NGOẠI LAI no.1: Ốc sên ma/Ốc sên hoa - Achatina fulica
Hế lô các bạn, đây là một series mới hoàn toàn của tụi mình, series này tập trung vào vấn đề nuôi nhốt và cách chăm sóc các loài ngoại...
Hế lô các bạn, đây là một series mới hoàn toàn của tụi mình, series này tập trung vào vấn đề nuôi nhốt và cách chăm sóc các loài ngoại lai TÌM THẤY TRONG TỰ NHIÊN VIỆT NAM nhằm GIẢM THIỂU SỐ LƯỢNG CÁ THỂ của các loài đấy, series mang tên "NGOẠI LAI". Cụ thể hơn, series này sẽ giới thiệu đến với các bạn những loài ngoại lai có thể bắt gặp trong môi trường tự nhiên của Việt Nam và cách bắt giữ, nuôi nhốt chúng, giảm thiểu số lượng của chúng trong tự nhiên dù ít dù nhiều, dành cho các bạn thích nuôi các loài exotic pets (dịch nôm na là những loài thú cưng không phải chó mèo, kỳ lạ ấy) hạn chế việc khai thác các loài bản địa Việt Nam, giúp bảo vệ môi trường và đây chính là bài viết đầu tiên của ngày hôm nay, let's go!
***1) Ơ CƠ MÀ THẰNG NÀY ĐIÊN À? MẤY CON ỐC ĐẤY CÓ GÌ MÀ NUÔI, VƯỜN NHÀ TAO ĐẦY!
Đối với những bạn ở vùng nông thôn, các bạn chắc hẳn không lạ gì loài này và xem nó là một loài động vật tầm thường, trước giờ mình cũng nghĩ như vậy! Tuy nhiên, sau một hồi tìm hiểu về tụi này và xem chúng sinh hoạt, mình đã có một cái nhìn khác không những đối với tụi này mà là đối với cả những loài khác. Ở những nước Âu Mỹ và một số nước châu Á, phong trào nuôi ốc sên châu Phi khổng lồ đã có từ khá lâu, chúng là những con vật dễ nuôi, không cần yêu cầu quá nhiều thứ phức tạp, nhưng cách hoạt động của nó lại gây cho người ta những cảm giác tò mò, thích thú nếu chịu quan sát kỹ, từ cách chúng di chuyển đến cách chúng ăn, cách chúng phát triển và giao phối (mình sẽ nói vụ giao phối này sau). Ở Việt Nam, phong trào ấy cũng mới nổi mấy năm gần đây, nhưng nó lại sinh ra rất nhiều bất cập: Thứ nhất, người ta nhập những con ốc khổng lồ về từ châu Phi, tức là nhập loài ngoại lai có khả năng gây hại cực kỳ lớn về Việt Nam, một môi trường lý tưởng để chúng sinh sôi, nảy nở, cùng với kích thước to lớn của một số loài trong bọn chúng mà người ta nhập lậu về, chúng sẽ tàn phá môi trường Việt Nam một cách nghiêm trọng; Thứ hai, chúng không hề rẻ, chi phí bỏ ra để mang về nhà một con ốc sên khổng lồ mà các thương lái hay bán giao động từ 1 triệu đến một triệu rưỡi đồng Việt Nam, không thấp hơn, chưa kể chi phí chuồng nuôi chúng cần rất lớn, bể chứa của chúng phải dài từ 1m, cao và rộng từ 50cm trở lên cho 1 cá thể!
Quá nhiều vấn đề phát sinh, thế thì vì sao chúng ta lại không tận dụng những gì chúng ta có ở Việt Nam? Loài ốc sên hoa "Việt Nam" mà ta hay thấy lại chính là một loài ốc sên châu Phi với danh pháp hai phần là Achatina fulica, chúng có kích cỡ nhỏ hơn những họ hàng anh em của chúng rất nhiều, vỏ của chúng không vượt quá kích cỡ 15cm, chúng có ngay ở Việt Nam, ngay bên cạnh chúng ta, lý do tụi ốc sên hoa châu Phi này lại có mặt ở Việt Nam chính là do quá trình di cư trên đất liền cộng với sự phát tán thông qua việc "đi nhờ" tàu thuyền của con người khi con người đi lại giữa các châu lục. Không chỉ những người lớn mới có thể nuôi được, những bạn thiếu nhi cũng có thể tự tay chăm sóc cho một bé ốc sên hoa dưới sự giám sát của quý vị phụ huynh, chăm sóc cho một sinh vật giúp các bé trau dồi kỹ năng tìm kiếm thông tin, học hỏi kiến thức về thế giới tự nhiên và có trách nhiệm hơn cũng như là bao dung hơn đối với các sinh vật khác yếu thế, nhỏ bé hơn mình.
Khi nuôi ốc sên hoa, các bạn sẽ góp phần bảo vệ môi trường dù ít dù nhiều, học thêm được nhiều kiến thức về thế giới tự nhiên, học cách bảo vệ nông sản và có thể có một bộ sưu tầm vỏ ốc cho riêng mình, mỗi con ốc có một kiểu vân vỏ khác nhau, giống như dấu vân tay của người vậy, mỗi cái vỏ là một kiệt tác, có cái giống như ô caro bàn cờ, có cái lại có những sọc dọc, sọc ngang,... điều thú vị là chính bạn sẽ là người góp phần tạo nên cái vỏ ấy, hay đúng không?
***2) Ờ, NGHE CÓ VẺ HAY HO ĐẤY, VẬY THÌ NUÔI TỤI NÀY NHƯ THẾ NÀO?
****a) Đầu tiên, hãy nói về chuồng trại:
Có 2 mô hình nuôi, mỗi loại sẽ dành cho mỗi đối tượng khác nhau:
- Kiểu thứ nhất mình đặt tên là "Outdoor", dành cho những bạn có không gian rộng. Mô hình này giống như cách người ta làm các chuồng thú trong sơ thú, có dạng một đảo nhỏ có hào nước sâu vây quanh, tránh việc con thú có thể nhảy dễ dàng qua hàng rào. Bạn cần:
+ "Hào nước": Bạn cần 1 chậu nước, càng rộng càng tốt, bán kính nhỏ nhất cũng phải hơn 30cm, các bạn có thể dùng chậu giặt áo quần hoặc khay trồng rau không đục lỗ có bán ở các tiệm cây cảnh, tầm 50-55k/cái, nhớ chọn cái không bị đục lỗ vì chúng ta cần chứa nước. Mình gợi ý, để tăng tính thẩm mỹ, hãy chọn những chậu, khay có màu tối như đen và nâu, màu đó khá là hiện đại và giảm đi vẻ nhếch nhác của cả chuồng nuôi sau này.
+ "Hào nước": Bạn cần 1 chậu nước, càng rộng càng tốt, bán kính nhỏ nhất cũng phải hơn 30cm, các bạn có thể dùng chậu giặt áo quần hoặc khay trồng rau không đục lỗ có bán ở các tiệm cây cảnh, tầm 50-55k/cái, nhớ chọn cái không bị đục lỗ vì chúng ta cần chứa nước. Mình gợi ý, để tăng tính thẩm mỹ, hãy chọn những chậu, khay có màu tối như đen và nâu, màu đó khá là hiện đại và giảm đi vẻ nhếch nhác của cả chuồng nuôi sau này.
+ "Đảo": 1 chậu trồng cây có lỗ ở đáy, càng to càng tốt, nhưng lưu ý, khoảng cách giữa "đảo" và thành "hào" phải ít nhất 20cm, ốc có thể bò ra nếu khoảng cách ấy nhỏ hơn 20cm, nói chung là càng rộng càng tốt. Lại một lần nữa, các bạn có thể dùng các chậu màu nâu, đen cho đẹp mắt, hoặc hãy dùng các chậu cây làm bằng đá hoặc xi măng, rêu có thể mọc trên đấy để tạo cảnh quang rất đẹp.
+ Trên phần "đảo", các bạn hãy đổ đất vào để trồng các loại cây (trầu bà, dương xỉ), rêu,.. hoặc cây nhựa, nếu bạn nào muốn đẹp hơn nữa thì hãy tìm một khúc gỗ nhỏ để tạo cảnh quang, quan trọng nhất, hãy cho chúng một chiếc đĩa để chứa thức ăn. Sau khi setup xong, nôm na là trông nó sẽ như thế này...
- Kiểu thứ hai là kiểu nuôi nhốt truyền thống. Các bạn sẽ cần một cái thùng nhựa Duy Tân hoặc nếu muốn đẹp hơn thì chơi luôn một cái bể kính (bắt buộc có nắp đậy bằng lưới) và đèn chiếu sáng, thể tích từ 30l trở lên, không ít hơn vì dù là ốc, chúng cũng cần có không gian để sống, tiếp đến, hãy cho đất vào (tránh các loại đất tẩm hóa chất nhé), các bạn có thể trồng thêm cây hoặc gắn cây nhựa, thêm những khúc gỗ tùy ý, và quan trọng nhất vẫn là 1 dĩa nước và 1 dĩa thức ăn. Và đây là hình ảnh:
****b) À mà rồi tụi này ăn gì?
Rất đơn giản! Đây là danh sách những thứ các bạn NÊN cho chúng ăn:
- Trái cây: Táo, chuối, nho, lê, dưa leo, dưa gang, dưa hấu, ớt chuông,... những loại trái cây có vị ngọt và giòn hoặc mọng nước.
- Củ: Cà rốt, củ cải đường,... những loại củ giòn, ngọt, giàu chất xơ.
- Rau: Xà lách, rau ngót, rau muống, rau càng cua,... những loại rau có vị dịu nhẹ.
- Thực phẩm cần thiết: Vỏ trứng, nang mực,... nói chung là có thành phần chính là CaCO3 (canxi cacbonat) và không chứa hóa chất.
Những thứ KHÔNG ĐƯỢC cho chúng ăn:
- Cam, quýt, bưởi, cà chua,... những loại trái cây có vị chua.
- Cơm, gạo, ngũ cốc, bột mỳ, khoai lang, khoai tây,... những thực phẩm giàu tinh bột, nhất là tinh bột khô.
- Muối, đường, ớt,... nói chung là gia vị.
- Rau húng, rau răm, cải mù tạt,... những loại rau có vị và mùi thơm, mùi mạnh.
****c) Ok, xong chưa? Chưa! Còn cách chăm sóc chúng hằng ngày nữa!
Như đã nói ngay từ đầu, chăm sóc tụi này cực kỳ dễ, các bước như sau:
- Hãy dùng bình phun sương để xịt ẩm khắp cả hồ nuôi 1 lần/ngày, điều này giúp đảm bảo độ ẩm cần thiết cho ốc. Ngoài ra, nếu các bạn muốn cầm nắm chúng, hãy mang bao tay cao su và xịt ẩm đôi tay của bạn, nhớ rửa tay thật kỹ sau khi tương tác với chúng, đơn giản là vì chúng có chứa vi khuẩn và một số loại giun sán, cần cẩn thận, mà tốt nhất là hạn chế động chạm, chúng có thể bị stress nếu bạn động chạm chúng quá nhiều.
- Bạn nên cho ăn 1 lần/ngày, thay đống đồ ăn thừa ấy vào ngày hôm sau, tức 24 tiếng sau nếu chúng không ăn hết để hạn chế nấm mốc, vi khuẩn hại ốc. À, nhớ đổ thêm nước vào cho tụi nó uống nhé, đừng để nước cạn, hãy dùng nước đã nấu chín để nguội, đừng dùng nước máy vì nó có hóa chất, rất độc hại!
- Bạn nên thay nền chuồng 1 lần/nửa tháng và dọn sạch phân ốc.
- QUAN TRỌNG NHẤT: Chỉ nuôi 1 con trong 1 chuồng, vì ốc sên hoa là loài lưỡng tính nên nếu ghép đôi, chúng sẽ giao phối và sinh sản ra hàng trăm quả trứng, và bạn không muốn số trứng ấy nở ra và phát tán đâu, tin mình đi! (Cái này minh bị một lần rồi, nhưng rất may là sau đó chúng đã chết vì yếu, còn nhỏ quá mà)
***3) ĐÂY LÀ PHẦN KẾT:
Hy vọng bài viết này sẽ có thể giúp các bạn tìm được một em thú cưng ốc như ý, đồng thời giúp giảm thiểu tác hại của chúng lên môi trường. Nếu thấy hay, hãy chia sẻ bài viết và upvote cho mình nhé! Mình là CreatureLovers và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau!!!
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất