NGƯỜI ANH HÙNG THẦM LẶNG
Hẳn ai cũng sẽ biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ huy hoàng năm 1954 của quân và dân ta, đã nghe đến công lao vị đại tướng tài ba,...
Hẳn ai cũng sẽ biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ huy hoàng năm 1954 của quân và dân ta, đã nghe đến công lao vị đại tướng tài ba, vị “Napoleon đỏ”, Võ Nguyên Giáp, nhưng liệu có mấy ai để ý đến Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch, người đã châm bộc phá gần 1 tấn bom trong lòng đồi A1, mở đường cho quân ta tiến lên giải phóng Điện Biên, góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.
Ông Nguyễn Văn Bạch sinh năm 1924 trong một gia đình nghèo, phải đi chăn trâu và cày thuê đỡ đần cha mẹ từ năm 15 tuổi. Năm 1949, ông không ngần ngại xung phong đi ra tiền tuyến đánh giặc, tham gia đủ nhiệm vụ nguy hiểm như bắn súng Bazooka, đánh mìn chặn đường tiếp viện địch và tháo gỡ bom mìn. Vào năm 1951, ông được điều động làm Tiểu đội trưởng đội M83 đặc biệt chuyên phá bom nổ chậm và bom bươm bướm tại đèo Bản Chẹn.
Sau khi xác định được phương hướng phải chiếm bằng được đồi A1 để giải phóng Điện Biên Phủ thì vào tối 20/4, công việc đào hầm trong lòng đồi A1 của ông và các đồng đội bắt đầu. Ông chia sẻ rằng đường hầm vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở.
“Giao thông hào lầy bùn nước và máu. Đào hầm ở tư thế hàm ếch, càng đào sâu càng tối và thiếu oxy để thở, mỗi tốp chỉ đào vài phút lại chui ra. Vận chuyển đất càng khó khăn hơn. Chúng tôi phải lấy vải dù kiếm được của địch may thành túi nhỏ đựng chừng 30kg đất để kéo ra ngoài. Ròng rã gần một tháng mới đào xong 49m đường hầm. Đoạn cuối hầm nằm ngay dưới đồi A1!”
Bấy giờ, trong kho chỉ có 500kg thuốc nổ, thiếu hẳn một nửa so với chỉ tiêu kế hoạch là 1 tấn bộc phá, vậy nên ông Nguyễn Văn Bạch vừa phải đào hầm vừa gỡ bom lấy thuốc nổ. Đúng lúc bí thì lại gặp may, đơn vị pháo phòng báo đến rằng họ vừa bắn rơi 1 chiếc B24 còn bom ở nơi gần trận địa pháo, yêu cầu công binh đi gỡ bom để bảo đảm an toàn trận địa. Vị tiểu đội trưởng lúc ấy đã mừng rỡ đến nỗi lập tức xung phong dẫn theo 4 chiến sĩ đến gỡ bom. Tới nơi thì thấy trên thân máy bay có 5 quả bom tạ, sau một tuần vất vả “đánh vật” với chỗ bom thì họ đã thành công tách được gần 5 tạ thuốc nổ, vừa đủ “chỉ tiêu” thuốc nổ.
Vào đêm 6/5/1954, Nguyễn Văn Bạch được giao nhiệm vụ giật nụ xòe, đây gần như có thể nói là một nhiệm vụ cảm tử, cực kì nguy hiểm. Do vậy, trước khi đi, ông đã nhận được thư động viên của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng được đại đội trưởng đội M83 hỏi rằng còn có lời gì dặn lại không. Và người chiến sĩ 30 tuổi, không vợ, không người yêu đã đáp lại rằng “Không”, ông đã ở lại một mình tại đồi A1, chỉ chờ tiếng pháo dồn dập là lập tức kích nổ. Nếu như không nổ, thì ông sẽ ôm 3 kg thuốc pháo vào hầm cảm tử. Ông kể lại rằng:
“Trận địa lúc đó bỗng trở nên lặng lẽ khác thường. Đầu óc tôi căng ra như dây đàn: không phải sợ hi sinh mà sợ bộc phá không nổ, không hoàn thành được nhiệm vụ.Đến lúc pháo binh nổ, tôi giật nụ xòe và chạy được vài bước... Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội. Tôi nhìn lên thấy lửa khói mù mịt đang bốc lên như hình cây rơm, nghĩ thầm "nổ rồi, thế là xong".
Bất ngờ, một tảng đá rơi vào chân ông làm ông đau điếng, nhưng người chiến sĩ tận tụy vẫn cố lết về báo tin vui cho đồng đội. Lúc đó, không ai nhận ra mà cũng không ai nghĩ ông còn sống. Sau đó, ông được đồng đội đón mừng như một người mới khởi tử hoàn sinh trở về nhà. Ông còn hóm hỉnh kể lại với người quen rằng:
“Cái bữa đi châm ngòi khối bộc phá, tôi nghĩ là mình chết rồi. Nhưng chắc ông trời thương nên vẫn cho sống tới tận bây giờ để còn ngồi nói chuyện với chú.”
Kết thúc chiến dịch, tiểu đội trưởng được nhà Nước tặng cho hai Huân chương chiến công hạng Ba với một dòng chữ “Để tưởng lệ công trạng với Tổ quốc”. Không chỉ vậy, ông cũng được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Ba và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Dù vậy, cuộc sống của ông sau khi giải ngũ cũng không được êm đềm hạnh phúc. Nhà có mẹ già, vợ yếu mà tận 8 đứa con đến nỗi làm nghề thủ kho cũng không đủ ăn. Ông kể rằng lúc về hưu, cơ quan có phân phối cho được một cái xe đạp, thế là ông đem xe bán đi đổi tiền đong ngô, vậy mà ăn hết tiền xe rồi mà vẫn chưa tới mùa lúa. Đã nghèo còn mắc cái eo, có hôm mấy đứa con ở nhà nấu nướng lỡ tay đốt luôn cái nhà tranh, về nhà thấy con vừa đứng khóc trên đống tro mà hai vợ chồng cũng chỉ biết khóc theo. Quê ông ít ruộng, nên suốt mấy năm ông đạp xe hơn trăm cây số từ Vĩnh Yên lên Thái Nguyên để vỡ đất trồng khoai sắn, đến mùa thì lại đèo về.
Những chiến công từng một thời oanh liệt của ông cũng chìm dần theo quên lãng đến mức cả hội cựu chiến binh cũng chỉ biết ông từng tham gia chiến dịch Điện Biên phủ và cũng chỉ vậy thôi. Vị đại đội trưởng đội M83 ngày nào khi được mời tham gia viết sử cũng đành thêm một dòng “không biết bây giờ anh Bạch ở đâu” dưới những chiến công lừng lẫy một thời của chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch.
Đến tận 40 năm sau chiến thắng Điện Biện Phủ, thành tích ông Bạch mới được biết đến nhờ công của người hàng xóm, cộng tác viên của nhiều tờ báo, ông Trần Quang Tạo. Ông Tạo kể rằng lúc ấy tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng mà ông Bạch vẫn ở nhà không đi dự lễ, hỏi ra thì mới biết rằng ông chẳng hề được mời. Đến khi ông Tạo viết thư gửi Hội cựu chiến binh tỉnh thì lãnh đạo hội mới biết rằng có người như vậy trong hội mình. Ông Tạo đã mất gần 6 năm để tìm hết những người biết đến thành tích của ông Nguyễn Văn Bạch để rồi cùng tỉnh ủy Vĩnh Phúc soạn công văn đề nghị nhà Nước xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Bạch nhưng lại chẳng hề có hồi âm. Về sau, khi có người hỏi về hồi âm của công văn, ông Nguyễn Văn Bạch cũng chỉ bảo sang hỏi ông Tạo. Năm 2008, ông Nguyễn Văn Bạch qua đời mà chẳng hề nhận được danh hiệu mọi người đã kì vọng. Tuy vậy, ông Tạo vẫn hi vọng và tiếp tục đi đề nghị trao danh hiệu cho ông. Và cuối cùng, suốt 16 năm dài đằng đẵng thì niềm tin của ông Tạo cũng thành hiện thực. Năm 2010, Chủ tịch nước đã kí quyết định truy tặng danh hiệu cho ông Bạch cùng 16 người có công khác.
Dù đã muộn màng, nhưng có lẽ ở cõi bên kia, ông Bạch cũng ngậm cười
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất