Hãy thử tưởng tượng, nếu được sống trong một thế giới không có bất kỳ giới hạn nào, bạn sẽ làm gì? Nếu được có tất cả thời gian và tài nguyên trên thế giới này, nếu không bị ràng buộc, nếu được hoàn toàn tự do, được tha hồ đi bất kỳ đâu, được làm bất cứ điều gì thích, được trở thành bất cứ ai, thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ sống như thế nào?
Chỉ cần nghĩ đến điều tuyệt vời đến mức không tưởng này, nhiều người đã nghe tim mình đập rộn ràng một lúc. Rồi sau phút ngắn ngủi mơ mộng lâng lâng ấy, họ choàng tỉnh và quay về thực tại đầy rào cản, trói buộc, giới hạn,... Họ sẽ lập tức phản biện rằng một thế giới hoàn toàn không giới hạn chỉ là chuyện viễn tưởng, không có tí thực tế nào. Họ liền chấm dứt cơn mộng mơ chóng vánh và quay lại với mớ công việc ngay trước mắt.
Một số người thậm chí còn cảm thấy xấu hổ đôi chút vì đã cảm thấy phấn khích khi tưởng tượng về thế giới trong mơ tuyệt vời đó. Họ cho rằng chỉ mỗi việc nghĩ đến những chuyện phi thực tế đó đã là thiếu thực tế lắm rồi.
Tất nhiên, họ không sai khi cho rằng một thế giới không giới hạn chẳng hề có thực, nhưng sâu thẳm trong những lời phản biện kia chính là sự lúng túng của họ trước câu hỏi “Bạn sẽ làm gì trong một thế giới không giới hạn?”. Thật ra, họ không biết phải trả lời câu hỏi ấy thế nào.
Nhiều người thực sự chưa bao giờ nghĩ về một thế giới như thế.
Nhiều người thường thực tế ngay cả trong những ước mơ của mình.
Những ước mơ của ta thường liên quan đến những điều hết sức thực tế, ví dụ như những kỳ vọng của người khác dành cho ta, những điều công ty mong đợi ta cống hiến. Và rồi, đúng là ta được trả tiền cho những giá trị ta đã tạo ra và thời gian ta dành để tạo ra những giá trị đó. Nhưng tại sao chúng ta lại để người khác định hình cuộc đời mình?
Tại sao chúng ta sàng lọc, định hình những giấc mơ đời mình dựa trên những gì người khác cần ta làm trong quý tới? Tôi xin nói rõ rằng cuốn sách này không nói về việc chinh phục những mục tiêu trong cuộc đời hoặc tìm kiếm mục đích sống.
Cuốn sách "Mở khóa sáng tạo" sẽ giúp bạn xây dựng những cấu trúc cho cuộc đời bạn và thực hành chúng, từ đó bạn sẽ tìm thấy những cơ hội mới. Bạn cũng sẽ nhìn thấy những cơ hội mà trước đây bạn không hề nhận ra.
Bạn bắt đầu trải nghiệm những cách mới mẻ để đối diện với thế giới, khi bạn thật sự làm chủ những ước mơ, hoài bão, lựa chọn của mình. Sau tất cả, bạn sẽ nhận ra sự thật rằng bạn có những điều rất đặc biệt để đóng góp cho thế giới này.

Khai phá tiềm năng của bản thân cùng “Mở khoá sáng tạo”

Dù bạn đang làm việc gì, sự sáng tạo cũng sẽ mang lại cho bạn và những người liên quan vô số lợi ích.
Là một người sáng tạo, bạn cần học được cách liên tục tìm ra những ý tưởng hay ho kịp thời điểm quy định. Muốn làm được điều mà nhiều người cho là rất khó này, bạn cần bắt đầu quá trình tìm kiếm ý tưởng bằng cách ngược dòng về lại thời điểm bạn cảm thấy cần có một ý tưởng.
Bạn cũng cần thực hành thường xuyên các cách khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo trong mình. Nhiều người thường nghĩ sáng tạo là điều gì đó rất bí ẩn, mà không hề biết rằng khi luyện tập đúng cách và có mục tiêu, ta sẽ có được rất nhiều giây phút bùng nổ ý tưởng. Ngoài ra, ta còn có thể sáng tạo bền bỉ, tháng này qua tháng khác, năm này sang năm khác mà không rơi vào bi kịch cạn kiệt ý tưởng mà nhiều người hay gặp phải.
“Mở khoá sáng tạo” gồm 2 phần:
Phần 1. Những động lực sáng tạo, và Phần 2. Nhịp điệu sáng tạo.
Phần 1, bao gồm từ Chương 1 đến Chương 3, mô tả những áp lực của người làm công việc sáng tạo, và vì sao việc phải không ngừng sáng tạo từ ngày này qua ngày khác lại khó khăn đến vậy.
Phần 2, bao gồm từ Chương 4 đến Chương 10, sẽ giới thiệu những phương pháp giúp bạn khai phá sức sáng tạo. Có thể bạn sẽ nôn nóng đọc ngay Phần 2, nhưng tất nhiên là bạn nên bắt đầu đọc từ Phần 1 vì có những động lực ảnh hưởng đến hiệu quả sáng tạo nhưng chưa được nghiên cứu nhiều, trong khi chúng ảnh hưởng rất nhiều đến việc bạn có phát huy được tối đa sức sáng tạo của mình hay không.
Tóm lại, dù bạn đang làm công việc gì, ở vị trí nào thì bạn đều có thể liên tục tìm ra những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, cải thiện đáng kể khả năng sáng tạo một khi bạn sẵn sàng tiếp cận, tìm hiểu và thực hành quá trình sáng tạo một cách có chủ đích.