Tôi nhớ năm mình còn học tiểu học, có lần cùng mẹ đi chợ, khi gặp một người ăn xin, trong khi đa số mọi người cứ mặc nhiên mà đi đi lại lại, thì mẹ mình đã dúi vài nghìn cho người ăn xin đấy. Một lần khác, trong lúc ở bệnh viện, một cụ bà chật vật với chiếc xe lăn, trong khi mọi người còn đang lo chuyện của mình, bố tôi liền chạy lại đẩy xe lăn cho cụ. Một lần khác, khi những người thợ hồ làm việc ở nhà tôi, thì bố mẹ tôi luôn mời họ ở lại ăn những bữa cơm tối thân mật và hỏi han các thứ. Đấy là những khoảnh khắc mà nó tác động đến suy nghĩ của tôi một cách sâu sắc, bởi tôi học được cách tôn trọng và giúp đỡ những người yếu thế hơn mình.
Bố mẹ tôi từng sống một cuộc sống rất nghèo, đặc biệt là bố, bố tôi sinh năm 1963, sinh tồn từ cái thời tem phiếu đổi lấy gạo. Ông hiểu rõ thế nào là thiếu thốn và sự khốn cùng của nghèo đói, đặc biệt là nhà lại đông anh em. Cũng chính vì vậy, nó hình thành cho ông một sự đồng cảm với những người nghèo và yếu thế hơn mình. Dù là một người làm trong quân đội, với xuất thân làm nông dân và giờ là một cán bộ cấp cao, bên ngoài ông là một người vô vùng nghiêm khắc và cứng rắn, nhưng khi bỏ lớp áo quân nhân đó ra, ông lại như bao người khác, vẫn cư xử như mình là một người nông dân chất phác. Thực sự thì ông chỉ nghiêm khắc với hai anh em tôi, còn đối với người ngoài, ông luôn tìm cách cư xử mềm dẻo, khéo léo và nhẹ nhàng, tránh xung đột xảy ra. Mỗi lần mà tôi nhảy cẫng và tỏ vẻ thượng đẳng, thì ông luôn bảo là tôi chả giỏi hơn ai cả, tôi chỉ đang nói về cái tôi biết, còn tỷ thứ khác ngoài kia mà tôi không biết, nên là hãy khiêm tốn và tôn trọng người khác. Bị mấy lần dập cho như vậy, tôi cũng tìm cách mở cái đầu ra và nhìn rộng hơn. Tuổi trẻ mà, cái tôi cao ngút và tự cho mình các quyền hơn người khác. Nhất là những thời trẻ trâu mà thậm chí là sau này là thanh niên, tôi đem mình ra so sánh với những người yếu thế hơn mình. Bố bảo: Có giỏi thì so sánh với người giỏi hơn mình ấy, tại sao cứ đem người yếu thế hơn ra mà so để làm gì?
Tôi thấy có những người như vậy, ở chỗ khác, nơi mà họ thua thiệt và bị đem ra so sánh thì họ hậm hực. Ấy vậy mà, chỉ cần có cơ hội thấy ai đó kém hơn mình, thì lại tự cho bản thân cái quyền hạ bệ người khác để tự cảm thấy bản thân mình tốt hơn. Tôi nghĩ rằng ai cũng cần có thời gian để tiến bộ, vì vạch xuất phát của mỗi người đã khác nhau rồi. Khi chúng ta không bắt kịp ai đó, chúng ta được trao cho cơ hội để tự phát triển chính mình, để khẳng định bản thân, thì tại sao khi ta gặp người yếu thế hơn, ta không giúp đỡ họ cùng đi lên. Yếu thế ở đây là về mọi mặt, về tài chính, tri thức, vốn sống, trải nghiệm, cách ứng xử… Và để làm được như vậy rất khó, vì phán xét thì luôn dễ dàng hơn là thấu hiểu, cho qua thì nhanh hơn là lắng nghe, và hơn hết, chúng ta cũng quá bận rộn để quan tâm đến bản thân, thời gian đâu mà đi kéo người khác lên nữa. Đặc biệt là nếu ta chưa bao giờ trải qua cái cảm giác yếu thế và bị xem thường.
Thật tai hại khi cứ nghĩ rằng tại sao mọi người không nên thế này thế kia, sao họ không chịu cố gắng để như này như nọ. Đúng là luôn có những người không bao giờ chịu cố gắng thật, nhưng cũng có những người họ cần thêm thời gian để bắt kịp chúng ta. Tôi nghĩ, mình chỉ cần kiên nhẫn thêm một chút, nếu có thể thì đồng hành cùng họ, giúp được cái gì hay cái nấy. Hãy thử nghĩ xem, dù bạn ở bất kỳ cấp độ nào, khi bạn gặp vấn đề, thì chỉ cần vô tình gặp ai đó mách cho bạn một từ khóa, bạn lập tức tìm ra được lối đi. Những người yếu thế hơn cũng vậy, sẽ có những thứ với bạn là rất bình thường, nhưng với họ, chỉ cần một từ khóa nhỏ của bạn, cũng có thể giúp đỡ họ rất nhiều.