Lồng tiếng và chỉnh sửa nội dung: nhóm 9
Trong cái tình cảnh khó khăn đủ điều của dịch bệnh, những sự mất mát đau thương, những khó khăn bất cập, những muộn phiền lo âu, tất cả đều đã được dần điều trị bởi cái gọi là thời gian. Ở trong cái bối cảnh “bình thường mới” này, nhiều con người, nhiều câu chuyện, nhờ được giúp đỡ và nhờ trao đi sự sẻ chia, họ đã phần nào vượt qua được những khó khăn đau thương mà thích nghi, mà bước tiếp trong giai đoạn này. 
"Càng nhiều thứ trong đầu, càng nhiều điều nuối tiếc
Ít đi điều mong cầu, lòng êm như suối biếc
Hôm qua đã xong rồi ngày mai thì khó biết
Cố gắng ngày hôm nay không gì là khó hết
Muốn thì phải làm mà dịch ám đành phải lùi
Còn sức còn khoẻ là còn mừng còn phải cười
Đi tìm điều tích cực để vui lên mà sống thì
Hướng nào cũng tốt, đường nào cũng thông"
(Gieo Quẻ - Hoàng Thùy Linh, Đen)

Nhật ký của một tình nguyện viên

Câu chuyện 1:
8/7/2021,
Hôm đó tôi dậy từ năm rưỡi sáng để đến đơn vị cung cấp nhận hàng rồi chất lên xe chở đến cho người dân.
Nhiệm vụ hôm nay ngoài đi đến những tổ khu phố ở trung tâm Sài Gòn ra thì mọi người còn cùng nhau phân phát đến những xóm trọ nghèo, với phương châm là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tính ra thì khu xóm mà tôi được phân công lần này cũng đến hơn hai chục hộ dân. Băng băng trên con đường nhỏ hẹp đi vào khu này, đập vào mắt chính là những căn nhà được dựng nên tạm bợ bằng những tấm tôn cũ xin lại và những tấm bạt đã nhàu từ khi nào không biết.
Lúc tôi hỏi thăm thì mới được hay, ở khu này có cô thì ngày ngày đi loanh quanh mấy quán nhậu để bán đậu phộng luộc, có chú thì cùng cái xe đạp cà tàng của mình mà đi bán bánh mì khắp các ngõ hẻm, và phần lớn những người cao tuổi ở đây thì chỉ đi nhặt đồng nát và bán để sống qua ngày. Trước đây kiếm sống đã vất vả rồi, giờ thì thêm chuyện quán nhậu không mở bán, nhà dân không mở cửa, người người thì không được ra đường, vậy thì lấy đâu ra được cơ hội để mà bán buôn, lượm lặt. Rồi ngày qua ngày họ cứ mãi tuyệt vọng, cứ mãi khổ sở như thế.
“Nhưng rồi hay tin cái xóm xa xôi này sẽ được ủng hộ nhu yếu phẩm từ các mạnh thường quân và tình nguyện viên, chúng tôi mới thấy mình không còn cô đơn, không còn cảm thấy cuộc sống này là đang cố triệt mọi con đường sống của mình nữa.”, một bác đã đứng tuổi tâm sự với tôi, trong lời nói không khỏi giấu đi sự xúc động. Những bịch gạo 5 cân ấy, họ ôm lấy mà hân hoan kêu lên rằng vậy là sẽ sống qua cả tháng trời được rồi. Tôi cười khẽ, nhưng lòng lại thấy cứ chua xót. Những con người nơi đây vì nghèo, vì đói khổ, mà trước nay chỉ dám nghĩ đến sống qua ngày mà thôi, chứ chuyện mơ mộng về tương lai với họ lại thành ra thứ gì đó xa xỉ. Và rồi ngay giờ đây, khoảng thời gian 1 tháng hơn không ngắn không dài, đối với họ lại là sự giảm bớt về bao lo toan, bao gánh nặng cuộc đời. Và tôi nhận ra rằng, chỉ với một chút sự quan tâm, một chút sự sẻ chia từ người khác thôi, đối với những cô những chú bác nơi đây lại chính là chiếc phao cứu sinh giúp họ vẫn giữ lấy được niềm tin và sự tích cực, giúp họ vẫn nổi được trên cái cuộc sống bao vây là khó khăn này.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Mấy tháng sau đó (vào khoảng tháng 11/2021), do công tác ở đơn vị khác nên tôi không có dịp đến thăm lại mọi người nơi đây. Nhưng nhìn thấy tình hình thành phố đã có vẻ khá khẩm hơn, đã bước vào “bình thường mới” rồi, tôi lại nghĩ biết đâu được ở một quán ăn vỉa hè nào đấy sẽ gặp lại cô bán đậu phộng lạc kia, hay là trong một ngày đói bụng sẽ nghe thấy tiếng rao bán bánh mì của người chú với chiếc xe đạp cũ của mình … 
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Câu chuyện 2:
6/7/2021,
Nay tôi được lệnh đi gỡ chốt bảo vệ vùng xanh và chốt kiểm dịch ở các khu dân cư.
Cái hàng rào chặn người ta đi qua đi lại là phải khử khuẩn- đo nhiệt độ- khai báo y tế đấy, cuối cùng cũng được cho vào xếp xó rồi. Cái hàng rào đấy nghe qua thì cũng chẳng có gì ghê gớm, nhưng lại chính cái thứ này mà bấy lâu nay đã ngăn cách người dân với cuộc sống bình thường, là minh chứng cho việc cần phân tách giữa bên trong với bên ngoài- giữa nơi an toàn với nơi nguy hiểm. Tôi cùng các anh chị trong nhóm phụ nhau nâng mấy cái biển báo, mấy cái hàng rào chất lên xe. Cái cảm giác chỉ qua một hành động nhỏ mà như vừa thay đổi một điều gì đấy to lớn lắm làm tôi cứ phấn chấn vô cùng. Rồi cũng thỉnh thoảng, tôi lại để ý thấy người ta đi qua đi lại nhìn thấy chốt đang được gỡ bỏ là lại cứ bàn tán xôn xao, hay lâu lâu lại thấy vài cái đầu ló ra từ cửa sổ khu chung cư ngó xuống cười mà trông cũng thú vị lắm. 
Tôi bắt đầu tưởng tượng về một cuộc sống với các sinh hoạt trở lại bình thường, về những người sẽ bắt đầu đi làm lại và than vãn rằng vẫn chưa quen lại được với việc thức dậy sớm và sửa soạn vào mỗi sáng. Về câu chuyện của những người đã hình thành cho mình những thói quen, sở thích mới, đã bắt đầu quan tâm đến bản thân mình nhiều hơn. Về câu chuyện của những bạn trẻ đang trên giảng đường đại học hay chỉ mới bắt đầu đi làm thông qua cơ hội ở nhà này mà hiểu rõ bản thân mình hơn và xác định được mục tiêu trong tương lai của mình là gì.
Và tôi lại nghĩ rằng, những người dân ở đây, có lẽ ai nấy đều đã từng đi qua cái sự khó khăn của đại dịch và rồi sẽ nhận ra được cho mình những điều nhỏ nhặt nhưng vô cùng quý giá trong cuộc sống. Để rồi khi lao trở lại  với công việc, trở lại học tập, dù bận rộn đến mấy nhưng mỗi người vẫn sẽ cố dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, vẫn cố để tâm hơn đến sức khỏe và luôn cố gắng giữ cho tinh thần mình luôn vui vẻ tích cực. Cái đại dịch này, ngoài là những mất mát đau thương hay những khó khăn vất vả ra, lại còn chính là cái bàn đạp giúp con người khi trở lại cuộc sống “bình thường mới” sẽ bắt đầu nỗ lực hơn, và dần trân trọng những gì mình đang có hơn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Nguồn ảnh: Sưu tầm

