Bây giờ tôi mới hiểu, biết đi chợ cũng giống như vào đời, làm người lớn, là hiểu lầm. :))
Tôi nhớ mãi những ngày nhỏ đi chợ tới các gian hàng quần áo, son phấn, bánh, chè mới thấy cuộc đời sao mà đẹp.
Nay đi chợ chỉ quanh quẩn đâu đó những gian bán hàng ăn để mua đồ làm bữa cơm, nấu bữa cỗ.
Thỉnh thoảng lễ về nhà chơi, lại tận hưởng cảm giác đi chợ cùng mẹ. Nhưng mười mấy năm qua cái cảm giác hân hoan hồ hởi được ăn quà, được đi chợ chơi đã thay thế bằng đi đâu cũng được, lựa gì cũng xong mẹ ưng là được rồi.
Tôi hít hà mùi nắng mới mùa hè, lau đi mồ hôi suýt nhễ nhại tóc tai lù xù do đội mũ bảo hiểm, khịt khịt mũi, nheo nheo con mắt đẩy gọng kính lên, nghĩ chững lại để không thấy ngại khi sẽ phải lao vào dòng người đông đúc nóng bức kia, lựa đồ và mặc cả, khệ nệ xách tay những mớ bòng bong chỉ là thịt thà, cá mú, mộc nhĩ, nấm hương, rau củ và một loạt đựng trong túi bóng (túi nilong).
Chợ cũ nhưng không còn quen mắt, hoặc do thời nay tôi đi siêu thị miết có điều hòa áp trần, có xe đẩy, có gian hàng ngăn nắp thích mắt, hoặc do trước đây tôi chưa từng ngước nhìn lên những tán ô xanh đỏ rợp ngợp, những cái đầu nhấp nhô đội nón mê, trùm khăn, đội mũ đứng ngồi, người bán, người buôn sống động tập lập, khiến lắm lúc tôi lại muốn reo lên, họp chợ cũng đẹp quá, đi chợ cũng vui quá, cho dù không ăn phần quà bánh nào cả.
Đi chợ mua đồ lắm lúc là yếu tố phụ, vì tủ nhà còn đồ ăn mãi chẳng hết nhưng mẹ vẫn cứ đi. Việc chính là qua gian này, sạp nọ chào hỏi người này người kia, tám ba câu chuyện. À ra, chợ ở quê là toàn người quen biết.
Bạn cứ mặc cả mãi, đôi khi không phải để giảm được đôi ba đồng mà là để giao tiếp với người bán dăm ba câu chuyện.
Đi siêu thị buồn lắm, chỉ lẳng lặng quăng vào giỏ khi hài lòng với giá niêm yết, nếu bạn phải đi siêu thị một mình như tôi thì ừ, ý này không sai đâu được.
Đôi lúc tôi nghĩ chúng ta chưa chuẩn bị gì đã phải làm người lớn, mở mắt ra chưa kịp cựa quậy đã bị thúc dậy đi chợ tới gian hàng chềnh hềnh cá tôm.
Cùng mẹ đi chợ
Tôi hỏi mẹ có hi vọng được gì về sự đảm đang của mình không, chỉ nhận được cái lắc đầu nguây nguẩy "mày vụng chèo sau này phải khéo chống"
Người lớn phải biết đi chợ, biết nấu ăn, biết trả giá, biết mua đồ, tôi làm rất ẩu. Ẩu ở đây không phải làm ẩu, ẩu ở đây là không muốn bức thiết nhu cầu.
Có gì phải lo chứ, không phải học chăm sóc gia đình lớn để biết cách chăm sóc gia đình nhỏ.
Chăm sóc gia đình lớn chỉ nên để cho gia đình lớn mà thôi. Bởi vì rất nhiều khẩu vị và cái gu ẩm thực hay thưởng thức cuộc sống của những người sắp sửa đến tuổi lập gia đình đã khác xa với bố mẹ của họ rồi.
Không phải lúc nào làm đến khi tổ tiên bảo dừng lại cũng sai, chỉ là nó không phải lúc nào cũng đúng.
Mỗi sáng thức dậy phải đi chợ làm người lớn, không biết nên buồn hay phấn khởi, không biết nên thấy bình thường hay bất an.
Tôi chỉ cảm thấy ai lớn thêm một tuổi cũng lo lắng có, sợ hãi có, hồi hộp có, mong ngóng có. Đôi lúc cảm thấy an toàn, đôi lúc vẫn thấy rất bất an cảnh giác.
Nhưng tôi nghĩ cuộc sống là như vậy, mãi một trạng thái không bao giờ khiến người ta hài lòng. An toàn quá bạn có thích không?
À thì, kiểu gì mà ta chẳng sống như những người bình thường, ai cũng sẽ yêu đương, chọn lựa, theo đuổi mơ ước.
Tôi hỏi một phụ huynh khó tính học thức rằng tiêu chí đánh giá con dâu của chú có gì khắt khe không, như giỏi đi chợ nấu ăn, giỏi kiếm tiền, giỏi sinh con đẻ cái.
Nhận được trả lời gì nhỉ?
"Nhân phẩm, tháo vát chuyện hậu cung và có thiện chí duy trì hệ gen với người cả đời chung sống"
À thì, người lớn hay trẻ con liên quan gì tới đi chợ, tôi chỉ nghĩ chắc chắn không làm ai phải bực dọc hay thất vọng vì lối sống của mình.
Mẹ tôi hỏi dạo này còn xăm hình à?
Bảo: Vâng, vì con đã lớn.
Mẹ chẳng hỏi thêm gì nữa, gật gù lơ đi.
Các bạn cũng nên giống như mẹ, đừng hỏi ý nghĩa hình xăm của ai đó, nếu bạn được tín nhiệm đặc biệt, bạn sẽ có được câu trả lời cho câu chuyện của họ, nếu không thì chỉ là:
"Đơn giản mình chỉ nghĩ không xăm đời không nể, xì xằng mà, hê hê" :)