Đã hơn 10 ngày kể từ khi lệnh cách li xã hội chính thức có hiệu lực. WHO cũng khuyến khích mọi người hãy ở nhà và chơi game. 

NGHỈ Ở NHÀ THÌ CHƠI GÌ


Nếu bạn là người đang muốn tìm kiếm những game hay, độc đáo, đáng chơi thì dưới đây là 10 tựa game mà mình khuyên bạn nên chơi thử. Vì tất cả đều xứng đáng hai chữ tuyệt vời.

1. Homo Machina

Hiếm có game nào tái hiện cấu trúc sinh học cơ thể đẹp và sáng tạo như thế ?
 Nền tảng: Mobile
Thể loại: Giải đố
Giá: 2.99$ ( Appstore & Google Play )
Trò chơi này là phiên bản sống động của các tác phẩm nghệ thuật tiên phong đến từ Fritz Kahn. Cũng giống như tác phẩm của vị bác sĩ và họa sĩ người Đức này, Homo Machina biến cơ thể con người thành một cỗ máy công nghiệp khổng lồ do những người tí hon vận hành.
Lấy ý tưởng đó, xuyên suốt hành trình với Homo Machina, bạn sẽ là người trực tiếp tham gia vận hành một “cỗ máy con người” đang chuẩn bị hẹn hò. Nhưng làm sao để mọi thứ diễn ra tốt đẹp? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở bạn.
Trò chơi này cũng truyền tải mong muốn của Kahn là giáo dục mọi người. Vì chính bạn sẽ thực hiện mọi thao tác làm cho cỗ máy người hoạt động, nên bạn sẽ thấm thía hơn bài học về các chức năng mà cơ thể mình thực hiện từng giây từng ngày.

2. Ink, Mountains, and Mystery

Cảnh trong game đẹp như bức tranh Trung Hoa
 Nền tảng: Mobile
 Thể loại: Giải đố, phiêu lưu
 Giá: FREE
Ink, Mountains and Mystery là trò chơi giải đố đầy tính nghệ thuật và văn hóa mỹ thuật Trung Hoa. Xuyên suốt trò chơi chính là chuyến hành trình của Nhất Tu, một nhà sư trẻ mong muốn một ngày trở thành họa sĩ, khám phá vẻ đẹp bên trong những bức họa nổi tiếng.
Trong suốt chuyến hành trình đó, người chơi sẽ đi qua những bức tranh phong cảnh phong cảnh Trung Hoa đậm chất nghệ thuật và tinh hoa phương Đông. Để rồi chìm đắm trong những thế giới kỳ diệu của trò chơi, của nhân vật, của âm nhạc và nghệ thuật hòa quyện vào nhau, tạo thành một trải nghiệm thư giãn tuyệt vời nhất.
Đồ họa tuyệt đẹp, âm thanh sống động, và đặc biệt là có hỗ trợ tiếng Việt, Ink, Mountains and Mystery xứng đáng là một game nên chơi trong mùa dịch này. 

3. Vũ trụ game giải đố của Rusty Lake

Yêu thích game creepy, giải đố, đừng bỏ qua vũ trụ game của Rusty Lake
 Nền tảng: Mobile
Thể loại: Phiêu lưu, giải đố
 Giá: hầu hết là FREE, một số game có trả phí
Tất cả các game giải đố của Rusty Lake chúng tôi đều khuyên bạn nên chơi. Vì nó rất đáng.
Rusty Lake là series game bí ẩn, giải đố với lối chơi point - and - click. Mỗi game là một chuyến hành trình phiêu lưu kỳ quá - nhưng đầy sức lôi cuốn. Nó cứ như một ly cocktail theo phong cách David Lynch, pha trộn những hình ảnh dị thường và đôi lúc ám ảnh, bản nhạc nền ma mị, và cảm giác rõ rệt rằng bạn sắp vén màn một bí mật đầy quan trọng.
Hiện tại, đã có 14 game được phát hành, bao gồm 2 series game. Đó là Cube Escape và Premium Games. Và The White Door là tựa game mới nhất được phát hành, nằm trong serie Premium Games. Dưới đây là các game theo thứ tự ra mắt của vũ trụ Rusty Lake:
 1. CUBE ESCAPE: THE LAKE
 2. CUBE ESCAPE: SEASONS
 3. CUBE ESCAPE: ARLES
 4. CUBE ESCAPE: HARVEY’S BOX
 5. CUBE ESCAPE: CASE 23
 6. CUBE ESCAPE: THE MILL
 7. RUSTY LAKE: HOTEL (premium)
 8. CUBE ESCAPE: BIRTHDAY
 9. CUBE ESCAPE: THEATRE
 10. RUSTY LAKE: ROOTS (premium)
 11. CUBE ESCAPE: THE CAVE
 12. RUSTY LAKE: PARADISE (premium)
 13. CUBE ESCAPE: PARADOX
 14. The White Door (premium)
Có thể thấy Cube Escape là seri game đầu tiên, đóng vai trò giới thiệu chung vũ trụ của game và mạch cốt truyện chính. Còn Premium Games là những game cao cấp, dài hơn, có trả phí, hé lộ nhiều thông tin bên lề của các nhân vật trong cốt truyện chính.
Trong game, bạn sẽ được tự do khám phá trò chơi, và ghép nối các manh mối theo nhịp chơi của bạn mà không bị giới hạn thời gian. Nhưng liệu bạn có tìm được đường đi tiếp, tất cả là ở bạn.

4. Gone Home

Chỉ còn lại một mình trong căn nhà của chính mình, giữa đêm mưa bão, bạn có sợ?
 Nền tảng: PC
 Thể loại: Phiêu lưu, Nhập vai
 Giá: 165.000đ trên Steam
Nếu một ngày, bạn quay trở về nhà sau một chuyến đi và bỗng nhận ra căn nhà của mình không một bóng người. Bố mẹ, anh chị em đều đã biến mất. Và bạn đã bao giờ trải qua cảm giác chỉ có một mình trong căn nhà rộng lớn, giữa một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng chưa? Nếu chưa, nhưng muốn thử một lần cho biết, hãy chơi Gone Home.
Gone Home là tựa game góc nhìn thứ nhất. Trong game, người chơi vào vai Kaitie, sau 1 năm đi du lịch và trải nghiệm cuộc sống vòng quanh châu u, cô trở về nhà vào một đêm mưa tháng 6 năm 1995. Tuy nhiên cô nhận ra rằng ngôi nhà của mình hoàn toàn không có một bóng người.
Xuyên suốt trò chơi, người chơi sẽ lần lượt tương tác với từng đồ vật trong nhà, đi qua từng căn phòng để tìm lời giải cho sự “biến mất” của gia đình. Trong quá trình chơi, người chơi sẽ lần lượt khám phá ra sự thật, đồng thời hình dung rõ nét về lối sống và câu chuyện gia đình của nhân vật chính.
Phần hình ảnh trong game được đánh giá cao bởi tính chân thực, mang nét văn hóa Mỹ những năm 90 của thế kỷ 20. Bầu không khí trong game khá kỳ bí, ghê rợn, phần âm thanh được chăm chút kỹ lưỡng, thật đến từng bước chân, tiếng mưa gió, sấm chớp.
Với thời lượng chơi chỉ 2 tiếng đồng hồ, Gone Home là tựa game đáng để thử trong đợt nghỉ dịch lần này cho những ai thích trải nghiệm những cảm giác mới lạ và thú vị.
P/s: Game đã có bản Việt hóa, các bạn có thể search google để trải nghiệm chơi được thoải mái nhất, vì game sẽ phải đọc và nghe lời thoại nhân vật nên những ai không hiểu tiếng Anh sẽ khá khó khăn. Và các bạn có thể search google để tìm những bản miễn phí và tải về. (dĩ nhiên là không phải bản gốc chính thức :))

5. To the moon


Nền tảng: Mobile, PC
Thể loại: Phiêu lưu, Nhập vai
 Giá: 10$
Đồng thể loại với Gone Home (storytelling) tuy nhiên To the Moon lạị mang thiên hướng kì ảo về cuộc hành trình đầy nước mắt của một câu chuyện tình vượt thời gian. Người chơi sẽ đóng vai nhân viên của công ty tạo ra những ký ức cũng như hoàn thành những ước mơ cho những người sắp chết. Và khách hàng tiếp theo đó là Johnny, một ông già sắp lìa đời với ước mơ được bay tới mặt trăng. Bắt đầu từ đây, người chơi sẽ được phiêu lưu vào quá khứ, từ lúc Johnny còn bé cho đến thời điểm hiện tại, đưa ra những quyết định để giải đáp câu chuyện tình bí ẩn cũng như hiện thực hóa ước mơ của ông
Với đồ họa được thiết kế theo kiểu 16bit, game mang đến cảm giác hoài cổ và hoài niệm đúng chất với nội dung. Lý do game được đề xuất chủ yếu là nhờ phần âm thanh (bản nhạc piano ám ảnh theo suốt trò chơi) cùng với cốt truyện nổi bật của game khi đat giải Best Story của Gamespot, top 10 game có cốt truyện hay nhất thập kỷ và đạt được rất nhiều ratings gần như tuyệt đối (10/10 Steam, 4.5/5 Google Play...).
Chính nhờ sự xuất sắc của cốt truyện mà game đạt tiêu chí “Real men cry”, làm rung động cả game thủ nam lẫn nữ. Chính vì vậy, trải nghiệm chơi với To the moon còn hơn cả đọc tiểu thuyết, rất đáng đồng tiền bát gạo.

6. Life is a Game


Nền tảng: Mobile
Thể loại: Giả lập
Giá: FREE
Cuộc sống mà, bạn không thể có tất cả những gì bạn muốn, đặc biệt là trong mùa dịch này, bạn không thể ra ngoài đua xe, không thể đến lớp làm học sinh ngoan mà ở nhà chia sẻ zoom ID cho các bạn khác chung vui.
Nhưng trong game thì khác, bạn muốn làm gì cũng được, hay là không nhỉ? Đối với Life is a game, nó giả lập tương đối đúng những gì diễn ra ngoài đời (nếu không có dịch) và giả lập cả đặc điểm nổi trội nhất của cuộc sống, bạn không thể có tất cả. Nó giả lập từ khi bạn sinh ra cho đến khi mất, và xuyên suốt sẽ là các lựa chọn mà sẽ xác định số phận của bạn sau khi đóng nắp quan tài. Ví dụ khi đi học bạn có thể học giỏi 1 môn chứ không thể giỏi tất cả, hoặc khi đi làm ăn nhiều cục tiền sẽ bị giảm sức khỏe còn ngược lại nếu chọn dành thời gian cho gia đình sẽ tăng chỉ số hạnh phúc…
Game tương đối nhẹ nhàng, đồ họa đơn giản, dễ chơi. Điều khó nhất nằm ở phần đưa ra quyết định trong game. Nhưng cái hay là bạn có thể chơi lại được nhiều lần, mở khóa được nhiều thành tích, huy hiệu mỗi khi khám phá một số phận mới. Tiếc là hiện tại game mới chỉ có nhân vật nam, hi vọng trong tương lai nhà phát hành sẽ cải thiện điều này.
Nhìn chung, Life is a game có nội dung đúng với tên của nó, là một phép ẩn dụ cho cuộc đời mỗi con người, sau khi chơi xong hẳn người chơi sẽ có một cái nhìn khác và một khái niệm sâu sắc hơn về triết lý nhân sinh.

7. On my own


 Nền tảng: Mobile, PC
 Thể loại: Sinh tồn
 Giá: FREE
Hẳn là mọi người đã quá quen thuộc với thể loại game sinh tồn như Minecraft, Terraria, DayZ hay Raft, thậm chí còn có rất nhiều phiên bản đã nhái lại theo những tựa game này. Vậy thì, khi ta nhìn vào thế giới của On My Own, sẽ có nhiều người nghĩ rằng: “Chắc đây lại là một phiên bản nhái nữa hay sao?”
Không hẳn như vậy. Trò chơi này cũng lấy ý tưởng là sinh tồn, nhưng cách trình bày ý tưởng đó lại vô cùng đặc biệt. Đồng thời, trò chơi này cũng là một trong những trò chơi được chú ý đến ít nhất trong tất cả những trò chơi miễn phí, tuy nhiên khi các bạn vào chơi, các bạn sẽ thấy rằng nó cũng không đến nỗi tệ.
Khi ta đặt chân vào thế giới của On My Own, ta có thể thấy những cảnh vật thực tiễn dưới cấu hình pixel: cỏ cây, hoa lá, côn trùng, động vật và một cái nhà nhỏ giữa một khu rừng gỗ. Nhiệm vụ chính của chúng ta chỉ đơn giản là giữ cho nhân vật không bị đói cho đến khi mỗi tháng kết thúc. Nhân vật của chúng ta có thể đi lại, hái hoa quả, săn thú, chế tạo đồ vật,... để sống sót qua tháng. Có rất nhiều thứ trong trò chơi để tìm hiểu, khám phá, từ các loài động thực vật, đến những vùng đất mới. Tuy nhiên, người chơi cũng phải đối mặt với những thử thách khôn lường, không phải là quái vật hay những gì lạ lùng, mà là những gì đó gần gũi, thực tế như thú dữ, hạ nhiệt, đuối sức, thời tiết, thức ăn cạn kiệt,...
Hiện nay, có rất nhiều game sinh tồn trên thị trường, có những trò chơi vô cùng đắt giá nhưng lại có cái nhìn vô cùng hào nhoáng, cấu hình hoàn hảo. Nhưng không có nhiều game mobile miễn phí mà mặc dù cấu hình pixel mà lại có thể thể hiện được 1 cách thực tiễn trải nghiệm sinh tồn trong thiên nhiên như là On My Own. Mặc dù không nhiều người biết đến hoặc đã thử chơi trò này, nhưng một khi đã thử là các bạn sẽ hiểu được ý nghĩa thực sự mà trò chơi này muốn đem đến.

8. Plague Inc:

Trò chơi hợp tình hình nhất hiện nay.
 Nền tảng: Mobile (App Store và Google Play) và PC (bản Evolved trên Steam)
Thể loại: Chiến thuật
Giá: 165.000đ ( Steam ), FREE ( Google Play ), 0.99$ ( Appstore )
Plague Inc là một trò chơi dạy cho người chơi về cách các bệnh lây lan. Trong trò chơi này, người chơi sẽ đóng vai kẻ reo giắc một căn bệnh lây nhiễm thế giới bằng cách phát triển các phương tiện truyền bệnh và triệu chứng mới.
Trò chơi mang những đặc điểm rất gần với thực tế, vì vậy, thông qua việc chơi, bạn có thể học được một cách vô thức nhiều điều về y học, về cách phòng tránh lây lan bệnh dịch. Những điều ấy, biết đâu, lại trở nên rất hữu ích và thiết thực trong thời điểm COVID-19 đang hoành hành trên thế giới hiện nay.
 Trong trò chơi, bệnh dịch đã bắt đầu lây lan và chính bạn là người biến nó thành một đại dịch chết chóc để hủy diệt loài người. Cứu thế giới và trở thành anh hùng là việc làm đáng ngưỡng mộ, nhưng tàn sát loài người bằng một dịch bệnh chết chóc cũng thú vị không kém, ngay cả khi bạn không nên làm thế.

9. Papers, please:


Nền tảng: PC
Thể loại: Phiêu lưu, Indie
Giá: 120.000đ trên Steam
Với mức đánh giá “Overwhelmingly Positive”, Paper Please thực sự là một game đáng chơi nếu bạn muốn thấy sự thú vị về cái cách mà video game khai thác và thể hiện những đề tài gai góc trong cuộc sống này.
Trong game, bạn sẽ vào vai một nhân viên di trú của đất nước Arstotzka, với nhiệm vụ kiểm soát việc ra vào của những người đi qua trạm kiểm soát biên giới. Một phản ứng nhanh nhạy, một chiến thuật về sắp xếp giấy tờ và đáp ứng yêu cầu của mệnh lệnh đưa ra sẽ là những gì bạn cần để vượt qua thách thức của Paper Please. Không chỉ có vậy, mỗi quyết định bạn đưa ra sẽ ảnh hưởng tới những sự việc xảy ra trong tương lai. Không chỉ là một trò chơi, Papers, please còn là một câu chuyện khiến bạn phải suy ngẫm.
Và với 20 ending, game có lẽ là một lựa chọn không tệ cho ta khám phá khi tất cả đều là những “tỉ phú thời gian” trong thời điểm giãn cách xã hội này. 

10. Nova Drift


Nền tảng: PC
 Thể loại: Hành động
 Giá: 165.000đ trên Steam
Nova Drift là 1 trò chơi đã kế thừa kiểu game vũ trụ mà người chơi phải tiêu diệt các đợt tàu chiến tấn công để đạt được điểm số cao nhất. Trò chơi này không chỉ giữ vững được ý tưởng của bắn súng vũ trụ, mà còn có nhiều điều khác biệt. Người chơi có thể nâng cấp tàu chiến dưới nhiều khía cạnh như cấu trúc thân, lá chắn bảo vệ, vũ khí,... Mỗi sự nâng cấp sẽ có ảnh hưởng đến thời gian sống sót của tàu và chiến thuật đánh trận của tàu, đặc biệt là khi càng về sau, những sự nâng cấp trở thành những con dao hai lưỡi, được cái này thì thiệt cái kia.
Đồng thời, người chơi cũng sẽ phải vượt qua những thử thách như đánh bại tàu chiến boss, lỗ đen vũ trụ, thiên thạch,... và nhiều chế độ chơi để làm tăng độ khó của trò chơi. Nova Drift chính là một trong những thành quả hiện đại của thể loại game truyền thống, gợi lại những trải nghiệm game của những năm 70, 80, đồng thời đã pha vào đấy những yếu tố hiện đại, từ cấu hình đến luật chơi để dạy người chơi về cách phân tích và quyết định đúng đắn và xây dựng chiến thuật của mình qua vô vàn những lựa chọn, hướng phát triển của tàu chiến để sống sót được lâu nhất và đạt được kết quả cao nhất.



Bài viết nằm trong dự án của Level Up.

Level Up là một dự án phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 4 năm 2020 bởi các bạn học sinh THPT Hà Nội để tìm hiểu và đem tới một góc nhìn mới về những khía cạnh của Game trong cuộc sống.

Để xem các bài viết khác của Level Up, mọi người có thể xem thêm tại https://www.facebook.com/Levelup.prj
Nếu thấy hay và bổ ích, mọi người có thể ủng hộ 1 like cho page Level Up. Chúng mình rất biết ơn và cảm ơn rất nhiều.

Level Up
13/04/2020