#languagelearning #languageapproach #firstlanguageacquiisition #secondlanguageacquisition
Tóm tắt:
    - Con người sinh ra vốn là những cỗ máy học ngôn ngữ.
    - Chữ viết, quy tắc ngôn ngữ, ngữ pháp là công cụ mã hóa thông tin thứ cấp, không phải là công cụ để học giao tiếp.
Ghi chú:
    - Bài viết dài và có tham khảo - trích dẫn từ Sapiens (dịch giả Nguyễn Thủy Chung).
    - Phần 2 sẽ đề cập tới nghiên cứu về lĩnh hội ngôn ngữ thứ 2 (Second Language Acquisition) và danh sách nhiệm vụ để tiếp cận ngôn ngữ một cách trực tiếp hơn.
Bắt đầu:
Sơ đồ hành vi giao tiếp giữa con người.

    Ghi nhớ ngữ pháp, luyện phát âm, học bảng phiên âm IPA, học thuộc từ vựng, thành ngữ, cụm từ phổ biến, xem phim ảnh, nghe nhạc, giao tiếp với người bản xứ… là những từ khóa phổ biến dễ tìm thấy nhất khi ta tìm hiểu về việc học một ngoại ngữ mới. Với mục đích sau cùng là để có thể giao tiếp thành thạo, đọc hiểu và viết cho đúng quy tắc thì những nhiệm vụ nêu trên đều có vẻ hợp lí  và dễ hiểu. Tuy nhiên số lượng nhiệm vụ trên là quá nhiều và trong phần lớn trường hợp có thể gây choáng ngợp, phản tác dụng. Những nhiệm vụ mà một người học ngôn ngữ cần phải tuân theo thực sự đơn giản hơn rất nhiều!

1. SỰ KHÁC BIỆT TO LỚN GIỮA "NGHE NÓI" VÀ "ĐỌC VIẾT".

"Nghe nói" là đặc tính tự nhiên của loài.
"Đọc viết" là hành vi mã hóa - giải mã ở những động vật thông minh.
Có một sự thật về ngôn ngữ mà ít ai để ý tới đó là: Hoàn toàn có khả năng mà một người nghe nói thành thục nhưng không thể viết hay đọc; Ngược lại, anh ta có thể đọc/viết lưu loát nhưng lại chật vật trong việc kiểm soát từ ngữ trong lúc giao tiếp. Nhóm đầu tiên là những người mù chữ. Nhóm thứ 2 là tình trạng phổ biến xảy ra ở người học ngôn ngữ mới. Tại sao lại như vậy?
Lí do hiển nhiên nhất chính là vì "nghe nói" và "đọc viết" là 2 thứ hoàn toàn khác biệt về nguồn gốc lẫn chức năng. Một thứ là khả năng được di truyền qua nhiều thế hệ trong khi thứ còn lại là công cụ được con người phát minh. Do đó việc trở nên thành thục ở một nhóm và mù tịt ở nhóm còn lại là hiện tượng hết sức bình thường. Để chứng minh cho nhận định trên, ta cần phải dạo qua một chút lịch sử phát triển của cả hai.

1.1. "NGHE NÓI" LÀ ĐẶC TÍNH TỰ NHIÊN CỦA LOÀI.

Trong cuốn sách Sapiens, Yuval Noah Harari đã nêu lên một giả thuyết về sự phát triển của ngôn ngữ loài người. Giả thuyết chỉ ra rằng con người từ những ngày đầu trong quá trình tiến hóa đã giao tiếp với nhau bằng những cách thức rất đơn giản và thô sơ, tương tự như cách loài ong/kiến vẫn hay chỉ cho nhau về chỗ có đồ ăn. Sau đó, vào thời kỳ cách đây khoảng 70000 đến 30000 năm, một đột biến di truyền ngẫu nhiên thay đổi hệ thống thần kinh trong não bộ đã cho phép họ suy nghĩ đột phá và giao tiếp bằng một loại ngôn ngữ mới phức tạp và tinh vi hơn. Con người do đó có thể hấp thu, lưu trữ và truyền đạt một lượng thông tin khổng lồ về thế giới xung quanh. Không đơn giản chỉ là chỉ cho nhau chỗ có thức ăn nữa mà chúng ta còn có thể miêu tả chính xác màu sắc, mùi vị hay độc tố với độ chi tiết và tính liên kết cao vượt bậc so với ngôn ngữ của những loài động vật khác. Đây cũng là khung thời gian mà cuộc Cách Mạng Nhận Thức xảy ra. Loài người trong khoảng thời gian này đã tạo ra các huyền thoại, các vị thần và tôn giáo đầu tiên chỉ với công cụ giao tiếp tự nhiên đó.

1.2. SỰ RA ĐỜI CỦA "CHỮ VIẾT" - CÔNG CỤ MÃ HÓA THÔNG TIN.

Cũng theo Sapiens, cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp vào thời điểm cách đây 10000 năm cùng với lượng thông tin khổng lồ về quyền tư hữu, của cải thặng dư đã khiến cho não bộ của loài người trở nên quá tải. Các đế chế khổng lồ tạo ra khối lượng thông tin đồ sộ với luật pháp, tiền tệ, các loại thuế, lịch của các lễ hội, lịch sử các chiến thắng… Trong hàng triệu năm, con người đã chứa thông tin ở một nơi duy nhất - bộ óc của mình. Thật không may, bộ óc con người không phải là một thiết bị lưu trữ tốt cho những cơ sở dữ liệu có kích cỡ "đế chế" vì 3 lí do chính:
    - Thứ nhất, năng lực của nó bị giới hạn.
    - Thứ hai, khi con người chết đi, bộ óc của họ cũng chết theo. Bất cứ thông tin nào chứa trong bộ óc đó cũng sẽ bị xóa sạch sau khi nó chết. Ký ức có thể được chuyển giao từ bộ óc này sang bộ óc khác, nhưng mỗi một lần như vậy là một lần thông tin bị cắt xén và thay đổi đi.
    - Thứ ba, bộ não loài người đã tiến hóa và thích nghi trong một thời gian dài để lưu trữ những thông tin rộng lớn về thực vật, động vật, địa hình. Nó hoàn toàn không thích ứng kịp để phải ghi nhớ những dữ liệu toán học, những con số hay lượng của cải thặng dư mà cuộc Cách Mạng Nông Nghiệp mang lại.
Sự giới hạn trí óc này do đó đã hạn chế rất nhiều kích thước và sự tinh vi trong các cấu trúc xã hội lúc bấy giờ. Khi số người và tài sản trong một cộng đồng vượt qua ngưỡng tới hạn, việc lưu trữ và xử lí một lượng lớn dữ liệu toán học là cần thiết. Và vì bộ óc của con người không thể làm điều này nên hệ thống đã sụp đổ. Trong hàng ngàn năm sau Cách Mạng Nông Nghiệp, các mạng lưới xã hội con người vẫn còn tương đối nhỏ. "Cái khó, ló cái khôn!", vào khoảng thời gian từ năm 3500-3000 TCN, những thiên tài người Summer cổ đại, sống ở phía nam Lưỡng Hà đã phát minh ra một công cụ mã hóa đặc biệt để giúp họ vượt qua được giới hạn của não bộ mà cho tới ngày nay con người hiện đại vẫn tiếp tục sử dụng và phát triển. Đó chính là chữ viết.
Hệ thống chữ viết của người Summer cổ đại.

2. BẢN CHẤT CỦA NGỮ PHÁP.

Simplicity is the ultimate sophistication. – Leonardo da Vinci.
Năm 3500-3000 TCN con người lần đầu tiên sáng tạo ra chữ viết. Như vậy trước thời điểm đó, trong thời kì sau Cách Mạng Nhận Thức và trước Cách Mạng Nông Nghiệp, tổ tiên chúng ta đã làm thế nào để có thể học được cách giao tiếp mà không có lấy một cuốn sách ngữ pháp, một tập hợp những quy luật chữ viết, bảng phiên âm IPA, những chương trình dạy phát âm để chúng ta học theo? Một đứa bé ra đời trong thời kì đó đã làm cách nào để có thể học và hòa nhập với cộng đồng?
Lời giải thích khả dĩ nhất, là bản năng và khả năng tự nhiên của con người đã cho phép họ làm điều đó.
"Nghe nói" là đặc tính của loài và khả năng học "nghe nói" là một phần trong bản năng tự nhiên của con người được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đôi tai cho phép họ lắng nghe tiếng gọi của đồng loại. Bộ não thông minh xử lý âm thanh họ nghe được (1), suy ra quy tắc ngôn ngữ nói và ghi chép lại. Hệ thanh âm phát triển giúp họ phản hồi theo những luật lệ đã được suy ra. Khả năng giao tiếp này không đến ngay lập tức mà cần một khoảng thời gian tương đối dài cho các cá thể mới sinh ra để có thể lĩnh hội được. Tất cả chúng ta, bất kể bạn sống ở đâu, quốc tịch gì, theo tôn giáo nào, giới tính nào đều đã trải qua quá trình này một cách bị động. Đây được gọi là là quá trình lĩnh hội hội ngôn ngữ đầu tiên - ngôn ngữ mẹ đẻ (First language acquisition).
"Chữ viết" mặt khác, về bản chất lại là thứ đến sau ngôn ngữ "nghe nói". Chữ viết là bộ quy tắc mã hóa mà "người viết" phải tuân theo để "người đọc" - với một sự huấn luyện nhất định - có thể hiểu được những gì "được viết" ra.  Nó là một tập hợp những quy luật sắp xếp, những kí tự độc nhất với ý nghĩa riêng biệt, những công thức để "mã hóa - giải mã" thông tin thế giới quan và suy nghĩ của chính con người. Nếu không được đào tạo, không một cá thể mới sinh nào có thể viết hay đọc được. Chữ viết do đó không phải món quà được di truyền qua thế hệ. Đây là một phát minh mà nếu bị thất lạc, sẽ phải cần thêm rất nhiều thời gian cho tới khi một dạng chữ viết khác được phát minh ra hoặc, con người sẽ phải giải mã ngược và tái tạo lại công thức của hệ thống chữ viết đã biến mất.
Tới đây hẳn là bạn sẽ nhận ra bộ quy tắc mã hóa được đề cập ở trên chính là nguồn gốc của mọi loại ngữ pháp mà ta bắt gặp. Với mỗi loại ngôn ngữ khác nhau sẽ tồn tại những bộ quy tắc/ngữ pháp khác nhau.
Như vậy ta có thể thấy được phương pháp giảng dạy ngoại ngữ truyền thống đang dẫn người học đi ngược dòng lịch sử, từ thời kì những người Sumer phát minh ra chữ viết đầu tiên trở về trước. Chiều hướng của phương pháp này dẫn ta đi qua bộ quy tắc trước và thôi thúc việc nghi nhớ chúng để có thể áp dụng trong việc nghe nói (2). Liệu điều này có phải là một phát minh đột phá trong giảng dạy - tương tự như chữ viết - được tạo ra bởi khả năng hiếm có độc nhất của một động vật cấp cao hay đơn giản đây chỉ là một lỗi mà số đông chưa kịp nhận ra để loại bỏ?
Đây không hẳn là một lỗi, nhất là khi cách thức giảng dạy nãy vẫn có hiệu quả tốt ở một số cá nhân cá biệt trong khi phần lớn hơn sẽ rơi vào nhóm thứ 2 mà bài viết đã đề cập ở đầu (thành thạo đọc viết nhưng nhe nói thì không). Nó sẽ vẫn tạo ra những người có khả năng "đọc viết" giỏi nhưng tuyệt đối không phải là chìa khóa để đạt sự thành thạo ở cả 4 kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết), không phải là cách để người học bộc phát được năng lực ngoại ngữ tối đa - thứ vốn ai sinh ra cũng đều sở hữu.
Vậy chìa khóa để thành thạo cả 4 kỹ năng ngoại ngữ là gì?
Câu trả lời này sẽ được đề cập ở phần tiếp theo!
T.B.C
Note:
(1) Nhiều nghiên cứu ngành não học hiện đại cuối cùng đã xác định ra được khu vực này trong não bộ và đặt tên cho nó là Wernicke area.
(2) Phương pháp truyền thống cung cấp nhiều cách thức hơn nhưng chiều hướng dẫn đến mục đích để người học đạt được sự thành thục trong giao tiếp vẫn không đổi, hoặc có cải tiến nhưng không theo một cách trực tiếp.

Tác giả: May The Grammar Be With You