Lúc nhỏ tôi rất thích chơi máy bay (giấy), tôi thường dành hẳn cả một buổi chiều để gấp và phóng nó bay tít lên cao. Mặc dù phần lớn trường hợp xảy ra là máy bay cắm thẳng đầu xuống đất và tôi phải gấp lại chiếc máy bay khác nhưng không hiểu sao tôi lại rất thích thú với việc đó, cũng may tôi không ước mơ làm phi công (nghĩa đen). Lớn lên một chút, tôi dành ít thời gian hơn cho việc gấp và phóng máy bay và "năng suất sản xuất" máy bay giấy cũng giảm đi đáng kể. Tôi không còn thích thú với việc dàn xếp tai nạn máy bay giấy nữa, mà thay vào đó là việc ngắm nhìn những chiếc máy bay giấy đón gió lượn những cung đường uyển chuyển trên không trung và tiếp đất một cách ngoạn mục như cách một chiếc máy bay của hãng Vietnam Airline đáp xuống và chạy một đường dài trên đường băng vậy, mặc dù cho đến tận bây giờ tôi mới biết đường băng là gì và máy bay tiếp đất như thế nào. Lớn lên một chút nữa, tôi đi học, và trong các môn học của tôi có môn thủ công, và trong môn thủ công có bài gấp máy bay giấy. Phần lớn các bạn trong lớp tôi đều biết gấp máy bay giấy trước khi biết sử dụng những mẩu giấy vào mục đích thật sự của nó, nên cơ bản tiết học này không phải để học mà là để cả lớp xả hơi sau ngày dài học tập mệt mỏi và sử dụng năng lượng bằng cách phóng máy bay qua bàn đứa mình thích (hoặc ghét) và chờ nó phóng lại (hoặc không). Và thường thì trong cảnh tượng hỗn loạn vì máy bay bay loạn xạ trong lớp sẽ có một bộ phận bình tĩnh hơn cả, họ xem cái trò phóng máy bay vèo vèo là trò nhảm nhí mà tập trung vào mục đích của tiết học đó là xem ai gấp máy bay giấy đẹp hơn. Và tôi tự nhận mình là người gấp đẹp nhất và khéo tay nhất lớp.

Lớn thêm vài tháng nữa, cậu bạn tôi không còn đi dép ngược và bị cô mắng vì giật tóc các bạn nữ nữa thì tôi bắt đầu nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của việc biến mảnh giấy thành thứ-có-vẻ-giống-máy-bay. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi tại sao người ta lại tung cái vật trông có vẻ giống máy bay này lên không rồi chờ nó rơi xuống đất và sau đó lại nhặt lên, tung lên không, và chờ nó rơi xuống đất. Và phải mãi đến sau này khi trong chương trình học của tôi có thêm một môn Hóa học thì tôi mới bắt đầu lí giải được câu hỏi đó.

