Nghe có vẻ như đây là một điều tốt. Bạn luôn nói “có” với mọi thứ bởi vì nói “không” khiến bạn cảm thấy tồi tệ. Bạn muốn cố gắng im lặng thay vì nêu lên ý kiến của mình. Trong mọi vấn đề bạn luôn muốn làm hòa. Bằng mọi thứ đang có, bạn luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người.
Những người làm hài lòng mọi người luôn cố gắng làm cho những người xung quanh họ cảm thấy hạnh phúc. Họ đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân và họ cố gắng làm người khác vui vẻ mặc dù điều này khiến họ mệt mỏi và mất thời gian. Những người làm hài lòng mọi người rất hòa hợp với người khác và thường được coi là người dễ chịu, hữu ích và tốt bụng.
Bản thân mình cũng từng là người như vậy. Quá khó hoặc không dám từ chối những lời nhờ vả của mọi người xung quanh. Và lâu dần, người khác coi đó là lẽ đương nhiên, họ lợi dụng điểm yếu là khó mở lời từ chối của mình để giúp họ đạt được nhu cầu.
Những người làm hài lòng mọi người cảm thấy khó khăn để thoát ra khỏi niềm tin cố hữu rằng: mình cần làm hài lòng mọi người để điều gì đó xảy ra hoặc không xảy ra.
Ảnh mạng
Ảnh mạng
Không có lý do cụ thể nào để một người trở thành người làm hài lòng mọi người. Thay vào đó, có thể có sự kết hợp của các yếu tố khác nhau như yếu tố môi trường và xã hội, yếu tố tâm lý, nền tảng gia đình, mối quan hệ nhất định, v.v.
Một vài nguyên nhân có thể có:
- Sự tự đánh giá thấp về giá trị bản thân: đôi khi mọi người thực hiện các hành vi làm hài lòng mọi người bởi vì họ không coi trọng mong muốn và nhu cầu của bản thân. Hơn nữa, do sự thiếu tự tin nên những người này cần sự xác nhận từ phía bên ngoài, họ có thể cảm thấy rằng việc làm hài lòng mọi người có thể là một cách để họ cảm thấy được đánh giá cao hoặc được yêu thích. Bằng cách đảm bảo rằng mọi người hạnh phúc, họ cảm thấy mình có ích và được đánh giá cao.
- Trải nghiệm trong quá khứ: Những trải nghiệm đau đớn, khó khăn hoặc chấn thương trong quá khứ cũng có thể là một nguyên nhân. Ví dụ, những người đã từng bị lạm dụng có thể luôn cố gắng làm hài lòng người khác để được an toàn.
- Không an toàn: Trong một số trường hợp khác, một người có thể cố gắng làm hài lòng người khác bởi vì họ lo lắng rằng người khác sẽ không thích họ nếu họ không làm như vậy.
- Chủ nghĩa hoàn hảo: Một người luôn nỗ nực làm mọi thứ một cách hoàn hảo nhất, từ công việc, gia đinh, bạn bè và tất cả những gì xung quanh họ.
- Sợ bị từ chối: Để tránh bị người khác từ chối, chỉ trích và trừng phạt, một số người có xu hướng phát triển những đặc điểm để làm hài lòng mọi người. Nỗi sợ bị chỉ trích và bị từ chối khiến họ học cách làm những điều để gây ấn tượng với người khác, ngay cả trước khi người khác yêu cầu họ làm điều đó.
- Một nguyên nhân có thể có là mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Nếu một người sống trong một gia đình có cha mẹ không coi trọng cảm xúc của con cái, sự yêu thương của cha mẹ dành cho con cái là có điều kiện như: con phải thế này, con phải thế kia thì cha mẹ mới yêu thương con. Dần dần đứa con sẽ bỏ qua giá trị và cảm xúc của cá nhân nó, bởi vì những cảm nhận thực sự của nó không được công nhận và đáp ứng. Nó buộc phải làm hài lòng cha mẹ của mình trong khi nó không thực sự mong muốn làm việc đó.
Làm hài lòng mọi người không nhất thiết là một việc xấu nhưng nó sẽ là một vấn đề nếu như bạn đang cố gắng giành được sự công nhận của người khác từ việc đáp ứng nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của bản thân, biến việc làm hài lòng người khác để che đậy đi những “khoảng trống” trong tâm lý mình. Bạn làm hài lòng những người khác trong khi bạn không muốn như vậy. Sự đấu tranh tâm lý giữa việc nói “không” và nói “có” khiến bạn mệt mỏi. Bạn cho rằng mình cần có trách nhiệm với mọi người. Những niềm tin độc hại về sự hài lòng khiến bạn kiệt sức, căng thẳng, lo lắng và quên mất giá trị của chính mình. Nó thực sự không tốt với bạn nhưng bạn lại khó có thể ngừng lại sự thôi thúc làm hài lòng người khác.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một người làm hài lòng mọi người:
- Gặp khó khăn khi nói "không".
- Bận tâm đến những gì người khác có thể nghĩ.
- Cảm thấy có lỗi khi nói “không” với mọi người.
- Sợ rằng từ chối mọi người sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn xấu tính hoặc ích kỷ.
- Đồng ý với những điều bạn không thích hoặc làm những điều bạn không muốn làm.
- Vật lộn với cảm giác tự ti.
- Muốn mọi người thích bạn và cảm thấy rằng làm những điều này cho họ sẽ nhận được sự đồng ý của họ.
- Luôn nói với mọi người rằng bạn xin lỗi.
- Nhận lỗi ngay cả khi điều gì đó không phải lỗi của bạn.
- Không có thời gian rảnh vì bạn luôn làm mọi việc cho người khác.
- Bỏ bê nhu cầu của bản thân để làm những việc cho người khác.
- Giả vờ đồng ý với mọi người mặc dù bạn cảm thấy khác biệt.
Một số cách có thể giúp cân bằng:
- Học cách thiết lập các ranh giới lành mạnh và tuân theo các ranh giới đó: thiết lập ranh giới rõ ràng và sau đó truyền đạt những giới hạn đó. Nếu như ai đó đang yêu cầu quá nhiều, hãy cho họ biết rằng điều đó đã vượt quá giới hạn của bạn và bạn sẽ không thể giúp được gì.
- Khởi đầu nhỏ: Thay đổi các kiểu hành vi và thói quen có thể khó khăn vì thế bạn có bắt đầu với những bước nhỏ. Bắt đầu bằng cách nói không với những yêu cầu nhỏ hơn, thử bày tỏ ý kiến của bạn về một điều gì đó nhỏ hoặc yêu cầu một cái gì đó mà bạn cần.
- Đặt mục tiêu và ưu tiên thực hiện nó: Cân nhắc những điều bạn muốn dành thời gian. Bạn muốn giúp ai? Bạn đang cố gắng hoàn thành những mục tiêu nào? Biết được các ưu tiên của bản thân có thể giúp bạn xác định thời gian và năng lượng của mình để thực hiện chúng. Nhưng điều nào không có ích với bạn nhưng lại làm bạn tiêu hao nhiều năng lượng hãy giảm bớt nó bằng cách đặt ra giới hạn.
- Tự trò chuyện và nhắc nhở bản thân: cho bản thân thời gian và không gian để có thể tự đánh giá bản thân và cũng như tôn trọng cảm xúc cá nhân.
- Bắt đầu xây dựng sự tự tin, giá trị bản thân, niềm hạnh phúc và sức mạnh tinh thần.
- Đánh giá những yêu cầu của người khác để xem liệu những yêu cầu này có vượt qua giới hạn của mình không.
- Học cách đặt nhu cầu của bạn lên hàng đầu. Bày tỏ cảm xúc của bạn về các tình huống.
- Học cách nói “không” với những gì mình không muốn.
- Thực hành lòng biết ơn và từ chối nhận lỗi về điều bạn đã không làm.
- Nếu việc làm hài lòng mọi người đang ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Làm hài lòng mọi người có thể xuất phát từ lòng tốt, nhưng nó có thể dẫn đến những rắc rối cho bạn. Do vậy, nên chú ý cân bằng việc lòng tốt xuất phát từ cá nhân bạn muốn hay phụ thuộc vào người khác.
------------------------------
Tài liệu tham khảo: Kendra Cherry. (2021). How to Stop Being a People-Pleaser. Verywellmind.
Hiện tại mình đang thực hiện một dự án môn học. Mong mọi người có thể hỗ trợ mình bằng cách tương tác với trang facebook: https://www.facebook.com/meobeomlem
Cảm ơn sự hỗ trợ từ các bạn!