Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố hay về quê làm việc là câu chuyện không chỉ khiến bạn đau đầu, mà phụ huynh cũng lo lắng không kém. Với suy nghĩ “cho con ăn học thành tài, mong con thoát khỏi lũy tre làng” của bậc phụ huynh đã tạo áp lực lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường, dù thế nào cũng phải cố ở lại thành phố.
Ảnh: st

1. Làm ở thành phố cho bằng bạn bằng bè?

Từ bé đến lớn, chúng ta luôn chìm trong những lời so sánh của phụ huynh và mọi người xung quanh. Hình ảnh “con nhà người ta” luôn là tấm gương lớn mà các ông bố bà mẹ đặt ra cho con mình. Nếu như lúc bé, chúng ta thường bị so sánh điểm số, lực học trên lớp, thì khi đi làm, lương tháng bao nhiêu, làm việc ở đâu sẽ là chủ đề chính khi các mẹ ngồi nói chuyện với nhau.
“Đừng về quê mình làm con ạ, vừa ô nhiễm, vừa không có cái gì cho con người ta phát triển”. Câu nói quen thuộc của mẹ mỗi lần mình về quê. Cái mơ ước được về quê góp sức xây dựng quê hương mà năm xưa mình vẫn thường viết khi tập làm văn, dường như vẫn chỉ là ao ước. Bố mẹ chúng ta trải qua một thời đói nghèo lam lũ, nên lúc nào cũng chỉ mong con mình đủ ăn đủ mặc. Trong suy nghĩ của mọi người, làm việc ở thành phố là một bước tiến phát triển và có tương lai hạnh phúc.
Bạn bè của mình cũng gặp tình trạng tương tự khi cầm tấm bằng đại học trên tay. Bạn tìm được công việc khá tốt ở quê, nhưng lại từ chối. Bạn chọn ở lại thành phố chật hẹp này với mức lương thấp hơn, với lý do làm ở thành phố sẽ “oai” hơn làm ở nhà. Mình chỉ cười, mình còn một năm nữa là ra trường, đến lúc đó mình có trở nên giống bạn không?

2. Đi theo tiếng gọi của trái tim

Những ngày thực tập ở miền núi Tây Bắc đã cho mình mở mang nhiều thứ, từ vốn kiến thức chuyên ngành cho đến văn hóa, lối sống của người dân bản địa. Mình hân hoan khi tìm được đam mê, mục đích sống của mình ở đây, tại nơi này. Như một điều vẫy gọi không ngừng thôi thúc mình, kể cả khi mình đã trở về Hà Nội. 
Và mình đứng giữa hai sự lựa chọn, làm việc ở Hà Nội hay sẽ xung phong đi lên miền ngược, đến nơi thiếu thốn, không tiện nghi hiện đại, nhưng bù lại mình sẽ nhận được nhiều thứ khác? Mình sẽ được là chính mình, sống một cuộc đời mình mong muốn và hạnh phúc hơn. Không dễ dàng chọn lựa vì gia đình giờ đây là rào cản kéo mình ở lại. Chẳng ba mẹ nào đồng ý cho con mình đến nơi cách quê nhà 8 tiếng ngồi xe ô tô cả. Mọi người bắt đầu thuyết phục, đưa ra lý lẽ, dẫn chứng để cho mình thấy lựa chọn của mình là sai.

3. Con đường nằm trong tay bạn

Ảnh: st
Mình nhớ Anh Thanh Niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Cô đơn đấy, “thèm” nói chuyện đấy nhưng Anh vẫn đang cống hiến hết mình cho lý tưởng anh theo đuổi. Hay như trong tác phẩm Nhà Giả Kim, “khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp đỡ bạn”. Không con đường nào dễ dàng, cũng không con đường mờ mịt nếu bạn tự tin và thắp lên cây đèn của chính mình. 
Và mình lựa chọn “ăn ít nhưng mà sẽ vui hơn”, đến một nơi xanh mướt, bao la ở núi rừng Tây Bắc. Đến đó, để thấy mình hạnh phúc hơn bao người, để mang những điều mình “có thể làm” cho vùng đất chân chất, thật thà này. Bạn hỏi liệu mình có đủ sống hay không? Hiện tại với mình là đủ. Mình không biết tương lai có bão giông thế nào, nhưng hiện tại vẫn đang phát triển và tiến về phía trước. 
Chặng đường dài là của bạn, do chính bạn làm chủ. Mọi lời khuyên của mọi người đều mang tính chất tham khảo, làm theo hay không là quyền của bạn. Hãy mạnh mẽ và lựa chọn điều tốt nhất cho bản thân mình nhé.