Steven Nguyễn - 22/03/2018
-------------------------  
Ngày mới dạo quanh trong xóm nhỏ cóc cách tiếng chuông bán kem ông 6 Mập. Độ chừng 15 năm rồi tôi mới có dịp quay về chốn này. Hồi 8 tuổi, nơi này có bao nhiêu kỉ niệm với tuổi thơ dữ dội của đám nhóc lóc chóc. Chúng tôi chỉ mong đến những ngày cuối tháng 5, đợi cho cánh phượng nở tung, chờ buổi tổng kết cuối năm, hớn hở vì phần quà của Thầy Hiệu trưởng và đám trẻ được vào kì nghỉ hè. Thằng cu Tèo vẫn hay bảo với chúng tôi:
- "Tụi mày đợi nghỉ hè đi, tao làm diều cánh phượng, bay huốt tận trời luôn."
- " Thật á?" . Cái Ly hỏi nhanh
- "Xời. Tao có bao giờ nói điêu chúng mày đâu.". Thằng Tí cười lớn nhái giọng thằng Tèo.
Rồi chúng nó cười ầm ầm, lũ nhóc chúng xóm, sáng ngày đá banh, trưa trưa rủ nhau ra đồng phá phách đào khoai, chạng vạng tối tụ nhau ra giường tre nghe Ông tôi kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung. Tôi vẫn thường hỏi cái Ly làm sao mà nó vẫn có thể đi chơi chung với đám con trai trong khi tụi nó chẳng bao giờ biết nhảy dây là gì, banh đũa là chi. Nó cũng cười hề hề. Nó bảo tại vì nó không thích mấy đứa con gái chân yếu tay mềm, nó thích đi quậy cùng thằng Tèo, thằng Tí, cảm giác kích thích hơn hẳn. 
Phượng bắt đầu nở rộ trên những đám cây xanh lè, rợp mát cả một khoảng không gian trước cổng trường, nơi chúng tôi vẫn thường lui tới sau mỗi giờ tan học để lò cò, đá cầu. Kí ức một màu hồng về tuổi thơ, một cảm giác rất riêng mà bao đứa trẻ khác tại thành phố không có được.  Một gói xôi bắp đầy dừa nạo, béo lịm và thơm mùi bắp mới nấu. Khó có thể diễn tả về cảm xúc được ăn nó. Sau này, mỗi khi về tôi vẫn hay đi tìm thứ cảm giác hưng phấn khi được ăn nó. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
- "Cô ơi, cho cháu hỏi Bà Ba xe xôi bắp còn ở đây không ạ?"
- "À, bã mất 2 năm rồi cháu ạ! Tội lắm. Mùa lũ về đợt trước, gió dữ quá, nhà bã sập, con cháu không có nhà, 2 3 ngày sau mới cứu bã ra được. Nhưng mà bác sỹ tỉnh nói bã gãy chân, với huyết áp tăng cao quá, khó qua khỏi."
  Tôi lẳng lặng bỏ ra về, chợt hụt hẫng lạ thường. Tôi vẫn thường suy nghĩ về cuộc sống của người dân quê mình. Gần 50 hộ dân mà nhà nào cũng nông dân, dăm ba hộ nuôi vài con bò, con trâu. Thu nhập đổi lại chỉ được vài bộ quần áo mới cho chúng tôi đi học. Ông tôi vẫn thường bảo: "Chúng mày có mà học cho có cái chữ con ạ, chứ để như chúng tao thì suốt đời không biết cái xe hơi là gì, không biết nhà cao tầng là gì." 
 Trên xóm có anh hai Hùng, con ông Năm nhà lầu. Ông Năm làm nhà máy xay xát lúa, cả làng này có mỗi ổng có tiền cho anh Hùng lên tỉnh học cao đẳng. Đám trẻ chúng tôi chỉ chờ ảnh về là bao vây xung quanh, biết bao câu chuyện lạ kì, bao nhiêu thứ mới mẻ trở nên lung linh qua lời kể của anh. Hồi đó, mỗi khi nghe anh kể chuyện xong, tôi lại tự nhủ sau này mình cũng sẽ như vậy, cũng sẽ học cao hiểu rộng để về phụ cánh đồng dưa hấu của ba mình....