NGU HƠN 1 THẰNG NGU VÔ HỌC LÀ 1 THẰNG NGU CÓ HỌC
Trí tuệ không được xây dựng nhờ những cuốn sách và trải nghiệm, mà nhờ điều ta rút ra được từ chúng
Bài post từ một người quen khiến tôi có cảm hứng muốn viết về chủ đề này. Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, thật dễ để con người tiếp cận đến những sách vở thuộc hàng kinh điển. Cả một kho tàng trí tuệ vĩ đại mà nhân loại đã tích lũy qua hàng nghìn năm đều nằm ở đó, sẵn sàng để bất cứ ai khám phá. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thực hiện vài cú click chuột. Điều đó quá tuyệt, nhưng cũng rất tai hại.
Trước tiên, phải nói rằng thật đáng khâm phục nếu bạn có ý thức tìm tòi để hoàn thiện bản thân. Chỉ riêng điều đó thôi đã giúp bạn khác biệt với đám đông ngoài kia, vốn chỉ say sưa trong những thú vui mang tính bản năng. Và nếu đã học, thì cớ sao không học từ người giỏi nhất - những người mà trí tuệ của họ đã được kiểm chứng từ hàng trăm, hàng nghìn năm qua, bởi vô số hậu thế đến sau - những người mà di sản của họ để lại cho chúng ta được gắn liền với 2 chữ "kinh điển".
Thế nhưng, như triết gia Montaigne từng viết:
"Nếu là 1 người có trí tuệ, tôi sẽ tìm thấy đủ thứ từ kinh nghiệm bản thân để khiến mình trở nên thông thái. Bất kỳ ai nhớ lại cơn bực tức gần đây... đều thấy sự xấu xa của cảm xúc này rõ hơn là đọc từ lời nói của bậc thánh hiền... Ngay cả cuộc đời vĩ nhân cũng không phải là tấm gương mẫu mực cho ta hơn chính cuộc đời ta."
Thật vậy, trong ta có đủ mọi thứ, từ ước mơ thánh thiện đến ham muốn suy đồi, từ lòng vị tha vĩ đại đến thói vị kỷ cuồng si. Ta là thiên thần. Ta là ác quỷ. Ta là kẻ đã nhỏ lệ trước bức hình một em bé nghèo khổ. Ta là kẻ hất con người khác ra để giành giật một vị trí tốt cho con mình. Cần gì phải học từ ai khi cuộc đời ta là bài học sống động nhất cho chính ta?
Tôi từng nhiều lần viết rồi: Mớ lý thuyết trong kinh sách về sự tĩnh tâm là hoàn toàn vô nghĩa nếu bạn không thể đối diện với một đứa trẻ. Hãy thử nhìn lại bản thân, bạn có vùng vằng khó chịu không nếu ai đó dựng bạn dậy sớm vào mùa đông giá rét? Và hãy thử nói xem, bạn có tĩnh tâm nổi không nếu vẫn là mùa đông ấy, nhưng không phải sáng sớm mà là lúc nửa đêm, không phải ai đó gọi bạn dậy, mà bạn buộc phải dậy vì con ị ra giường? Trong khoảnh khắc ấy, kinh sách chỉ là mớ giấy vụn trong sọt rác.
Tự tay nuôi dạy con là trải nghiệm mà mọi thứ đều đẩy đến tột đỉnh. Từ niềm hạnh phúc vô bờ đến sự ức chế như muốn phát điên. Chỉ khi đối diện với con đẻ của mình, bạn mới biết bản thân đã hiểu được bao nhiêu phần của kinh sách, hay tất cả chỉ là lý thuyết suông.
Khi đọc sách mà không suy nghiệm, ta chỉ là con vẹt nhại lại lời của bậc vĩ nhân.
Tôi tin rằng nhiều người đồng tình với kết luận vừa rồi. Nhưng đồng tình không có nghĩa là THỰC SỰ hiểu. Không ít bạn trẻ thường nhắc đến 2 chữ trải nghiệm, như một sự bổ khuyết cho phần thiếu sót của sách vở mà tôi vừa chỉ ra. Họ đi nhiều nơi, gặp nhiều người, thử nhiều việc, thất bại nhiều lần... và họ tin rằng đó là cách để con người trưởng thành.
Thế nhưng trải nghiệm không phải là thứ tài sản mà chúng ta có thể đem khoe. Nó cũng không được đếm bằng số lần check-in trên facebook. Bạn đi nhiều nơi, đăng nhiều ảnh, nhưng bạn có học được gì từ những chuyến đi không? Bạn có hiểu hơn về thế giới, về quê hương, về người khác, và quan trọng nhất là VỀ BẢN THÂN thông qua những va chạm với cuộc đời này? Hay những chuyến đi ấy chỉ là một cách để bạn xoa dịu sự không hài lòng với cuộc sống nhàm chán hiện tại, và một cách để bạn thỏa mãn nỗi khao khát được check-in trên facebook và đọc những lời khen?
Có anh chàng nọ tự hào khoe về những lần thất bại trong quá khứ. Quả thực thật bại là mẹ của thành công. Bạn không cần phải xấu hổ khi thất bại. Nhưng bạn nên cảm thấy xấu hổ khi chẳng học được gì từ đó. Trí tuệ không được xây dựng bởi những thất bại (và thành công) trong quá khứ, mà bởi những SUY NGHIỆM ta rút ra được từ chúng.
Khi trải nghiệm mà không suy nghiệm, ta chỉ là con vẹt nói ra những điều mà chính ta không hiểu
Đọc nhiều hay ít, va chạm nhiều hay ít không quan trọng bằng việc bạn suy nghiệm thế nào về những thứ bạn đọc và va chạm. Đọc xong cùng 1 cuốn sách, có kẻ sống bao dung hơn, có kẻ phẫn nộ căm hờn cuộc đời. Ở trong cùng 1 hoàn cảnh, có kẻ tìm thấy sự bình yên, có kẻ đánh mất linh hồn. Và điều nguy hiểm của việc đếm số sách đã đọc và số trải nghiệm đã qua là nó khiến con người ta nghĩ rằng bản thân hiểu biết, dù chẳng biết gì. Cho nên, tôi đã nhiều lần nói với mọi người xung quanh rằng:
Ngu hơn một thằng ngu vô học là một thằng ngu có học.
PS1: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!
PS2: Các từ "trải nghiệm", "suy nghiệm" không có định nghĩa chính thức nào. Cho nên người đọc có thể diễn giải theo nghĩa khác, dẫn đến một cách hiểu khác về bài viết. Vì thế, không nên chấp niệm vào sự giới hạn của từ ngữ, mà tôi mong người đọc đón nhận tư tưởng cốt lõi của bài viết với một cái đầu mở.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất