1,

Tôi là một đứa trẻ may mắn được thừa hưởng trái tim của mẹ và tâm hồn của bố, chỉ tiếc là gần 40 năm sau khi ra đời tôi mới hiểu được điều này.
Sinh ra trong một gia đình quân nhân, bố mẹ đều là bộ đội. Hiển nhiên, như bao chúng bạn trong khu tập thể K83 ngày ấy, tôi lớn lên trong một môi trường giáo dục đầy thiết quân luật. Trong ký ức của tôi, bố lạnh lùng, uy nghi và cả dữ tợn nữa. Trốn học la cà, bố đánh. Ăn nói trống không, bố đánh. Đọc truyện tranh, bố càng đánh. Đi chơi điện tử, bố đánh gấp đôi... Những điều đó làm tôi sợ bố hơn bất cứ thế lực hay thực thể nào từng tồn tại trên đời. Và cũng vì thế mà bản năng sinh tồn mách bảo tôi phải tránh xa bố càng nhiều càng tốt.
Tôi về phe mẹ, cho đến khi tôi phát hiện mẹ đánh còn mạnh hơn bố.
Một buổi tối mùa hè năm 2000, khi tôi học lớp 7, bất chợt bố gọi tôi ra phòng khách, cụt lủn: "Ra ngồi xem cái này với bố". Trên TV là một bộ phim đang chiếu dở.
Tôi nhìn bố, lo lắng, nhưng ông chỉ ngồi một chỗ, lặng im. Sự đăm chiêu và tập trung kỳ lạ của ông làm tôi chú ý đến những gì đang diễn ra trên TV. Bộ phim nói về sự trốn chạy của một cậu bé Do Thái trong trại tập trung của Phát xít Đức. Không biết từ lúc nào, tôi bị cuốn vào nó, hoàn toàn và ngưng đọng. Kết thúc phim, bố bất chợt quay ra hỏi tôi "Con có hiểu điều vừa xem không?"
"Khi con xem một bộ phim, đừng vội chú ý đến thông điệp của đạo diễn, hãy chú ý đến cảm xúc của mình lúc này. Một bộ phim hay sẽ giống như uống cafe vậy, nó sẽ chỉ được gọi là ngon sau khi uống xong, ta ngừng lại và cảm thấy vị ngọt nơi cuống lưỡi".
Đó cũng là lần đầu tiên mà tôi thực-sự xem phim cùng bố; đó cũng là hạt mầm đầu tiên về tình yêu điện ảnh mà ông gieo trong tôi, và cuối cùng đã trở thành hoài bão của cuộc đời tôi sau này.
Life is Beautiful của Roberto Benigni, bộ phim thắng 3 giải Oscar mà tôi đã xem đi xem lại gần 20 lần trong suốt những năm tháng bôn ba khắp mọi nẻo đường, nhưng chẳng bao giờ có lại được cảm xúc của mùa hè năm ấy khi lần đầu tiên xem cùng bố.

2,

Ngài Đại tá có ba sở thích lớn nhất ngoài ù phỏm với mấy ông bạn, đó là điện ảnh, đọc sách và thể thao. Mặc dù tôi có tập võ 13 năm, nhưng ông chỉ coi đó là thể dục chứ không phải thể thao, vì vậy trên một khía cạnh nào đó, ông đã thành công truyền lại cho tôi 2/3 đam mê của mình.
Hồi bé, tôi là khách quen của quán thuê truyện gần nhà. Tuần hai lần đi học về là tôi tạt qua đó đổi truyện, lén lút cất vào cặp để đến tối giả dạng học bài, kẹp quyển truyện vào sách Hình học rồi đem ra giải.Tất nhiên là Ngài Đại tá không dễ qua mặt như thế. Ông ghét truyện tranh, bởi với ông đó là thứ vô bổ, tốn thời gian. Mỗi lần bắt được tôi sở hữu truyện là ông đánh, đánh một cách đam mê và nhiệt huyết. Ông càng đánh tôi càng đọc. Đánh mãi mỏi tay và cũng sợ tôi cận lòi như ông anh trai, đến một ngày, thay vì xé quyển Phong Vân tôi mới thuê, bố chỉ lẳng lặng đặt lên mặt bàn tôi quyển "Cuốn theo chiều gió".
Hóa ra tiểu thuyết cũng thú vị như truyện tranh. Và thế là tôi bắt đầu sự nghiện sách. Còn truyện tranh thì chuyển sang chế độ đọc trộm tinh vi hơn mà Đại tá vẫn đinh ninh rằng thằng con mình đã thay đổi.
Hai thập kỷ sau, tôi rời xa gia đình vào hẳn Sài Gòn, hành trang chỉ có 1 cái ví rỗng, 1 vali quần áo, 1 vali toàn sách và 1 cái điện thoại đầy truyện tranh. Bởi những gì tôi cần, Ngài Đại tá đã vốn dĩ đã vun đắp cho tôi trong suốt hơn 30 năm bên ông rồi.

3,

Thỉnh thoảng mẹ hay hỏi vui tôi, sao hồi bé mày về phe mẹ kinh thế mà lớn lên toàn bênh bố mày?
Có lẽ mẹ chưa nhận ra rằng tôi đã bằng tuổi bố thời mới sinh ra tôi, với những trải nghiệm và va vấp có thể chỉ bằng một nửa ông hồi đó. Cũng có lẽ tôi có may mắn đi nhiều, gặp nhiều, ngã nhiều, nên tôi cảm nhận được phần nào gánh nặng mà ông đã mang suốt cuộc đời. Gánh nặng về cơm áo gạo tiền, gánh nặng về tình cảm gia đình, gánh nặng về trách nhiệm của một người đàn ông cần phải có.
Ngồi cách xa Đại tá nửa bản đồ đất nước, tôi chợt nhận ra rằng trong những năm tháng ấu thơ, khi bố đánh tôi, quát mắng tôi; chưa bao giờ vì lý do tôi bị điểm kém, càng không phải lý do tôi buộc phải bằng bạn bằng bè. Ông không bao giờ so sánh và chưa bao giờ đặt lên tôi bất kỳ một áp lực nào về việc phải thành công, phải thành danh. Tất cả những gì ông làm đó là chuẩn bị cho tôi những thứ mà 30 năm sau tôi sẽ cần; và khuyến khích tôi sống cuộc đời tôi muốn, trong phạm vi đạo đức của một người tử tế.
Buổi sáng cuối cùng trước khi tôi bay lại vào Đà Nẵng Tết 2023, Phường gửi giấy về nhà, nhắn Đại tá lên Đình làm lễ Thượng thọ. Họ gọi bố tôi là "cụ Thành" dù ông nằng nặc phủ nhận điều đó bằng mọi cách.
Người đàn ông từng bơi vượt sông Hồng, bóp nát nắp chai bia bằng tay không, hùng dũng, uy nghi đến thế cũng không tránh khỏi dòng chảy của thời gian.
Mẹ lại nhắn "Sao Tết này con ngoan thế, toàn chỉ có ở nhà với bố mẹ". Tôi chỉ cười.
Mẹ ạ, vì con cảm thấy may mắn, may mắn vô cùng; vì đột nhiên bằng một cách nào đó, con hiểu việc được ở bên bố mẹ quý giá đến mức nào. Bố đã từng bảo con nhiều năm về trước "chỉ đến khi con cảm nhận được nụ cười hạnh phúc của bố mẹ, con mới trở thành người đàn ông thật thụ được". Con mới chỉ hiểu được một phần nhỏ câu nói đó mà thôi.
Chụp ảnh bố trong lễ thượng thọ hôm đó, còn đau hơn tất cả những trận đòn bố đánh năm nào.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói "Đã bao giờ bạn được có cơ hội ngồi lại với bố, hỏi ông rằng ước mơ lớn nhất mà ông còn dang dở là gì chưa?".....
Tôi chưa từng có cơ hội đó, nhưng sẽ sớm thôi, tôi sẽ ngồi với ông, Ngài Đại Tá.