Một buổi sáng nọ, anh nhân viên Gregor Samsa thức dậy và phát hiện ra mình bỗng dưng đã hóa thành một con bọ. Anh vẫn có thể nhận thức như một con người, dễ dàng thích nghi được với hoàn cảnh mới, nhưng điều khiến anh vô cùng bức bối đó là những người thân trong gia đình trở nên sợ hãi với hình dạng mới của anh. Dần dần từ sợ hãi, họ chuyển sang ghê tởm và cuối cùng là bắt đầu quên hẳn đã từng có một Gregor Samsa trong gia đình. Từ phương Đông, Han Kang xây dựng nhân vật Yeong-hye trong Người ăn chay như một tiếng đồng vọng với Franz Kafka về thân phận con người trong thời hiện đại. Han Kang với Người ăn chay đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm cho tất cả mọi người: Liệu chúng ta có phải là Yeong-hye?
Con người ở thời hiện đại mang một nỗi ám ảnh về tính cô đơn của tồn tại người. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế hay các thành tựu khoa học kĩ thuật đã đem lại cho con người một đời sống vật chất đầy đủ, đồng thời, mặt trái của nó là khiến cho mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng lỏng lẻo, lạnh nhạt. Yeong-hye đã rơi vào tình trạng như thế. Sau một cơn mơ, cô đem vứt hết thịt cá có trong tủ lạnh và bắt đầu ăn chay. Việc ăn chay của Yeong-hye đã gây ra không ít phiền toái trong mắt những người xung quanh. Thế nhưng không một ai có thể ngồi xuống, nhẫn nại lắng nghe và chia sẻ nỗi niềm của cô. Tất nhiên mọi người cũng có hỏi cô lí do vì sao cô lại từ chối ăn thịt, nhưng không một ai cố gắng đào sâu hơn vào vấn đề mà họ tự trả lời bằng kiến giải rất chủ quan: do tôn giáo, do giảm cân,...Chồng Yeong-hye ban đầu cảm thấy khó hiểu nhưng cũng không có ý định tìm một giải pháp nào để giúp cô, và cuối cùng anh ta bỏ vợ; những người đồng nghiệp của người chồng thì xì xầm và tỏ ra vừa khiếp hãi vừa thương hại; người chị gái là người gần gũi và yêu thương Yeong-hye nhất cũng không thực sự hiểu em mình muốn gì. “Không ai hiểu em cả… cả bác sĩ, y tá, giống nhau tất thảy… không ai chịu tìm hiểu”. Mặt khác, sự lẻ loi của Yeong-hye trước thế giới đồng thời cũng xuất phát từ chính thái độ chủ động khép mình, cô gần như câm lặng trước mọi câu hỏi và chỉ đáp lại một cách hờ hững, mơ hồ “Em mơ”. Bi kịch của những kiếp người bị lãng quên, bi kịch của sự vô cảm là như thế, khi ta đang tồn tại mà như không tồn tại. Con người đang dần dần xa rời nhau, không lắng nghe nhau và dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại. 
Yeong-hye tồn tại một cách cô độc như vậy, nhưng cô cũng không được tự do, hằng ngày vẫn có không ít người ép buộc cô phải làm cái này phải làm cái kia theo ý họ muốn. Chồng Yeong-hye bắt cô phải đi dự buổi tiệc của những người ăn thịt; người bố cưỡng ép thậm chí dùng vũ lực với con gái; bác sĩ tìm cách cưỡng chế tiêm thuốc cho bệnh nhân và xem đó là chữa bệnh. Câu hỏi đầy ám ảnh của Yeong-hye “Sao, không được chết à?” khiến chúng ta không khỏi day dứt: Có phải ngay đến cả việc sống hay chết đi con người cũng không có quyền lựa chọn hay không? Rốt cuộc thì con người có thực sự được tự do? Câu trả lời là không. Từ khi sinh ra, chúng ta đã mắc cái tội tổ tông, đã trở thành một “phạm nhân” trong “ngục tù” cuộc đời, chúng ta thường xuyên bị theo dõi, rình mò, bị áp chế bởi các thế lực khác nhau từ thần quyền lẫn cường quyền. Ngay cả khi ta đã quá bất lực trước cuộc sống nhạt nhòa, đau đớn, u tối và lựa chọn đi đến cái chết, hoặc là bạn sẽ bị ngăn cản như Yeong-hye hoặc sau khi đã nằm trong mồ, sẽ có một “hội đồng xét xử” cái chết của bạn. Hãy nhìn thử ngoài xã hội kia, có không ít vụ tự sát đã xảy ra và những người khác ngay lập tức chụp lên người ra đi chiếc mũ “bất hiếu”, “không trân trọng cuộc đời”, “giết người”. Suy cho cùng, con người không thể tự quyết định toàn bộ cuộc đời mình, chúng ta luôn phải chấp nhận tuân theo những mực thước nhất định. 
Một khi sự lạc lõng tích tụ đến một cao độ nào đó, nó sẽ trào ra và con người có thể tự hủy hoại chính mình. Yeong-hye đôi khi có những suy nghĩ, hành động kì quái (thích thú với những màu vẽ hoa trên toàn thân thể và không muốn xóa đi, tự cho mình là cái cây), gây tổn thương chính mình (dùng dao rạch tay). Đó là hậu quả của việc con người đã chịu đựng sự cô đơn, những cơn đè nén quá lâu và cảm giác kinh sợ chính đồng loại đang dần hình thành trong họ. Yeong-hye cảm thấy rằng “tất cả cây cối trên đời này hình như đều là anh em của nhau” và cô ao ước thành một cái cây để được bao bọc, che chở như vậy, để không còn đơn côi nữa. Mặt khác việc Yeong-hye cùng khao khát thành cây xanh cho thấy cảm quan sinh thái của văn bản, con người đang chịu không ít thương tổn từ hệ quả của sự phát triển và họ có xu hướng trở về với tự nhiên, tìm kiếm sự chữa lành tâm hồn từ mẹ thiên nhiên. 
Thế thì, chúng ta có phải là Yeong-hye? Trên đời này không chỉ có Yeong-hye của Han Kang, còn nhiều Yeong-hye khác nữa, ở hiện tại và cả trong tương lai. Con người sẽ luôn cô độc, bất an, hoang mang về sự sinh tồn của mình nếu như xã hội này vẫn còn tình trạng “tất cả đều trở thành người xa lạ, hay thậm chí kẻ thù”. 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Han Kang (Hoàng Hải Vân dịch) (2010). Người ăn chay. Nhà xuất bản Trẻ
__________________________________________
Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh từ Pinterest