NHẬT KÍ CỦA NỘI (I): (Đọc thơ) ANH YÊU EM HĂNG SAY LAO ĐỘNG SẢN XUẤT
Trở về (tặng Nhân) Ông nội tôi mất khi tôi còn chưa ra đời. Ông là một kẻ nghiện rượu nặng và ông mất do một cơn nhồi máu cơ tim....
Trở về (tặng Nhân)
Ông nội tôi mất khi tôi còn chưa ra đời. Ông là một kẻ nghiện rượu nặng và ông mất do một cơn nhồi máu cơ tim. Những gì tôi biết về ông là qua lời kể của bà. Ngày còn bé, nhà ông rất nghèo và bố mẹ ông đã không có đủ tiền để cho ông đi học. Vì là anh cả, ông phải tham gia lao động, phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Thế nhưng, như mọi đứa trẻ vẫn luôn khao khát mãnh liệt thứ mà mình không đủ khả năng, ông lại rất thích được đi học. Có lẽ một ai đó đã kể cho ông về câu chuyện của trạng nguyên học lỏm Vũ Duệ và nó đã tuyền cảm hứng cho ông nên ông tôi cũng bắt chước. Mỗi ngày ông vừa đi bán bánh vừa đứng ngoài cửa lớp học lỏm. Rồi sau này chuyện gì xảy ra nữa, làm sao ông đỗ đại học và trở thành một nhà báo đầy công hiến ở tỉnh tôi thời ấy thì bà không nói. Có thể câu chuyện về sự hiếu học của ông tôi là bà bịa, hoặc ông tôi bịa ra kể với bà, nhưng có một điều chắc chắn là bà tôi luôn kể đi kể lại câu chuyện đó cho tôi với một giọng tự hào. Chắc bà phải thần tượng ông tôi lắm!
Hồi còn chưa u mê trong rượu chè, ông được nhiều bằng khen vì đã có những cống hiến xuất sắc trong quá trình công tác tại tòa soạn báo. Ngày 22/02/1966, ông vinh dự được giao viết diễn văn đọc tại Đại hội liên hoan những người xuất sắc trong phong trào "3 sẵn sàng" toàn tỉnh. Bài diễn văn có tên "Thư gửi thanh niên Mỹ", được ông chép lại cẩn thận trong cuốn nhật kí của mình. (Nội dung đầy đủ của bức thư ấy sẽ được chép lại đầy đủ trong một bài viết khác)
Bài thơ Trở về, viết tặng người bạn gái tên Nhân là một trong những bài tôi thích nhất. Bài thơ không chỉ đơn thuần là lời thổ lộ tình cảm của ông dành cho cô Nhân mà đó còn là thứ tình cảm gắn lồng ghép trong công cuộc chung của thời đại. Khen cô Nhân đẹp thế này, đẹp thế nọ nhưng phải đi kèm câu là vì cô hăng say lao động sản xuất. Đọc những vần thơ ấy, tôi buồn cười quá nên chép lại ra đây chia sẻ với mọi người cùng đọc. Đây không phải những vần thơ lãng mạn nhất được in thành sách nhưng là những vần thơ trong trẻo nhất, hồn nhiên nhất về những chuyện tình ngày xưa, về những con người yêu nhau thời đất nước đang hăng hái xây dựng xã hội chủ nghĩa...
Trở về
(Tặng Nhân)
Cô em gái bên nhà tôi Trọ
Bảy ngày qua – Từ đó đến nay
Nói sao hết những ý nghĩ tràn đầy
Từ đôi má hây hây chín đỏ
Đêm nay trăng tỏ
Trăng mười sáu, trăng tròn
Em cũng tròn mười sáu
Má lại đỏ hây hây!
Bảy ngày rồi, từ hôm ấy
Trong nếp nhà con con
Bên dòng sông nho nhỏ
Trong bóng em anh thấy có tim mình…
Bảy ngày qua là một cuộc trường chinh
Và mọc cả một vườn hoa thiên lý
Em bước đi, êm đềm, nhẹ nhàng
Từ trên khuôn mặt đoan trang
Hoa cười chúm chím hai hàng răng thưa
Tóc xanh nấp dưới bóng dừa
Tay quạt chiếc nón giữa trưa nắng hè
Từ đồng lúa, lũy tre làng Yên Mộc
Không thể nào lại thiếu bóng em.
Trong lao động đã chen vào tiếng hát
Em vươn mình đạt năng suất thật cao
Giữa trưa hè ai trông đóa hoa đào
Từ gốc lúa đã trào lên sức sống
Của cô gái ven sông
Của cánh đồng Yên Mỗ
Có khuôn ngực tròn căng
Lúc nào em cũng hăng chiến đấu
Cho quê nhà yêu dấu tắm giữa biển lúa vàng
Trong tiếng ca vang
Của hai mốt ngay đêm em đang chiến thắng
Tuy mồ hôi em đẫm áo khi nắng dọi xiên hồng
Mà vẫn trào lên sức sống giữa vườn đêm trăng tỏ
Rồi lao động tràn lên, đời em đó
Cả mùa hoa nở trên môi
Mắt em sáng một góc trời
Nhìn vào cuộc sống thấy đời như hoa
Lòng sao lưu luyến lạ thường
Từ trong lao động đã nảy tình thương dạt dào
Hôm ấy, anh về
Nắng trào lên, em hỡi
Chờ tiễn anh quên lúa gọi ngoài đồng…
Hai mươi mốt ngày đêm
Hôm nay em mới nghỉ nửa công
Tiễn anh đi rồi lại sống với đồng Yên Mỗ
Anh nhớ lại, đúng rồi
Cả ngày hôm đó
Em tiễn anh chẳng nói nên lời
Chia tay khó lắm em ơi
Vẩn vơ quanh quẩn chẳng rời được nhau
Khi anh đã bước qua cầu
Em còn đứng lại, chắc đau quận lòng…
Anh mạnh bước đi, em còn đứng ngóng.
Trong tim em chắc có bóng anh rồi.
Chia tay, thôi nhé em ơi
Anh về anh đợi một ngày em thăm
Em hãy đến những ngày rằm, mười sáu
Của tuần trăng sau
Cho những mái đầu
Lại tắm trăng vàng mười sáu
Như đời em cũng mười sáu tuổi tròn
Cô gái nhà bên
Trong nếp nhà con con…
(Tháng 5/1964)
Một số hình ảnh về cuốn nhật kí của ông...
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất