Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ là nơi sản sinh ra các nền văn hóa lớn, nối tiếp nhau phát triển, điển hình là văn hóa Đông Sơn, Đại Việt. Từ Bắc Bộ, văn hóa Việt lan truyền vào Trung Bộ rồi đến Nam Bộ. Sự lan truyền ấy vừa chứng tỏ sức sống mãnh liệt, vừa chứng tỏ sự sáng tạo không ngừng của người dân Việt Nam. Với tư cách ấy, văn hóa châu thổ Bắc Bộ mang những nét đặc trưng của nền văn hóa Việt, nhưng lại cũng có những nét riêng của vùng. Đáng kể nhất là các lễ hội, sinh hoạt  văn hóa tín ngưỡng của người Bắc Bộ có thể được ví như một bảo tàng văn hóa tổng hợp, nơi lưu giữ rất nhiều các nét sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương.
Đặc điểm tín ngưỡng vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
Cư dân Châu Thổ Bắc Bộ từ lâu đã gắn với hoạt động nông nghiệp, bởi lẽ điều đó đã tạo nên nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tứ pháp: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện... Hình thái tín ngưỡng thờ tứ Pháp là một trong hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ khi đời sống nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, “quan niệm vạn vật hữu linh”, với ước muốn được sự bảo trợ của các đấng siêu nhiên, giúp cho họ một năm mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, dần dần các tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân nơi đây.
Song với đặc trưng là nếp sống quần xã, hình thành nên các ngôi làng. Sự gắn kết trong đời sống tâm linh là cái nền vững chắc nhất cho quan hệ cộng đồng làng xã. Do vậy mà tục thờ cúng thành hoàng được xem là điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cư dân vùng đất này. Mỗi làng xã ở Bắc Bộ đều có một vị thành hoàng riêng cho làng mình. Với quan niệm Thành Hoàng vị thần bảo trợ cho cả làng, là nơi gửi gắm niềm tin của dân làng, cuộc sống của cộng đồng làng có yên ổn, giàu sang hay bần hàn đều trông nhờ vào sự bảo trợ ấy.
Bên cạnh đó, với ý thức hướng về nguồn cội thông qua việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình, hay hướng xa hơn về nguồn cội đất nước. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, tín ngưỡng thờ Mẫu và những nhân thần có đức có công với nước với dân... Có thể thấy tín ngưỡng là chiều sâu của ý thức thì lễ hội là biểu hiện sinh động nhất, tập trung nhất của sinh hoạt cộng đồng cư dân đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Dù đi đâu về đâu, phiêu bạt nơi đất khách quê người nhưng họ vẫn nhớ ngày trở về quê cha đất tổ dâng lễ, đi hội mới thành người:
“ Ai ơi mồng 9 tháng tư
Không đi Hội Gióng cũng hư mất đời”
 “ Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”`
Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ là nơi hội tụ của nhiều tín ngưỡng, lễ hội văn hóa đa dạng, có thể kể đến như: Lễ hội đền Hùng, Hội Lim. lễ hội chùa Hương, Hội Gióng… Trong số đó không thể bỏ qua lễ hội Chử Đồng Tử - lễ hội tiêu biểu của người dân Khoái Châu, Hưng Yên.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là “lễ hội tình yêu”, thường được tổ chức vào ngày mùng 10 đến 12 tháng 2 (Âm lịch), tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch) thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến tình yêu bất tử của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung; đồng thời là sự tôn vinh công lao của Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế.
Theo truyền thuyết kể lại, đền Đa Hòa là nơi chàng trai nghèo Chử Đồng Tử gặp được nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp – con gái vua Hùng Vương thứ 18. Đền Hóa Trạch là nơi Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân về trời. Đều đặn 3 năm một lần, lễ hội trở thành một nét văn hóa độc đáo, với quy mô tổ chức lớn, cứ mỗi dịp tổ chức lễ hội lại thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham dự.
Mở màn lễ hội là các làng thuộc tổng Mễ tổ chức đội hình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hoà. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20 mét được ba chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi khiến cuộc rước thật tưng bừng. 
Tiếp theo sau là hai hàng các bà, các chị, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, trống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, đội múa nón, đội nhạc lễ. 
Tiếp đến là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu chóe nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, ba kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa đi sau. 
Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền Hoá lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu. Ngoài ra, khi đến đây chúng ta còn có cơ hội được thưởng thức điệu múa “Đĩ đánh bồng” vô cùng độc đáo. Đó là điệu múa mà các chàng trai hóa thân thành nữ, mặc những trang phục sặc sỡ, đội khăn mỏ quạ, đeo trống cơm nhảy múa, lúng luyến cười làm cho không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt.
Hơn thế nữa, trong thời gian lễ hội diễn ra còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống giao lưu văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Cờ tướng, bơi chải, hát trống quân, đập niêu đất,…
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là điểm du lịch tham quan không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ này.
Tín ngưỡng trong lễ hội
Với tấm lòng biết ơn, tri ân Chử Đồng Tử nhân dân tôn thờ Ngài như ông tổ của Đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ). Chính sự gặp gỡ có phần kì bí đã thêu dệt nên một thiên tình sử lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lạ lùng là ở đây có một tình yêu và quan niệm bạo dạn, tới mức dũng cảm, vượt qua tất cả mọi ranh giới. Nàng Tiên Dung dám yêu, dám lấy chàng Chử Đồng Tử nghèo hèn, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến và ngôi vị thứ bậc trong xã hội. Đây là một nét đẹp đậm chất nhân văn. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử đã đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng mở mang khai phá đồng bằng trũng lầy thành cánh đồng tốt tươi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và phát triển các ngành nghề khác; đặc biệt nghề buôn bán. Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã mở một hướng mới cho sự phát triển dân tộc, tạo nên sự giao lưu giữa dân tộc và cộng đồng bên ngoài. Theo quan niệm dân gian Chử Đồng Tử là người ở cõi tiên giáng trần, có đức độ tài ba, sau đó dùng phép lạ của mình để cứu nhân độ thế được dân gian tôn thờ, ngưỡng mộ.
Với giá trị văn hóa sâu sắc, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung như một thông điệp gửi tới hậu thế về lòng hiếu thảo, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc, gắn liền với sự di cư của cư dân từ vùng núi cao xuống khẩn hoang đất đai vùng châu thổ sông Hồng. Có thể nói khi tham gia lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hòa trong không khí dòng người trẩy hội, bao bộn bề lo toan dần như tan biến, đọng lại là những tiếng cười, là niềm vui, là sự gắn kết cộng đồng trong mỗi người. Trải nghiệm những nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội, mỗi du khách sẽ thấy mình lạc quan, yêu đời hơn, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa và sống hướng thiện hơn.