Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng những biện pháp khác
Carl von Clausewitz, Bàn về chiến tranh
Biên giới Nga, mùa đông năm 1812, đội quân liên dân tộc gần 700 ngàn người của Napoleon rút lui trong thảm bại sau khi thiêu rụi Moscow. Hậu cần thiếu thốn cùng với mùa đông khắc nghiệt đã giết chết gần một nửa quân Pháp.
Miền nam Đan Mạch năm 1864, lần đầu tiên trong lịch sử, đại bác nạp đạn hậu Krupp của quân Phổ được sử dụng, giáng đòn sấm sét xuống phòng tuyến của quân Đan Mạch. Sau 2 giờ pháo kích, quân Phổ xung phong nghiền nát quân đội đối phương.
Mùa hè năm 1915 ở Tiểu Á, liên quân Anh – Pháp bị cầm chân tại Gallipoli, mỗi ngày hàng ngàn lính tử trận bởi lính bắn tỉa Ottoman, đạn pháp và… kiết lỵ. Đế quốc Ottoman đứng vững trong khi liên quân Anh – Pháp phải chuyển hướng về Hy Lạp.
Quần đảo Okinawa (Lưu Cầu) năm 1945, quân Mỹ và quân Nhật giảnh giật nhau từng thước đất. Lính Nhật sử dụng thường dân để đánh lừa và đột kích lĩnh Mỹ. Nhiều cuộc tàn sát diễn ra, Okinawa gần như bị hủy diệt bởi bom đạn của hai bên tham chiến.
Những mẩu thông tin trên có khiến bạn chùn chân nếu đang có ý định nhập ngũ? Kỷ luật sắt đá, tính cách can trường, tiếng hô xung phong, lá cờ chiến thắng, sự ngưỡng vọng nơi xã hội có khiến bạn cân nhắc với quyết định nhập ngũ không? Binh lính, vũ khí, công nghệ, hậu cần, lòng ái quốc, các cuộc thảm sát… đó chỉ là một phần của chiến tranh, cũng chưa phải tất cả những gì một người lính có thể trải nghiệm trong một cuộc chiến.
Cuốn sách đầy thú vị về người lính, về chiến tranh và những thứ bao phủ suy nghĩ của chúng ta về chiến tranh (Nguồn: Tác giả)
Cuốn sách đầy thú vị về người lính, về chiến tranh và những thứ bao phủ suy nghĩ của chúng ta về chiến tranh (Nguồn: Tác giả)

Từ cách tiếp cận lịch sử xã hội...

Cuốn sách bạn đang cầm trên tay không đơn giản kể về những cuộc chiến, nơi hàng vạn người lính giáp mặt nhau, chiến đấu và đem lại một chiến thắng hay thất bại. Cuốn sách này cũng không dừng lại ở việc mô tả chi tiết các con đường hành quân, các kế hoạch đột kích, những loại vũ khí trùng điệp đầy sát thương. Đây là câu chuyện về đời sống, cách thức chiến đấu, mối quan hệ trong quân ngũ, lý tưởng, sự hy sinh cũng như mục đích gia nhập quân đội của những người lính. Sử gia đồng thời là một cựu binh trong quân đội Mỹ John A. Haymond cho chúng ta thấy cả tinh thần ái quốc lẫn những lý do xoàng xĩnh khi nhập ngũ, cả sự tự nguyện lẫn sự cưỡng bức, cả lòng quả cảm lẫn sự hèn nhát, cả tình yêu lẫn lòng thù hận… chỉ trong một cuốn sách. “Những người lính” không phải bản tường thuật của phóng viên chiến trường hay báo cáo của sĩ quan gửi lên cấp trên. Nó cũng không dành nhiều dung lượng để tập hợp lại, kể lại những tự sự chắp vá, phân mảnh được cất lên nơi chiến trường. Không phải tản văn, không phải hồi ký, không phải khoa học quân sự, không phải tuyên ngôn chính trị của người lính hay sĩ quan, đây là một lịch sử xã hội, một thứ lịch sử được “nhìn từ dưới lên”. Nó gần gũi hơn, trần trụi hơn, có tính nhân văn cao cả hơn.
Quân đội Napoleon triệt thoái khỏi Nga tháng 11 năm 1812 với thương vong nặng nề gây ra bởi mùa đông băng giá (Nguồn tranh: họa sĩ Victor Adam, thế kỷ 19)
Quân đội Napoleon triệt thoái khỏi Nga tháng 11 năm 1812 với thương vong nặng nề gây ra bởi mùa đông băng giá (Nguồn tranh: họa sĩ Victor Adam, thế kỷ 19)
Ngay trong chương đầu tiên, John Haymond đã dẫn lại hàng chục lời kể hoặc hồi tưởng cá nhân từ những người đàn ông khắp châu Âu và Bắc Mỹ để cho chúng ta thấy rằng, có vô vàn lý do khác nhau thúc đẩy họ cầm súng ra chiến trường. Cậu thanh niên muốn chứng tỏ bản lĩnh, anh thợ nghèo muốn tìm cơ hội đổi đời, người khác chán cuộc sống tù túng, người khác nữa lại lo sợ chết đói giữa cơn suy sụp của nền kinh tế… Cũng không ít kẻ du thủ du thực, lừa đảo, trốn thuế, chạy nợ tham gia quân ngũ, lý do đơn giản chỉ là tìm đường sống, kiếm chác để rồi lại tiếp tục nghề cũ. Nhưng không thiếu người gia nhập những đội quân chiến đấu vì nền độc lập dân tộc, vì bảo vệ quốc gia, vì lòng trung thành với các nguyên thủ quốc gia. Một lịch sử xã hội phong phú, đa dạng, phức tạp, khó diễn giải, khó hình dung là như vậy. Niềm tin, lý tưởng, mưu mô, mánh khóe, tình yêu, thù hận, tư sản, trí thức, nông dân, người da trắng, người da màu, tình nguyện, ép buộc, vì tiền, vì miếng ăn, vì sứ mệnh… Mọi thứ được đặt cạnh nhau, tương tác, quyện hòa, làm nên một đội quân, một quân đội. Bằng cách đó, chúng ta có Grande Armée của Napoleon, có quân đội của Liên bang miền Bắc trong Nội chiến Mỹ, có quân đội Hoàng gia Anh tại chiến trường Nam Phi, có quân ANZAC ở mặt trận Gallipoli, có lực lượng hỗn hợp trong ngày D-Day tại Normandy.

... đến những trình bày chi tiết về nhiều mặt của cuộc sống binh lính

Khi một đội quân được hình thành trên nền tảng đa dạng về xuất phát điểm, sắc tộc, đức tin, trình độ giáo dục, nhận thức về trách nhiệm và khả năng sinh tồn, nó sẽ chuyển mình thành một lực lượng thiện chiến đặc biệt nếu nằm dưới quyền chỉ huy của những sĩ quan tốt, đồng thời được hỗ trợ bởi một hệ thống vũ khí, quân nhu, hậu cần đầy đủ, hiện đại. Những chủ đề này tiếp tục được thảo luận trong các chương tiếp theo, mà theo quan điểm cá nhân của người viết bài review này, không ai có thể làm tốt hơn John Haymond, kể cả những tên tuổi đình đám như Fletcher Pratt, Dorling Kindersley, William Weir hay Spencer Tucker trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử quân sự và chiến tranh cận hiện đại. Haymond đưa độc giả vào địa hạt mà ông tường tận nhất bằng việc mô tả mọi thứ “thật” nhất có thể: lưỡi lê, hỏa mai nòng trơn, khẩu súng trường rãnh xoắn Pistol, hộp đạn, thức ăn đóng hộp, lều và chỗ ngủ, ngựa chiến của kỵ binh, huân chương khen thưởng… Những vật thật đó chứng minh cho sự tiến bộ của nền kỹ nghệ quốc gia, sức mạnh của công nghiệp nặng, khả năng cung ứng vật tư, trình độ vận tải hàng hóa và thông tin liên lạc… Nó cũng nói lên khả năng tổ chức quân sự về mặt chiến lược của các cường quốc bởi không phải quân số quyết định thắng lợi mà đôi khi, việc binh lính thiếu quần áo ấm vào mùa đông hoặc xẻng đào công sự chất lượng thấp, làm đường hào bị nông ở vùng đất cứng sẽ làm nên cục diện sau cùng của trận chiến.
Những đội quân trên khắp thế giới thời cận hiện đại đã sống, chiến đấu, thậm chí hi sinh trong những điều kiện lịch sử chỉ thay đổi không đáng kể (Nguồn: Tác giả)
Những đội quân trên khắp thế giới thời cận hiện đại đã sống, chiến đấu, thậm chí hi sinh trong những điều kiện lịch sử chỉ thay đổi không đáng kể (Nguồn: Tác giả)
Chưa hết, kể cả mối quan hệ giữa các cấp chỉ huy với binh sĩ dưới quyền cũng có thể gây nên tâm lý bực bội và châm ngòi cho những vụ ẩu đả hay nổi loạn trong hàng ngũ binh lính ở mặt trận nhưng cũng có khi trở thành nguồn động viên quân đội chiến đấu hết mình. Thực tế, việc các trung sĩ chỉ huy Pháp luôn mang gươm dẫn đầu hàng quân xung phong bất chấp nguy cơ tử thương ngay trong loạt tấn công đầu tiên đã tạo nên bản sắc của lớp sĩ quan trẻ gan dạ trong quân đội Napoleon, tạo nên nỗi khiếp sợ đối với kẻ thù. Các hạ sĩ quan trong các trung đội kỵ binh Ba Lan thuộc biên chế từ quân đội đa sắc tộc của Đế quốc Áo – Hung cũng duy trì thói quen sinh hoạt chung với binh sĩ của mình, tự chăm sóc ngựa chiến của riêng mình và luôn phi nước đại trước hàng kỵ binh khi xung phong. Hình ảnh hiên ngang, gan dạ và thông minh cùng lòng bao dung và quan tâm của các sĩ quan luôn mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần binh sĩ dưới quyền. Trong một trung đội 20 người hay một sư đoàn hàng chục ngàn người, những thái độ bạc nhược, cam chịu, chán nản, sợ hãi, ghê tởm luôn song hành cùng đầu óc duy lý, nhiệt huyết, lý tưởng, sự sẵn sàng hy sinh, kiên cường.
Khi ta tìm thấy trong đất một bộ xương người, thì luôn có một thanh gươm gần nó. Đó là bộ xương của đất, một bộ xương cằn cỗi. Đó là một chiến binh
Jean Giraudoux, Cuộc chiến thành Troie sẽ không xảy ra
Cuốn sách này không đưa ra nhận định, đánh giá hay kết luận. Nó tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập một bộ khung và logic cho những mảnh ghép rời rạc, lẻ tẻ xuất phát từ lời chứng của những nhân chứng trực tiếp tham gia các cuộc chiến. Tài năng của Haymond thể hiện ở chỗ ông đã xử lý khối tư liệu khổng lồ theo cách khoa học nhất, để câu chuyện lớn mà ông kể không phải chuyện cá nhân của ai đó, cũng không phải tự sự đậm màu dân tộc chủ nghĩa của một quân đội quốc gia nào.
Trung đoàn kỵ binh Ba Lan Hussar xung phong. Đây là lực lượng tinh nhuệ và hùng mạnh bậc nhất của quân đội Napoleon (Nguồn: Tác giả)
Trung đoàn kỵ binh Ba Lan Hussar xung phong. Đây là lực lượng tinh nhuệ và hùng mạnh bậc nhất của quân đội Napoleon (Nguồn: Tác giả)
“Những người lính” không tôn vinh một đội quân cụ thể nào, không ca tụng một chỉ huy nào, không tán dương một người lính nào, cũng không chất chứa những huyền thoại, những lời đồn, những sự phóng đại. Cuốn sách đề cập mọi khía cạnh thuộc về trải nghiệm của người lính, lý do họ nhập ngũ, thái độ của họ với cuộc chiến, suy nghĩ của họ về lý tưởng, cách họ thích nghi với điều kiện khắc nghiệt túng thiếu, sự can đảm của họ, sự hy sinh của họ.
Lịch sử không ngừng tiến hóa, mọi thứ đều đổi khác sau 150 năm, nhưng số phận của những người lính trong các trận chiến suốt thời kỳ từ 1800 đến 1945 thì dường như không có nhiều thay đổi. Họ đã trở nên một phần đáng kể trong diễn trình lịch sử nhân loại cận hiện đại.