Cô giáo dạy Toán của bạn nữ mà tôi thích ở lớp bên cạnh của bạn thân tôi ở trường khác bảo với tôi rằng sở dĩ người ta gấp máy bay giấy vì muốn gửi gắm vào đó là những ước mơ, hi vọng và lớn hơn là hoài bão về tương lai và họ phóng những ước mơ, hi vọng của mình vào không trung để mong ước nó sẽ bay cao, bay xa. Điều đó làm tôi vẫn tin tưởng về việc gấp máy bay giấy trở thành một hành vi hết sức cao cả và trừu tượng, và tôi luôn tự hào vì mình thông minh hơn bọn trẻ con trong xóm chỉ biết gấp và phóng mà không biết ý nghĩa cao thượng của nó. Nhưng bây giờ nhìn lại, thì điều đó không còn đúng nữa. Có một điều lạ là con người thường hay gán ghép những ý nghĩa tốt đẹp vào sự vật và áp đặt suy nghĩ đó cho thế hệ sau. Không có chiếc máy bay giấy nào lượn trên không trung quá 12,34 giây, điều đó cũng có nghĩa con người có tối đa 12,34 giây để gửi gắm ước mơ, hi vọng vào tương lai trước khi nó rơi xuống đất và sau đó lại cố gắng phóng nó lên trời một lần nữa. Trên thực tế thì con người chúng ta mất thời gian ngắn hơn để tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp rồi sau đó nhận ra đó chỉ là một tương lai viển vông rồi lại tưởng tượng ra một khung cảnh khác trong thời gian ngắn hơn không kém. Đến đây thì tư tưởng về máy bay giấy của cô dạy Toán của bạn nữ tôi thích thời cấp một ngồi lớp bên cạnh của bạn thân tôi của trường khác vẫn đúng, chẳng qua ý nghĩa sâu xa của nó là khác đi thôi. Và sau một hồi đắn đo suy nghĩ thì tôi bắt đầu quyết định ko tin lời cô giáo dạy Toán nữa vì phần lớn kết cục của những chiếc máy bay giấy - mà trong lúc này là ước mơ, hi vọng, đều là cắm thẳng đầu xuống đất.
Từ đó tôi bắt đầu đi tìm chân lý về máy bay giấy. Tôi hỏi nhiều người mà tôi gặp về việc họ so sánh máy bay giấy với điều gì và tổng hợp được như sau: ngoại trừ phần lớn mọi người có suy nghĩ giống cô giáo dạy Toán của bạn nữ tôi thích thời cấp một ra thì một số ít người cho rằng đó là tượng trưng cho kế hoạch và dự định của bản thân trong tương lai (mà tôi nghĩ có lẽ cái đích của những dự định đó vẫn là cắm đầu xuống đất), một số khác lại nghĩ đó là những bài học hay kinh nghiệm sống mà họ đúc kết được, mỗi lần phóng máy bay lên bầu trời là mỗi lần trải nghiệm và mỗi lần cắm đầu xuống đất như thế là một bài học quý giá để rồi sau đó lại có thể đón gió tung bay thêm một lần nữa (nghe có vẻ rất có lí), nhưng cũng có không ít người xem những chiếc máy bay giấy này là cơ hội, mỗi lần phóng máy bay ra như thế là mỗi lần tạo một cơ hội mới cho những người xung quanh, và họ sẽ phóng cơ hội ấy ra thêm một lần nữa, và biết đâu được người nhặt được cơ hội tiếp theo là chính bản thân chúng ta (chia sẻ của một doanh nhân thành đạt) và còn nhiều ý kiến khác nữa. Nhưng tôi đặc biệt quan tâm câu nói của một người mà tôi tính cờ gặp sáng nay, anh ấy xem những chiếc máy bay mà mình phóng ra là những nhược điểm cần cải thiện của bản thân, nhưng không phải phóng ra là vứt bỏ nó mà phóng ra để nhặt lại. Và mỗi lần nhặt lại đấy là một lần xem xét nhược điểm của bản thân, thời gian để phóng một nhược điểm ra nngoài ngắn nhưng nhặt lại lâu hơn cũng vì chúng ta phải đánh giá lại bản thân kĩ càng hơn việc xem mình còn hạn chế ở mặt nào. Và không phải ai cũng có can đảm nhặt lại nhược điểm ấy thay vì gấp và phóng một chiếc khác. Giống như rất nhiều người bạn của tôi hiện nay, khi được hỏi về hạn chế của bản thân thì họ kể ra rất nhiều nhưng khi được hỏi tiếp có dám thay đổi cải thiện hạn chế đó không thì một số người lại mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ, và khi yêu cầu họ dùng thời gian và tuổi thanh xuân của mình để cải thiện hạn chế đó thì rất nhiều người đã không do dự mà từ chối ngay. Điều quan trọng không phải là việc bạn có thể phóng được bao nhiêu máy bay giấy mà quan trọng là bạn nhặt lại được những gì.

Mỗi người đều có một suy nghĩ và quan niệm khác nhau, dù chỉ về một vấn đề quen thuộc và có vẻ nhỏ bé đối với chúng ta. Tôi thì vẫn đang trên đường đi tìm câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi về máy bay giấy, cô giáo dạy TOán của bạn nữ tôi thích của lớp bên cạnh của bạn thân tôi ở trường khác thời cấp một thì vẫn tin tưởng tuyệt đối vào quan niệm cao thượng của mình. Điều quan trọng nhất có lẽ không phải là một câu trả lời hoàn hảo mà có lẽ là góc độ nhìn nhận của mỗi chúng ta. Còn bạn ?