NGUỴ NGHỆ THUẬT và ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM VỀ NGÔN NGỮ ĐIỆN ẢNH
Bài viết vui vẻ hoan hỉ dành bởi thế hệ cợt nhả. Không dành cho người làm phim tiêu cực và không mang tính công kích bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Bài viết vui vẻ hoan hỉ dành bởi thế hệ cợt nhả. Không dành cho người làm phim tiêu cực và không mang tính công kích bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.

Triangle of Sadness (2022), dir Ruben Östlund
Khi viết bài luận về môn Điện ảnh học, mình được đưa đề bài “Theo anh/chị Điện ảnh là gì?”. Tất nhiên, không khó ở thời đại công nghệ lên ngôi, chỉ với một cú click mình sẽ có câu trả lời sát sao từ AI Google tổng hợp: “Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, thể hiện bằng hình ảnh động và âm thanh, được ghi lại trên các vật liệu như phim nhựa, băng từ, đĩa từ... để phổ biến đến công chúng. Điện ảnh sử dụng các yếu tố hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, âm nhạc... để kể chuyện, truyền đạt ý tưởng và khơi gợi cảm xúc.”
Vậy “Ngôn ngữ Điện ảnh” là gì? - “Ngôn ngữ điện ảnh là cách các nhà làm phim truyền tải thông điệp, câu chuyện và cảm xúc đến khán giả thông qua hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, biên tập và các yếu tố khác. Thay vì sử dụng lời nói, ngôn ngữ điện ảnh sử dụng các kỹ thuật và quy ước điện ảnh để tạo ra trải nghiệm nghệ thuật cho khán giả.”
Với cá nhân mình, “trải nghiệm” xem phim đó là một điều quý giá và tất nhiên mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau với từng bộ phim khác nhau dù phim hay lẫn phim dở. Trải nghiệm ở đây bao gồm chuyện hiểu, nhìn nhận ra được ý tưởng mà phim muốn truyền đạt, hoặc đơn giản, cảm xúc khi xem phim, ít hoặc nhiều lưu luyến hơn nữa đó là cảm giác.
Hiểu – là thứ rõ ràng minh bạch nhất của trải nghiệm xem phim hơn cả sao kê. Đó là quá trình mình nhìn ra được ý niệm bộ phim muốn nói đến, để đưa ra ý nghĩa, đánh giá, suy luận, và hiểu rõ bản chất vấn đề mà cụ thể là bộ phim đang nói đến. Ngoài ra, các phim mang giá trị cao hơn về mặt tư duy sẽ giúp mình mở rộng góc nhìn, ý niệm, tham gia nhận thức và học hỏi được nhiều về các chủ đề khác nhau.
Cảm xúc là một dạng phản ứng vật lý của con người dẫn đến tinh thần. Nó sẽ có nhiều loại và mức độ khác nhau tuỳ người. Vì vậy, trải nghiệm với mỗi bộ phim, cảm xúc đó sẽ thể hiện ra bên ngoài: vui thì cười, sợ thì la hét, buồn thì khóc… Tuy nhiên, trải nghiệm cảmxúc sẽ khó định lượng tuỳ theo mỗi con người khác nhau và yếu tố nhận thức xã hộicủa mỗi người. (Vd: có người xem phim có cảnh con chó làm những trò ngớ ngẩn họ khiến họ vui, 3 ngày sau họ nghĩ lại vẫn vui như lúc xem, cùng bộ phim đó, có người chỉ cười lúc ở rạp vì hành vi con chó và quên hết vì họ chưa từng trải nghiệm nuôi chó.)
Cảm giác là cảm nhận được lưu truyền từ não bộ dẫn đến các giác quan khác. Nó là kết quả của tín hiệu cảm giác mà cơ thể mình nhận được từ các giác quan khác. Ví dụ thấy sáng quá thì là cảm giác chói, cảm giác đau khi bị đánh, cảm giác mặn khi ăn muối,… Đây là một quá trình vật lý và sinh lý trong cơ thể của chúng ta.
Tuy nhiên, ở nhận thức vấn đề không phải quá trình vật lý hay sinh lý thì cảm giác là thứ khó miêu tả rõ ràng được. Các loại cảm giác khó miêu tả rõ ràng khác như: cảm giác say mê bé iu, hay cảm giác thoải mái khi ở bên crush, cảm giác chán làm lười ăn, cảm giác cô đơn trong căn hộ 100m2, cao cấp hơn là những cảm giác được đổ tội cho các “thế hình vô lực” như cảm giác sợ ma (?), cảm giác ông bà mách bảo (?), cảm giác các ơn trên chỉ đường dẫn lối (?), cảm giác quỷ ma sai khiến (?) … thì dần dần hai từ “cảm giác” được định hình cho nhiều thứ đa dạng hơn là những lý thuyết nguồn gốc trên.
