Sáng nay tôi nhận được câu hỏi rất thú vị của chị bạn (vẫn đang trẻ và xinh):
- Muốn tìm niềm vui. Em recommend (giới thiệu) cách được không?
- Good question chị ơi! Em rất thích nhận câu hỏi này.

Ngày trước có lúc tôi nghĩ, giờ mình đang có gia đình đầm ấm, mình còn đang trẻ, đi đâu đó còn có chút người để ý. Sau này nếu mình già, con cái lớn có cuộc sống riêng của nó, giờ mình với chồng cũng ổn, mình không lo sợ gì nhưng chẳng ai biết trước được tương lai.
Vậy nếu một ngày, mình không còn trẻ nữa và cô đơn, thì đâu sẽ là niềm vui của mình?
Đây không phải là một câu hỏi rỗi hơi. Vì nếu ai đã từng là một đứa trẻ lớn lên trong trạng thái luôn cô đơn vì thiếu vắng sự ấm áp từ gia đình, thì sẽ hiểu.
Tôi đã loay hoay, thử cái này cái kia để đi tìm niềm vui trong chính mình. Và nhận ra rằng:
1. Trước tiên, niềm vui đến từ chính nụ cười của mình, khi mình dần tập cách tự cười mỉm một mình với những điều trái ý, để nhận ra là mọi thứ ok không đến nỗi tệ như mình nghĩ.
2. Thứ hai, khi mình có một thú vui riêng mà dù mình mình chơi, một mình mình thôi, cũng vẫn thấy vui.
Tôi tìm được niềm vui tự tại đó khi tôi vẽ, khi làm thiếp hand-made, khi đi lang thang chụp ảnh, khi viết lách... Tôi có thế giới vui thích của riêng mình, niềm vui của tôi không phụ thuộc vào người khác. Mỗi người sẽ có cách riêng để tự tạo ra niềm vui cho mình. Có người là nấu ăn, làm bánh, thêu thùa, trồng cây, đàn hát hay đam mê nghiên cứu một lĩnh vực nào đó…
Trong trị liệu tâm lý, có phương pháp là Art therapy (trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật). Khi mà tâm trí của mình có thể tập trung, không cần tác động bên ngoài, để vui thích, chăm chú tạo ra một tác phẩm, kết quả nào đó, rồi sau đó tự ngắm nhìn, thích kết quả mình làm. Trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật rất hiệu quả vì trong nghệ thuật, xấu đẹp không phụ thuộc vào người khác, đó là do tùy quan niệm, ý thích và sự đồng cảm của mỗi người khán giả khi nhìn tác phẩm, còn người nghệ sĩ thực thụ khi sáng tạo, họ không nghĩ xấu hay đẹp theo đánh giá bên ngoài, mà là cảm giác kết nối với chính mình, thoản mãn ham mê tự tại với chính mình, cảm giác đó rất tuyệt vời.
3. Thứ ba, tập cười với người khác hay là biết dịu mặt xuống khi gặp chuyện không vừa lòng với người khác. Chán nản, bực dọc và bỏ cuộc chỉ làm mình thêm chán nản và đổ vỡ, đổ vỡ mối quan hệ với người khác rồi với cả chính mình.
Hãy luyện tập cho đến khi thành thói quen là hít thở đủ sâu, thả lỏng cơ mặt, thả lỏng sự căng thẳng trong người. Khi mình thả lỏng được cơ thể thì tâm trí mình sẽ sáng suốt hơn để tìm ra cách diễn đạt tích cực. Bởi vì không quan trọng là ai đúng ai sai, do chúng ta chưa hiểu nhau, ai cũng có lý do chính đáng của mình khi làm thế, nhưng giao tiếp bình yên sẽ giúp chúng ta hiểu được nhau và tìm được hướng giải quyết hài hòa hơn.
Và có lẽ chỉ khi mình tự có niềm vui trong mình, thì mình mới đem lại niềm vui được cho người khác.