Đôi lời kết

Chúng ta đã học được gì sau đại dịch… phải chăng bài học quý giá nhất chính là sự sẻ chia yêu thương, là sự đùm bọc lẫn nhau để cùng đi qua khoảng thời gian khó khăn này. Chính vì tình người vẫn luôn tồn tại đâu đây, giữa cái nền âm u của dịch bệnh này vẫn còn lấp ló nhiều tia nắng ấm áp. 
Để nói về năm 2021 thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều điều để nói. Đó là một năm với đầy rẫy sự mất mát đau thương, là một năm mà nhiều giọt nước mắt đã rơi và nhiều nhịp thở đã dần trở nên nặng nề hơn. Thế nhưng đằng sau đó, đây cũng là một năm mà các tình nguyện viên, các y bác sĩ ngày đêm vật lộn trên ranh giới của sự sống và cái chết vẫn luôn chưa từng ngơi tay nỗ lực. Năm 2021 với dịch bệnh đủ làm ta thấy được sự khắc nghiệt và hiểm nguy, thế nhưng cũng đủ để thắp lên trong ta niềm hy vọng thông qua những con người, những câu chuyện đang ngày đêm không ngừng tỏa sáng.
Và cũng xin gửi đến những ai đang đọc dòng chữ này, rằng dù ta đang giữa những bộn bề lo toan hay đang bị bao vây bởi những kí ức đau buồn u ám, những điều ấy hy vọng rồi cũng sẽ được chữa lành và dần khép lại. Năm mới đến là dấu hiệu cho một sự khởi đầu mới, và chính vì thế mỗi chúng ta đều có quyền được mong cầu về sự bình an, về hạnh phúc, mong cầu về một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Và có lẽ mỗi sáng mai thức dậy đây, ta vẫn còn nhìn thấy bản thân đương khỏe mạnh, vẫn còn được trông thấy những người ta thương yêu đang bình an xung quanh, đó cũng là đủ để sưởi ấm trái tim ta trong những tháng ngày nhuộm màu u ám này.
Đất nước vượt qua đại dịch đã là một điều kì diệu, vậy thì hà cớ gì ta lại không tiếp tục những thứ mà ta còn đang dang dở một lần nữa. Và tôi cũng thật mong rằng, mỗi người chúng ta sẽ ngày càng cười nhiều hơn, sẽ ngày càng trân trọng cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh hơn, để rồi cuộc sống như trước đây của chúng ta có thể dần tái tạo lại, và một cuộc sống trong thời đại ‘bình thường mới’ sẽ được mở ra đón chào chúng ta.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Nguồn ảnh: Sưu tầm