Và đặc biệt với một khán giả nhận định mình có cảm giác “gì đó” sau khi xem phim mà không có một mô tả cụ thể, nghĩa là phim đó còn mơ hồ mập mờ hơn các mối tình bất chính.
Ví dụ tóm lại: Khi mình xem “La La Land”, mình hiểu câu chuyện đang kể một cách trơn tru câu chuyện về anh Seb và cô Mia, cảm xúc mình là buồn và khóc khi hai nhân vật chính chia tay, nhưng cảm giác mình là tiếc khi họ không đến được với nhau. Vậy buồn là cảm xúc, tiếc là cảm giác và La La Land là phim đủ điều kiện để khán giả đạt được các trải nghiệm trên.
Hoặc một ví dụ khác, lúc năm nhất sinh viên, mình được thầy cho xem phim “Goya’s Ghosts”, mình không hiểu phim, mọi thứ cứ mơ màng, không hiểu dẫn đến mình không có cảm xúc gì nhiều với bộ phim, nhưng mình lại có “cảm giác gì đó” sau khi xem phim đấy, nhưng mình không gọi tên được “cảm giác gì đó” là gì với những ngôn từ hạn hẹp của một sinh viên năm nhất vừa chưa thoát khỏi tuổi ăn tuổi ngủ, yêu đương vớ vẩn, thì chuyện đưa một bộ phim ‘full topping’ về văn hoá, lịch sử, tôn giáo, hội hoạ của thế kỷ 18 tại châu Âu thì đó còn hơn là một sự tra tấn vô hình và quá sức xa xỉ với tuổi đời mênh mông.

Bức tranh vẽ đoạn kết Goya’s Ghost với những “cảm giác gì đó” ám ảnh sau khi xem phim nhưng không hiểu và vẽ xấu.

Goya's Ghosts (2006), dir Milos Forman
Chúng mình nên tập bắt đầu học cách xem phim để có nhiều luận điểm và cảm nhận rõ ràng nó hay hoặc không hay, thích hay không thích hơn khi xem một bộ phim. Mình phân loại cảm giác và cảm xúc để mọi người không đánh tráo khái niệm hoặc hiểu sai nó.

Megalopolis (2024), dir Francis Ford Coppola
Nhắc tới “ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM”,
Mình chợt nhận ra, dù vô tình hay cố ý, gần đây mình dễ được nghe các từ ngữ đánh tráo khái niệm và bị thao túng bởi những thứ nguỵ nghệ thuật.
Một tác phẩm Điện ảnh được đưa đến công chúng khiến họ sau khi xem là không hiểu, không có cảm xúc, và không có bất kì cảm giác gì là do nhà làm phim, hay do khán giả?
Đi ngược vấn đề một chút về các loại hình nghệ thuật khác trước nghệ thuật thứ 7 là Điện ảnh, 6 loại hình còn lại bao gồm Hội hoạ (Painting) - Điêu khắc (Sculpture) – Âm nhạc (Music) – Văn học (Literature) – Kiến Trúc (Architecture) – Sân Khấu (Theater).
Mình chọn Hội hoạ là thứ dễ minh hoạ nhất. Lịch sử Hội hoạ được có từ thời tiền sử đi trải dài cùng các nền văn hoá sau đó dần tiến bộ theo tư duy nghệ thuật và kỹ thuật của con người. Bức tranh hội hoạ tiền sử (tranh hang động) được cho là tác phẩm cổ nhất đến ngày nay. Tác phẩm vẽ Tê Giác từ hang Chauvet ở Pháp có niên đại khoảng 30,000 - 33,000 năm trước. (Mình có đọc được tư liệu để 36,000 năm)

Panel of the Rhinos, Chauvet Cave (Replica)
Trở lại vấn đề để mình tránh đi lòng vòng. Cái mình muốn nói ở đây, từ thời tiền sử, con người đã tiếp cận nghệ thuật một cách “RÕ RÀNG và DỄ HIỂU”. Họ mô tả lại đời sống và những con vật họ nhìn thấy. Họ vẽ rất rõ ràng hình con tê giác (một số bức ở các nơi khác là vẽ bò rừng bạn có thể tìm hiểu thêm là vẽ rõ ràng hình con bò). Điều này nói lên sự thật đó là con tê giác trong tranh, và chúng ta không nói đây là con mèo được? Meow~. (1)
Đi xa hơn một chút đến thời kỳ Phục Hưng (khoảng từ thế kỷ 14-17), với bức tranh vẽ trên vòm trần nhà nguyện Sistine, hoạ phẩm “Sự sáng tạo của Adam” của Michelangelo, với hàng nghìn tài liệu, tư liệu, các bài viết nói về hoạ phẩm này thì nội dung, ý nghĩa, các thú vị ẩn tàng,… được nâng cấp lên theo trình độ và sự ẩn dụ đòi hỏi phải có kiến thức tôn giáo, nghệ thuật, lịch sử,… để có thể hiểu được các tầng từ tác phẩm. (Mọi người tự tìm hiểu thêm sẽ thấy thú vị nhé). Tuy nhiên, bỏ qua những tầng lớp ý nghĩa tư duy nghệ thuật cao cấp, tác phẩm vẫn là kỹ năng “master” về hội hoạ, màu sắc, tạo hình với nội dung bức hoạ rất rõ: Adam đang tiếp cận Thiên Chúa với một nhân dạng rõ ràng, Ngài cao niên, tóc dài, râu dài,…bất cứ ai cũng có thể mô tả hình ảnh của bức hoạ này, ngay cả trẻ con.
