3. STEPHEN KRASHEN VÀ LÝ THUYẾT LĨNH HỘI NGÔN NGỮ THỨ 2.

Tóm tắt: - Lĩnh hội ngôn ngữ là quá trình đích thực để người học thông thạo một ngôn ngữ. Quá trình này xảy ra một cách vô thức. - Học ngôn ngữ là quá trình ghi nhớ bộ quy tắc ngôn ngữ và áp dụng. Đây là hành động có ý thức và không thể giúp người học lĩnh hội ngôn ngữ. - Bộ quy tắc ngôn ngữ là một công cụ yếu trong việc hỗ trợ giao tiếp. Việc giám sát nói/viết bằng quy tắc ngữ pháp là hành động bơi ngược dòng, kém hiệu quả. - Tất cả chúng ta đều đã lĩnh hội được ngôn ngữ đầu tiên - ngôn ngữ mẹ đẻ. - Lĩnh hội ngôn ngữ thứ 2 có thể xảy ra ở người lớn và quá trình này tương tự quá trình lĩnh hội ngôn ngữ ở trẻ em với ngôn ngữ mẹ đẻ. - Luyện nói không làm bạn nói tốt hơn!😮 Muốn nói hay, đầu tiên hãy lắng nghe thật nhiều. - Luyện Viết không làm bạn viết giỏi hơn!😮 Muốn viết giỏi, đầu tiên hãy đọc thật kỹ.
Ghi chú: - Bài viết dài và có tham khảo bản rút gọn của nghiên cứu về lĩnh hội ngôn ngữ thứ 2 - Stephen Krashen's Second Language Acquisition Theories trên Wikipedia. - Image source: https://www.lingq.com/blog/stephen-krashen/ - Bài viết tiếp theo sẽ tổng hợp toàn bộ thông tin từ P1, P2 và trả lời câu hỏi tựa đề của bài viết này.
Bắt đầu: Ai trong chúng ta cũng đã lĩnh hội ngôn ngữ mẹ đẻ (The First Language Aquisition) và sử dụng nó một cách thành thạo. Vậy còn những ngôn ngữ đến sau (Second Languages), thì có thể nào lặp lại quá trình lĩnh hội ở ngôn ngữ mẹ đẻ lên chúng hay không?🤔 Đây là một câu hỏi thú vị và đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà ngôn ngữ học. Một trong những nghiên cứu tiêu biểu nhất là "The Input Hypothesis" của Stephen Krashen. Nghiên cứu này chỉ ra rằng lĩnh hội ngôn ngữ thứ 2 là điều có thật và quá trình này xảy ra theo cách tương tự như nó đã xảy ra ở ngôn ngữ đầu tiên.
Bốn kỹ năng quan trọng nhất của ngôn ngữ là nghe, nói, đọc và viết. Trong quan điểm truyền thống, cả 4 kỹ năng thường được đề cập tới như một nhóm kỹ năng ngang hàng mà bất kì người học nào cũng phải trang bị cho bản thân trước khi thông thạo một ngôn ngữ. Lý thuyết về ngôn ngữ học hiện đại của Stephen Krashen không đồng tình với quan điểm trên và phân tách 4 kĩ năng thành 2 nhóm khác nhau: + Nhóm INPUT - đầu vào gồm kỹ năng nghe và đọc. + Nhóm OUTPUT - đầu ra gồm kỹ năng nói và viết.
Theo Krashen, nhóm INPUT giúp chúng ta lĩnh hội ngôn ngữ nhưng nhóm OUTPUT thì không! 😮 Điều này có nghĩa là gì? Để hiểu rõ hơn nhận định trên, hãy cùng xem qua Input Hypothesis (gồm 5 lý thuyết chính) như sau:

3.1. INPUT HYPOTHESIS:

Input hypothesis phát biểu rằng để lĩnh hội được ngôn ngữ, ta cần cung cấp dữ liệu đầu vào (phải là dữ liệu đầu vào có thể hiểu được) cho người học qua 2 con đường nghe và đọc (Input). Input là con đường duy nhất đưa người học tới sự lĩnh hội ngôn ngữ thành công.
Phép loại suy tức thời cho lý thuyết này có thể dẫn ta tới hình ảnh về những đồ vật bị "rỗng". Nó có thể là một chiếc ly, một cái trống hay đơn giản là chiếc ví của bạn. Trong khi bản thân vật này là hình ảnh ẩn dụ cho người học ngôn ngữ thì vật chất lấp đầy trong đó lại chính là năng lực ngoại ngữ - kết quả của quá trình lĩnh hội ngôn ngữ thành công. Không có lối đi nào có thể dẫn tới sự thành công trên ngoài việc "lấp đầy" khoảng trống bên trong chính đồ vật đó bằng con đường "input". Như đã được đề cập ở trên, input trong ngữ cảnh này bao gồm "nghe" và "đọc".
Một ví dụ điển hình chứng minh cho lý thuyết này là những trẻ em không may bị điếc bẩm sinh🧏 lúc sinh ra. Những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ không thể nói chuyện hay giao tiếp theo cách thông thường được và thường bị cho là câm-điếc bẩm sinh. Điểm cần lưu ý ở đây là, những trẻ em này không nói được không phải bởi vì hệ thanh âm của chúng không phát triển mà vì con đường dẫn đến lĩnh hội ngôn ngữ đầu tiên của chúng đã không may bị mất đi. Lý thuyết này do đó dẫn tới 2 kết luận quan trọng sau: - "Nói" không giúp ích gì cho quá trình lĩnh hội ngôn ngữ, hay "nói" không khiến bạn "nói" giỏi hơn. Thực tế thì "nói" là biểu hiện đến sau khi quá trình lĩnh hội ngôn ngữ thành công. - Khi lượng thông tin đầu vào được cung cấp đầy đủ (khi người học "nghe" đủ), người học có thể suy ra cấu trúc của ngôn ngữ mà không cần tới việc nghi nhớ các quy tắc ngôn từ.

3.2. ACQUISITION-LEARNING HYPOTHESIS:

Acquisition-learning hypothesis chỉ ra sự khác biệt giữa quá trình lĩnh hội ngôn ngữ và học ngôn ngữ. ➡️Lĩnh hội ngôn ngữ: Là quá trình xảy ra một cách tự nhiên và vô thức. Một người không thể nhận ra anh ta đang hay đã lĩnh hội được điểm nào trong ngôn ngữ đích. Theo Krashen, cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể lĩnh hội được ngôn ngữ. Quá trình này giống với quá trình mà trẻ em lĩnh hội ngôn ngữ đầu tiên (ngôn ngữ mẹ đẻ). Hơn hết, việc lĩnh hội ngôn ngữ cần tới những tương tác về mặt ý nghĩa của ngôn từ, không phải những quy tắc được ghi nhớ một cách máy móc. ➡️Học ngôn ngữ là một quá trình có ý thức. Việc này xoay quanh nhiệm vụ ghi nhớ các luật lệ, cấu trúc, ngữ pháp và do đó liên quan nhiều đến việc sửa lỗi. Theo Krashen, quá trình học kém hiệu quả hơn so với quá trình lĩnh hội.

3.3. MONITOR HYPOTHESIS:

Monitor hypothesis chỉ ra vai trò của hệ thống quy tắc ngữ pháp mà người học "học" được và nhấn mạnh rằng đây là một công cụ yếu. Nó chỉ có thể được sử dụng để giám sát (monitor) những gì được nói/viết bất kể đó là trước hoặc sau khi lời được nói/viết ra. Đây là những hành động giám sát và điều chỉnh lời nói. Điều kiện để giám sát ngôn ngữ gồm: ➡️Người học phải nhớ rõ bộ quy tắc/ngữ pháp. ➡️Người học phải tập trung vào việc giám sát để sửa lỗi. ➡️Người học phải tiêu tốn một khoảng thời gian để giám sát. Trên đây đều là những điều kiện khó có thể đạt được. Bộ quy tắc của ngôn ngữ con người rất phức tạp(tham khảo P1) và chỉ có thể bao hàm những phần chung nhất của ngôn ngữ mà thôi. Nằm rải rác trong bộ quy tắc ngôn ngữ là những sự bất quy tắc (bảng động từ bất quy tắc trong tiếng Anh là một ví dụ). Một hệ quả nữa của việc tiêu tốn thời gian để giám sát là nó làm chậm đáng kể quá trình giao tiếp.

3.4. NATURAL ORDER HYPOTHESIS:

Natural order hypothesis nói rằng tất cả mọi người đều lĩnh hội ngôn ngữ theo một thứ tự nhất định. Thứ tự này không thay đổi bất kể bạn là ai, hay ngôn ngữ bạn học là gì.

3.5. AFECTIVE FILTER HYPOTHESIS:

Affective filter là trở ngại ngăn cản một người lĩnh hội được ngôn ngữ mà anh ta muốn học. Lý thuyết này chỉ ra rằng những cảm xúc nhất định như lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ bản thân hay buồn chán sẽ gây cản trở trực tiếp tới quá trình lĩnh hội ngôn ngữ. Chúng làm suy giảm lượng thông tin mà người nghe có thể hiểu được và do đó ngăn cản quá trình lĩnh hội. Theo Krashen, một trong những cách để làm yếu Afective Filter đó là áp dụng - Silent period (không bắt ép người học phải nói/viết trước khi họ được nghe/đọc qua một số lượng thông tin đầu vào - INPUT nhất định).
T.B.C
Tác giả: May The Grammar Be With You