Nhờ kinh nghiệm hoặc là pha trà theo kỹ thuật mới, giờ đây với lượng trà cũ bạn có thể pha được hai bình thay vì một như trước, thậm chí chất lượng còn được đánh giá ngon hơn.
Khách hàng của quán trà đá bên cạnh cũng dần chuyển sang bạn. Trên góc độ chuyên môn, có thể nói năng lực cạnh tranh của quán trà đá nhà bạn đang được tăng lên.(Năng lực cạnh tranh là khả năng cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp đối với sản phẩm, doanh nghiệp khác trên thị trường. Nó tăng lên khi chi phí giảm, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tăng.)
Năng lực cạnh tranh tăng, kéo theo lợi nhuận hay cũng chính là thước đo giá trị gia tăng được tăng lên. Có một sự tương thích giữa năng lực cạnh tranh và năng suất. Nói cách khác, năng suất đi lên đồng nghĩa với tăng năng lực cạnh tranh.Vì vậy, suy cho cùng, muốn tồn tại và phát triển liên tục, doanh nghiệp buộc phải đẩy hiệu suất công việc của mình lên.
Có rất nhiều cách để tăng năng suất, như sử dụng công nghệ mới, máy móc thay thế nhân công, 5S, Kaizen, các công cụ tài chính… Riêng 5S và Kaizen là 2 phương pháp được người Nhật phát biểu và nâng lên tầm lý luận, tôi sẽ trình bày ở một bài khác. Trong bài viết ngắn gọn này, tôi muốn tập trung vào một số nguyên tắc tăng năng suất thông qua việc quản trị nhân sự.
Có một nghịch lý rằng, không phải cứ cắt giảm chi phí bằng cách giảm nhân công sẽ làm tăng hiệu quả. Khi bạn đã đạt được số lượng nhân công tối ưu so với việc kinh doanh, sản xuất. Nỗ lực cắt giảm nhân sự ngược lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người lao động, sự lo lắng cho tính ổn định của công việc dĩ nhiên làm ảnh hưởng đến năng suất.
Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên chính là: không nên ưu tiên việc sa thải người lao động.Thay vào đó, hãy tương tác nhiều hơn giữa các bộ phận, cố gắng tận dụng sức mạnh của làm việc nhóm và thu thập các sáng kiến từ mọi cá nhân. Đó cũng chính là nguyên tắc thứ 2: Năng suất tăng thông qua làm việc nhóm và hợp tác giữa bộ máy quản trị và người lao động.
Sẽ không có gì thúc đẩy người lao động, nhất là lao động phổ thông đóng góp trí lực cho doanh nghiệp bằng lợi ích. Câu chuyện văn hóa doanh nghiệp hay đóng góp cho những mục đích cao cả là dành cho những hồi sau. Vì thế nguyên tắc thứ ba chính là: Phân phối lợi ích từ tăng năng suất một cách công bằng.
Một sự tăng lên về năng suất được cho là tối ưu khi lợi ích hay là giá trị gia tăng của nó được chia sẻ cho tất cả các thành phần kinh tế. Bạn đọc có thể xem ảnh đính kèm để thấy sự chia sẻ sẽ phân bổ như thế nào.