Tóm lại, Michelangelo không vẽ một dấu chấm đại diện cho Adam, và một dấu thập đại diện cho Thiên Chúa và yêu cầu con dân quét mã QR để tìm hiểu nội dung tác phẩm được nói đến qua treatment, hay hoặc làm một talkshow để nói về ý niệm riêng của dấu chấm và dấu thập đằng sau là một tác phẩm tuyệt đỉnh của chóp (???). Đó, là nguỵ biện cho cái thứ mọi người không thấy, không hiểu và không có gì ngoài văn vở, lời nói sale cho tác phẩm của chính mình. May mắn thời đó không đóng tiền net, và may mắn Michelangelo không sống lại thời này để tức chệt với sự nhìn nhận nghệ thuật bị đánh tráo khái niệm bởi nguỵ nghệthuật: “Biết vậy không còng lưng vẽ 4 năm ở nhà nguyện”. (2)

“The Creation of Adam” by Michelangelo (Internet)
Từ (1) (2) mình muốn nói đến, từ góc nhìn muốn đi đến chiều sâu nhiều tầng ý niệm, nó phải xuất phát từ cái cơ bản. Cơ bản ở đây, chính là sự rõ ràng và dễ hiểu. Thành thật với những thứ khái niệm vốn dĩ đã được các thế hệ trước đưa cho chúng ta sau bao nhiêu năm đúc kết. Đừng sản xuất ra những sản phẩm khó hiểu, không thể hiểu và chính bản thân người làm cũng không hiểu và bắt khán giả tự cảm.
Với mình, đó là tra tấn thời gian thách thức khán giả khi họ không hiểu, còn cảm ở đây là cảm giác không hiểu gì.
Một bức tranh vẩy mực rồi tự nói nó là nghệ thuật. Một bài hát không thể tự hát với một nốt. Một bộ phim được quay hình lung tung, dàn dựng khó hiểu hoặc không dàn dựng, nhân vật không nói gì đi qua đi lại thoại nội tâm về nhân sinh quan triết lý cuộc đời, một cú máy thanh cảnh thơ ca như MV, một cảnh làm tình trần trụi, mộ chiếc dương vật phô tục để thể hiện cái tôi tác giả,… Tất cả, trộn lại tạo nên một mớ hỗn độn về đường hình, người làm không hiểu, người xem không hiểu, AI cố gắng cũng không hiểu, không ai dám nói mình không hiểu vì sợ bị phán xét mình không “ạc” hay bị “vô tri”…
“NGUỴ NGHỆ THUẬT” thẳng thắn mà nói là ám chỉ những sản phẩm mang dáng vẻ nghệ thuật nhưng sáo rỗng thao túng người xem.
Trở lại câu hỏi trước, “Một tác phẩm Điện ảnh được đưa đến công chúng khiến họ sau khi xem là không hiểu, không có cảm xúc, và khôngcó bất kì cảm giác gì là do nhà làm phim, hay do khán giả? ”
Đừng trách khán giả. Vì khán giả là số đông ngoài kia không được sinh ra để đi nghiên cứu nghệ thuật. Vì cuộc sống, thực tế tàn khốc còn vô vàng thứ ngoài kia, con người thời nay còn phải đối diện với kinh tế tài chính, cắt giảm nhân sự, cơm áo gạo tiền, yêu đương tay ba tay bốn... Nên nhiệm vụ của người làm nghệ thuật là đưa đến giá trị gì của tác phẩm cho khán giả ngoài kia. Vậy tại sao mình lại trách họ kém về mặt tư duy nghệ thuật? Hay vì cái tôi mình quá cao để hạ bệ sự nhìn nhận khán giả để cảm thấy mình có giá trị cao hơn về tư duy nghệ thuật? Vậy là cốt lõi của chuyện tạo ra một giá trị tác phẩm để yêu nghệ thuật hay yêu chính mình?
Đầu tiên, người làm phim phải tự trang bị cho mình những kỹ năng đầy đủ để làm ra bộ phim. Kiểm soát và thao túng được khán giả đi theo định hướng cảm xúc và cảm giác mà đạo diễn mong muốn. Khi người làm phim đầy đủ kỹ năng để tạo ra một bộ phim dễ hiểu của tảng băng nổi, nhưng vẫn cắm trụ chắc chắn bởi chiều sâu của tảng băng chìm. Với đạo diễn đủ trình độ, bộ phim sẽ được hiểu theo tảng băng nổi một cách rõ ràng, và từ từ, với những khán giả có tư duy tốt hơn tịnh tiến lên theo trình độ, họ sẽ tìm hiểu được tảng băng chìm mà bộ phim muốn nói tới.
Lấy ví dụ các phim kinh điển, phim "The Godfather" (1972) của đạo diễn Francis Ford Coppola – ai cũng hiểu câu chuyện mà bộ phim đang nói về một gia đình này diễn ra điều gì. Hay hiện đại hơn như phim Parasite (Ký Sinh Trùng) của Bong Joon-ho, không ai có vấn đề với chuyện bộ phim không hiểu gì mà thay vào đó là mọi người theo trào lưu bóc tách tảng băng chìm mà đạo diễn muốn nói tới.
ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM
“Em thích anh” và “em không ghét anh”: vốn dĩ là hai nghĩa khác nhau.
Phim “Hàn lâm” – ngoài những chuyện được công nhận rõ ràng từ giới chuyên môn (các liên hoan phim lớn, các viện “Hàn lâm” các nhà phê bình phim,…) thì vốn dĩ là những tác phẩm được làm dựa trên sự đầu tư kỹ lưỡng với kiến thức chuyên sâu về mặt dàn dựng, nội dung, ý nghĩa, kỹ thuật… cùng với tư duy nghệ thuật cao.
ĐỪNG đánh tráo khái niệm phim hàn lâm và phim không hiểu gì.
Phim nghệ thuật là phim với mục đích nghiêng về cách kể qua tiếng nói riêng của tác giả. Phim tác giả có vai trò to lớn thể hiện phong cách cái tôi riêng của đạo diễn, gần như sẽ kén khán giả. Phim tác giả/phim nghệ thuật không phải là thể loại phim (genre) và làm ơn, không phải khó hiểu = nghệ thuật. Đừng đánh tráo khái niệm một lần nữa.
Tất nhiên, có nhiều khía cạnh, chủ đề nằm ngoài kiến thức, kinh nghiệm, và trải nghiệm của khán giả đại chúng nói chung để đủ có thể hiểu được tiếng nói của đạo diễn. Vậy thì nếu đạo diễn đủ tự tin để nói về điều đó một cách rõ ràng tại sao họ làm vậy và khiến khán giả được thuyết phục bởi những điều mình sắp đặt. Nhưng tất nhiên, giải thích là một cách dở. Vì không phải khán giản nào cũng được gặp nhà làm phim để hỏi, và khán giả đại chúng sẽ chọn không xem cho đỡ thắc mắc, nặng đầu khi cuộc sống quá nhiều bộn bề.
Vậy cách của các nhà làm phim theo xu hướng ẩn dụ cao, cách kể khó hiểu thì phải có hai hướng một là chấp nhận mình dở để truyền đạt thông điệp một cách dễ tiếp cận với đại chúng, ta có thể dở lần này và thử lại cách tiếp cận với khán giả vào lần phim sau hoặc hai là bắt buộc chấp nhận phim mình sẽ có kén đối tượng khán giả thấu hiểu.
Vậy cách của khán giả là dám dũng cảm nói lên tiếng nói của mình để không sợ bị phán xét “không ạc” hay “vô tri” cũng là một cách thành thật. Đừng cố gắng thêu dệt những tầng lớp ý nghĩa không có thật để thể hiện tư duy nghệ thuật bằng “cảm giác gì đó” mà không hề có một dẫn chứng cụ thể nào, thành thật đối diện với đứa trẻ trong tâm hồn mình: rằng mình có thật sự hiểu hay không? Nếu không, mình có thể tìm hiểu để tìm cách hiểu nó một cách chân thật nhất nếu thật sự muốn. Sẽ luôn có các nhà làm phim, nhà phê bình phim, các tài liệu, tư liệu và thậm chí các ‘reviewer’ cho chúng ta tham khảo mà.
Vậy một một tác phẩm khán giả xem không hiểu hoặc họ chọn không xem, vậy thì, nghệ thuật dành cho ai?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất