Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, được rèn luyện yêu lao động khi còn bé xíu, hằng ngày chứng kiến cha mẹ mình quần quật từ sáng tới tối kiếm miếng ăn, tôi sớm nung nấu trong lòng ước mơ làm giàu từ thuở nhỏ. Tôi còn nhớ mãi những ngày tháng cuối năm cấp ba. Tôi học ngày học đêm quyết tâm thi đậu vào một trường đại học, nhưng vì sách vở thiếu thốn, không có tiền học thêm nên phải mày mò tự suy nghĩ rất vất vả. Gần nhà tôi có một ông thầy dạy toán, thấy tôi siêng học ông ta bảo nếu muốn thì tôi có thể đến nhà ông ta dạy miễn phí cho. Mặc cảm vì mình nghèo, tôi nói tôi chỉ hỏi ông hướng giải chứ không đến học. Khi nào gặp bài toán khó suy nghĩ nhiều ngày không ra tôi mới chạy đến nhờ ông chỉ. Khi ông nói bài này phải giải như thế này như thế này, tôi luôn hỏi ông một câu: Tại sao thầy lại suy nghĩ như vậy? Tôi muốn học cách suy nghĩ của ông để tôi có thể tự mình giải quyết tất cả những bài toán mà tôi sẽ gặp, để tôi có thể độc lập suy nghĩ, độc lập làm việc, đứng trên hai chân mà khẳng định mình với cuộc đời!
Sau này khi tốt nghiệp đại học, đi đâu, làm gì tôi đều muốn học cách suy nghĩ của người ta. Lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên câu hỏi: Tại sao họ lại làm như vậy? Nhờ cách học này, tôi thấy mình ngày càng thông minh, và mạnh mẽ. Nghiên cứu về kinh tế chừng ba năm, tôi có thể viết sách. Chỉ cần xem người ta xây nhà một lần tôi có thể thiết kế cái nhà cho riêng mình. Từ thất bại, thành công của nhiều người tôi đã hoạch định cho mình một con đường kinh doanh đúng đắn … Thành công nối tiếp thành công nhờ tôi biết tự suy nghĩ, hành động hợp qui luật.
Khi tiếp thu kiến thức từ người khác bạn phải lưu ý nó chỉ đúng trong những điều kiện nhất định mà thôi. Bê nguyên si kiến thức đó áp dụng vào hoàn cảnh của mình thất bại là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, muốn sáng tạo không phải dễ. Bạn phải nắm được qui luật suy nghĩ của con người, phân tích được tại sao con người lại suy nghĩ như vậy. Nếu như suy nghĩ sai qui luật mà đòi sáng tạo thì chỉ biến mình thành kẻ ngông cuồng, ngu dốt. Ngoài thị trường hiện nay bán rất nhiều sách dạy làm giàu, và khi muốn làm giàu ta đều hỏi người khác tôi phải làm gì mới giàu. Các sách ấy, những người ấy đều nói rằng phải làm thế này thế kia, nhưng lại không chỉ ra tại sao phải làm vậy. Một người khôn ngoan hay gàn dở chỉ cần nhìn vào sự phân tích là biết. Nếu như người ấy khuyên bạn nên kinh doanh vàng, mà chỉ phân tích vấn đề dựa trên cái nhìn cảm tính, sự yêu ghét, thì “tai nạn” xảy ra với bạn chỉ là thời gian mà thôi. Làm giàu không phải chạy theo thời trang, thấy người khác buôn buôn bán bán bạn cũng bán bán buôn buôn. Họ thành công nhưng bạn lại thất bại. Một số bạn trẻ khi được tôi hướng dẫn làm các dự án kinh tế một thời gian mới nhận ra rằng ngoài hướng đi đúng, cách làm và kĩ năng lao động cũng rất cần thiết. Cũng bán bánh trung thu nhưng tại sao họ lại thành công còn ta thì thất bại? Nhiều bạn nói tại cửa hàng đặt nơi khách ít, nhiều bạn nói tại phục vụ không tốt, nhiều bạn nói tại giá bánh mắc, nhiều bạn nói tại không biết trưng bày, nhiều bạn nói tại không có khách quen … vân vân và vân vân. Những cái đó chính là sự khác biệt! Vậy làm sao biết được ta làm như thế đã đúng hay chưa? Hãy học cách suy nghĩ đúng cái đã! Bán bánh trung thu không phải lấy bánh về bỏ vào tủ rồi đợi khách đến mua, nếu kĩ năng kinh doanh chỉ dừng ở đây thì làm sao có khái niệm giàu nghèo. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi rất thích đi câu cá. Cùng ngồi câu với tôi có nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhưng bao giờ tôi cũng câu được cá nhiều hơn. Đám bạn thắc mắc không biết tại sao tôi lại câu được nhiều cá như vậy, tôi bèn giải thích: Trước khi câu phải nhìn xuống nước, màu nước như thế nào là có cá phải nhận biết được. Mồi câu thì phải tẩm ít mùi thơm. Trong quá trình câu thì phải chọn lưỡi, mồi phù hợp với loại cá muốn câu. Thỉnh thoảng ném ít cám rang xuống chỗ câu cho cá bu lại … Câu cá mà còn vậy, huống hồ là kinh doanh.
Ngày xưa với trình độ khoa học kĩ thuật thấp, nhiều người không thể làm được một sản phẩm nào đó, nhưng ngày nay hầu như ai cũng có thể làm được. Sự khác nhau bây giờ chỉ nằm ở độ tinh tế. Cái bánh trung thu của tôi làm cứng cáp, thơm lừng, mẫu mã đẹp, khi cắn vào bột thì mềm mại, ngọt vừa đủ cảm giác cái bánh ngon mà không chán; trong khi cái bánh của anh thì mềm èo, hay cứng như đá, mùi hôi của dầu, màu bánh đen xì, ăn một miếng đã ngán đến tận cổ. Chiếc xe hơi tôi làm ra màu sơn rất bóng, trong khi chiếc xe anh thì chỉ như quết màu lên … Nhìn hiện tượng không thể thấy được bản chất. Chỉ có sự phân tích mới nhận ra sự khác biệt tinh tế. Đây chính là nguyên nhân thất bại của biết bao bạn trẻ khi bước vào kinh doanh. Chúng ta cứ chê những môn lí luận là những môn nhức đầu, chỉ nói cho hay mà không thực tế như những môn tự nhiên, nhưng chúng ta đâu biết rằng nếu không có ánh sáng của lí luận soi đường xã hội loài người sẽ chìm trong tăm tối. Những môn tự nhiên tính tính toán toán, nhưng thử hỏi rằng ra thực tế có bao giờ làm đúng như vậy là thành công không? Trong kĩ thuật bao giờ cũng có khái niệm dung sai, dao động, lực ma sát, vật cản … Những cái đó là gì? Có tính toán chính xác tuyệt đối được không?
Ngay từ nhỏ người nghèo được giáo dục là phải phấn đấu. Sự tiến lên của người nghèo nhắm đến mục đích của họ bao giờ cũng rất cụ thể. Người nghèo đi học những kiến thức có tác dụng, chọn những nghề ra trường có việc làm ngay, luyện tập những kĩ năng mưu sinh cần thiết, coi những môn học như triết học, logic học, tâm lí học, kinh tế học … là những môn học vớ vẩn, học thi cho qua, nhưng người nghèo lại không biết rằng đó mới là những môn học đem lại ánh sáng thành công. Một người sửa xe rất giỏi, làm bánh rất ngon, … nhưng mãi mãi vẫn chỉ dừng lại ở mức độ mưu sinh, phải có khả năng hoạch định ra những chính sách lớn thì mới vươn lên tầng lớp giàu có. Nhưng khả năng tư duy logic không phải tự nhiên mà có được, nó chỉ hình thành qua quá trình phấn đấu bền bỉ mà thôi.
Cái cây muốn lớn cũng phải lớn từng ngày, con người muốn giỏi cũng phải học từng chút, nhưng nếu như cái cây đó trồng trong nhà thì không thể nào lớn nhanh và mạnh như cái cây mọc ở một khu đất rộng, con người cũng không ngoại lệ. Với hai bàn tay trắng đi lập nghiệp chúng ta phải vất vả bán từng sản phẩm, sửa từng cái xe, làm từng cái bánh …, nhưng ít ra chúng ta cũng phải giải thích được tại sao phải làm vậy, để sau này khi muốn phát triển sự nghiệp ta có thể dạy lại người khác, đưa ra những chính sách lớn ở tầm vĩ mô. Người mà chỉ biết cắm đầu vào làm, khi hỏi thì không biết tại sao phải làm vậy, tôi không mê tín nhưng có thể đoán chắc 100% số phận của người ấy mãi mãi là nghèo!
Chat Master (Anastar)
---------------------------------------------------------------------------------
💡 Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác cũng như tham khảo các Dự án - Ý tưởng khởi nghiệp của Anastar được cập nhật thường xuyên tại website thông tin khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected]