Kể từ khi sinh thành, bầu trời đã là nơi thu hút ánh mắt và trí tò mò của mọi người. Chắc hẳn ai cũng từng nhìn lên trời mỗi khi ngồi trong xe và tự hỏi, tại sao mặt trăng lại đi theo mình. Rồi từ những câu hỏi vu vơ, chúng ta tiến đến những câu hỏi xa vời hơn, khó trả lời hơn và thử thách hơn.
Nếu con người sống được trên Trái Đất và ngoài kia có vô vàn các hành tinh khác nhau, vậy chắc hẳn ở đâu đó phải có một nơi như nhà của chúng ta chứ! Và điều đó có nghĩa là, chắc hẳn ở đâu đó ngoài kia phải có người ngoài hành tinh chứ đúng không?
Không ai trong chúng ta có thể nói chính xác chiêm tinh đã ra đời từ khi nào. Khái niệm nhìn lên trời và ngắm sao chắc hẳn đã tồn tại cùng nhân loại kể từ khi ăn lông ở lỗ. Tuy nhiên, những ghi chép đầu tiên về chiêm tinh thì có thể được công nhận là của những nhà thông thái đến từ Babylon.
Trong khoảng thiên niên kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước công nguyên, các nhà thông thái đến từ Babylon đã nhìn lên trời, ghi chép lại hành trình các vì sao và đưa nó vào sử sách, lưu giữ lại bằng những phiến đá và truyền lại cho các đời sau.
Những học trò bắt đầu tạo ra các nghiên cứu riêng và những chiêm nghiệm riêng về bầu trời cùng với cách nó hoạt động. Từ thời đó chúng ta đã biết rằng bầu trời có hai vật thể chính là mặt trời và mặt trăng, chúng cùng đi quanh bầu trời của quê hương. Bên cạnh đó ta còn có những ngôi sao khác như sao Hôm, sao Kim, sao Mai, sao Hỏa cùng với sự khám phá về các chòm sao.
Họ băn khoăn liệu ngôi sao này ở đây, mai kia nằm ở chỗ khác, liệu có phải là vì các vị thần đang nổi giận không? Liệu ngôi sao này nằm trên này, nhìn xuống đất, có thấy ta đang khóc than không?
Thuở sơ khai là vậy, nhân loại vẫn bỡ ngỡ trước những gì họ nhìn thấy. Họ nhìn thấy gì thì sẽ ghi chép lại, mong rằng ngày nào đó sẽ có hậu duệ đủ thông minh để giải mã mật ngữ những chòm sao.
Và rồi chiêm tinh dần thay đổi, thay vì chỉ ngắm nhìn các ngôi sao, chúng ta dần hiểu được cách chúng hoạt động và bắt đầu vẽ ra các biểu đồ hiển thị xem chúng sẽ có hành trình như thế nào. Chúng ta hiểu rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và những thứ ta thấy trên trời chỉ là những thứ nhỏ bé, bay bổng với chu kỳ có thể tính toán được.
Nhưng đến năm 1543, những niềm tin đó bắt đầu vỡ vụn.
Có một nhà thông thái đã đem những phép tính của mình ra và thách thức cả hệ thống học thuật thời bấy giờ. Ông nói Trái Đất không phải là trung tâm vũ trụ, chúng ta chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong hệ thống nhiều hành tinh khác nhau. Mặt trời trong tiếng Hy Lạp là Helios, vậy nên học thuyết nhật tâm hay Heliocentric đã ra đời. Tuy nhiên vì học thuyết quá táo bạo, đi ngược lại với đức tin thời bấy giờ rằng con người là cái rốn của tạo hóa, được Chúa sinh ra với đặc ân là ở trung tâm vạn vật mà Corpenicus, người đã đưa ra học thuyết đó đã bị ngược đãi tận cùng.
Nhưng rồi sao? Ông đã đúng. Khi hậu duệ thông thái hơn mở ống kính và nhìn lên trời, họ nhận ra vũ trụ chẳng có cái rốn nào. Ta chỉ là một hành tinh nhỏ bé, không có gì là đặc biệt trong một hệ hành tinh cũng chẳng mấy đặc biệt trong một thiên hà chẳng mấy đặc biệt. Suy cho cùng, chúng ta chỉ là một loài động vật nhỏ bé, vô tri, nhìn lên trời và bắt đầu suy đoán về sự tồn tại của mình.
Nhưng, nếu ta chỉ là một sinh vật trên một hành tinh bình thường thì liệu ngoài kia có bao nhiêu hành tinh bình thường như chúng ta?
Trái Đất này cũng chỉ là một cục đá thôi đúng không?
Ngoài kia có đến tỉ tỉ ngôi sao khác nhau chứa đựng tỉ tỉ các cục đá khác nhau. Ắt hẳn một trong số chúng phải chứa đựng những sinh vật nhỏ bé bình thường như chúng ta chứ nhỉ?
Và với suy nghĩ đó, cuộc đua ngoài vũ trụ để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh đã bắt đầu.
Chúng ta đang tìm cái gì?
Chúng ta đang tìm người ngoài hành tinh.

NHỮNG SỰ KIỆN KỲ LẠ

Muddy River - 1639

Ngày 1/3/1639, thống đốc của Thuộc địa Vịnh Massachusetts, ông John Winthrop kể lại về một sự kiện kỳ lạ đã xảy ra với những người dân của ông.
Đầu năm đó, ông James Everell cùng hai người đàn ông khác đang trèo thuyền trên sông Muddy River, nay thuộc vùng Nevada thì bỗng dưng họ nhìn thấy một vệt sáng khổng lồ trên trời. Thuật lại lời ông James, thống đốc nhấn mạnh rằng khi vệt sáng đứng yên, nó bốc cháy rực lửa, còn khi nó di chuyển, nhìn nó như một con lợn rừng. Sự kiện kỳ lạ đó xảy ra với 3 người đàn ông trong suốt 2 đến 3 giờ liền. Họ nói vệt sáng đó nhanh như tên bắn, có thể tốc biến từ vị trí họ thấy đến khoảng cách xa họ đến cả 2 dặm trong gang tấc. Rồi khi bất giác nhìn lại, ông James và 2 người bạn thấy mình đang cách thượng nguồn một dặm, như thể ánh sáng đó đã đưa họ tới đây từ lúc nào không hay.
Không một ai trong sự kiện đó nhớ rằng mình đã lên thượng nguồn bằng cách nào và mọi chuyện xảy ra bằng kiểu gì. Họ chỉ biết rằng ánh sáng đó đã tới một cách bí ẩn và cũng biến mất bằng một cách bí ẩn chẳng kém.
Về sau, nhiều người đã cho rằng ánh sáng kỳ lạ đó là “ignis fatuus”, một hiện tượng đốt cháy của các chất hữu cơ khi bị phân huỷ, nói ngắn gọn thì đó là ma trơi. Tuy nhiên, nếu như những gì ông John nói là sự thật thì lời giải thích trên sẽ hoàn toàn vô lý. Hiện tượng ma trơi không thể bay nhanh, cắt ngang bầu trời như sao băng. Vì lý do đó, đây được coi là một trong những lần tiếp xúc đầu tiên giữa con người và những hiện tượng không thể giải thích được xảy ra trên bầu trời.
Tuy nhiên đó không phải là lần duy nhất những vệt sáng này xuất hiện.
Ba thế kỷ sau, vào năm 1944, 3 người đàn ông đang đi trèo thuyền đến Boston, họ đã thấy hai ánh sáng kì lạ bay lên từ mặt nước. Thêm vào đó, ánh sáng này còn có hình dáng của một con người và bay rất nhanh về phía bắc của một thị trấn gần đó.
Một tuần sau, hiện tượng kì lạ khác tiếp tục diễn ra gần Boston. Những đốm sáng lạ xuất hiện liên tục trên trời, chúng tách ra và hợp nhất nhiều lần trong khi di chuyển. Những lúc va chạm, các ánh sáng này còn phát ra tia lửa. Hiện tượng xảy ra vào 8h tối nên được nhiều người trên đảo phát hiện và ghi nhận.
Tuy các sự việc trên được ghi nhận lại nhưng số người làm chứng khá nhỏ, kèm theo việc không có bằng chứng cụ thể như những bức ảnh hoặc những đoạn phim chính thức để khẳng định sự việc đã xảy ra khiến việc thuyết phục người khác trở nên khó khăn.
Vậy những vụ việc được chụp, quay hoặc được các bên uy tín công nhận thì sao? Giả dụ, những vụ việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến phía quân đội hoặc xảy ra ở khu vực đông dân như các thành phố lớn thì sao?

Đại chiến L.A

2h sáng ngày 24/2/1942, radar phát hiện các tên lửa cách Los Angeles 120 dặm về phía Tây. Công tác phòng chống tên lửa ngay lập tức được khởi động và chờ lệnh phản công. Các chiến cơ sau đó cũng được khởi động phòng trường hợp cần không chiến. Radar sau đó phát hiện các mục tiêu đang tiến về phía bờ biển, báo cáo lại rằng đây là một cuộc đổ bộ từ trên không của phía địch. 2h21 phút, kiểm soát khu vực ra lệnh tổng phản công. Nhưng ngay sau đó, các máy bay của địch đã biến mất.
Tuy nhiên, khoảng 2h43’, nhiều máy bay đã được phát hiện tại Long Beach, và chỉ vài phút sau thì báo cáo đã cho biết có tới khoảng 25 máy bay địch đang bay ở độ cao 3000m. Vào khoảng 3h sáng, pháo sáng đã được bắn ra để rọi bầu trời, khai mào cho cuộc chiến. Đại chiến trên không nổ ra khiến bầu trời phủ đầy khói đen. Hỗn loạn xảy ra khiến nhiều người chà đạp lên nhau trong lúc bỏ chạy, tai nạn giao thông cũng xảy ra ở nhiều nơi khiến 5 người dân thường thiệt mạng.
Theo các nhà chức trách, đây có thể là một cuộc tấn công bởi không quân Nhật. Tuy nhiên các cáo buộc này đều chỉ là phỏng đoán, không bên nào nhận trách nhiệm về cuộc tấn công. Hỗn loạn xảy ra liên tiếp trong vòng 3 giờ đã dấy lên nhiều bàn tán trong dư luận. Từ đâu mà các chiến cơ kia xuất hiện? Nếu không phải người Nhật thì sẽ là ai? Tại sao những phi cơ này lại biến mất một cách kỳ lạ tại bờ biển? Và khi những lời giải thích đơn thuần không lý giải được sự kiện, dư luận sẽ tìm tới lời giải hấp dẫn nhất, người ngoài hành tinh.

Sự cố Roswell

Khi thế giới vẫn đang khắc phục hậu họa của thế chiến 2, những lời đồn về các đĩa bay vẫn chưa ngừng lan khắp nơi. Vào năm 1947, người dân vùng Roswell, New Mexico đã tìm thấy một vật thể lạ. Theo lời của những người chứng kiến, nó là một mảnh phi thuyền hoặc một miếng vỡ của đĩa bay.
Thoạt đầu đây chỉ là một giả thuyết, nhưng sau khi trình báo chức trách, việc những người cầm quyền ngay lập tức tịch thu nó đã khiến giả thuyết xôn xao dư luận. Trong thời điểm đó, nhiều người đã báo cáo rằng họ nhìn thấy vật thể bay kỳ lạ trên bầu trời. Nhưng khi trình báo thì chỉ được đáp lại rằng đó là các bóng thời tiết được thả lên trời nhằm đo đạc và nghiên cứu.
Có thể thấy lời giải thích trên dễ dàng đưa các nguồn dư luận trái chiều ra bàn cãi. Và mọi thứ chỉ thêm rối hơn khi dư luận trở thành các bài viết trên các trang báo chính thống thời bấy giờ. Cuốn The Roswell Incident xuất bản năm 1980 còn ngạo mạn hơn khi nói rằng các lời giải thích như bóng thời tiết chỉ là để che đậy sự thật mà người dân vô tình tìm ra.
Đến năm 1994, quân đội Hoa Kỳ đã chính thức công bố với đại chúng rằng sự cố Roswell hay cụ thể là mảnh tàu bay mà người dân tìm thấy được chỉ là một mẩu của bóng thời tiết được sử dụng trong dự án tuyệt mật có tên Dự Án Mogul, nhằm phát hiện các vụ thử bom hạt nhân của Liên Xô.
Nhưng, có thể thấy, lời giải thích đó sẽ chỉ có thể phản tác dụng mà thôi. Dư luận càng ngày càng tin rằng các nhà chức trách đang giấu diếm họ điều gì đó. Với những biến cố như trên kèm theo sự căng thẳng vô hình của chiến tranh lạnh, việc đại chúng không tin vào chính quyền là điều dễ hiểu. Nhưng vì tại thời điểm đó, không ai có đủ công cụ để chụp, lưu trữ và truyền thông hiệu quả nên không ai có thể đưa ra bằng chứng gì cụ thể về sự xuất hiện của các sinh vật ngoài vũ trụ.
Vậy, ngày nay, khi mọi người đều có điện thoại thông minh và công nghệ đã phát triển đủ để cho chúng ta nhìn thấu vũ trụ rồi, chắc hẳn các bằng chứng chính xác hơn sẽ phải xuất hiện phải không?
Có lẽ, chúng ta không cần nhìn đâu xa, chỉ cần chờ là những dấu vết kỳ lạ đó sẽ xuất hiện.

Chuyến ghé thăm bất ngờ OUMUAMUA

Ngày 19/10/2017 là một ngày như bao ngày khác trên đảo Maui, Hawaii, Hoa Kỳ. Tại đây, đài quan sát Pan-STARRS 1 sẽ thực hiện các công việc cơ bản như quan sát chuyển động của các vì sao quanh hệ mặt trời. Tuy nhiên, khi mọi thứ đang diễn ra một cách bình thường thì sự cố đã xuất hiện.
Thông số quan sát cho thấy có một vật thể kỳ lạ đang lao với vận tốc chóng mặt là 87km/s, vào thẳng hệ mặt trời. Sau khi quan sát kỹ hơn, các nhà thiên văn nhận ra cấu trúc kỳ dị của nó. Nó trông như một điếu cigar với chiều dài lên tới 115m và rộng khoảng 19m.
Với hình dáng và vận tốc kỳ dị, các nhà thiên văn tại đài quan sát đã cho nó cái tên thú vị không kém là người đưa thư hoặc kẻ ghé thăm, theo tiếng Hawaii là Oumuamua. Nhưng đó là tất cả những điều thú vị về Oumuamua, một thiên thể có hình dáng kỳ lạ với tốc độ chóng mặt.
Tuy nhiên, khi thời gian trôi, mọi quan điểm dành cho Oumuamua dần thay đổi. Sau khi biết được tốc độ và kích thước, các nhà thiên văn đã tính được quỹ đạo mà nó có thể đi. Nhưng rồi, khi đi qua mặt trời, bỗng dưng Oumuamua tăng tốc và thoát khỏi hệ mặt trời với tốc độ kinh hoàng.
Họ tự nhủ rằng nó có thể là một sao băng, khi nhả bớt vật chất ra khỏi mình thì thiên thể sẽ nhẹ hơn và sẽ đi nhanh hơn. Tuy nhiên Oumuamua lại không để lại chổi bụi sau lưng như các sao chổi thông thường. Vậy nên giả thuyết cho rằng nó là thiên thạch hay sao chổi cần được loại bỏ.
Một giả thuyết khác cho rằng nó là một khối vật chất tối có tính chất đặc biệt mà ta không biết. Nhưng đây là giả thuyết còn khó tin hơn cả thiên thạch hay sao chổi. Vậy nên khi không ai biết giải thích ra sao, chúng ta sẽ thường đến với giả thuyết hấp dẫn nhất, người ngoài hành tinh.
Oumuamua với hình dáng kỳ dị, rất có thể là một tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, đến với hệ mặt trời để do thám, tìm hiểu về hành tinh xanh, rồi sau khi đã có đủ thông tin cần thiết, nó sẽ rời khỏi đây trước khi bị phát giác.
Có thể lắm, đây rất có thể là một giả thuyết đúng đắn về sự việc đã xảy ra với Oumuamua. Các nhà khoa học là những người đặt câu hỏi và tìm cách trả lời, vậy nên họ không từ chối bất cứ khả năng nào. Trong mắt họ, đây vẫn là một giả thuyết có thể chấp nhận với một điều kiện rằng Oumuamua chắc chắn không phải là một thiên thạch.
Vậy rốt cục Oumuamua là cái gì?

UFO KỲ DỊ

Theo nghĩa đen, từ U.F.O là Unidentified Flying Object, tức vật thể bay không xác định. Điều đó có nghĩa rằng Oumuamua nằm trong danh sách các UFO. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Oumuamua có nguồn gốc từ một nền văn vinh hiện đại ngoài vũ trụ.
Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là điều gì tạo nên khả năng tăng tốc của một thiên thể?
Chuyện thiên thể có khả năng tăng tốc khi đi qua các vật thể khổng lồ như mặt trời và sao Mộc là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Các thiên thạch khi tiếp cận khí quyển Trái Đất sẽ bị ma sát với không khí làm cho bốc cháy, lớp vỏ băng giá của thiên thạch sẽ bị bốc hơi nhanh chóng và sau cùng nó sẽ chỉ còn là một cục đá nhẹ tễnh. Điều tương tự xảy ra với các thiên thể như sao băng và sao chổi khi băng qua mặt trời. Sức nóng từ ngôi sao này sẽ khiến lớp vỏ băng của chúng bị bốc hơi, vật chất bay ra từ thiên thể sẽ tạo lực đẩy giúp cho chúng bay nhanh hơn.
Nhưng các sao chổi thì có chổi, Oumuamua thì không có. Tại sao lại như vậy? Lời giải thích thoạt đầu không hề dễ dàng để đưa ra. Nhưng sau khi đặt câu hỏi liệu quỹ đạo và hình dáng của nó có liên quan đến nguồn gốc của nó không thì mọi thứ dần dễ hiểu hơn.
Oumuamua có thể là một mảnh vỡ từ hành tinh khác. Cho rằng cách đây vài trăm triệu năm, một hành tinh xa xôi đã có cú va chạm nhớ đời khiến các mảnh của nó bay tứ tung khắp vũ trụ. Oumuamua là một trong những mảnh lục địa của hành tinh xấu số đó.
Vì là một mẩu của hành tinh, Oumuamua chắc chắn sẽ mang trên mình nhiều vật chất như các khí Nitro, CO và Hydro. Các khí này sẽ bị tích tụ lại trên bề mặt của thiên thể nhờ kích thước không hề khiêm tốn của nó. Khi thâm nhập vào hệ mặt trời, các đụn khí này sẽ bị thăng hoa nhờ nhiệt độ của mặt trời, khiến chúng được giải phóng khỏi Oumuamua, tạo ra phản lực giúp thiên thể tăng tốc. Vì các loại khí trên không phải băng giá, chúng sẽ không để lại chổi như các sao chổi khác, thường đến từ vùng băng giá của đám mây Oort.
Khi đem giả thuyết trên vào các phương trình tính quỹ đạo và cân đối lại với khối lượng của thiên thể, các nhà thiên văn cùng đồng tình rằng Oumuamua chỉ là một mảnh hành tinh lạ lẫm chứ không hề có nguồn gốc ngoài vũ trụ như đại chúng vẫn đang muốn tin vào.

TRUY TÌM SỰ SỐNG MỚI

Dù Oumuamua không phải là một tàu ngoài hành tinh, điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên hy vọng gì về sự sống ngoài hành tinh. Ngoài tác dụng tạo ra dư luận và đẩy sự lo lắng lên cao hơn, các dấu vết của một thế giới kỳ lạ ngoài vũ trụ đã giúp chúng ta có thêm trí tò mò và động lực để tiếp tục tìm hiểu về chúng.
Sự ra đời của kính viễn vọng và sự phát triển của khoa học đã giúp thúc đẩy cuộc đua tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh kể từ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên đây là lúc máy ảnh chưa được đưa vào kết hợp với quan sát vũ trụ nên các nhà thiên văn sẽ phải ngắm các thiên thể bằng ống kính qua hàng giờ, chờ những giây phút trời quang mây tạnh lúc nửa đêm để có thể thấy cái gì đó trên trời. Sau đó họ sẽ vẽ lại bằng ký ức, mô tả lại những gì họ đã thấy bằng mắt thường.
Vì lý do này, chúng ta có khái niệm kênh đào sao Hỏa vào cuối thế kỷ 19. Đây là những kênh đào nhân tạo được nền văn minh sao Hỏa xây dựng để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng và cho dân sinh. Người đầu tiên tìm thấy chúng và mô tả lại cho các nhà thiên văn khác là Giovanni Schiaparelli. Sau đó nó được các nhà thiên văn khác thuật lại và phát triển, tiêu biểu là Charles E.Burton. Tới năm 1892, ông William Henry Pickering đã quan sát được nhiều đốm đen trên sao Hỏa và cho rằng đây là các giao lộ của các kênh đào trên. Cơ sở cho các kênh đào và sự tồn tại của nền văn minh sao Hỏa cứ thế nở rộ trong thời kỳ này.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là quan sát bằng mắt thường và các giả thuyết chưa được chứng minh. Khoa học là nơi để những con số, những thí nghiệm làm chủ. Vậy nên dù giả thuyết có hay đến mấy thì chúng vẫn cần phải vượt qua thử thách của công nghệ. Nếu các kênh đào này có thật thì chúng ta sẽ đối mặt với nền văn minh ngay tại cửa ngõ hệ mặt trời. Nhưng nếu chúng không có thật thì các đài quan sát tối tân hơn sẽ là những người chứng minh điều đó.
Bước sang thế kỷ 20, năm 1909, ông Eugene Antoniadi đã sử dụng siêu kính viễn vọng của mình với khẩu độ lên tới 83cm tại đài thiên văn Meudon và rọi vào sao Hỏa. Đây cũng là thời điểm máy ảnh được đưa vào quan sát thiên văn và những bức ảnh rõ nét về một sao Hỏa không hề có kênh đào đã khiến mọi giả thuyết trước đó bốc hơi ngay lập tức. Không chỉ dừng ở đó, các quan sát cấp cao này còn chứng minh rằng sao Hỏa không hề có nước, không hề có bầu khí quyển và đặc biệt là không hề có nền văn minh hiện đại nào.
Vậy là đế chế sao Hỏa dù chưa được ra đời cũng đã phải biến mất.

CÂU TRẢ LỜI

Từ thời Babylon cho tới nay, khi chiêm tinh dần trở thành thiên văn, nhân loại đã rời bỏ các vị thần và tiến tới niềm tin có cơ sở hơn. Chúng ta đã quên đi những lời răn về các vị chúa trời mà dần tiến tới những định luật khoa học và các khám phá về thế giới mới rộng lớn hơn. Trái Đất không còn là lõi của vũ trụ nữa mà chỉ còn là một hành tinh nhỏ bé. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta chỉ là những sinh vật nhỏ nhoi, yếu ớt nằm trên một thiên thể tầm thường của một vũ trụ khổng lồ vô tận.
Sự nhỏ bé của nhân loại dẫn tới niềm tin về một sự sống không khác chúng ta là bao đang nằm ở đâu đó ngoài kia, chờ chúng ta khám phá ra. Niềm tin đó dần được củng cố hơn khi những lần gặp gỡ kỳ lạ giữa nhân loại và các hiện tượng khó giải thích cứ liên tục xuất hiện. Và với sự phát triển của khoa học, chúng ta dần có thêm các công cụ để kiểm chứng niềm tin đó.
Tuy nhiên, cũng nhờ các công cụ đó mà ta nhận ra một số vật thể không huyền bí như ta nghĩ, một số cuộc gặp gỡ không xa lạ như ta hay. Và cuối cùng, những giả thuyết trong quá khứ về một thế giới, một nền văn minh hiện đại cũng dần bị xóa bỏ. Vậy có cơ may nào để tìm ra các sinh vật ngoài hành tinh không? Có khi nào ở ngoài kia cũng có ai đó đang tìm kiếm chúng ta như cách chúng ta đang làm không?
Có lẽ, chúng ta cần thời gian để trả lời câu hỏi đó.