàm Rồng, dẫn đầu là nhà văn Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Anh Thơ…Cùng chung một tinh thần nghệ sĩ nên hiểu nỗi lòng nhau cũng thật dễ dàng. Sau lần ấy, vì lí do sức khỏe, chị chẳng thể ở lại đó nữa, bị điều về đơn vị khác.”
Lại nói về Dòng xoáy, tác phẩm được chắt ra từ những đắng cay, từ những lần bị gọi là “ con điên gây rối”, rồi bị đuổi thẳng thừng khỏi văn phòng Bộ giáo dục, từ những lá đơn tố cáo rằng “ cô giáo Nhật Tân dạy hư nhồi nhét đầu độc học sinh”, rồi những lần gặp lãnh đạo, thẳng thắn vạch ra bệnh thành tích giả dối thành lệ đã phổ biến trong hệ thống giáo dục địa phương,… Mọi biến cố đó, tôi nghĩ, nên gọi là cái “ thăng hoa” của nghệ thuật, cái đã thôi thúc cô giáo Tân bé nhỏ cho ra đời cuốn tiểu thuyết Dòng xoáy, mà trong mắt nhiều người, nó chứa quá nhiều tư tưởng phản động.
Và bà có nói rằng, trong suốt cuộc đời này, bà chẳng có gì phải hối hận, vì những lần cơ may được gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà kể với tôi, sau lần bà viết Dòng xoáy, bà có nhận ngay một lá thư từ ngài, trong thư có viết rằng:
Hà Nội, ngày 25, tháng 6, năm 1989.
Đồng chí Trần Thị Nhật Tân thân mến,
Rất thân mến,
Dù bận việc và bị ngắt quãng, tôi đã đọc một lèo hết cuốn Dòng xoáy. Dòng xoáy đã thu hút tôi, lôi cuốn tôi bằng lời văn, nhất là bằng nội dung đầy tính thời sự của nó, mặc dù thời điểm của Dòng xoáy mô tả là lúc kháng chiến chống Mỹ.
Tôi không rõ Trần Thị Nhật Tân là nam hay nữ? “ Thị” ắt phải là nữ rồi, nhưng lời văn lại làm cho tôi nghĩ là nam. Tôi sẽ rất vui sướng nếu như tôi lầm to. Vì đúng là nữ thì tác giả quả là một cô Lý xinh tươi, nhưng rất cương trực, đấu tranh dũng cảm không lùi bước trước những tiêu cực, những ác độc của một bè lũ có tổ chức, có quyền, một cô giáo Lý thông minh sáng tạo, có tư duy mới, đồng thời rất thương yêu học trò, quyết lòng đào tạo các cháu thành con người mới xã hội chủ nghĩa.
Bắt tay thân mật Trần Thị Nhật Tân. Mong có ngày gặp mặt và được đọc những tác phẩm mới.
( Đã kí) Tổng Bí Thư BCHTƯ Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh.
Bà còn kể lại lần bà gặp trực tiếp Tổng Bí Thư, cuộc trò chuyện kéo dài vài ba tiếng, và từ đấy, bà đã coi Nguyễn Văn Linh như người cha tinh thần của mình…
Tôi được gặp bà Nhật Tân, khi bà đang là giáo viên trường cấp ba Ngô Quyền thành phố Nam Định, và tôi là một cô nhóc 10 tuổi đối diện với một người đã đi qua sáu mươi mốt cái xuân xanh. Có nhiều chuyện tại thời điểm ấy tôi không hiểu được hết, nhưng nay vô tình đọc lại bài viết trên báo Tiền Phong của tác giả Xuân Ba, gặp lại bao hồi ức quen thuộc tưởng chừng đã dần bị vùi vào quên lãng, một chút khơi mở thôi nhưng kí ức lại dào dạt ùa về. Bài báo của anh viết rõ ràng hơn kí ức lúc mờ lúc tỏ của tôi, bởi những gì tôi có chỉ là lời nghe kể lại trong một đêm chuyện trò từ 8 năm về trước. Mượn Xuân Ba một chút chữ chỉ để mong câu chuyện được hoàn chỉnh và chỉn chu, và cũng để làm tròn đầy một mảnh kí ức đã từng thiếu sót…
Đêm trăng hôm ấy vẫn sáng mãi trong tôi đến tận bây giờ, những hình ảnh, con người và câu chuyện ấy có một vị lạ quá, nó khác xa với những gì tôi được biết lúc còn là một cô bé lớp Năm. Năm đó tôi đón nhận mọi điều bằng niềm vô tư, thì giờ đây lại suy nghĩ tới nó với nhiều trăn trở. Nhà thơ Trần Thị Nhật Tân, Dòng xoáy của Trần Thị Nhật Tân âu cũng ra đời là vì một khát khao dân tộc, khát khao một thế hệ thanh niên phải trở mình, phải hành động ngay thôi…
Đêm đó tôi trở về khách sạn, và mấy ngày sau cũng chỉ là những buổi đàm đạo thơ văn, mà một nhóc mười tuổi như tôi chắc chắn đang nằm ngoài cuộc, thở dài một cái, thực sự hồi đó tôi chẳng hiểu nổi mấy điều phân tích, thấy tiếc ghê luôn. Nếu mà hiểu chắc suốt mấy năm đi học tôi sẽ học giỏi văn lắm…
Hôm chia tay ra về, hành trình kết thúc, bác nhà thơ họ Phạm lưu luyến tôi, còn bà Tân, chỉ dặn tôi một điều, hãy cố gắng học cháu nhé, học để sau này lớn lên…..
Gió thổi vù vù phả vào hồn tôi…
Vậy là đang trên đường về rồi, chuyện trò đủ thứ với bố thì bất chợt bố hỏi, quà mua về đâu con. Ôi giời ơi, tôi giật thót mình, làm gì có mua quà đâu, huhu, quên mất sạch, đi chơi chẳng nhớ nhiệm vụ gì cả. Bố mắng tôi chỉ biết ăn, biết chơi thôi, mua quà về cho mọi người cũng không nhớ. Thế là hai bố con nghĩ một lúc, đi biển Hải Thịnh ở Hải Hậu thì đặc sản là bánh nhãn rồi, đánh vội xe vào một cửa hàng tạp hóa, vội mua chục bịch bánh nhãn mang về làm quà. Mua cũng chẳng để ý bao bì cơ, đến lúc quà đã trao tay, ngậm ngùi nhận được tin nhắn của tên Chiến: “ Bánh nhãn Hải Hậu, sản xuất tại Ô 18 Phường Hạ Long, thành phố Nam Định…”
HAIZZZ, CŨNG CẠN LỜI…
Chuyện xưa nay viết đã nhuốm màu thời gian nên “ hương vị” cũng đậm đà hẳn.
Tôi luôn quan niệm, chuyện xưa không cũ, nó luôn mới, ít nhất là trong tâm hồn tôi…
                                                                      ___Sơn Ca___